Ngày 9/11/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn số 3723 về việc hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 đối với giáo viên.
Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn các trường một số nội dung trong việc dạy học sách Tiếng Việt 1 như sau.
Dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh
Thứ nhất, xác định chương trình là pháp lệnh, tiếp tục nghiên cứu để hiểu sâu sắc chương trình giáo dục phổng thông 2018 (lưu ý đọc mở rộng là một trong những yêu cầu mới của chương trình).
Thứ hai, linh hoạt trong xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương và học sinh.
Sử dụng hiệu quả các tiết ôn tập, thực hành, ôn luyện tiếng Việt để hỗ trợ học sinh gặp khó khăn, hỗ trợ dạy học phân hóa.
Thứ ba, tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, nghiên cứu kỹ sách giáo khoa với tư cách là ngữ liệu dạy học để sử dụng hiệu quả, điều chỉnh khi cần thiết.
Sử dụng hiệu quả sách giáo khoa và ghi chép lại những nội dung cần điều chỉnh ở sách giáo khoa nếu có.
Nghiên cứu sách giáo khoa tiếng Việt thuộc các bộ sách để làm phong phú ngữ liệu dạy học.
Thứ tư, xác định mục tiêu bài học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh bên cạnh những phẩm chất và năng lực chung, giáo viên cần chú trọng đến việc hình thành năng lực ngôn ngữ (đọc, viết, nói và nghe) cho học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau.
Thứ năm, thiết kế bài học thành 4 hoạt động chính: khởi động, khám phá, luyện tập, vận dụng. Chú trọng đổi mới phương pháp, hình thức, tổ chức các hoạt động dạy học, sử dụng hiệu quả phương tiện, thiết bị dạy học. Chú trọng dạy học tích hợp và dạy học phân hóa.
Khuyến khích giáo viên lưu giữ hồ sơ dạy học môn tiếng Việt và ghi nhật ký dạy học làm minh chứng cho quá trình đánh giá.
(Ảnh minh họa: Thùy Linh) |
Thứ sáu, tiếp tục đổi mới đánh giá học sinh theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT ngày 4/9/2020 Ban hành Quyết định đánh giá học sinh tiểu học với những phương pháp, kĩ thuật đánh giá đa dạng.
Thứ bảy, chia sẻ thông tin đến phụ huynh bằng nhiều hình thức khác nhau về những nội dung liên quan đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa cũng như mức độ đáp ứng của học sinh để phụ huynh nhận thức đúng và phối hợp tốt với nhà trường và giáo viên trong công tác giáo dục học sinh.
Hướng giải quyết cho sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Cánh Diều
Thời gian qua, một số quyển sách Tiếng Việt 1 khiến dư luận bức xúc vì nội dung sai lạc, quá tải khiến học sinh lớp 1 rất gặp nhiều trở ngại trong việc học, đặc biệt là sách Tiếng Việt 1 – Cánh Diều.
Tiếp thu ý kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Hội đồng thẩm định tổ chức rà soát, chỉnh sửa sách Tiếng Việt 1 – Cánh Diều cho phù hợp. Phương án chỉnh sửa, hiệu đính phải báo cáo Bộ trưởng xem xét, phê duyệt trước ngày 15/11/2020.
Trong lúc chờ chỉnh sửa sách, ngành giáo dục một số tỉnh thành đã chỉ đạo nhà trường thay thế một số ngữ liệu ở sách Tiếng Việt 1 – Cánh Diều sao cho học sinh dễ tiếp thu nhất.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là cách làm mang tính “chữa cháy”, bởi những hạt sạn ở cuốn sách này theo người viết mang tính hệ thống – đã được nhiều tác giả phân tích, phản ánh trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Để tạo lối ra cho quyển sách Tiếng Việt 1 – Cánh Diều, đồng thời không lặp lại vết xe đỗ cho những bộ sách khác, chúng tôi xin có một số ý kiến như sau.
Thứ nhất, cần rà soát sách Tiếng Việt 1 – Cánh Diều (kể cả một số quyển sách Tiếng Việt 1 khác đã được dư luận và báo chí phản ánh) một cách bài bản từ: từ, ngữ, câu, ngữ liệu văn bản, nội dung văn bản cho đến việc phân phối thời lượng tiết học.
Dành nhiều thời gian đọc và nghiên cứu sách Tiếng Việt 1 – Cánh Diều, chúng tôi nhận thấy, nhiều từ, ngữ là phương ngữ, không rõ nghĩa, thậm chí sai lạc ngữ nghĩa là điều không thể chấp nhận được.
Ví như, văn bản “Cô bé chăm chỉ” (trang 71) dùng từ sai lạc về nghĩa: “Bé Chi chăm chỉ lắm. Bé đi khắp nhà. Khi thì bé mở vở của chị, ê a. Khi thì bé đi xe đạp. Khi thì bé khám cho chó Lu. Lu “gù gù” có vẻ thú vị lắm.”
Cách dùng từ “chăm chỉ” để miêu tả bé Lê đi khắp nhà, mở vở của chị, đi xe đạp, khám chó Lu là chưa chính xác. Bởi nghĩa của từ “chăm chỉ” là cố gắng làm một việc gì đó để thu được kết quả tốt. Bé Lê chỉ đơn thuần chơi đùa những trò của trẻ con mà thôi.
