LTS: Xung quanh 2 môn "tích hợp" mới ở cấp trung học cơ sở mà các chuyên gia biên soạn chương trình giáo dục phổ thông đề xuất, thầy giáo Nguyễn Nguyên gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài chia sẻ tiếp theo về góc nhìn của thầy.
Tòa soạn trân trọng gửi đến quý bạn đọc bài viết này và mong tiếp tục nhận được các bài viết trao đổi, ngõ hầu làm sáng tỏ vấn đề. Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Việc môn học Lịch sử và Địa lí ở cấp trung học cơ sở hiện hành sẽ “tích hợp” thành môn học Lịch sử và Địa lí ở cấp trung học cơ sở đã nhận được rất nhiều quan tâm của các thầy cô giáo đang giảng dạy và bạn đọc trong cả nước.
Chính vì vậy mà trong thời gian qua đã có nhiều bài viết trao đổi qua lại được đăng tải trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Trong khi, các nhà biên soạn sách giáo khoa chủ trương gộp 2 môn học này lại thành 1 mà không đưa ra được lý do và dẫn chứng thuyết phục về cái sự “tích hợp” ấy, vẫn 1 sách 2 thầy, rất nhiều ý kiến phản đối kiểu tích hợp cơ học gây khó khăn cho cả thầy và trò.
Hình minh họa, nguồn: elearning.moet.edu.vn |
Vì vậy, sau khi đọc bài viết "Cơ hội cuối cùng để đổi mới giáo dục Lịch sử" đăng trên Báo Vietnamnet ngày 10/12/2017, chúng tôi muốn tiếp tục được trao đổi thêm về môn học “tích hợp” này.
Cố gò 2 môn độc lập vào 1 sách
Chúng tôi nhận thấy giáo sư Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, là Chủ biên chương trình môn Lịch sử mới đã trình bày khá kĩ về nội dung môn Lịch sử ở cả 3 cấp học.
Ông cho rằng lần thay đổi này là “cơ hội cuối cùng để đổi mới giáo dục Lịch sử”. Thế nhưng, những trả lời khá dài của giáo sư Tung vẫn chưa giải đáp được thắc mắc của chúng tôi, sao lại phải dồn 2 môn vào 1 sách?
Những năm qua, môn Lịch sử hiện hành được triển khai ở các cấp học phổ thông còn nhiều bất cập.
Những nhà viết Sử vẫn nặng về những kiến thức hàn lâm, học sinh tiếp cận môn Lịch sử cứ như là đi vào ma trận sự kiện và số liệu nên dẫn đến tình trạng chán Sử, không nắm bắt được những vấn đề lịch sử một cách tường tận.
Chẳng hạn như Lịch sử lớp 4 hiện hành rất nặng về kiến thức. Các em học sinh mới 10 tuổi đầu mà phải học 29 bài lịch sử kéo dài suốt hàng ngàn năm từ trước Công nguyên đến triều đại nhà Nguyễn đầu thế kỉ XIX.
Trong đó, các bài học đã tái hiện thời kì dựng nước và bảo vệ đất nước với hàng chục triều đại, hàng loạt các anh hùng dân tộc cùng các cuộc kháng chiến thì làm sao các em học sinh lớp 4 có thể nhớ và thẩm thấu được những nội dung sau mỗi bài học?
Chính vì vậy mà việc thay đổi sách giáo khoa lần này, dư luận đang kì vọng về một sự thay đổi trong cách viết, cách dạy và cách tiếp cận nhằm hạn chế tối đa những bất cập của môn Lịch sử hiện hành.
Theo thiết kế chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, ở bậc trung học cơ sở 2 môn Lịch sử và môn Địa lí sẽ được “tích hợp” thành 1 môn Lịch sử và Địa lí.
