Trái ngọt giữa cuộc đời

05/09/2017 07:00
Hoàng Bạch Diệp
(GDVN) -Hình ảnh của cô giống những chú ong cần mẫn, siêng năng đang ngày đêm tích trữ những giọt mật kiến thức cho thế hệ mai sau ngày càng trưởng thành và thành công.

LTS: Với mong muốn được chia sẻ và tri ân tới người thầy của mình, tác giả Hoàng Bạch Diệp đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về một nhà giáo mẫu mực, tận tụy và tâm huyết với nghề.

Đồng thời, theo tác giả, hình ảnh cô giáo Lê Nam Linh là tấm gương cho đồng nghiệp và học sinh nể phục vì tinh thần ham học hỏi, tinh thần cầu tiến thúc đẩy cho ngành giáo dục ngày một phát triển.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Giữa những ngày hè oi bức, khi những tiếng ve râm ran chưa dứt, khi những đợt gió đua nhau ùa về khiến lòng người xuyến xao, tôi cẩn thận lật giở từng trang giáo án với tâm trạng day dứt đến lạ:

"Làm sao để có thể dạy – học một cách hiệu quả, làm sao có thể truyền dẫn cho học trò cách cảm thụ những vẻ đẹp của ngôn từ thông qua những câu chuyện, những bài học về cuộc sống để chúng thêm tin thêm yêu cuộc đời này, để sống tử tế, lương thiện".

Tôi vẫn nhớ như in lời dạy của cô giáo tôi: “dạy cách chứ không dạy cái” và quan trọng hơn dạy lối sống cho học sinh mình, để làm sao các em không mất đi sự trong sáng, lương thiện giữa cuộc đời.

Cô giáo của tôi cô Lê Nam Linh là hình ảnh người thầy mẫu mực, người giáo viên có tâm đã cho tôi những bài học cuộc sống mà có lẽ đến bây giờ tôi chỉ mới thấm nhuần được một vài phần nhỏ trong lời dạy bảo của cô.

Cô tôi thủy chung với nghề giáo, xem đó là lẽ sống, là mục đích của đời mình, cô tâm niệm và luôn xem nghề dạy học như cứu cánh của đời mình, bởi: “chỉ cần yêu một điều gì đó thì người ta có thể làm tất cả mọi thứ vì nó”.

Cô Lê Nam Linh hiện là giáo viên giảng dạy bộ môn ngữ văn tại Trường trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, trước khi trở thành giáo viên của trường cô đã từng dạy tại nhiều điểm trường: trung học phổ thông Nam Hải Lăng, trung học phổ thông Chu Văn An, trung học phổ thông Lê Lợi.

Dù giảng dạy ở bất cứ trường học nào cô Linh cũng là một tấm gương về dạy tốt, học tốt.

Lớp học Niềm Vui của cô giáo Linh được mở dạy từ năm 2009, khi cô đã mạnh dạn đề xuất với ban giám hiệu nhà trường mở lớp, đó là cái nôi nuôi dưỡng niềm đam mê vô tận với văn chương của biết bao thế hệ học trò từ khắp mọi nơi tại tỉnh Quảng Trị, là trái tim của cô giáo yêu nghề đến kì lạ.

Trái ngọt giữa cuộc đời ảnh 1

Cô giáo tài năng duyên dáng thắp lửa cho học trò nơi xứ Nghệ

Tình yêu ấy ngày càng lớn dần lên để tỏa sáng niềm đam mê văn học đến mọi thế hệ học sinh từ khắp mọi nơi, và để giữ lửa cho nó cô Linh đã tình nguyện làm người truyền dẫn, là cầu nối thắp lên niềm đam mê văn học cho thế hệ mai sau.

Trong thời đại ngày nay, khi mà một bộ phận không nhỏ học sinh, thế hệ trẻ lại ngoảnh mặt với văn chương, với những giá trị sống đích thực, mải mê chạy theo những hào nhoáng, những vinh quang bề ngoài.

Văn học để truyền dẫn được đến nhiều thế hệ thì điều quan trọng cần phải có người có tâm, có tầm, con người ấy phải là người giáo viên tận tuỵ, dành cả cuộc đời mình để giảng dạy cho học sinh cảm nhận được vẻ đẹp, cái hay cái diệu kì của văn học.

Điều diệu kì ấy chỉ có thể xảy ra khi có những người thầy giỏi như cô Linh.

