Ngày 20/11 năm nay, em không còn được trò chuyện với thầy!

12/11/2019 06:00
KHÁNH VĂN
(GDVN) - Năm nay, cũng vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam thì người thầy kính yêu của chúng tôi đã không còn nữa, thầy đã đi xa, xa mãi mãi rồi.

Vào dịp 20/11 năm trước, tôi đã viết bài Năm ấy, tôi học lớp 10! và bài viết đã được đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Trong bài viết này, tôi viết về người thầy giáo dạy Văn suốt những năm học cấp 3 và cũng là thầy giáo chủ nhiệm chúng tôi ngày đó.

Năm nay, cũng vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam thì người thầy kính yêu của chúng tôi đã không còn nữa, thầy đã đi xa, xa mãi mãi rồi.

Vậy là tôi không còn cơ hội để trò chuyện cùng thầy qua điện thoại, không còn nghe nụ cười giòn tan của thầy, không còn được lên thăm thầy trong mỗi lần về thăm quê nữa.

Có những thầy cô mãi mãi được học trò kính trọng (Ảnh minh họa: Baobacgiang.com.vn)
Có những thầy cô mãi mãi được học trò kính trọng (Ảnh minh họa: Baobacgiang.com.vn)

Có lẽ, trong quãng đời học sinh, ai cũng có nhiều người thầy chung tay dạy dỗ, nâng đỡ mình khôn lớn. Đến khi trưởng thành, chúng ta thường nhớ về những thầy cô của mình, nhất là vào dịp ngày 20/11 hàng năm- khi mà xã hội dành những tình cảm đặc biệt để tôn vinh người thầy, hướng về nghề dạy học.

Và tôi, trong sâu thẳm của lòng mình vẫn luôn nhớ về những thầy cô đã từng dạy mình trước đây. Những thầy cô đã khai sáng mình và giúp mình có những định hướng cần thiết cho nghề nghiệp sau này.

Trong số những thầy cô thuở trước, người đã ảnh hưởng đến sự nghiệp của tôi bây giờ nhất không ai khác chính là thầy giáo dạy Văn năm nào. Thầy giáo ấy đã dạy tôi suốt 3 năm cấp 3, đã đưa tôi đến với văn chương và giúp tôi vững tin tiếp bước của con đường của thầy thuở trước.

Tôi đã chọn ngành Ngữ văn để theo đuổi đam mê cho cuộc đời của mình và hy vọng khi ra trường sẽ được làm đồng nghiệp với thầy để có cơ hội học hỏi thêm và cũng được gần gũi hơn với thầy.

Chỉ tiếc rằng khi ra trường, tôi không dạy học ở quê hương, không được gần thầy bởi tôi vào công tác tại một tỉnh phía Nam của đất nước. Nhưng dù xa về địa lý song thầy trò chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau. Thầy trò vẫn kết nối Facebook, vẫn trò chuyện với nhau qua điện thoại khi cần thiết.

Mỗi lần về quê, dù ngắn, dù dài thì tôi vẫn tranh thủ lên thăm thầy. Thầy trò hỏi han nhau nhiều chuyện nhưng bao giờ cũng quay lại chủ đề dạy học, cũng nói về chuyện văn chương, về những cuộc đời trong văn học.

Ngày 20/11 năm nay, em không còn được trò chuyện với thầy! ảnh 2Năm ấy, Tôi học lớp 10!

Sự tâm đầu ý hợp giữa hai thầy trò chúng tôi cứ như thế suốt hơn 20 năm trời…

Và bây giờ thì thầy đã đi xa, xa mãi. Dù vẫn biết quy luật của cuộc đời khắc nghiệt mà con người không tránh khỏi nhưng khi nghe tin thầy mất từ cậu bạn học cũ khiến tôi không khỏi bàng hoàng, xa xót.

Nhiều năm thầy mang bệnh trong người, nhiều năm thầy sống một cuộc đời thanh bạch giữa quê hương với biết bao nhiêu những buồn vui trong cuộc sống mà thầy vẫn lạc quan cùng những trang văn, những bài giảng với các thế hệ học trò.

Đặc biệt, thầy biết cách gieo vào lòng học trò một tấm lòng chân thật, sự tử tế, biết sống theo lẽ phải, biết vượt qua những khó khăn của cuộc đời để sống lạc quan và có ích cho đời…

Có lẽ vì thế, những học trò ngày ấy của chúng tôi vẫn luôn nhắc về thầy, vẫn dành cho thầy những tình cảm rất riêng, rất khác, kể cả khi thầy đang dạy và cho đến bây giờ thầy không còn nữa.

Ngày ấy đã rất xa…

Ngày ấy, vùng đất Triệu Sơn (Thanh Hóa) quê tôi còn nhiều khó khăn lắm. Lũ học trò quê chúng tôi chủ yếu là đi những chiếc xe đạp cà tàng đến trường. Thầy giáo của chúng tôi cũng đi xe đạp như bao học trò của mình để đến trường hàng ngày.

Ngày ấy, đường quê còn lầy lội khi mưa gió, còn đầy bụi đường khi trời tạnh, nắng…Những buổi đến trường đạp xe mồ hôi nhễ nhại qua những con đường đầy rơm rạ phơi trên mặt đường vào mùa gặt vậy mà vẫn mà đám trò quê chúng tôi luôn lạc quan, hy vọng.

Chúng tôi vào lớp, dù lớp học ngày đó khá đông với trên 50 học trò nhưng đến giờ Văn của thầy là đứa nào đứa nấy chăm chú lắng nghe. Tình yêu văn chương không chỉ qua từng trang sách mà qua từng lời giảng của thầy.

Những thân phận người phụ nữ bi thương trong tác phẩm văn học trung đại, những khí thế hào hùng của những người lính ra chiến trường trong những năm đánh Mĩ được thầy tái hiện sống động khiến chúng tôi say sưa, thích thú.

Quên làm sao được lời giảng của thầy năm xưa, quên làm sao nhưng câu Kiều dâu bể, quên làm sao những câu nói về đạo lý làm người mà thầy đã nói với chúng tôi. Thầy đã làm sống lại biết bao nhiêu cuộc đời, sống lại những tháng năm thăng trầm của lịch sử và bao phận người qua từng tác phẩm văn học.

Những bài giảng của thầy mãi theo chúng tôi qua từng chặng đường dù thời gian cứ xa dần lời giảng của thầy năm nào. 

Trong lớp học năm xưa, trong những thế hệ học trò của thầy có rất nhiều người đang theo nghề dạy học. Đặc biệt, có nhiều học trò thi vào ngành Văn và ra trường dạy cùng môn học với thầy.

Chúng tôi yêu văn chương, chúng tôi lựa chọn nghề nghiệp của mình vì yêu thích môn học và cũng là yêu thích những bài học, những lời thầy giảng năm nào.

Thầy đã đi xa, xa mãi nhưng hình ảnh người thầy có đôi mắt buồn vời vợi đạp chiếc xe đạp trên con đường làng năm nào như đang ẩn hiện mãi trong tâm trí chúng tôi.

Con đường xưa giờ đã vắng bóng thầy và chúng em cũng đã xa thầy mãi mãi- thầy Lượt dạy Văn đáng kính của bao lớp học trò!

KHÁNH VĂN