Họp phụ huynh đầu năm: Câu chuyện dài về các khoản đóng góp “tự nguyện”!

29/09/2019 07:28
NHẬT DUY
(GDVN) - Từ nhiều năm nay, cứ bước vào đầu năm học thì câu chuyện họp phụ huynh lại được nhiều người lên tiếng, một số phụ huynh còn không muốn đi họp cho con mình.

Tham dự buổi họp phụ huynh đầu năm học là thể hiện sự quan tâm của phụ huynh đối với con mình và cũng là hoạt động tốt nhất nhằm phối hợp với nhà trường trong việc dạy dỗ, chăm sóc học sinh được tốt hơn.

Nhưng, từ nhiều năm nay, cứ bước vào đầu năm học thì câu chuyện họp phụ huynh lại được nhiều người lên tiếng. Một số phụ huynh còn không muốn đi họp cho con mình. Bởi, nhiều người mặc định việc họp đầu năm có gì đâu ngoài chuyện nhà trường vận động phụ huynh đóng tiền.

Những khoản đóng góp "tự nguyện" đang khiến phụ huynh ngao ngán (Ảnh minh họa: Báo Lao động)
Những khoản đóng góp "tự nguyện" đang khiến phụ huynh ngao ngán (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Sự thật, mới bước vào đầu năm học, nhiều giáo viên còn chưa nhớ hết tên học sinh, điểm số thì chưa có, học sinh vi phạm thì cũng rất ít khi xảy ra nên gần như rất ít khi giáo viên đả động đến học sinh của mình.

Phần đầu của những buổi họp phụ huynh vẫn là  giáo viên chủ nhiệm đề cập đến mấy câu chuyện tầm phào như giới thiệu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường là ai. Trường có bao nhiêu lớp, năm học qua có bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu học sinh xếp hạnh kiểm ở mức tốt.

Hội cha mẹ học sinh đã đóng góp cho trường ở năm học trước được bao nhiêu tiền…Những chuyện này nói cũng chỉ là nói cho nó có nội dung chứ thực sự phụ huynh nghe cũng chẳng để làm gì.

Điều mà phụ huynh muốn nhất là tình hình học tập ở lớp con của họ đang diễn ra như thế nào, con họ được học hành và quan tâm ra sao trong quãng thời gian ở trường. Biện pháp nào để nâng đỡ học sinh có học lực yếu kém tiến bộ, những học sinh chưa chăm ngoan thay đổi hành vi, thái độ.

Những khoản thu nào nhà trường không được thu, không được vận động phụ huynh đóng? Thông tư, hướng dẫn nào liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của Hội cha mẹ học sinh trong nhà trường?

Những hình thức học nào là vi phạm hướng dẫn của ngành khi mở lớp dạy thêm, học thêm ở nhà trường và ở nhà thầy cô giáo? Những lớp bán trú trong nhà trường tổ chức mua bán, quản lý, giám sát bữa ăn như thế nào mới là điều quan trọng.

Nhưng, những điều cần nghe, những điều muốn biết để phụ huynh né tránh thì nhà trường không nói, hoặc nhà trường lại lờ đi, không muốn nói cho phụ huynh biết.

Họp phụ huynh đầu năm: Câu chuyện dài về các khoản đóng góp “tự nguyện”! ảnh 2Có nhiều kiểu “tự nguyện” trong nhà trường khiến phụ huynh…băn khoăn!

Có lẽ, chỉ có “phần trọng tâm nhất” của buổi họp phụ huynh vẫn là chuyện thu những khoản tiền bắt buộc và vận động những khoản tiền “tự nguyện” mà nhà trường rất cần sự chung tay của phụ huynh thì mới có thể thực hiện được là được giáo viên đề cập tường tận, rõ ràng nhất!

Thế rồi hàng loạt khoản tiền được giáo viên liệt kê ra cho phụ huynh đóng góp. Nào là tiền máy lạnh, tiền mua ti vi, tiền vệ sinh, tiền giữ xe, tiền nước uống, tiền quỹ lớp, quỹ hội phụ huynh, tiền đoàn đội….

Cái thì ấn định vài chục nghìn đồng, cái thì vài trăm, cái thì “tự nguyện” nhưng giáo viên đưa giá của sản phẩm cần vận động phụ huynh. Rõ ràng, trong một cuộc họp như thế rất khó có những ý kiến của phụ huynh dám nêu ý kiến là sẽ không đóng.

