Thầy Hiệu trưởng trăn trở với đào tạo sư phạm

07/02/2021 07:19
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Gần 35 năm đứng trên bục giảng, trăn trở lớn nhất của thầy Hiệu trưởng là làm sao thu hút được người giỏi vào ngành và đời sống giáo viên được cải thiện.

Với nhiều chính sách thu hút, tạo cơ chế cạnh tranh giữa những người tài, Phó Giáo sư Lưu Trang – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã tạo nên những chuyển biến, đột phá trong đào tạo giáo viên ở khu vực miền Trung – Tây nguyên.

Những trăn trở với nghề giáo

Năm 1987, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học tổng hợp Huế, thầy Trang bắt đầu bén duyên với nghề giáo và bám trụ với bục giảng suốt từ đó đến nay.

Phó Giáo sư Lưu Trang – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) tin tưởng ngành sư phạm sẽ trở lại với vị trí vốn có của nó. Ảnh: VH

Phó Giáo sư Lưu Trang – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) tin tưởng ngành sư phạm sẽ trở lại với vị trí vốn có của nó. Ảnh: VH

“Đó là một thời kỳ khó khăn khi nhiều thầy cô chọn con đường rời bục giảng để ra ngoài mưu sinh. Những thầy cô bám trụ lại với giảng đường cũng rất chật vật, làm thêm đủ nghề để vừa nuôi sống gia đình, vừa gắn bó với mái trường sư phạm”.

Thầy Trang chia sẻ rằng, vào những năm đầu năm thập niên 90, khi vừa hoàn tất khóa học về Quản Trị Kinh doanh, có doanh nghiệp nước ngoài đã mời thầy về làm với mức lương 5.000 USD. Nhưng thầy vẫn chọn ở lại trường để tiếp tục dạy học và nghiên cứu.

Dù rằng bức tranh giáo dục những năm qua vẫn còn nhiều “hạt sạn”, khiến cho những người đang ngày đêm vì sự nghiệp trồng người như thầy thấy đau đớn, xót xa.

Đó là hình ảnh phụ huynh xông vào trường tấn công, gây thương tích cho giáo viên, đó là tâm lý xã hội “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”...

“Tôi luôn có quan niệm và niềm tin rằng, giáo dục sẽ trở lại đúng với vị trí của nó trong tương lai. Bởi một đất nước phát triển thì sẽ không bao giờ coi thường giáo dục.

Bên cạnh đó thì trong những năm qua, nhà nước cũng đã có nhiều chính sách để phát triển sư phạm như: miễn học phí, tăng lương, phụ cấp cho giáo viên... Từ đó, sức hút của ngành sư phạm cũng mạnh hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những trăn trở đối với người thầy như: đời sống giáo viên còn vất vả, khó khăn. Mức lương hiện tại của họ hiện khá thấp so với bình quân của xã hội.

Nghề giáo từ bao giờ đã trở thành một nghề nguy hiểm, nhiều áp lực khi phụ huynh có thể vô tư xông vào trường tấn công thầy, cô”, thầy Trang suy tư.

Để đưa nghề giáo về đúng với vị trí của nó thì quan trọng nhất vẫn là cơ chế, chính sách của nhà nước. Trong đó có những chính sách ưu đãi để giáo viên và những người phục vụ trong ngành giáo dục có cuộc sống ổn định, “đầy đủ theo mức bình thường nhất”. Từ đó, họ mới có thể yên tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Ngoài ra, cần có chính sách thu hút “nhân tài” về ngành giáo dục, đó là không cào bằng chế độ lương như hiện nay mà tạo ra sự cạnh tranh, động lực để phấn đấu.

“Công thức tại trường tôi là: “làm theo năng lực hưởng theo thành quả”. Tất nhiên là chính sách tiền lương thì phải chi trả theo luật viên chức nhưng mình tạo ra sự đột phá, thay đổi phù hợp để hút người giỏi về cống hiến”.

Ngoài những chính sách đúng đắn thì cần phải làm cho xã hội nhìn nhận đúng đắn về nghề giáo, đó là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.

