Các loại chứng chỉ giáo viên cần phải có để trụ hạng, thăng hạng

28/07/2020 06:25
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một khi các văn bản đã được ban hành, có hiệu lực thì những yêu cầu này bắt buộc giáo viên phải hoàn thiện, bổ sung các văn bằng, chứng chỉ theo quy định.

Đội ngũ nhà giáo trên cả nước hiện nay đang quan tâm đến vấn đề mình có cần bắt buộc phải có các loại văn bằng để đáp ứng chuẩn trình độ, có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học học, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để giữ hạng, thăng hạng hay không?

Nếu có thì được gì và không có sẽ mất gì, liệu không có những văn bằng và chứng chỉ này có liên quan, ảnh hưởng gì đến quyền lợi, công việc đang làm của mình?

Trong bài viết này, chúng tôi cung cấp đến bạn đọc một số thông tin cần thiết để đội ngũ thầy cô giáo có thể định hướng cho việc đi học nâng chuẩn, bồi dưỡng nhằm hoàn thiện các văn bằng, chứng chỉ của mình trong thời gian tới đây.

Ảnh chụp màn hình, hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Ảnh chụp màn hình, hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Chuẩn trình độ giáo viên kể từ ngày 1/7/2020

Theo Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 thì giáo viên cấp mầm non phải có bằng cao đẳng sư phạm. Những giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông phải có bằng đại học sư phạm hoặc tương tương.

Như vậy, nếu thầy cô nào chưa có bằng cao đẳng đối với mầm non, chưa có bằng đại học đối với giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông thì bắt buộc phải đi học để nâng chuẩn trình độ.

Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành ngày 30/6/2020 về Quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thì lộ trình nâng chuẩn trình độ giáo viên sẽ chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2020 đến năm 2025; giai đoạn 2 từ 2026 đến 2030.

Theo hướng dẫn của Nghị định này thì giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ sẽ được địa phương, nhà trường bố trí đi học để nâng chuẩn trình độ theo lộ trình.

Người đi học nâng chuẩn sẽ được hưởng 100% lương và được chi trả chi phí đào tạo trong quá trình đi học.

Tuy nhiên, Nghị định số 71/2020/NĐ-CP cũng đã hướng dẫn là những thầy cô giáo từ cấp mầm non đến trung học cơ sở mà chưa đạt chuẩn nhưng còn 7 năm công tác (những thầy cô tiểu học mà đào tạo hệ trung cấp thì còn 8 năm công tác) là không phải thực hiện việc nâng chuẩn khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực.

Đối với chứng chỉ tin học

Trình độ tin học hiện nay được quy định trong nhiều văn bản mà thầy cô dạy phổ thông thấy rõ nhất là hàng năm khi xét chuẩn giáo viên vào cuối năm học đều có tiêu chí này.

Tại tiêu chí 15 của Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT đã hướng dẫn Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục đã quy định về cách xếp loại ở các mức: tốt, khá, đạt và chưa đạt.

Tại Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD đã quy định khá cụ thể về nguồn minh chứng phải có các minh chứng cụ thể và tất nhiên có yêu cầu về chứng chỉ mà giáo viên phải có.

Ngày 16/6/2020, trên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng tải 4 dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông công lập.

Trong 4 cấp học này đều bắt buộc tất cả giáo viên dù đã đạt chuẩn trình độ hay chưa đạt chuẩn trình độ đều phải có chứng chỉ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đối với chứng chỉ ngoại ngữ.

Tại tiêu chí 15 của Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT về xếp chuẩn giáo viên phổ thông cũng đã yêu cầu từng mức xếp loại cho giáo viên phổ thông.

Trong 4 dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông công lập cũng yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ đối với từng hạng giáo viên.

Theo đó, giáo viên mầm non từ hạng II trở lên phải có trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc trình độ tương đương trở lên theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng III yêu cầu có trình độ ngoại ngữ bậc 1, hạng II có trình độ ngoại ngữ bậc 2, hạng I có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam .

Giáo viên trung học phổ thông hạng III, hạng II có trình độ tối thiểu là bậc 2, giáo viên hạng I có trình độ ngoại ngữ tối thiểu là bậc III theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Đối với chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp

Theo 4 dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông công lập vừa công bố đã hướng dẫn rất rõ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Theo đó, chỉ có giáo viên hạng IV (giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ) là không yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, còn từ hạng III trở lên đều bắt buộc phải có.

Việc yêu cầu về chuẩn trình độ, yêu cầu về các chứng chỉ đối với đội ngũ nhà giáo thì đã được phản ánh khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng bởi nó đang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.

Tuy nhiên, một khi các văn bản đã được ban hành, có hiệu lực thì những yêu cầu này bắt buộc giáo viên phải hoàn thiện, bổ sung các văn bằng, chứng chỉ theo quy định.

Trong các bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ phản ánh việc thăng hạng của giáo viên sẽ có những quyền lợi gì và có phải khi giáo viên có đầy đủ các văn bằng, chứng chỉ là được thăng hạng, xếp lương theo hạng giáo viên hay không.

NGUYỄN NGUYÊN