Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt 46 sách giáo khoa lớp 1 mới (tập hợp trong 5 bộ sách giáo khoa) của các nhà xuất bản biên soạn trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó 4 trên 5 bộ sách giáo khoa mới là của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Một số độc giả cho rằng xã hội hóa, thị trường hóa kiểu gì mà có 5 bộ sách thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam độc quyền 4 bộ. Đây là kiểu xã hội hóa hình thức, không thực chất nên giá vẫn cao là phải thôi.
Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sách giáo tiếng Anh 1 Explore Our World có giá bán 89 nghìn đồng “được hiệu chỉnh” từ sách nước ngoài. Ảnh minh họa: Tùng Dương. |
Theo quy định của Luật Giá năm 2012 và các văn bản hướng dẫn, sách giáo khoa thuộc danh mục hàng hóa thực hiện kê khai giá, Bộ Tài chính là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về giá sách giáo khoa.
Do đó, Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục đã có văn bản yêu cầu các nhà xuất bản kê khai giá, và đề nghị rà soát lại các chi phí trong quá trình kê khai.
Bộ Tài chính cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá, bằng hình thức định giá tối đa thực hiện theo quy định của Luật Giá.
Nếu được thông qua, đây sẽ là công cụ hữu hiệu để thực hiện điều tiết giá đối với mặt hàng sách giáo khoa trong bối cảnh bước đầu thực hiện xã hội hóa mặt hàng này.
Thực tế kích thước, chất lượng giấy, mầu in của sách giáo khoa hiện hành đã bảo đảm tốt việc dạy học trong nhiều năm qua, vậy thì sách giáo mới có cần thiết phải thay đổi nhiều như vậy để dẫn đến việc tăng giá quá cao.
Đối với sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1 mới là môn tự chọn được Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định do các tác giả người Việt Nam biên soạn.
Nhưng trong cơ cấu giá kê khai, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sách giáo tiếng Anh 1 Explore Our World có giá bán 89 nghìn đồng “được hiệu chỉnh” từ sách nước ngoài.
Như vậy liệu có phải các tác giả người Việt Nam tự biên soạn sách giáo tiếng Anh lớp 1, hay các nhà xuất bản nhập sách nước ngoài về bán lấy lãi khiến cho học sinh phải phải chịu giá sách tăng cao?
Giá sách giáo khoa tăng cao sẽ là gánh nặng về kinh tế đối với người dân, nhất là vùng sâu, miền núi ...có đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: Tùng Dương. |
Bộ nào chịu trách nhiệm?
Với việc kê khai giá sách giáo khoa lớp 1 mới tăng cao, các nhà xuất bản đã đi ngược lại với Văn bản số 115 ngày 14/1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Chính phủ.
Văn bản 115 đề xuất mức kê khai giá sách giáo khoa mới bảo đảm không vượt quá mức kê khai bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bán ra thị trường năm học 2019-2020, vận dụng định mức kê khai bộ sách giáo khoa hiện hành để rà soát mức kê khai bộ sách giáo mới.
Đáng chú ý ngày 20/2, trong văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính cũng khẳng định thống nhất với Văn bản số 115, đảm bảo không vượt mức giá kê khai bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bán ra thị trường cho năm học 2019 - 2020.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến và hướng dẫn các nhà xuất bản kê khai giá theo đúng chủ trương tại Văn bản số 115.
Ngày 4/2 Văn phòng Chính phủ có Văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan liên quan quản lý, kê khai giá sách giáo khoa theo đúng quy định của Luật Giá và các văn bản có liên quan.
Ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: “Sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt, cho nên từ trước đến nay chịu sự kiểm soát giá của Nhà nước, do hội đồng liên bộ cùng cân nhắc, quyết định.
Vì vậy, giá sách giáo khoa hiện hành không cao, ổn định nhiều năm, phù hợp khả năng chi trả của phần lớn người dân”.
Ngày 21/4, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến các biện pháp đối với giá sách giáo khoa.
Một trong những vấn đề được Thủ tướng chỉ đạo tại cuộc họp này đối với sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, là không tăng giá cùng một lúc ngay trong lần phát hành đầu tiên.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Giá sách giáo khoa liên quan đến chi phí của mọi gia đình có con em đi học. Năm 2019, giá sách giáo khoa tăng 16,9% được đánh giá tác động tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 0,07%.
Như vậy, năm 2020 nếu giá sách giáo khoa mới tăng hàng trăm % như các nhà xuất bản kê khai hiện nay sẽ có tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế xã hội.
Trong khi đó, Chính phủ đang chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Vì vậy, giá sách giáo khoa tăng cao như hiện nay là điều khó có thể chấp nhận. Các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát để giá sách giáo khoa hợp lý, đáp ứng mục đích phổ cập giáo dục”.
Mặc dù có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng như đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng thật bất ngờ ngày 20/3/2020 Bộ Tài chính đã có Công văn số 3238/BTC-QLG, 3239/BTC-QLG, 3240/BTC-QLG, gửi 3 Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Đại học Sư phạm, Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, về việc chấp thuận phương án kê khai giá của các đơn vị này.
Dư luận xã hội có quyền đặt câu hỏi là việc Bộ Tài chính cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất không tăng giá sách giáo khoa mới, nhưng thực tế hiện nay thì lại ngược hoàn toàn.