Ngày 20/11, các thầy cô giáo có mong muốn gì?

10/11/2019 06:18
KIÊN TRUNG
(GDVN) - Nhiều giáo viên có chung một mong muốn ngày 20/11 nhà trường tổ chức các hoạt động một cách gọn gàng, có trọng tâm, chất lượng, không chạy theo hình thức.

LTS: Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay đang đến rất gần, nhằm đưa ra những chia sẻ và quan điểm của mình về những mong mỏi của các thầy cô giáo trong ngày lễ này, tác giả Kiên Trung đã có bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 là ngày để các thế hệ học trò thể hiện tình cảm tri ân sâu sắc đối với các thầy cô giáo đã từng dạy dỗ, dìu dắt mình khôn lớn, trưởng thành.

Có thể nói, trước và trong ngày lễ đặc biệt này, chính quyền địa phương, ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường và các em học sinh có nhiều hoạt động nhằm tôn vinh Nhà giáo.

Tuy nhiên, bên trong không khí tươi vui, các thầy cô giáo cũng có không ít tâm tư, mong muốn về những hoạt động của ngày 20/11.

Ngày 20/11 là cơ hội để học trò thể hiện lòng biết ơn tới thầy cô (Ảnh: anninhthudo.vn).
Ngày 20/11 là cơ hội để học trò thể hiện lòng biết ơn tới thầy cô (Ảnh: anninhthudo.vn).

Trước ngày 20/11, hầu hết nhà trường thường tổ chức các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, văn nghệ, làm báo tường, cắm hoa…

Mục đích của các việc làm, hoạt động ấy là ý nghĩa tích cực, tạo động lực cho học sinh phấn đấu, rèn luyện tốt, hướng các em đến truyền thống “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp.

Tuy nhiên, khi tổ chức hoạt động, nhiều nhà trường vẫn còn ôm đồm, cố làm cho được thật nhiều thứ, kéo dài ra nhiều tuần, khiến cho thầy cô giáo và học sinh cảm thấy mệt mỏi, mất hết hứng thú.

Các phong trào, hoạt động chào mừng ngày Nhà giáo trở nên nặng nề, thành gánh nặng đối với 2 chủ thể chính: giáo viên và học sinh.

Do đó, nhiều giáo viên có chung một mong muốn: trước ngày 20/11 nhà trường tổ chức các hoạt động một cách gọn gàng, có trọng tâm, chất lượng, không chạy theo hình thức, số lượng, huy động mọi chủ thể cùng tham gia.

20/11 là ngày vui lớn của mình nhưng thực tế nhiều nhà trường, thầy cô giáo vẫn phải vất vả, tất bật với nhiều công việc: sắp xếp bàn ghế, trại mạc, nấu nướng, chờ đợi, đón tiếp đại biểu, dọn dẹp…

Có giáo viên không trông mong đến ngày Nhà giáo vì nỗi khổ ấy.

Đáng lẽ ra, trong ngày vui ấy, thầy cô giáo - những người đưa đò chở bao thế hệ học sinh trên dòng sông tri thức phải được các chính quyền địa phương, ban đại diện cha mẹ học sinh và các em học sinh quan tâm, sắp xếp chu đáo mọi thứ.

Những mẩu chuyện, nhiều tâm tư... sau ngày 20/11

Thầy cô giáo chỉ đến dự, tâm tình, đón nhận những lời tri ân của học trò, phụ huynh và các cấp chính quyền.

Làm được như thế thì niềm vui, hạnh phúc của các thầy cô giáo sẽ được nhân lên gấp nhiều lần và đúng nghĩa với ngày tri ân nhà giáo.

Ngày 20/11, năm chẵn, năm tròn thì làm lớn, tổ chức cho có ý nghĩa, còn năm lẻ thì tổ chức đơn giản hoặc không tổ chức gì cũng được, hoạt động dạy học vẫn diễn ra bình thường ở các cơ sở giáo dục.

Nhiều Sở năm nay có lý khi ban hành văn bản yêu cầu các nhà trường tổ chức giáo dục, dạy học bình thường trong ngày 20/11, không được cho học sinh và giáo viên nghỉ, vì ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam không thuộc các ngày Lễ trong năm theo qui định.

Ngoài ra, vào ngày này một số lãnh đạo nhà trường dùng kinh phí của đơn vị đi tặng quà lãnh đạo cấp trên (Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo) để “lấy lòng” nhằm có lợi cho bản thân mình.

Các thầy cô giáo mong muốn, lãnh đạo cấp trên hãy nêu cao tính gương mẫu, từ chối “quà” của các cơ sở giáo dục gởi đến vì đây là việc làm trái với quy định của pháp luật.

KIÊN TRUNG