Giáo sư Phạm Hồng Tung trả lời Báo Điện tử VietnamNet về vấn đề “tích hợp” này như sau:
“Ở trung học cơ sở, môn Lịch sử và Địa lý là môn học tích hợp, nhưng ở mức độ tương đối thấp, có thể gọi là phối hợp giữa hai phân môn khá độc lập.
Chỉ có một số chủ đề tích hợp như: Biển Đông gồm kiến thức tổng hợp về nhiều vấn đề, như địa lý biển, kinh tế biển, lãnh hải, việc xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo” [1].
Chúng tôi không hiểu nổi, thế nào là “phối hợp giữa 2 phân môn khá độc lập”? Việc này nhằm giải quyết vấn đề gì, khi vẫn môn ai người nấy dạy?
Xin hỏi tiếp Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về “tích hợp” 1 sách 3 thầy |
Nếu như tích hợp từ 2 môn học thành 1 môn học để có thể đơn giản hóa môn học, tăng chất lượng dạy và học mà giảm được biên chế cho ngành giáo dục thì có lẽ chúng tôi sẽ nhất trí hoàn toàn.
Tuy nhiên, việc gộp 2 môn học hiện hành để thành 1 môn học mà ngay cái tên vẫn hàm chứa 2 môn học là Lịch sử và Địa lí, vẫn là 2 người dạy độc lập thì đây là một điều những giáo viên đứng lớp như chúng tôi không thể nào yên tâm và đồng tình được.
Kiểu “tích hợp” lạ đời này giống như chuyện 2 anh em đang có 2 ngôi nhà riêng lẻ, sống độc lập nhau, rồi cha mẹ yêu cầu bán 2 ngôi nhà này đi để mua một ngôi nhà mới để cùng ở chung với nhau.
Nhưng chỉ ở chung một nhà còn mọi sinh hoạt hàng ngày vẫn độc lập, vẫn riêng biệt. Cả năm họa chăng 2 gia đình ấy ăn chung với nhau một vài bữa giỗ…rồi thôi.
Chúng tôi xin nhấn mạnh là việc gộp 2 môn học lại với nhau, mỗi thầy dạy mỗi phân môn, số lượng tiết học cho mỗi phân môn khác nhau thì khi kiểm tra định kì và tính điểm trung bình môn của học kì, năm học cực kì phức tạp.
Các thầy viết chương trình đang phức tạp hóa những vấn đề đơn giản và sẽ dẫn đến vô vàn mâu thuẫn giữa người này, người kia.
Số tiết của chương trình mới thì môn học này có 105 tiết/năm, điều này cũng đồng nghĩa mỗi tuần có 3 tiết.
Như vậy, sẽ có phân môn nhiều, phân môn ít tiết hơn và dĩ nhiên sẽ khó khăn trong phân công giảng dạy và cách kiểm tra, cho điểm mỗi phân môn.
Vô tình, quý thầy biên soạn chương trình mới sẽ phá vỡ mạch chủ đạo xuyên suốt của môn học và đẩy sự phức tạp về cơ sở và thầy cô giáo đứng lớp!
Chúng tôi đã đọc và tham khảo cuốn sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí lớp 4 (có tên gọi giống với cấp trung học cơ sở tới đây), điều chúng tôi nhận thấy là 2 phần Lịch sử và Địa lí được các tác giả viết hoàn toàn riêng biệt.
Phần Lịch sử trình bày trước ở nửa đầu cuốn sách với 29 bài học, phần Địa lí trình bày ở nửa sau với 32 bài học.
Chúng tôi cũng cố tìm những gì đã “tích hợp” trong 2 phân môn này của cuốn sách nhưng hình như những nội dung tích hợp rất mờ nhạt mà có chăng cũng chỉ là sự minh họa trong các bài lịch sử là một số các bản đồ và tên các địa danh mà thôi.
Trong khi, thời khóa biểu cấp tiểu học xếp 2 tiết của môn học này lại phân ra 1 tiết Lịch sử và 1 tiết Địa lí.
