Khó khăn bộn bề, các trường cao đẳng sư phạm kêu cứu Bộ

26/08/2021 07:51
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay rất nhiều trường cao đẳng sư phạm hiện nay đang gặp khó khăn trong việc thành lập Hội đồng trường.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hồ Cảnh Hạnh – Hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các trường cao đẳng sư phạm trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, Câu lạc bộ có một vài góp ý cũng như bất cập hiện nay của các trường cao đẳng sư phạm nêu tại hội nghị trực tuyến giáo dục đại học năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo diễn ra ngày 24/8.

Theo đó, thầy Hồ Cảnh Hạnh nêu 2 vấn đề của các trường cao đẳng sư phạm hiện nay.

Vấn đề thứ nhất về tuyển sinh chính quy cao đẳng sư phạm ngành giáo dục mầm non năm 2021. Thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 và áp dụng bắt đầu cho khóa tuyển sinh năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành hướng dẫn thực hiện ví như Công văn 1891/BGDĐT-GDĐH về hướng dẫn thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ; Công văn 2323/BGDĐT-GDĐH về hỗ trợ phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ;

Hay Công văn 2921/BGDĐT-GDĐH về việc triển khai phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ…

Tuy nhiên các văn bản này không được sự hưởng ứng tích cực của địa phương dẫn tới việc triển khai chậm hoặc không thực hiện được (đến ngày 20/8, sau 3 lần đăng kí nhu cầu lên hệ thống nhưng chỉ có 6 địa phương thực hiện).

Do đó, các trường cao đẳng sư phạm kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường cao đẳng sư phạm tiến hành tuyển sinh ngành giáo dục mầm non năm 2021 như các năm học trước. Đó là, trường cao đẳng sư phạm tuyển sinh theo chỉ tiêu phân bổ; khi nhập học, sinh viên có bản cam kết; địa phương xem xét, duyệt cấp kinh phí hỗ trợ sinh viên theo quy định.

Ảnh minh họa: nguồn giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: nguồn giaoduc.net.vn

Vấn đề thứ hai là về tuyển sinh, đào tạo liên thông trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên theo Thông tư 24/2019/TT-BGDĐT.

Nội dung này, Câu lạc bộ các trường cao đẳng sư phạm trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, đối với các trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo chính quy trung cấp ngành sư phạm mầm non, cao đẳng ngành giáo dục mầm non (theo chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhưng lại quy định thêm điều kiện tối thiểu để được giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo liên thông vừa làm, vừa học là không hợp lý, gây khó khăn cho các trường cao đẳng sư phạm địa phương đặc biệt 2 yêu cầu về kiểm định chất lượng và thành lập hội đồng trường.

Chưa kể, về kiểm định chất lượng nhà trường, hầu hết các trường cao đẳng sư phạm đã thực hiện theo Thông tư 62/2012/TT-BGDĐT ngày 28/12/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp như tự đánh giá, đánh giá ngoài. Tuy nhiên đến nay mới có gần 1/3 số trường được đánh giá ngoài và được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Một trong những lý do các trường chậm kiểm định là kinh phí thực hiện. Trong những năm qua, các trường cao đẳng sư phạm bị cắt giảm chỉ tiêu, khó tuyển sinh, nhiều trường không được giao nhiệm vụ bồi dưỡng,... trong khi kinh phí được giao trên đầu sinh viên. Vì vậy, kinh phí chi thường xuyên rất hạn hẹp, thậm chí một số trường còn không đủ trả lương. Do đó kinh phí để thực hiện đánh giá ngoài (không phải ít) cực kỳ khó khăn.

Về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, hầu hết các chương trình đào tạo giáo viên, trong đó có chương trình sư phạ mầm non (hệ trung cấp), giáo dục mầm non (hệ cao đẳng) đều theo khung chương trình quy định trước đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường chỉ điều chỉnh, bổ sung, thay thế một số học phần, một số nội dung chương trình cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, chuẩn đầu ra của ngành học. Do vậy các chương trình đào tạo hiện hành của các trường là tương đối ổn.

Chưa kể, các trường cao đẳng sư phạm thuộc giáo dục nghề nghiệp nhưng nghị định Chính phủ (Nghị định 15/2019/NĐ-CP) hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp và Điều lệ trường cao đẳng (46/2016/TT-BLĐTBXH) do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội không bao gồm trường cao đẳng sư phạm. Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý các trường cao đẳng sư phạm nhưng chưa ban hành Điều lệ trường cao đẳng sư phạm.

Hội đồng trường Cao đẳng sư phạm được thành lập theo quy định tại Điều lệ trường cao đẳng ban hành tại thông tư 01/2015/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều lệ dẫn chiếu theo Luật Giáo dục đại học 2012, nhưng Luật Giáo dục đại học thay đổi bổ sung 2018 không bao gồm trường cao đẳng sư phạm.

Vì những lý do trên, rất nhiều trường cao đẳng sư phạm hiện nay đang gặp khó khăn trong việc thành lập Hội đồng trường (kể cả trường Cao đẳng sư phạm trung ương trực thuộc Bộ).

Do đó, câu lạc bộ kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, điều chỉnh, sửa đổi thông tư; trước mắt là giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường cao đẳng sư phạm để đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non theo lộ trình của Chính phủ quy định tại Nghị định 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Cuối cùng, thầy Hạnh cho biết, các trường cao đẳng sư phạm đề nghị Bộ quan tâm giải quyết những đề xuất, kiến nghị lớn của các trường cao đẳng sư phạm đã gửi Bộ (qua Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) trong thời gian qua như việc sắp xếp mạng lưới các trường cao đẳng sư phạm, việc giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên, liên kết đào tạo giáo viên tiểu học, trung học cơ sở; đặc biệt thiết tha mong muốn được Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ gặp gỡ với 23 trường cao đẳng sư phạm trong thời gian tới.

Thùy Linh