Ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn chức danh Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ chân thành với một số tờ báo về áp lực và trách nhiệm đối với cương vị mới của mình.
Thầy Nguyễn Kim Sơn nói rằng: “Tôi cảm thấy khá áp lực. Áp lực này đến từ nhiều phía. Đó là sự kỳ vọng rất lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, người dân và xã hội. Áp lực còn đến từ phía bản thân tôi vì tôi tự đặt cho mình nhiệm vụ phải hoàn thành tốt trọng trách được giao phó”.
Thầy Nguyễn Kim Sơn chúc mừng các tân bác sĩ, dược sĩ của khóa đào tạo đầu tiên Khoa Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, ảnh minh họa, nguồn: VNU. |
Chúng ta đều có thể nhìn thấy, cái ghế Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là “ghế nóng”, sẽ luôn nóng, đầy áp lực, bởi thực tế ngành giáo dục đang tồn tại những “căn bệnh” trầm kha, đó là bệnh “ngụy thành tích” và bệnh “hình thức”.
Tôi xin tặng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn 1 chữ, làm đúng ắt thành công.
Để chữa “căn bệnh” trầm kha của giáo dục nói khó mà dễ, nói dễ mà rất khó. Vì bệnh “ngụy thành tích” và bệnh “hình thức” đã tồn tại từ năm này qua năm khác trong xã hội nói chung, trong ngành giáo dục nói riêng.
Thế nhưng, hai căn bệnh này sợ nhất một chữ, chữ mà tôi muốn tặng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, chữ THẬT.
Đầu tiên, giáo viên phải sống THẬT bằng lương của mình.
Với thu nhập hiện tại, giáo viên mới ra trường chưa tới 4 triệu đồng, giáo viên chuẩn bị về hưu hơn 10 triệu đồng, phải khẳng định, giáo viên chưa sống THẬT với lương của mình.
Làm nghề giáo mà sống nhờ nghề khác thì không thể làm nghề giáo tốt được. Chúng ta không thể đổ lỗi vì đất nước còn nghèo, nên nhà giáo phải đồng kham cộng khổ, nếu vậy thì có còn “giáo dục là quốc sách hàng đầu”?.
Campuchia có giàu hơn ta không? Thế nhưng mức lương tối thiểu của mỗi giáo viên đạt 300 USD/tháng (khoảng 7.000.000 VNĐ). [1]
Xin được nói rõ thêm, "giáo viên sống được bằng lương" là mong muốn chung của ngành cũng như lãnh đạo Bộ, nhưng lương ở đây chúng tôi hiểu là thu nhập thực nhận từ nghề dạy học sau khi trừ các khoản đóng góp, chứ không phải lương riêng, các loại phụ cấp riêng.
Giáo viên sống THẬT bằng lương của mình sẽ khuyến khích giáo viên tự nâng cao trình độ của mình, tự khẳng định nghề nghiệp của mình, chất lượng bài giảng tăng lên, chất lượng giáo dục tăng theo.
Đây cũng là mong muốn của tân Bộ trưởng.
Sau khi nhậm chức, thầy Nguyễn Kim Sơn được Báo Tuổi trẻ dẫn lời, chia sẻ: "Tôi rất mong muốn đời sống, thu nhập của người thầy được cải thiện. Trình độ của người thầy tiếp tục được nâng cao tương ứng với yêu cầu thời đại. Song việc này không chỉ mình Bộ Giáo dục - đào tạo giải quyết được." [2]
Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có chương trình, hành động như thế nào để thúc đẩy thực hiện lời hứa "giáo viên sống được bằng lương" từ thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân? Chúng tôi tin rằng, khi Bộ có kế hoạch hành động, đề xuất các giải pháp chính sách để thực hiện điều này, đội ngũ nhà giáo cả nước sẽ nhiệt tình đồng hành và ủng hộ.
Thứ hai, kiểm tra đánh giá, tổng kết, thi THẬT.
Một thực tế đau lòng đang xảy ra hiện nay, học sinh không được quyền ở lại lớp, học sinh không biết mình tại sao được lên lớp.
Ngồi nhầm lớp không chỉ xảy ra ở nông thôn mà ngay cả thành phố lớn. Ngồi nhầm lớp không còn là hiện tượng, minh chứng mới nhất “Học sinh lớp 6 không đọc được chữ: 'Con không biết vì sao con được lên lớp'”. [3]
Rất đáng mừng là sau khi có thông tin phản ánh từ báo chí, Đồng Tháp đã lập tức vào cuộc. Ngày 8/4 Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp ra văn bản chỉ đạo các phòng giáo dục, các trường thực hiện một loạt giải pháp cấp bách để chấn chỉnh, trong đó người viết đặc biệt lưu tâm quan điểm:
Các cơ sở giáo dục không giao chỉ tiêu học sinh lên lớp cho giáo viên, không sử dụng tiêu chí này làm điều kiện “cứng” hay “khống chế” trong đánh giá, xếp loại, xét thi đua cho giáo viên vào cuối năm học.
Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, kiểm tra định kỳ, cuối kỳ của học sinh, học viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kiên quyết không để học sinh, học viên chưa đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu của từng khối lớp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo được lên lớp. [4]
Sáng 9/4, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) mời tất cả hiệu trưởng các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn họp khẩn, bàn giải pháp chấn chỉnh việc ngồi nhầm lớp, sau bài viết học sinh lớp 6 không đọc được chữ. [5]
Đây là động thái vào cuộc rất kịp thời, quyết liệt và cầu thị của Đồng Tháp. Hy vọng việc này sẽ được triển khai và duy trì thường xuyên để hướng đến chữ THẬT, chứ không phải giải pháp tình thế, đánh trống bỏ dùi.