Chưa kể, chó thì không kêu “gù gù” bao giờ (đây là âm thanh của tiếng chim bồ câu). Người ta hay nói, chó gầm gừ, chó sủa gâu gâu, chó kêu ăng ẳng (khi bị đau), chó tru (khi có bất ổn trong cơ thể)…
Thứ hai, cần mở rộng thành phần của hội đồng thẩm định, đó là đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học chuyên ngành có liên quan, nhà ngôn ngữ học, nhà tâm lí học và chuyên gia văn hóa thì mới đánh giá sách chi tiết, toàn diện.
Chẳng hạn như, sách Tiếng Việt 1 – Cánh Diều (tập 1) có một số văn bản viết về ước mơ, giấc mơ kì lạ – không phù hợp với tâm lí lứa tuổi của học sinh lớp 1, là do thiếu chuyên gia tâm lí học thẩm định.
Cụ thể, bài tập đọc “Gà nhí nằm mơ” (trang 83) là một minh chứng: “Trưa hè, gà nhí nằm mơ bị quạ cắp đi. Gà nhí sợ quá. Nó “chiêm chiếp” ầm ĩ. Gà mẹ khe khẽ ru. Mẹ ru êm quá. Gà nhí ngủ thiếp đi.”
Chúng tôi hiểu rằng, tác giả sách muốn dạy học sinh về tình mẫu tử. Tuy nhiên, việc cho đứa con mơ một giấc mơ khủng khiếp “chiêm chiếp” ầm ĩ để nói về tình mẹ thì liệu có phù hợp không?
Hoặc truyện “Quạ và chó” (Truyện ngụ ngôn Ê-dốp - Thành Vân, trang 99) nguyên tác là “Con quạ và con cáo” - La Fontaine kể lại ngụ ngôn Ê-dốp, sử dụng hình tượng con chó không đúng với cách tri nhận của người Việt, do người viết thiếu nền tảng văn hóa vững chắc.
Nguyên văn truyện này như sau: “Quạ đỗ ở mỏm đá, miệng ngậm khổ mỡ to. Chó nghĩ kế cuỗm khổ mỡ. Nó giả vờ: - A, ca sĩ quạ! Quạ mà ca thì mê li lắm. Quạ há to mỏ: Quà! Quà! Thế là… “bộp”, khổ mỡ của quạ đã nằm kề mõm chó. Chó tợp mỡ tha đi.”
Con cáo trong tri nhận của người Việt và nhiều dân tộc khác trên thế giới là sự gian ác. Người Việt có câu Cáo mượn oai hùm để chỉ hạng người luôn mượn thế kẻ mạnh, nấp dưới ô quyền lực đi hù dọa, lòe bịp người khác hoặc lấy đó làm lá chắn để thỏa sức lộng hành.
Tương tự, người Anh cũng nói A fox in lamb’s skin (cáo đội lốt cừu); As cunning as a fox; as smart as a fox (ranh như cáo)…
Việc thay hình tượng “cáo” bằng “chó” là rất khập khiễng, bởi theo quan niệm của người Việt, loài chó xuất hiện với tất cả những gì xấu xa khi dùng để biểu thị tính cách của con người – ngoại trừ sự gian ác.
Bên cạnh những cái nhìn tiêu cực, loài chó còn xuất hiện với nhiều điểm tích cực. Không chỉ là loài vật xuất hiện gần gũi với con người, chó còn là loài được con người quý mến ở sự trung thành.
Như thế, con chó trong cảm thức của nhân loại không thể thủ đoạn, ranh ma xảo quyệt như hình tượng “chó” ở văn bản “Quạ và chó”.
Thứ ba, sau khi chỉnh sửa sách Tiếng Việt 1 – Cánh Diều thì cần lập hội đồng đánh giá một cách toàn diện xem sách có thể sử dụng được nữa hay không.
Nếu việc chỉnh sửa đã ổn thì cần dạy thử nghiệm ở các địa bàn khác nhau như thành thị, nông thôn, miền núi ít nhất là một năm – mục đích là để xem mặt bằng chung học sinh lớp 1 tiếp thu bài học thế nào so với sách cũ.
Và cần thêm khoảng một năm nữa để hoàn thiện nội dung sách sau khi đã được góp ý bởi các nhà khoa học chuyên môn có uy tín thì Bộ mới phê duyệt sách, cho xuất bản đại trà.
Theo ý kiến cá nhân tôi, Bộ nên dũng cảm cho dừng việc dạy sách sách Tiếng Việt 1 – Cánh Diều trên toàn quốc để rà soát, đánh giá, chỉnh sửa thật chu đáo.
Học sinh sẽ sử dụng lại sách Tiếng Việt 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam như những năm trước để sớm ổn định việc học và cũng góp phần giảm bớt gánh nặng không đáng có cho giáo viên tiểu học.
Hãy vì con trẻ - chỉ mới 6 tuổi! Mong mỏi lắm thay!
Tài liệu tham khảo:
[1] //hcm.edu.vn/thong-bao/ve-mot-so-huong-dan-sau-chuyen-de-day-hoc-tieng-viet-lop-1-theo-huong-phat-trie-c39846-65662.aspx
[2] //www.thesaigontimes.vn/310135/bo-giao-duc-ra-thoi-han-cho-phuong-an-chinh-sua-bo-sach-canh-dieu.html