LTS: Trao đổi với các chuyên gia VNEN của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tác giả Nguyễn Nguyên gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết mới.
Bài viết này tác giả đặt vấn đề về giá sách VNEN đắt "bất thường", cũng như cách bán độc quyền tài liệu này mà tác giả cho là một trong những nguyên nhân, động lực chính để triển khai ồ ạt, rộng khắp VNEN.
Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi bài viết và cảm ơn tác giả Nguyễn Nguyên! Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.
Chúng tôi mong tiếp tục nhận được các ý kiến thảo luận để làm rõ các vấn đề bài viết này nêu ra. Trân trọng!
Sau bài viết Có phải thầy Đặng Tự Ân đang “vừa đá bóng, vừa thổi còi”? của cô Thuận Phương, tôi nhận thấy rằng "bức tranh VNEN" đang dần trở nên rõ hơn khi có sự đối chiếu, so sánh các thông tin liên quan. [1]
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin đề cập một vấn đề khác mà người viết nghĩ rằng:
Đây mới là động lực chính để các nhà dự án VNEN quyết liệt theo đuổi việc triển khai mô hình này bằng mọi cách (ngồi học theo "mâm", theo kiểu chữ U, chữ L, hàng ngang, lớp đông lớp thưa đều được...).
Trước khi đi vào phân tích vấn đề lợi ích trong cung cấp sách VNEN, nhân vấn đề và câu hỏi cô Thuận Phương đặt ra với thày Đặng Tự Ân - nguyên Chuyên gia trưởng Dự án VNEN và thạc sĩ Lưu Vũ Thùy Linh, Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, người viết cũng xin đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ mấy thông tin "liên quan đến Bộ".
Báo Giáo dục và Thời đại ngày 1/8 dẫn lời thày Đặng Tự Ân nói rằng:
"Ngân hàng Thế giới đã có báo cáo đánh giá tác động dự án này rất công phu. Hôm qua chúng tôi mới nhận được và đang xin ý kiến lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai bản đánh giá này.” [2]
Vậy đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, thày Ân có "xin ý kiến" Bộ không, và Bộ trả lời như thế nào?
Thầy Ân và cộng sự (thầy nói là "chúng tôi", và thực tế bản dịch báo cáo đánh giá tác động VNEN do Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông cung cấp cho báo chí) nếu được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép công bố, thì họ làm việc này với tư cách / vai trò gì?
Bởi lẽ Dự án GPE-VNEN đã khép lại, thì đương nhiên chức danh Chuyên gia trưởng Dự án GPE-VNEN cũng trở thành "nguyên" Chuyên gia trưởng Dự án GPE-VNEN.
Hai là, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ Giáo dục tiểu học là một bên thực hiện dự án, vẫn đang tiếp tục cho áp dụng VNEN trên 4800 trường tiểu học tại 58 tỉnh, tại sao Bộ / Vụ không công bố báo cáo này, mà phải qua thầy Đặng Tự Ân?
VNEN “bôi ra” từ sách giáo khoa hiện hành (sách 2000), bán đắt gấp ba lần “nguyên bản”
Các chuyên gia xin đừng vội đánh đồng VNEN với đổi mới giáo dục |
Nội dung sách VNEN không có gì khác so với sách hiện hành (sách của Chương trình 2000) đã được nhiều nhà quản lý, chuyên gia dự án VNEN khẳng định, kể cả bằng công văn giấy trắng, mực đen, dấu đỏ.
Công văn 4250/BGDĐT - GDTH ban hành ngày 04/07/2012 do Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Lê Tiến Thành ký, cho biết:
“Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được từ Quỹ hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên hiệp quốc tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam 84,6 triệu đô la để đầu tư cho Giáo dục tiểu học xây dựng Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam.
...Dự án được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố; thí điểm tại 1447 trường tiểu học (chi phí cụ thể: phát triển tài liệu 1,78 triệu; tập huấn và cung cấp tài liệu 24,3 triệu, hỗ trợ các trường 47, 09 triệu, quản lí và truyền thông 6, 75 triệu).
Dự án ưu tiên vùng khó khăn, tập trung đổi mới sư phạm, đổi mới tổ chức và phương pháp dạy học, bồi dưỡng giáo viên, giữ nguyên nội dung sách giáo khoa, chuẩn kiến thức kĩ năng theo chương trình hiện hành và không có xây dựng cơ bản."