Còn nhớ, để duy trì lớp phụ đạo tại Trường trung học phổ thông Lê Lợi, khi ấy cô Linh là tổ trưởng tổ văn đã miệt mài làm việc không ngừng nghỉ trong khi lớp phụ đạo chỉ có một học sinh.

Không nản lòng, cô vẫn ngày ngày đến lớp và chỉ dạy duy nhất học sinh đó, sau đó cô đưa thông tin lên mạng xã hội và nhận được sự hưởng ứng của những học sinh khác.

Học sinh đến học ngày một đông. Phương pháp dạy học của cô cũng thật lạ: “chỉ dạy cách không dạy cái”, có nghĩa là để học được môn văn điều đầu tiên các em phải có tình yêu đối với văn chương, có ý thức rèn giũa tình yêu đó mỗi ngày.

Bởi vậy để nuôi dưỡng đam mê với học sinh, mỗi khi đến lớp Niềm Vui cô Linh lại đem theo những cuốn sách văn học, thuyết trình về những cuốn sách ấy, và chỉ dẫn cho học sinh cách tiếp cận, tìm hiểu sách văn học bằng cách đưa ra những cảm nhận, những ý kiến của mình về quan điểm của tác giả qua cuốn sách.

Từ ấy, thế giới văn chương như mở rộng bao la, vô cùng diệu kì thoát khỏi thế giới chật hẹp của những tác phẩm văn học trong nhà trường.

Không những thế, cô giáo kì lạ Lê Nam Linh còn tình nguyện làm cầu nối chuyển sách văn học đến những điểm trường khó khăn tại những vùng hoang sơ của Quảng Trị.

Hình ảnh chân thực về sự tận tụy của cô giáo Linh tại lớp Niềm Vui- sự bình dị ngọt ngào giữa cuộc đời (Ảnh: tác giả cung cấp).
Hình ảnh chân thực về sự tận tụy của cô giáo Linh tại lớp Niềm Vui- sự bình dị ngọt ngào giữa cuộc đời (Ảnh: tác giả cung cấp).

Bằng nỗ lực không mệt mỏi, cô giáo Linh đã ngày đêm tham gia Chương trình sách hóa nông thôn, một chương trình phi lợi nhuận đem tri thức đến những vùng miền xa xôi.

Cô cùng với anh Lê Minh Tuấn là Mạnh Thường Quân đã tặng hơn 84 tủ sách cho 16 trường tiểu học và trung học cơ sở.

Khi về công tác tại Trường trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, nhờ vào danh tiếng trong quá trình giảng dạy lâu năm, lại có nhiều học trò cũ thành đạt, nhiệt tình giúp đỡ, cô Nam Linh đã tình nguyện làm người trao truyền học bổng được tài trợ từ những cựu học sinh thành đạt của trường đến các em học sinh nghèo vượt khó nhưng hiếu học của trường mình.

Thành quả và sự nỗ lực ấy của cô khiến nhiều người nể phục không phải ở số tiền học bổng được trao truyền mà ở sự quan tâm, sự lo lắng, sự cảm mến những học trò nghèo, quan trọng hơn điều đó xuất phát từ trái tim vàng của một giáo viên tận tâm với nghề, luôn tâm niệm với phương châm giáo dục mà mình cống hiến suốt đời: “giáo dục phải xuất từ tình yêu thương chân thành”.

Trường trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn là trung tâm giáo dục lớn của tỉnh nhà, nơi đào tạo và nuôi dưỡng những tài năng của tỉnh, với đội ngũ giáo viên giỏi, tâm huyết trường là nơi hội tụ rất nhiều nhân tài trong đó có những học sinh đến từ những vùng miền rất khó khăn, để được học tập, được phát triển ước mơ của mình các em đã phải nỗ lực, rèn luyện ngày đêm.

Hình ảnh cô Lê Nam Linh. (Ảnh chụp màn hình: từ kênh Youtube Lớp học niềm vui).
Hình ảnh cô Lê Nam Linh. (Ảnh chụp màn hình: từ kênh Youtube Lớp học niềm vui).

Thấu hiểu được điều đó, cô Linh đã vận động các "mạnh thường quân" giúp đỡ, hỗ trợ những suất cơm miễn phí qua cách phát phiếu cơm, cô cũng đã đấu giá những cuốn sách quý hiếm của mình rồi dùng số tiền đó mua phiếu cơm giúp đỡ những học sinh nghèo vượt khó.

