NV Nguyên Ngọc: Bộ GD tìm mọi cách bảo vệ "nồi cơm" của trường công!

13/08/2011 01:35
(GDVN) - "Chưa bao giờ các trường đại học NCL rơi vào tình thế điêu đứng như năm nay" nhà văn Nguyên Ngọc nói.

(GDVN) – "Chỉ tiêu vào các trường của Nhà nước (công lập) đang ở dạng hình thức “đi buôn”, tôi còn nhớ lãnh đạo Bộ Giáo dục trước đó đã tuyên bố “đấy là nồi cơm của các trường đại học”, như vậy là giết chết các trường ngoài công lập (NCL)".

{iarelatednews articleid='10341,10335'}

Nhà văn Nguyên Ngọc, một trong những người quản lí cấp cao nhất ở một trường đại học NCL (Chủ tịch HĐQT đại học Phan Châu Trinh, Quảng Nam), cho biết năm nào trường cũng không tuyển đủ chỉ tiêu. Bằng hình thức này, hình thức khác nhưng vẫn cố tuyển sinh để duy trì. “Điều cốt yếu khiến các trường NCL luôn ở trong tình trạng thiếu sinh viên vì Nhà nước có những điều ràng buộc khiến các trường hạn chế thực hiện những điều mình muốn làm” nhà văn Nguyên Ngọc nói.

Muốn phát triển giáo dục nhưng khó vì cơ chế

Nhiều năm qua, các trường NCL thường xuyên không đủ chỉ tiêu khâu tuyển sinh đầu vào, kể cả khi đã tuyển NV2, NV3. Làm thế nào để trường NCL vượt qua những khó khăn này?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Đúng là như vậy. Chúng tôi cũng đang tìm mọi cách để lôi cuốn thí sinh. Mỗi năm Bộ giao cho trường Phan Châu Trinh 500 chỉ tiêu, nhưng năm nào tuyển cũng không đủ. Chúng tôi cũng phải dự kiến những phương án không tuyển được sinh viên. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có phương án nào cụ thể, nhưng vẫn phải tìm cách này hay cách khác để duy trì hoạt động của trường thôi, tối thiểu cũng phải tuyển được vài ba trăm gì đó vì chúng tôi cũng muốn đào tạo, nhưng chúng tôi cũng phải sống nữa chứ!

kuu
Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng, chính cơ chế có nhiều điều ràng buộc khiến các trường NCL khó phát triển.

Nhưng tôi nghĩ, vấn đề không phải là mình tuyển để dạy cho có, mà chúng tôi muốn làm gì đó tốt cho giáo dục. Tuy nhiên, một số điều mà chúng tôi muốn làm để phát triển ngành giáo dục thì vướng ràng buộc của nhà nước. Bản thân tôi đồng là chủ một ngôi trường đại học NCL, tôi đang nghĩ xem có thể và vẫn kiên định điều mà mình sắp thực hiện, làm sao lọc ra được những ràng buộc từ Nhà nước.

Ông có thể nói chi tiết hơn về hình thức mà ông và Ban giám hiệu (BDH) dự kiến làm trong thời gian tới?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Tôi cũng xin chia sẻ thế này. Bằng những thông tin tôi làm giáo dục có được, tôi sẽ mạnh dạn đào tạo theo hình thức “trung tâm”, vì bây giờ chưa có quy định gì ràng buộc về loại hình “trung tâm” cả. Nói chung, chỉ còn “kẽ hở” đó thôi, chúng tôi sẽ đẩy mạnh đào tạo theo hình thức này.

Cũng xin chia sẻ thêm, tôi nghĩ, với cách thi như bây giờ, chưa chắc các em rớt đại học là các em kém. Xã hội phát triển, các em  có xu thế tư duy độc lập, mà tư duy độc lập thường nói khác với những gì đáp án có, đấy là quan điểm của các em. Như vậy, những em có tư duy độc lập là rớt. Đó là một bất cập hiện nay, một suy nghĩ chủ quan của người làm đáp án, luôn cho rằng mình đúng.

Việc thi ĐH làm "thui chột" người giỏi!

Thưa ông, có nghĩa là, cách học, cách thi hiện nay đang làm ảnh hưởng tới nguồn tuyển sinh của các trường NCL?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Đúng vậy, kết quả thi của mình bây giờ theo kiểu áp đặt. Cho nên, chúng tôi sẽ làm cách nào đó cho các em sang năm có thể thi vào tốt hơn. Nhưng quan trọng nhất, học sinh khi đỗ đại học sẽ có những kĩ năng học đại học.