Sách hướng dẫn học VNEN “giữ nguyên nội dung sách giáo khoa (hiện hành)” đã đành, việc chia nội dung sách 2000 thành các hoạt động theo mô hình VNEN, thiết nghĩ cũng đã có phần của 1,78 triệu đô la Mỹ.
Vậy cớ gì sách VNEN đắt gấp 3 lần sách giáo khoa hiện hành?
Cụ thể xin mời quý bạn đọc theo dõi bảng so sánh 2 bộ sách chúng tôi lập ra dưới đây:
Bảng so sánh sách VNEN và sách giáo khoa 2000. |
Thày giáo Lê Văn Vỵ ở Hà Tĩnh cho biết:
“Tôi thì thấy dạy theo VNEN thật quá tốn kém cho học sinh, một cuốn sách giáo khoa chỉ hơn chục nghìn nhưng được các nhà biên soạn “bôi” ra thành 4 cuốn, nội dung kiến thức vẫn như cũ, tốn kém gấp mấy lần.” [3]
Chúng tôi nhận thấy, mặc dù từ “bôi ra” của thầy Vỵ tuy chua chát, nhưng là sự thật.
Ví dụ:
2 cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 (tập 1 và tập 2) có giá 13.000 VNĐ + 12.700 VNĐ = 25.700 VNĐ, sang VNEN được "bôi ra" thành 4 cuốn:
Hướng dẫn học Tiếng Việt 5/1 A (31.000 VNĐ) + Hướng dẫn học Tiếng Việt 5/1 B (25.500 VNĐ) + Hướng dẫn học Tiếng Việt 5/2 A (30.000 VNĐ) + Hướng dẫn học Tiếng Việt 5/2 B (20.000 VNĐ).
Tổng cộng giá 4 cuốn sách này là 106.500 VNĐ.
Như vậy chỉ bằng một việc "bôi ra" như thế này, phụ huynh có con học VNEN lớp 5 đã phải bỏ thêm 106.500 - 25.700 = 80.800 (VNĐ) cho 1 môn Tiếng Việt.
Tình trạng "bôi ra" tương tự Toán lớp 5, từ 1 cuốn sách giáo khoa 2000 thành 4 cuốn hướng dẫn học VNEN, chênh lệch giá thành lên tới:
(20.000 + 18.500 + 17.500 + 21.000) - 10.700 = 66.300 VNĐ.
Những cuốn sách khác, quý phụ huynh có con học VNEN có thể tự tính được, xin không nêu thêm ra đây.
Xin lưu ý rằng, bộ sách VNEN so với Chương trình 2000 (đang còn hiệu lực) còn thiếu nhiều. Cụ thể:
Lớp 4 VNEN còn thiếu 4 môn (Âm nhạc, Mĩ thuật, Đạo đức, Kĩ thuật); Lớp 5 VNEN còn thiếu 4 môn (Âm nhạc, Mĩ thuật, Đạo đức, Kĩ thuật);
Lớp 6 VNEN thiếu 2 môn (Âm nhạc và Mỹ thuật, Tiếng Anh); Lớp 7 VNEN thiếu 2 môn (Âm nhạc và Mỹ thuật, Tiếng Anh).
Sách VNEN chưa có các môn này, nên học sinh VNEN ngoài bộ sách hướng dẫn học giá cao ngất ngưởng như trên, còn phải mua thêm sách giáo khoa hiện hành các môn còn thiếu.
Tiền bán sách chảy vào túi ai?
Theo Báo cáo Tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Nguyên Chuyên gia trưởng VNEN nhận xét gì về báo cáo của Ngân hàng Thế giới? |
Năm học 2016 - 2017, cả nước có 4.393 trường tiểu học (tỉ lệ 29,2%) với 1.542.863 học sinh tiểu học (tỉ lệ 19,8%) theo mô hình VNEN.
Giá bình quân 1 bộ sách VNEN tiểu học là 212.325 VNĐ, tổng tiền thu được từ bán sách VNEN tiểu học ước chừng:
1.542.863 x 212.325 = 327,588,386,475 VNĐ.
Đối với khối trung học cơ sở, theo thống kê đầu năm học 2016-2017, số trường thực hiện mô hình trường học mới đối với lớp 6 là 1778 trường, đối với lớp 7 là 1782 trường.