Người nào thấy có khả năng thì xung phong, người nào thấy không phù hợp cũng miễn cưỡng ngồi yên không nêu ý kiến rồi cuối cùng cũng bắt buộc giơ tay biểu quyết bởi nhiều cánh tay đã đưa lên khi nghe cô thầy nói ai đồng ý thì giơ tay.

Hết tiền vận động cô sẽ chuyển sang chủ đề học thêm. Khổ nhất là gặp giáo viên chủ nhiệm mà dạy các môn chính thì khó có phụ huynh nào chối từ chuyện học thêm của giáo viên chủ nhiệm.

Bởi, một số giáo viên đã tranh thủ buổi họp phụ huynh để quảng cáo về lớp học của mình. Có những giáo viên họ nêu đủ lý do ở buổi họp phụ huynh để phụ huynh thấy việc học thêm là cần thiết đối với học sinh.

Một số học sinh mà chưa học thêm thì được giáo viên lưu ý, thậm chí khi về còn điện trực tiếp cho phụ huynh để đánh động tình hình học tập của học sinh. Dù học sinh có giỏi cỡ nào thì giáo viên vẫn tìm ra lý do để kéo học sinh đến học thêm với mình…

Chính vì các buổi họp phụ huynh được giáo viên chủ nhiệm lồng ghép giữa chuyện vận động các khoản thu của nhà trường với chuyện học thêm của học trò nên phụ huynh họ ngán đi họp phụ huynh.

Họp phụ huynh đầu năm: Câu chuyện dài về các khoản đóng góp “tự nguyện”! ảnh 3Những chiêu trò vận động phụ huynh đóng góp, ủng hộ đầu năm học

Thôi thì đi họp thì cũng đóng chừng đó tiền, không đi họp cũng đóng chừng đó tiền. Một khi mà phụ huynh trong lớp đã biểu quyết thì có chạy đằng trời cũng phải đóng.

Vì thế, khỏi cần đi họp cũng biết nội dung buổi họp đó thầy cô triển khai nội dung gì.

Những buổi phụ huynh của nhiều trường học bây giờ trở thành những buổi vận động sự “tự nguyện” của phụ huynh một cách trắng trợn, công khai. Càng trường lớn, trường chuyên, lớp chọn, trường khu vực thành phố thì đóng góp càng lớn.

Phải xử lý hiệu trưởng nếu để xảy ra lạm thu nhưng…ai xử?

Xét đến cùng thì giáo viên chủ nhiệm vận động phụ huynh đóng góp, tài trợ cho nhà trường cũng chỉ là truyền đạt ý kiến của hiệu trưởng đã triển khai cho họ. Người chủ xướng chuyện đóng góp, vận động phụ huynh bao giờ cũng là các hiệu trưởng nhà trường.

Nhưng, khổ nỗi là họ lại không ra mặt, nên bao giờ kế hoạch vận động, thu tiền cũng là ý kiến đề xuất "của Ban đại diện cha mẹ học sinh".

Thậm chí, thư ngỏ gửi đến các phụ huynh trong nhà trường được giáo viên chủ nhiệm phát cho học sinh trước buổi họp phụ huynh cũng là Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh ký.

Vì thế, dù nhiều phụ huynh biết là nhà trường lạm thu, giáo viên chủ nhiệm vận động đóng góp, đưa thư ngỏ nhưng họ nói đó là họ chỉ "làm thay" cho Ban đại diện cha mẹ học sinh trong nhà trường. Thu tiền cũng là "thu tiền hộ" mà thôi.

Một khi trưởng ban đại diện đưa ra kế hoạch hay ký vào thư ngỏ vận động phụ huynh đóng góp, tài trợ “tự nguyện” thì đương nhiên trách nhiệm là của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Giấy trắng, mực đen rõ ràng, nhà trường "đâu có liên quan gì" đến chuyện đóng góp của phụ huynh? Thậm chí nhiều trường họ còn chỉ đạo là khi vận động phụ huynh đóng góp thì giáo viên chủ nhiệm ra khỏi lớp để phụ huynh tự do thảo luận, góp ý kiến…

Chính vì vậy, việc xử lý lạm thu trong nhà trường không hề đơn giản chút nào, kể cả cấp trên của hiệu trưởng về thanh tra, kiểm tra khi có những thông tin nhà trường để xảy ra tình trạng lạm thu.

Ngay cả Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng không thể nào làm được gì họ, vì mọi giấy tờ lưu đều có chữ “tự nguyện” cả rồi. Mà, "tự nguyện" thì đương nhiên là không ép buộc, phụ huynh đóng góp cũng chỉ vì cái tâm và tấm lòng tự nguyện của mình mà thôi!

NHẬT DUY