Trên bình diện rộng hơn, ngồi nhầm lớp là tình trạng không còn là cá biệt ở một, một vài tỉnh thành, địa phương nào, và nó đã tồn tại nhiều năm. Chỉ cần gõ từ khóa "ngồi nhầm lớp" trên Google, sẽ thấy rõ điều này.
Là một nhà giáo đã và đang đứng lớp hàng chục năm, người viết nhận thấy đang xảy ra hiện tượng “làm thật ăn cháo, làm láo ăn cơm” trong giáo dục. Vì thế, báo cáo luôn có tỷ lệ lên lớp cao ngất ngưởng, học sinh giỏi tràn lan, thành tích năm sau cao hơn năm trước.
Việc kiểm tra, đánh giá, tổng kết, thi cử không thật, đẩy thành tích lên cao, năm sau cao hơn năm trước, gây tâm lý lười học, không cần học vẫn được lên lớp cho học trò.
Vì vậy, muốn trả lại việc học thật, nâng cao chất lượng thật cho người học thì kiểm tra đánh giá, tổng kết, thi cử THẬT. Cho nên, theo người viết, Bộ trưởng nên bắt đầu từ chữ THẬT, hướng đến chữ THẬT trong đánh giá chất lượng giáo dục và thi cử.
Có như thế học sinh mới có quyền lưu ban, học sinh muốn có kết quả tốt phải học thật chứ không nhờ vào “phù phép” của thầy cô, nhờ vào đi học thêm, học trước.
Nhìn ra ngoài, chấn hưng giáo dục chẳng cần đi đến Colombia, châu Mỹ xa xôi để học tập và nhập khẩu những mô hình không đầu không đuôi, như VNEN về, chúng ta chỉ cần nhìn sang Campuchia.
Năm 2014, gần 90 nghìn học sinh Campuchia bước vào mùa thi tốt nghiệp chống gian lận đầu tiên và đã có hơn 60% thí sinh bị đánh trượt.
Kết quả chấn động dư luận. Học sinh biết rằng muốn thi đỗ, chỉ có cách duy nhất là phải học, chứ không thể tìm kiếm cơ may ở đền chùa và trông chờ vào việc quay cóp.
Việc bắt đầu bằng quyết tâm diệt trừ gian lận không những buộc học sinh phải chăm học mà còn làm bộc lộ khuyết tật của hệ thống.
Theo ông Bộ trưởng, nếu cứ nhắm mắt làm ngơ, thì đầu vào của sinh viên Campuchia sẽ có một lỗ hổng rõ rệt. Và như thế, không thể có một thế hệ trẻ có năng lực thật sự. [6]
Khi bắt đầu đảm nhận chức vụ năm 2013, Bộ trưởng giáo dục Hang Chuon Naron, một chính trị gia và nhà kinh tế học sinh năm 1962, đã lập tức bắt tay vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy, xóa bỏ triệt để căn bệnh ngụy thành tích, nạn gian lận thi cử và tham nhũng tràn lan trong hệ thống.
Sau 6 năm Bộ trưởng Hang Chuon Naron đã đưa kỹ năng của học sinh, sinh viên Campuchia tốt nghiệp đứng thứ 104 (Việt Nam đứng thứ 116); Kỹ năng số của người dân: 112 (Việt Nam: 97); Tư duy phản biện trong giảng dạy: 76 (Việt Nam: 106); Tỷ lệ học sinh/giáo viên ở bậc tiểu học: 124 (Việt Nam: 75); Mức độ dễ dàng tìm kiếm lao động lành nghề: 123 (Việt Nam: 96)...[7]
Với chữ THẬT, chẳng cần tốn hàng trăm triệu USD để thay chương trình, thay sách giáo khoa, Bộ trưởng Hang Chuon Naron đã đưa giáo dục Campuchia lên tầm cao mới, được thế giới ghi nhận, đánh giá thật.
Chúng tôi hy vọng Giáo dục Việt Nam sẽ có bước chuyển mình thành công trong nhiệm kỳ mới của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, chúc vị “thuyền trưởng” của ngành Giáo dục thật nhiều năng lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đáp ứng được những kì vọng mà xã hội đang dành cho ông.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://ct.qdnd.vn/quoc-te/nganh-giao-duc-campuchia-but-pha-523617
[2]https://tuoitre.vn/tan-bo-truong-bo-gd-dt-nguyen-kim-son-toi-mong-doi-song-nguoi-thay-duoc-cai-thien-20210408150258872.htm
[3]https://tuoitre.vn/hoc-sinh-lop-6-khong-doc-duoc-chu-con-khong-biet-vi-sao-con-duoc-len-lop-20210408170555195.htm
[4]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tre-lop-6-doc-chua-thong-so-chi-dao-khong-giao-chi-tieu-hoc-sinh-len-lop-post216946.gd
[5]https://tuoitre.vn/vu-hoc-sinh-lop-6-khong-doc-duoc-chu-phu-huynh-tung-xin-cho-con-o-lai-lop-20210409150053265.htm
[6]https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/giao-duc-khong-triet-ly-3583452.html?utm_source=search_vne
[7]https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/quyet-sach-giup-vi-bo-truong-lot-xac-giao-duc-campuchia-676032.html