Cứ lấy con số thấp nhất là 1778 trường trung học cơ sở dạy VNEN ở 2 khối lớp 6, lớp 7; mỗi khối chỉ lấy 1 lớp học VNEN;
Sĩ số bình quân phù hợp với VNEN ở trung học cơ sở theo chỉ đạo tại Công văn số 3459/BGDĐT-GDTrH ngày 8/8/2017 là không quá 45 học sinh/lớp;
Giá bình quân 1 bộ sách VNEN lớp 6, lớp 7 là 304 ngàn VNĐ, thì số tiền thu được từ bán sách VNEN lớp 6, lớp 7 ước khoảng:
1.778 x 2 x 45 x 304.000= 48.646.080.000 VNĐ.
Tổng cộng tiền bán sách VNEN cả 2 khối tiểu học và trung học cơ sở ước tính: 327,588,386,475 VNĐ + 48.646.080.000 VNĐ = 376.234.466.475 VNĐ.
Xin được lưu ý rằng, những con số nêu ra tại đây chỉ là “tạm tính” dựa trên các số liệu đã công khai, nhưng có lẽ thực tế cũng phải “tròm trèm” gần 400 tỉ đồng mỗi năm.
Con số này sẽ còn tăng lên khi số trường "đăng ký" học VNEN năm học 2017 - 2018 tăng hơn năm trước với cách làm hiện nay.
Vấn đề cần đặt ra ở đây là, ngoài giá cao bất thường gấp 3 hoặc hơn 3 lần giá sách giáo khoa hiện hành trong khi nội dung chép từ sách 2000, sách VNEN lại được bán độc quyền bằng đường dây khép kín của ngành giáo dục.
Tức là trước năm học mới, các trường học VNEN hoặc sẽ học VNEN sẽ nhận được công văn yêu cầu lập danh sách số lớp, số học sinh đăng ký mua tài liệu “hướng dẫn học”.
Ông Vũ Bá Khánh, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Giáo dục Hà Nội |
Danh sách được lập từ giáo viên chủ nhiệm lên hiệu trưởng, trưởng phòng, giám đốc sở, về Bộ hoặc về thẳng công ty phát hành sách thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Tuy nhiên, quý bạn đọc sẽ không thể biết các công văn này, vì nó chỉ được chuyển “theo đường nội bộ”.
Ngay cả giáo viên chủ nhiệm đứng ra thu tiền sách VNEN cũng chưa chắc được phép nhìn thấy “mặt mũi” của chúng.
Xin mời quý bạn đọc theo dõi một phần nội dung công văn bán sách VNEN từ một công ty cổ phần sách và thiết bị dạy học, vì lý do cá nhân chúng tôi không tiện nêu tên:
"Thực hiện chủ trương của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không để học sinh thiếu sách khi khai giảng và đáp ứng kịp thời sách theo mô hình trường học mới ở Việt Nam (VNEN) năm học 2017-2018, Công ty cổ phần Sách & Thiết bị giáo dục... giới thiệu đến quý Phòng Giáo dục, các trường Tiểu học, Trung học cơ sở nhằm rà soát các đối tượng học sinh sử dụng và có kế hoạch đặt sách VNEN cho năm học 2017-2018 để Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức in và cung ứng kịp đầu năm học mới.
Các đơn vị nên đặt trọn bộ sách sử dụng cả năm học vì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chỉ in 1 lần vào đầu năm học, không in bổ sung tập 2 ở học kỳ 2.
Thời gian gởi bảng đặt mua (có ký tên đóng dấu của lãnh đạo Phòng Giáo dục hoặc Ban Giám hiệu) trước ngày .../5/2017. Những bảng đặt hàng gởi sau thời gian trên sẽ nhận sách trễ, không kịp thời gian nhập học.
Theo thông báo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, sách VNEN lớp 6 và lớp 7 năm học 2017-2018 có chỉnh lý so với năm học 2016-2017 vì thế cần đề phòng các nơi chào bán sách cũ không sử dụng được."
Được biết hiện nay đơn vị độc quyền phát hành sách VNEN là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội.
Đây là Công ty thành viên của Nhà xuất bản Giáo dục và thành lập theo Quyết định số 310/QĐ TCNS ngày 23/03/2007 của Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhà xuất bản Giáo dục. [4]
Ông Vũ Bá Khánh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Giáo dục Hà Nội hôm 1/8 vừa qua nói với báo giới:
Công ty thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bắt tay vào việc chuẩn bị làm bộ sách mới này từ hơn một năm nay.
