Nên bỏ dòng khuyến cáo "vô duyên" trên sách giáo khoa

10/03/2019 06:36
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Với nội dung và chất lượng sách hiện nay thì việc in dòng chữ “Hãy giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng cho các em học sinh lớp sau” cũng rất khó thực hiện.

Câu chuyện độc quyền sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục trở thành chủ đề nóng trên các mặt báo và ngay cả nghị trường Quốc hội trong một khoảng thời gian dài của năm 2018.

Và, bước vào những ngày đầu năm 2019 này thì Nhà Xuất bản Giáo dục đã dự kiến tăng giá sách giáo khoa cho năm học 2019-2020 nhưng bất thành sau cuộc họp với lãnh đạo Bộ Giáo dục vào ngày 6/3 vừa qua.

Điều khác biệt của sách giáo khoa trong năm học tới là sẽ có dòng chữ “Hãy giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng cho các em học sinh lớp sau” trên trang 1 của mỗi cuốn sách.

Đây cũng là điều đáng trân quý bởi dòng chữ này rất nhân văn và đầy trách nhiệm nhưng... giá như dòng chữ này được in sớm hơn có lẽ sẽ tốt hơn rất nhiều cho phụ huynh học sinh.

Sách giáo khoa hiện nay màu sắc rất đẹp nhưng chất lượng lại thường không cân xứng (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Sách giáo khoa hiện nay màu sắc rất đẹp nhưng chất lượng lại thường không cân xứng

(Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Thực tế, dòng chữ này có ý nghĩa nhưng trong thời điểm này mới đưa vào e rằng nó cũng chỉ mang tính tượng trưng là chủ yếu. Nếu như, ngay từ khi áp dụng đại trà sách giáo khoa hiện hành từ năm 2002 thì dòng chữ này được in vào.

Thời điểm này mới đưa vào thì có lẽ dòng chữ này cũng chỉ mang tính trấn an dư luận nhiều hơn là giá trị của việc "giữ gìn" sách giáo khoa của học sinh.

Bởi, từ năm học 2020-2021 là áp dụng sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng ở lớp 1. Năm học 2021-2022 là áp dụng sách giáo khoa mới cho lớp 2 và lớp 6.

Năm học 2022- 2023 là áp dụng sách giáo khoa mới cho lớp 3, lớp 7 và lớp10. Như vậy, thực tế các bộ sách giáo khoa hiện hành đang chuẩn bị được thay thế dần vào các năm học tới đây.

Định tăng giá nhưng…Bộ không cho

Theo phản ánh thì từ cuối tháng 1, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có công văn gửi tới các đơn vị thành viên thông báo về dự kiến giá bìa sách giáo khoa phục vụ năm học 2019 - 2020, kèm theo là danh mục cụ thể từng cuốn sách giáo khoa gồm có giá cũ, giá mới.

Nên bỏ dòng khuyến cáo "vô duyên" trên sách giáo khoa ảnh 2Sửng sốt với con số 1000 tỷ đồng/năm để mua sách giáo khoa sau đó bán giấy vụn

Theo dự kiến, sách giáo khoa phổ thông hiện hành gồm 158 từ lớp 1 đến lớp 12, đều dự kiến điều chỉnh giá tăng.

Trong đó, chỉ có 22 cuốn tăng dưới 10% so với giá bìa hiện hành. Những cuốn còn lại đều tăng từ 10 - 40%.

Như vậy, nếu tính theo dự kiến của Nhà Xuất bản Giáo dục thì tất cả các bộ sách đều tăng trên 10%. Bộ sách mà tỷ lệ tăng ít nhất là sách giáo khoa lớp 4 (9 cuốn) cũng đã tăng 12%.

Việc Bộ không cho tăng giá sách giáo khoa trong năm tới cũng là điều phù hợp. Bởi tăng giá sẽ kéo theo rất nhiều những hệ lụy mà có thể sẽ đón nhận sự phản đối lớn của dư luận.

