Vì sao hệ thống trường tư ít có những sự cố giáo dục?

15/04/2019 06:46
NHẬT DUY
(GDVN) - Hệ thống trường tư thục đang làm tốt vai trò của mình và góp phần vào sự phát triển chung của ngành giáo dục nước nhà.

Những năm qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều những sự cố trong giáo dục.

Từ chuyện phụ huynh đánh, xúc phạm thầy cô giáo, học trò đánh thầy, thầy đánh trò, cô giáo bắt học trò của mình phải uống nước giẻ lau bảng, thầy giáo dâm ô với học trò, học trò bị đánh hội đồng…

Bức tranh giáo dục nước nhà cứ vài ngày lại thêm một câu chuyện buồn.

Thế nhưng, điều mà chúng ta tuyệt nhiên không thấy (hoặc chưa thấy) là tất cả các sự việc ồn ào trong thời gian qua lại đều xảy ra ở hệ thống trường phổ thông công lập.

Chuyện giáo viên bị cắt hợp đồng hàng loạt cũng chỉ xảy ra ở trường công lập (Ảnh: Trinh Phúc)
Chuyện giáo viên bị cắt hợp đồng hàng loạt cũng chỉ xảy ra ở trường công lập (Ảnh: Trinh Phúc)

Các trường tư thục lại đang là môi trường an toàn và rất ít để xảy ra những chuyện đáng tiếc nào. Trong khi, hệ thống trường tư thục không nhận được nhiều ưu đãi như trường công lập.

Ngay cả chất lượng đầu vào của học sinh thì một số trường tư có điểm đầu vào thấp hơn trường công lập, thậm chí một số em trượt trường công lập mới vào trường tư thục.

Một điều hiển nhiên là hiện nay, hệ thống trường tư thục ở các tỉnh lẻ vẫn đang “lép vế” hơn các trường công lập rất nhiều.

Nếu như trường công được đầu tư cơ sở hạ tầng, được ngân sách nhà nước trả lương cho giáo viên, được ưu ái hơn khi tuyển sinh và đặc biệt là cấp Tiểu học và Trung học cơ sở được miễn học phí.

Trong khi, hệ thống trường tư phải tự hạch toán kinh tế và tự tạo uy tín cho mình. Khó khăn là vậy, nhưng hệ thống trường tư đã và đang tự khẳng định tính ưu việt của mình.

Những ngôi trường tạo được thương hiệu lớn như trường Lương Thế Vinh (Hà Nội); trường Nguyễn Khuyến (Hồ Chí Minh) cùng một số trường tư thục khác ở 2 địa phương này đã và đang giúp cho phụ huynh học sinh có nhiều lựa chọn hơn khi chọn trường cho con em mình.

Song, thực tế các trường tư thục ở nhiều địa phương vẫn đang khó khăn trong khâu tuyển sinh đầu vào.

Vì sao hệ thống trường tư ít có những sự cố giáo dục? ảnh 2Ba câu chuyện lòng của phụ huynh trường tư thục

Ở các tỉnh có điều kiện kinh tế còn khó khăn thì phụ huynh vẫn luôn lựa chọn trường công lập vì học phí không phải đóng hoặc thường đóng mức thấp hơn, chi phí học tập cũng thấp hơn.

Vì thế, phần lớn con em cán bộ công, viên chức và dân lao động vẫn “né” trường tư.

Song, một điều mà chúng ta phải thừa nhận là nếu điều kiện kinh tế khá giả thì nhiều phụ huynh sẽ lựa cho con mình học ở các trường tư thục chứ không phải là các trường công lập. Vì sao vậy?

Hệ thống trường tư thục thường tạo cho các em môi trường học tập tốt hơn, năng động hơn và điều cốt lõi là các trường tư luôn coi học sinh là những “khách hàng” nên luôn được đầu tư tốt về mọi mặt.

Ngoài đội ngũ giáo viên giảng dạy, giám sát hàng ngày thì hệ thống camera được lắp đặt khắp trường, đội ngũ bảo vệ trường cũng chuyên nghiệp và trách nhiệm hơn rất nhiều nên chuyện bạo lực về thể xác và tinh thần ít khi xảy ra.

Môi trường tư thục được trả lương theo từng vị trí, năng lực cống hiến của từng cá nhân nên tất cả giáo viên phải cạnh tranh để tồn tại.

Cạnh tranh giữa trường này với trường khác, giữa giáo viên này với giáo viên khác và dĩ nhiên là không bao giờ “độ ì” của giáo viên được tồn tại.

Giáo viên không trau dồi, học hỏi và tạo sự bứt phá sẽ bị đào thải nên giúp cho mỗi giáo viên luôn phải phấn đấu về chuyên môn và mọi hành động bạo hành, phi giáo dục sẽ không có đất sống.

Chuyện giáo viên, học sinh là con ông nọ, cháu ông kia sẽ không có người chống lưng, nâng đỡ, những “cây đa, cây đề”, hay tư tưởng “sống lâu lên lão lãng” không có đất tồn tại …

Có lẽ vì vậy mà trường tư thục, nhất là ở các thành phố lớn thường tuyển được những giáo viên giỏi.

Nhiều giáo viên trường công bỏ việc để đến với trường tư.

Vì sao hệ thống trường tư ít có những sự cố giáo dục? ảnh 3Vì sao nhiều phụ huynh chọn trường Everest cho con?

Bởi nơi đó, người tài được trọng dụng thực sự và có nhiều ưu đãi nên họ tập trung đầu tư cho chuyên môn và công việc hàng ngày của mình tốt hơn.

Một ưu điểm nữa là chuyện lạm thu tiền trường ở các trường tư cũng không phát sinh nhiều như trường công.

Dù vẫn biết là trường tư có mức học phí cao hơn nhưng họ thu bao nhiêu là đầu năm thông báo thu một lần cố định.

Không giống như trường công cứ luôn dùng chiêu thu từ từ và việc vận động thu tiền học sinh được bố trí rải rác trong suốt năm học.

Lúc thì vận động mua cái này, khi thì mua cái khác. Phong trào này chưa qua, phong trào khác lại đến, lại vận động phụ huynh.

Điều khó chịu là chỉ riêng tiền phát thưởng cho học trò mỗi năm cũng có tới 2- 3 lần gửi thư ngỏ, trong khi kinh phí nhà nước đều có chi và quyết toán khoản kinh phí này.

Nhiều Ban Giám hiệu sợ xã hội hóa một lúc thì phụ huynh phản đối nên họ chia ra thu theo từng thời điểm nhất định. Việc làm này vẫn đạt được mục đích nhưng khiến cho phụ huynh ít khi phản đối hơn.

Thế nhưng, vẫn có nhiều Hiệu trưởng tham lam nên đầu năm học ở một số địa phương đã xảy ra chuyện phụ huynh tập trung phản đối chuyện lạm thu.

Nhưng, trường tư thì chúng ta không thấy chuyện tương tự như thế này xảy ra.

Hy vọng, từ những sự cố giáo dục ở các trường công lập vừa qua sẽ giúp cho các trường và lãnh đạo ngành giáo dục sẽ thay đổi được tư duy trong quản lý và điều hành.

Nếu không, hệ thống trường công ngày càng tụt lại phía sau các trường tư thục. Bởi thực tế, hệ thống trường tư thục đang làm tốt vai trò của mình và góp phần vào sự phát triển chung của ngành giáo dục nước nhà.

NHẬT DUY