Môn Tiếng Việt lớp 1 "nặng và khó hơn" so với chương trình cũ

12/11/2020 05:56
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Do thay đổi về phương thức giảng dạy, nhiều cử tri, dư luận phản ánh chương trình còn nặng, đặc biệt môn Tiếng Việt "nặng và khó hơn" so chương trình cũ.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội đã có báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông - Giai đoạn 2015-2020 gửi Quốc hội.

Trong báo cáo có đề cập đến các nội dung liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo quy định của Nghị quyết 88, chuẩn kiến thức của học sinh, chất lượng giáo dục được quy định bởi chương trình giáo dục phổ thông.

Trước hết phải xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, thống nhất từ lớp 1 đến lớp 12, chương trình giáo dục phổ thông là pháp lệnh được ban hành bởi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Sách giáo khoa là tài liệu giảng dạy, học tập được biên soạn trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Chương trình giáo dục phổ thông là pháp lệnh trong tổ chức giảng dạy và tổ chức biên soạn sách giáo khoa.

Theo quy định của pháp Luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các quy trình để biên soạn, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Trên cơ sở các quy định này, tháng 12/2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt và công bố Chương trình giáo dục phổ thông gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học; hướng dẫn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông.

Chương trình giáo dục phổ thông là pháp lệnh trong tổ chức giảng dạy và tổ chức biên soạn sách giáo khoa.

Tuy nhiên, việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương tình giáo dục phổ thông tổng thể, các chương trình môn học bị chậm so với kế hoạch, chưa bảo đảm theo lộ trình đặt ra, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai biên soạn, thực nghiệm, thẩm định, phê duyệt và lựa chọn sách giáo khoa.

Một số quy định của chương trình cần có giải pháp phù hợp, như quy định học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học cần tập trung đầu tư tăng cường điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để dạy học 2 buổi/ngày .

Qua theo dõi việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1 đầu năm học 2020-2021 (tháng 9-10/2020), do thay đổi về phương thức giảng dạy, nhiều ý kiến của phụ huynh, cử tri, dư luận phản ánh chương trình còn nặng, đặc biệt môn Tiếng Việt "nặng và khó hơn" so với chương trình cũ;

Yêu cầu phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn, gây áp lực cho giáo viên và học sinh.

Linh Hương