LỜI DẪN: Nhà thơ Hoàng Hưng từng nhiều năm dạy Văn ở trường phổ thông, là phóng viên báo Người giáo viên nhân dân, phụ trách mảng Văn hóa của báo Lao động.
Hiện nay ông sống tại thành phố Hồ Chí Minh, làm thơ, dịch thơ và mấy năm gần đây ông dành nhiều thời gian dịch sách tâm lý học.
Nhà thơ Hoàng Hưng là người có thể nói đầu tiên giới thiệu một cách bài bản tâm lý học Piaget vào Việt Nam.
Ông đã dịch ba cuốn quan trọng nhất của Jean Piaget về trí khôn của trẻ em: “Sự ra đời của trí khôn ở trẻ em”, “Sự hình thành biểu tượng ở trẻ em” (nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là đồng dịch giả) và “Sự cấu tạo cái thực ở trẻ em” (sách sắp ra mắt).
Mấy ngày gần đây trên mạng có nhiều ý kiến về đoạn văn được lấy làm đề thi Ngữ Văn tốt nghiệp Phổ thông Trung học Quốc gia.
Nhiều ý không đồng tình với cách dùng từ “thấu cảm” của tác giả đoạn văn, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang.
Không bàn sâu về cái hay cái dở của đề thi. Ở đây, là một người dịch sách, gần đây tập trung dịch sách Tâm lý học Giáo dục, quan tâm tới những thuật ngữ tâm lý học, tôi thử tìm hiểu về nguồn gốc và cách dùng hai từ này.
“Thấu cảm” hay “Đồng cảm”? (Ảnh: nocamels.com) |
Trước tiên, xin dẫn đoạn văn trong đó Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang giải thích từ “thấu cảm”:
“Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ.
Giống như cái lạnh thấu vào tủy hay cái đau thấu xương, thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ, và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét.
Khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là một khả năng phát triển ở những người mẫn cảm.”
Học sinh có thể soi mình trong đề Ngữ Văn hôm nay |
Thử tra cứu trên mạng, tôi bắt gặp cách dùng từ “thấu cảm” với nghĩa tương tự ở blog Tâm lý học Tội phạm:
“Nếu bạn nghĩ rằng “sự thấu cảm” (empathy) tồn tại ở mọi nơi, bạn đã đúng. Nó nở trên môi của những nhà khoa học, những giám đốc, những chuyên gia giáo dục và những nhà hoạt động chính trị.
Nhưng có một câu hỏi quan trọng mà ít người thắc mắc: Làm sao để tôi phát triển khả năng thấu hiểu của bản thân? Sự thấu hiểu, hay đồng cảm không chỉ là cách giúp bồi dưỡng nhân cách của chúng ta.
Theo các nghiên cứu mới nhất, sự thấu hiểu là một thói quen mà chúng ta có thể phát triển được để nâng cao cuộc sống.
Nhưng sự thấu cảm là gì? Đó là khả năng bạn nhập vai vào người khác nhằm hiểu được cảm xúc và quan điểm của họ và sử dụng sự thấu hiểu đó để định hướng hành động của họ.
Sự thấu cảm khác với lòng tốt hay sự thương hại. Và đừng nhầm lẫn nó với Nguyên tắc vàng: “Hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn họ đối xử với bạn”.
Như George Bernard Shaw đã nói: “Đừng đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn họ đối xử với bạn – Có thể họ sẽ có những phản ứng khác đó”. Sự thấu cảm chính là khám phá những phản ứng đó”. (Roman Krzaric)
Từ “thấu cảm” cũng được một vài từ điển Việt-Anh dịch ra tiếng Anh là “empathy”. Tra “Empathy” ở các từ điển Anh-Anh, ta thấy từ này đúng là có nghĩa đại khái như trên:
Thấu cảm: empathy. Tạm dịch: người ta thường nhầm lẫn thấu cảm với thông cảm.
Thấu cảm nghĩa là “khả năng hiểu và chia sẻ cảm nhận của người khác (chẳng hạn như tác giả có khả năng làm cho bạn cảm thấy mình thấu cảm với các nhân vật).
Trong khi thông cảm nghĩa là những cảm nhận xót thương, buồn trước sự bất hạnh của người khác (chẳng hạn ta thấy rất thông cảm với những nạn nhân của bão lụt).