Vậy rõ ràng người viết sách và người thực hiện công việc phân công và giảng dạy đều có chủ ý sắp xếp độc lập nhau từng phân môn riêng biệt. Chỉ có 1 cái chung duy nhất là tên môn học được minh họa ở bìa sách.
Chẳng lẽ, đó là “tích hợp” sao?
Đẩy "quả bóng tích hợp" xuống giáo viên là phản khoa học và vô trách nhiệm
Theo sự lí giải của giáo sư Tung thì việc bố trí giáo viên dạy môn học này như sau:
Mong quý thầy làm chương trình, sách giáo khoa mới trung thực, trách nhiệm |
“Giải pháp trước mắt vẫn phải 2 giáo viên dạy 1 môn, thậm chí môn Khoa học tự nhiên phải 3 người dạy.
Rồi mỗi năm sẽ phân công một giáo viên phụ trách, ví như lớp 6 là giáo viên Lịch sử, lớp 7 là giáo viên Địa lý, để bàn với giáo viên phân môn kia rồi phân công dạy, kiểm tra, đánh giá…
Điểm kiểm tra trước mắt vẫn phải lấy trung bình cộng. Dần dần sẽ có giải pháp tốt hơn khi các điều kiện sẵn sàng". [1]
Giải pháp tốt hơn là giải pháp nào? Điều kiện sẵn sàng là điều kiện gì, thưa quý thầy? Tóm lại vẫn là môn ai người nấy dạy.
Vấn đề này trước đây cũng đã được giáo sư Nguyễn Minh Thuyết lí giải như sau:
“Trong điều kiện các trường Trung học cơ sở ở nước ta chỉ có giáo viên dạy đơn môn thì giáo viên môn nào sẽ vẫn dạy nội dung liên quan đến môn đó; còn về chủ đề tích hợp thì nội dung chủ đề thiên về môn học nào, giáo viên môn đó sẽ dạy.
Ví dụ, chủ đề “Biển đảo Việt Nam” gồm cả kiến thức lịch sử, địa lý, nhưng nếu nội dung chủ yếu nói về chủ quyền biển đảo thì giáo viên môn Lịch sử sẽ đảm nhiệm” [2].
Rõ ràng, cả thầy Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới và 2 Chủ biên 2 môn học "tích hợp" mới đều đã thừa nhận, Sử và Địa, Lý - Hóa - Sinh độc lập với nhau, chẳng có lý do nào thuyết phục cho việc "tích hợp" chúng vào một sách.
Nhưng các thầy thì vẫn "tích hợp" bằng cách gom 2 hoặc 3 môn này lại, còn dạy thế nào là việc của giáo viên.
Còn nếu chủ ý người biên soạn sách muốn giáo viên dạy trái môn như vậy thì giáo viên phải chấp nhận nhưng chắc chắn là dạy theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, quay về thời kì đọc-chép.
Tất nhiên, học sinh học với những thầy cô ‘trái môn” như vậy sẽ lãnh đủ. Lúc đó, cách hiểu, cách nghĩ chuyện Quang Trung-Nguyễn Huệ là 2 anh em sẽ không còn là chuyện hiếm!
Đừng biến học trò cấp 2 thành cử nhân Sử học
Từ lâu, mục tiêu giáo dục phổ thông là trang bị cho các em những kiến thức phổ thông cần thiết. Những kiến thức chuyên sâu chỉ dành cho khi các em vào học ở các chuyên ngành hẹp ở các trường đại học và cao đẳng.
Vì thế, chúng tôi lo thay cho cả thầy và trò sẽ phải nhồi nhét biết bao kiến thức ngay từ cấp 2 khi giáo sư Tung- Chủ biên môn Lich sử chia sẻ:
Kiến nghị Quốc hội giám sát việc phát hành, phân phối sách giáo khoa |
“Cấp trung học cơ sở, toàn bộ Chương trình dành để trang bị nền tảng tri thức thông sử, tức là giúp học sinh có được tri thức cơ bản, cốt lõi, hệ thống nhất.