Vì những cống hiến những nỗ lực như trên nên cô giáo Lê Nam Linh đã được Lãnh đạo các cấp khen thưởng, các đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh đồng tình, ủng hộ.

Các cơ quan truyền thông như: QTV, VTV, báo Lao động, báo Công An Nhân Dân, báo Giáo dục và thời đại, báo Dân Trí...ca ngợi cô là một người tốt, một giáo viên mẫu mực trong xã hội.

Cô Lê Nam Linh cùng anh Lê Minh Tuấn – mạnh thường quân trong chương trình Sách hóa Nông thôn tại các điểm trường để trao tặng sách cho học sinh vùng khó.

Không chỉ có trái tim vàng lo lắng cho học sinh, không chỉ tâm huyết với nghề mà cô giáo Linh còn giỏi nghề, lão luyện trong nghề dạy của mình.

Trong nghề nghiệp cô giáo Linh là một giáo viên tận tụy, chuẩn mực, cô luôn là giáo viên đi đầu trong các sáng kiến kinh nghiệm:

Còn nhớ năm 2007 khi mạng internet chưa phát triển, cô là người tiên phong mở blog “Nụ Cười” trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp.

Tại blog này cô đã xây dựng kho tư liệu về kiến thức, tài liệu ngữ văn, các phương pháp giảng dạy ngữ văn với các đồng nghiệp xa gần trong và ngoài tỉnh với mục đích gửi truyền kiến thức văn học đến mọi nơi và tìm kiếm những người quan tâm, đam mê với văn học đặc biệt là với học sinh.

Không những thế, cô Linh còn tiên phong trong giảng dạy online cho học sinh khuyết tật trong tỉnh, người học trò đầu tiên của cô là chị Trần Trà My xuất thân từ gia đình nghèo khó, chị khuyết tật từ nhỏ.

Hiện nay, chị đã thành công với công việc văn chương của mình khi liên tục cho ra đời tập sách được bạn trẻ mến mộ: Giấc mơ đôi chân thiên thần, Yêu trên từng ngón tay...

Hình ảnh cô Lê Nam Linh và cô học trò thành đạt Trần Trà My (Ảnh chụp màn hình: từ kênh Youtube Lớp học niềm vui).
Hình ảnh cô Lê Nam Linh và cô học trò thành đạt Trần Trà My (Ảnh chụp màn hình: từ kênh Youtube Lớp học niềm vui).

Quả thật với một giáo viên sáng tạo, yêu nghề thì không gì là không thể!

Trong thời điểm mạng xã hội, internet chưa phát triển, cô Linh đã mạnh dạn lập thư viện điện tử với nhan đề: “Hệ thống tư liệu phục vụ cho việc giảng dạy bộ môn Ngữ Văn ở trường Trung học phổ thông”.

Đây được xem là thư viện online khoa học dễ dàng tìm kiếm, hữu ích, thiết thực cho việc giảng dạy của giáo viên, thư viện liên tục  được cập nhật, bổ sung và sẵn sàng chia sẻ những tài liệu hay, quý đến bạn đọc gần xa.

Những đóng góp trong ngành giáo dục của cô giáo Lê Nam Linh đã được lãnh đạo công nhận khi cô liên tục đạt được những thành tích xuất sắc trong giảng dạy:

"Nhiều năm liền được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở, cô đã được nhận bằng tuyên dương công nhận Lao Động Sáng Tạo 05 năm của Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân dân tỉnh Quảng Trị, đạt giáo viên xuất sắc trong ứng dụng công nghệ thông tin giỏi trong dạy học, cô từng đạt giải ba quốc gia về Dạy Học tích hợp...và những thành tích xuất sắc khác mà cô đã âm thầm đóng góp cho ngành giáo dục".

Cô giáo Lê Nam Linh là tấm gương cho đồng nghiệp và học sinh nể phục vì tinh thần ham học hỏi, tinh thần cầu tiến thúc đẩy cho ngành giáo dục ngày một phát triển.

Từ những hình ảnh giản dị đời thường của cô Linh chúng ta nghĩ đến hình ảnh một người thầy đang làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ để góp đẹp cho đời.

Hình ảnh của cô khiến tôi nhớ đến hình ảnh những chú ong cần mẫn, siêng năng đang ngày đêm tích trữ những giọt mật kiến thức để cho thế hệ mai sau ngày càng trưởng thành, thành công khi theo đuổi những đam mê của mình.

Bài viết thể hiện cách hành văn và góc nhìn của tác giả.

Hoàng Bạch Diệp