Từ nguyên: empatheia, tiếng Hy Lạp (em- ‘in’ + pathos) có nghĩa là “nhập vào-cái gì gợi ra cảm xúc ở người khác; đầu thế kỷ 20 đi vào tiếng Anh thành “empathy”, tiếng Đức: Einfühlung).
Tuy nhiên, nếu tra cứu ngược cách dịch “Empathy” sang tiếng Việt, thì ta thấy từ lâu rồi, từ này vẫn được dịch là “đồng cảm”, rất rõ ràng, đơn giản, thậm chí còn được phân biệt với “thông cảm” (“sympathy”) một cách không thể lẫn.
Đơn cử:
“Empathy và sympathy là hai từ thường được dùng lẫn lộn trong bối cảnh như: nhà bị trộm, nhà có người ốm, mất việc... để chia sẻ nỗi buồn nào đó với người khác.
Ý kiến của Hiệu trưởng Trường Trưng Vương về đề thi Ngữ văn |
Nhưng hai từ này có nghĩa khác nhau, và bạn nên thận trọng khi sử dụng một trong hai từ cho đúng ngữ cảnh của nó.
Empathy hiểu nôm na là sự đồng cảm với người khác, đặc biệt khi mình từng trải qua tình cảnh tương tự.
Ví dụ: Having been late to class many times himself, the teacher had empathy on the students who was late. (Trước kia từng lên lớp muộn nhiều lần, thầy giáo rất thông cảm với những bạn đi học muộn).
Empathy có nghĩa là đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu vấn đề của họ (put yourself into someone's shoes).
Trong khi đó, sympathy là việc chia buồn với nỗi đau hoặc mất mát của người khác.
Ví dụ: - I offer my sympathy to the loss of income of the fishermen due to the pollution. (Tôi cảm thông với những thiệt hại về thu nhập của ngư dân do ô nhiễm).
Như vậy, bạn có thể thấy sự khác biệt giữa hai từ này: sympathy là sự chia sẻ nỗi đau mà một người dành cho người khác, nhưng empathy tập trung vào việc đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để thấu hiểu nỗi đau của họ.
Bạn có thể thương cảm những ngư dân, nhưng nếu chưa bao giờ sống bằng nghề chài lưới, bạn sẽ không thể có empathy với họ.
Chỉ có người từng sống chết với biển khơi và các luồng cá mới có thể làm được điều ấy (feel empathy)” (http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/hoc-tieng-anh/phan-biet-empathy-va-sympathy-3564180.html).
Ngoài ra, Từ điển Anh-Trung cũng dịch “Empathy” là “đồng tình”, “đồng cảm”. (同情;同感,共鸣): 同情: đồng tình; 同感: đồng cảm; 共鸣: cộng minh: nghĩa là cùng kêu, cùng hót, cùng gáy, cùng rống... (chữ 鸣 là giản thể của chữ鳴 là tiếng chim (bao gồm cả gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng...).
Vậy thì đặt ra “thấu cảm” làm gì để gây rắc rối? Còn rắc rối hơn, khi Tiến sĩ Đặng giải thích “thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó…”.
Vậy là ông đánh đồng từ này với “thấu hiểu”. Mà “thấu hiểu” thì từ lâu đã có nghĩa khá rõ, và ứng với từ “insight” của tiếng Anh, mang ý nghĩa về chiều sâu của cảm nhận, hiểu biết, chứ không liên quan gì đến “một ai đó” (insight /'insaɪt/: sự nhìn thấu được bên trong sự vật, sự hiểu thấu được bên trong sự vật; sự hiểu biết sâu sắc, sự sáng suốt (Từ điển Anh-Việt).
Nguyên nghĩa: Tiếng Anh Trung đại: cái nhìn nội tâm, sự sáng suốt: ‘inner sight, wisdom; tiếng Đan Mạch: indsigt; tiếng Đức: Einsicht v.v. (https://en.oxforddictionaries.com/definition/insight).
Vậy, lẽ ra Tiến sĩ Đặng nên dùng từ “đồng cảm” quen thuộc và chuẩn xác, và giải thích: “Đồng cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ… Đồng cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó…”
Tóm lại, có lẽ Tiến sĩ Đặng cũng như vài từ điển Anh-Việt, Việt-Anh không hiểu rõ ý nghĩa một số từ Hán Việt hoặc có gốc Hán.
Cho nên việc dùng từ “thấu cảm” với nghĩa như Tiến sĩ Đặng giải thích là không thỏa đáng, việc đưa nó vào đề thi Ngữ Văn Quốc gia quả là khinh xuất!