“Dù cuộc sống có hiện đại, máy móc tối tân đến đâu cũng không thể thay thế người thầy. Người thầy vừa là tấm gương, vừa là người truyền thụ kiến thức, tìm kiếm phát triển nhân tài.

Như một câu ngạn ngữ nói rằng: một vị bác sĩ tồi có thể sẽ giết chết một vài bệnh nhân, một vị tướng tồi có thể sẽ giết chết một vài đạo quân, nhưng một người thầy giáo tồi chắc chắn sẽ giết chết nhiều thế hệ”, thầy Trang chia sẻ.

Một trăn trở nữa của thầy Hiệu trưởng là làm sao thu hút được học sinh giỏi vào trường sư phạm?

“Vừa rồi, có đề xuất cấp sinh hoạt phí 3 triệu đồng/sinh viên sư phạm. Đó là một chính sách có thể làm thay đổi cái nhìn của phụ huynh, học sinh về trường sư phạm.

Ngoài ra, các trường sư phạm cũng đang tiến hành đào tạo theo nhu cầu, địa chỉ của địa phương. Nhu cầu của địa phương cần bao nhiêu thì mình đào tạo bấy nhiêu, không để dư thừa một lượng quá lớn.

Tất cả những điều này sẽ tạo ra một sức hút của ngành sư phạm đối với học sinh giỏi”, thầy Trang phân tích.

Kỳ vọng về tương lai

Một năm 2020 với thiên tai, dịch bệnh đã khép lại, bước sang năm 2021 với nhiều kỳ vọng và khát vọng đổi mới. Đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trong đó, có những vấn đề quan trọng đối với ngành giáo dục và đào tạo.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng tại lễ tốt nghiệp. Ảnh: AN

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng tại lễ tốt nghiệp. Ảnh: AN

“Mong nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa đến các trường sư phạm. Mặc dù thời gian qua, các trường đã nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn rất cần sự hỗ trợ.

Điển hình như trường tôi vẫn còn tồn tại nhiều nhà học cấp bốn cũ kỹ, muốn xóa bỏ cũng cần phải đợi kinh phí. Tâm lý của sinh viên là không thể học tập tốt trong một ngôi trường với phòng học cấp bốn như phổ thông.

Chúng tôi cũng rất cần các phòng thí nghiệm, phòng thực hành... để giảng viên, sinh viên đầu tư cho việc nghiên cứu. Tất nhiên, không phải là nhà nước bao cấp, đầu tư hoàn toàn như trước đây mà hướng đến tự chủ, xã hội hóa mạnh hơn.

Ở đây, nhà nước không nên đầu tư dàn trải nữa mà tập trung vào các trường sư phạm trọng điểm, có năng lực đáp ứng yêu cầu. Còn đối với các trường không đáp ứng thì nên giải thể hoặc chuyển đổi”, thầy Trang đề xuất.

Nhìn lại mảng giáo dục và đào tạo những năm qua, thầy Trang cho rằng Nghị quyết 29 của TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã mang lại nhiều nét khởi sắc.

“Cuối năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học.

Đó là cơ sở để nâng cao năng lực các trường sư phạm, xem các trường sư phạm như một cơ sở chính yếu cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đấy là vấn đề cốt lõi. Bởi trên cơ sở đó, năng lực các trường sư phạm được thay đổi, việc bồi dưỡng giáo viên được tổ chức khoa học, hiệu quả, khác hẳn với các đợt bồi dưỡng tập huấn trước đây.

Trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Bộ Giáo dục cũng đã đề xuất với Chính phủ hỗ trợ đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin để chuyển sang dạy học số.

Chứng minh cho việc này là qua các đợt dịch covid-19 thì các trường sư phạm và các trường phổ thông đã chuyển đổi sang dạy học số một cách khá hiệu quả so với các nước trong khu vực và trên thế giới”.

Với những bước đi vững chắc ấy, thầy Trang tin tưởng rằng ngành giáo dục sẽ có những bước phát triển mới, đáp ứng được kỳ vọng cũng như yêu cầu của nhân dân.

AN NGUYÊN