Nói thật, tôi không tán thành tên gọi là “điểm sàn”. Tại vì học sinh đã học qua 12 năm, đã thi tốt nghiệp đậu tại sao lại bắt các em thi lần nữa, về nguyên tắc, các em có quyền đi vào đại học. Các nước tiên tiến trên thế giới đều làm vậy, đâu có cần thi ĐH như Việt Nam.

Còn việc, các trường đại học nào nhận bao nhiêu là khả năng của trường đó. Thí dụ,  trường có 1000 học sinh nộp hồ sơ nhưng trường chỉ nhận 500 chỉ tiêu, thì trường sẽ có những hình thức thi hay xét tuyển. Đấy là việc của trường. Cho nên, chuyện điểm sàn là chuyện không thể chấp nhận được. Chúng tôi đã nói nhiều nhưng không ai nghe, vậy thì kì thi tốt nghiệp THPT còn ý nghĩa gì nữa.

Ông có kiến nghị gì với Bộ Giáo dục và Đào tạo về hình thức thi tuyển không?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Tôi thấy phải thay đổi về toàn bộ quan niệm thi tuyển, từ đó thay đổi toàn bộ hệ thống thi tuyển của mình. Ngay cách thi phổ thông, tôi thấy không hợp lí. Tôi có ý tưởng thế này, những học sinh học xong tới đâu phải thi ngay tới đó, cuối cùng chỉ là “lắp ráp” kiến thức lại thôi, cuối cùng thi tốt nghiệp xem toàn bộ những kiến thức qua các năm còn lưu lại trong đầu của học sinh như thế nào.

Theo tôi, cũng cần phải thay đổi cả triết lí của việc học, học xong chúng ta nên quên đi, quên kiến thức cụ thể đi, còn cái “lõi” thì nên giữ lại, giữ lại tinh thần của việc học. Tôi nói đơn giản, con người sống trên đời cũng phải biết quên đi mới sống được.

Ảnh minh họa. Xuân Trung
Ảnh minh họa.Xuân Trung

Chỉ tiêu vào các trường công lập đang ở hình thức “đi buôn”

Năm nay, theo như Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, lượng dư thí sinh để dành cho NV2, NV3 các trường NCL là rất lớn(hơn 200.000 thí sinh). Điều đó cho thấy nguồn tuyển năm nay không phải là ít?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Cũng chưa biết thế nào, đó chỉ là lí thuyết, chúng tôi cũng đang cố gắng làm. Chắc phải mươi hôm nữa mới có kết quả NV2, NV3. Chúng tôi cảm giác mệt mỏi cho vấn đề này, đáng nhẽ HĐQT và BGH thời gian hè này chỉ tập chung vào lo chuyện chất lượng đào tạo ra làm sao, cố gắng năm sau dạy tốt hơn năm trước, nhưng thực tế vẫn phải đối phó với chủ trương của Bộ.

Đại diện cho các trường NCL, ông có sáng kiến gì trong thời gian tới có thể áp dụng chung cho các trường để thu hút sinh viên?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Bản thân trường Phan Châu Trinh chúng tôi cũng đang có những hướng khác nhau để khắc phục những khó khăn. Trường Phan Châu Trinh nằm ở khu vực gần các địa điểm lớn về đào tạo như đại học Đà Nẵng, Huế, đó là những trung tâm đại học rất mạnh. Mình phải làm gì đó có nét riêng, khác đi mới tồn tại và phát triển được.

Chúng tôi dự định, tập chung đào tạo tiếng Anh cho sinh viên thật giỏi, trong khoảng 2 năm đầu nhà trường chỉ đào tạo tiếng Anh, làm thế nào để năm thứ 3 sinh viên có thể học kiến thức trên giảng đường bằng tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Vì trong xã hội này, nói đơn giản không có nghề nhưng biết tiếng Anh vẫn có thể sống được.

Theo ông, việc các trường công luôn chủ động trong khâu tuyển sinh, trong khi đó trường NCL yếu thế hơn. Phải chăng, khoảng cách quan tâm của Nhà nước tới các trường  NCL còn rất nhiều hạn chế?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Thực tế hiện nay, chỉ tiêu vào các trường của Nhà nước (công lập) đang ở dạng hình thức “đi buôn”, trong khi đó các trường công được sử dụng tiền của Nhà nước, sử dụng cơ sở của Nhà nước, sử dụng thuế của dân, còn trường NCL thì hoàn toàn tự túc.

Xuân Trung (thực hiện)