Trên cơ sở đó, hình thành và phát triển những năng lực và phẩm chất cơ bản, cốt lõi.
Chúng tôi cố gắng sắp xếp những khối kiến thức từ thế giới trước rồi mới đến khu vực rồi mới đến Việt Nam để các em có cái nhìn từ đầu đến cuối, nhưng vẫn có thể so sánh”.
Mục tiêu của Chủ biên môn Lịch sử trong chương trình mới rất lớn nhưng theo chúng tôi nó không phù hợp với học sinh cấp trung học cơ sở.
Bởi ở cấp học này, các em học sinh từ 12-15 tuổi đang học cùng lúc hơn chục môn học. Môn nào cũng đề ra mục tiêu cao như vậy liệu có kham nổi?
Với mục tiêu này, dường như quý thầy soạn chương trình muốn biến học sinh cấp 2 thành sinh viên đại học chuyên ngành Sử thì phải.
Việc “trang bị nền tảng tri thức thông sử” không chỉ là quá tầm đối với các em mà người lớn chúng ta lại đang quá áp đặt cho học sinh.
Không phải học sinh nào cũng thích môn Sử và nghiên cứu Sử như kì vọng của của thầy chủ biên.
Những câu trả lời của thầy Tổng chủ biên chương trình Tổng thể, Chủ biên 2 môn học “tích hợp” Lý - Hóa - Sinh và Sử - Địa càng khiến dư luận lo lắng không nguôi.
Dường như “bóng ma thất bại” của chương trình 2000 đang hiển hiện.
Nguy cơ làm chương trình để giải ngân như chương trình 2000 đang có khả năng lặp lại. Và điều đáng buồn hơn nữa, sẽ chẳng có ai chịu trách nhiệm nếu chương trình, sách giáo khoa lần này lại thất bại.
Nhân đây chúng tôi cũng xin hỏi giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chính thầy cho biết rằng dự kiến sẽ công bố chương trình môn học vào cuối tháng 10/2017; [3]
Nay đã cuối tháng 12/2017 sao chưa thấy các thầy công bố? Lý do của sự chậm trễ này là gì, thưa quý thầy?
Để kết thúc bài viết của mình, chúng tôi xin dẫn lại lời của của giáo sư Tung trong lần trả lời phỏng vấn Tạp chí Văn hóa Nghệ An ngày 23/12/2015. Bài viết có tựa đề “Không thể xé nhỏ và làm suy yếu môn Lịch sử!” [4]
Khi đó, giáo sư đã khá thận trọng khi trả lời như sau:
“Trong đổi mới giáo dục thì đổi mới về chương trình là quan trọng nhất. Chương trình sẽ quyết định không chỉ sách giáo khoa thế nào mà đổi mới Chương trình sẽ quyết định toàn bộ việc tổ chức giảng dạy, đào tạo thế nào?
Chương trình sẽ quyết định chất lượng đào tạo thế nào và chương trình sẽ quyết định đến mức độ đáp ứng của sản phẩm giáo dục đào tạo đối với yêu cầu phát triển của đất nước và xã hội.
Cho nên đột phá ở đây chính là chương trình. Nếu xảy ra sai sót về chương trình sẽ kéo theo hàng loạt các sai phạm khác. Nếu chương trình được đổi mới đúng đắn và khoa học sẽ mở đường cho tất cả những thành công khác.
Cho nên thảo luận về chương trình và tổ chức đổi mới chương trình này chính là việc then chốt, là đột phá khẩu.”
Nhưng làm sao đổi mới được chương trình, khi cả người làm và cách làm vẫn cũ?
Tài liệu tham khảo:
[1]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/chuong-trinh-mon-lich-su-moi-se-nhu-the-nao-413216.html
[3]http://baochinhphu.vn/Giao-duc/Cong-bo-chuong-trinh-mon-hoc-moi-vao-cuoi-thang-10/318558.vgp