Thực tế, sách giáo khoa những năm qua đã cố định về giá. Mỗi bộ sách giáo khoa truyền thống không phải là quá cao, chỉ dao động trong khoảng 200 nghìn trở lại.

Nhưng, trớ trêu ở chỗ là những loại sách bài tập, sách bổ trợ lại rất cao và giá cả thường thay đổi trong từng năm.

Các loại sách này cũng được sử dụng song hành cùng với sách giáo khoa, nhất là đối với cấp Tiểu học thì gần như học sinh đều phải mua tất cả các loại sách bài tập cho từng môn học.

Trong khi, các loại sách bài tập và bổ trợ này lại có giá cao hơn nhiều lần sách giáo khoa? Đó là chưa kể bộ sách VNEN đang được triển khai trên một diện rộng trong nhiều năm qua.

Sách VNEN về cơ bản giống nội dung của sách giáo khoa truyền thống (sách năm 2000) nhưng được làm khác đi theo từng chủ đề và chỉnh sửa hàng năm.

Đây là bộ sách có giá cao khác thường, gấp 3-4 lần sách giáo khoa truyền thống và đầu mối cũng là sách của Nhà Xuất bản Giáo dục.

Chính vì vậy, việc tăng hay không tăng giá sách giáo khoa cũng không phải là trở ngại quá lớn đối với phụ huynh và học sinh bởi thực tế mỗi bộ sách giáo khoa có tăng giá thì mỗi bộ sách cũng chỉ tăng lên một vài chục nghìn đồng.

Vấn đề mấu chốt là sách bài tập và sách bổ trợ, sách VNEN có lên giá hay không mà thôi. Bởi vì những loại sách này mới là điều mà dư luận đặt sự hoài nghi nhiều nhất.

 Dòng chữ khuyến cáo có ý nghĩa nhiều không?

Việc có thêm dòng chữ “Hãy giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng cho các em học sinh lớp sau” trong thời điểm giao thời này bỗng mất đi ý nghĩa thực tế.

Nên bỏ dòng khuyến cáo "vô duyên" trên sách giáo khoa ảnh 3Cần mấy bộ sách giáo khoa cho chương trình mới?

Bởi, mấu chốt của vấn đề là sách bài tập của cấp phổ thông- những cuốn sách có giá gấp nhiều lần sách giáo khoa đa phần là chỉ học một lần.

Và, chắc chắn những năm còn áp dụng chương trình hiện hành thì những cuốn sách này vẫn được giữ nguyên về nội dung.

Nghĩa là vẫn chỉ dùng 1 lần rồi vứt bởi không dại gì mà Nhà Xuất bản Giáo dục lại đi biên soạn lại các loại sách này.

Đó là chưa kể một số địa phương đã bắt đầu sử dụng một số sách giáo khoa phát triển theo năng lực như ở một số môn Tin học, Mỹ thuật, tiếng Anh…cũng chỉ có thể dùng được 1 lần rồi thôi.

 Nói thật, với nội dung và chất lượng sách hiện nay thì việc in dòng chữ “Hãy giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng cho các em học sinh lớp sau” cũng rất khó thực hiện.

Bởi, nhiều cuốn sách chỉ học được một vài tháng đã bắt đầu bong, rách, giấy cong queo thì rất khó có thể học được vào những năm tiếp theo.

Chúng tôi hy vọng, những bộ sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây sẽ được các nhà xuất bản chú trọng vào khâu nội dung, không phải chỉnh sửa, bổ sung hành năm.

Chú trọng vào chất lượng giấy, chất lượng in, đóng cuốn. Và, khi đó thì dòng chữ “Hãy giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng cho các em học sinh lớp sau” mới thực sự ý nghĩa.

Bộ sách giáo khoa hiện hành gần như đã an bài và sắp hết sứ mệnh của mình rồi thì thêm một vài chữ vào để khuyến cáo học trò cũng đâu có giải quyết được vấn đề gì nữa.

NGUYỄN NGUYÊN