Tổng số người tham gia là 156 người, bao gồm các nhà khoa học, giáo sư, phó giáo sư, thạc sỹ và giáo viên đã đứng lớp giảng dạy theo mô hình VNEN.
Thậm chí, sách cũng đã được đơn vị này dạy thử nghiệm ở một số nơi. [5]
Từ trái qua phải: Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, ông Vũ Bá Khánh và ông Đặng Tự Ân tại tọa đàm, trao đổi về tình hình triển khai chương trình trường học mới VNEN do Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội tổ chức ngày 1/8/2017 tại Hà Nội. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân. |
Nhưng cho đến nay, các tài liệu hướng dẫn học VNEN từ lớp 2 cho đến lớp 7, lớp 8 vẫn là sách thử nghiệm, không có tác giả (không ghi tên chủ biên và các thành viên biên soạn), chỉ ghi trên bìa:
Bộ Giáo dục và Đào tạo; Vụ Giáo dục tiểu học; Dự án Mô hình Trường học mới Việt Nam.
Từng dạy học nhiều năm, chúng tôi chưa bao giờ thấy những cuốn sách dạy cho học sinh lại không tên tác giả.
Trong trường hợp có sai sót về nội dung, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Quan trọng hơn, tiền thu từ bán sách VNEN lên tới mấy trăm tỉ đồng mỗi năm sẽ về tay ai? Bởi không ghi rõ tác giả thì lấy đâu căn cứ chi trả tiền nhuận bút / bản quyền?
5 câu hỏi gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
Chúng tôi cũng xin mạo muội đặt câu hỏi với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mấy vấn đề sau:
Một là, căn cứ vào đâu để Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam định giá sách VNEN đắt gấp 3, hơn 3 lần sách giáo khoa hiện hành, trong khi nội dung chép từ sách 2000?
Hai là, tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bán sách VNEN qua hệ thống công ty, đại lý sách và thiết bị trường học trên cả nước như vẫn bán sách 2000, mà bán theo hệ thống quản lý ngành dọc, khép kín?
Ba là, với cách phát hành và bán sách độc quyền khép kín theo ngành dọc như thế này, làm cách nào để Bộ Giáo dục và Đào tạo ngăn ngừa tiêu cực phát sinh, ví dụ như dùng "% hoa hồng" để tác động vào quyết định tiếp tục VNEN tại các địa phương?
Bốn là, đơn vị phát hành độc quyền sách VNEN lại là một công ty cổ phần, xin Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vui lòng cho dư luận được biết:
Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học kiêm Giám đốc Dự án VNEN Lê Tiến Thành và Phạm Ngọc Định, nguyên Chuyên gia trưởng VNEN Đặng Tự Ân có "cổ phần" trong Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội hay không?
Đây là những vị "có công đầu" trong việc triển khai mô hình VNEN ồ ạt ra 63 tỉnh thành trên cả nước chỉ sau 1 năm thí điểm.
Hơn nữa dù đã về hưu, ngoài nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thì 4 thày còn lại đang trở thành những "lá cờ đầu" trong việc động viên, thúc đẩy triển khai nhân rộng VNEN, cho dù thực tiễn có nhiều bất cập.
Năm là, lợi nhuận thu được từ bán sách VNEN những năm qua là bao nhiêu? Nộp ngân sách nhà nước bao nhiêu? Bao nhiêu chia cho các cổ đông?
Có cổ đông nào là các nguyên cán bộ lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ Giáo dục tiểu học, Dự án GPE-VNEN hay người nhà của họ? Nếu có, thì các cổ đông này được chia bao nhiêu?
Khi chưa có câu trả lời chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về các vấn đề chúng tôi nêu ra, cá nhân người viết cho rằng, sẽ khó tránh khỏi những "xì xào" về “động lực”, “sức sống” cũng như tốc độ “phủ sóng” của VNEN nằm ở tiền bán sách.
Tài liệu tham khảo:
[2]http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/luon-dong-hanh-cung-vnen-3613488.html
[3]http://infonet.vn/voi-mo-hinh-vnen-bo-gddt-dang-mang-con-bo-cho-post232413.info
[4]http://s.cafef.vn/hastc/EID-cong-ty-co-phan-dau-tu-va-phat-trien-giao-duc-ha-noi.chn
[5]http://www.vietnamplus.vn/se-co-bo-sach-giao-khoa-vnen-theo-chuong-trinh-giao-duc-moi/459003.vnp