Lớp 1 phải học và nhớ 2 đến 4 âm vần/ngày, mẹ khóc con khóc

22/11/2021 06:48
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Sáng nay, em đem bé theo đi làm, em dạy hoài mà bé không đọc được, bé khóc em cũng khóc theo con. Em có ý định năm sau cho con học lại lớp 1”.

Tôi có 2 cháu gái hiện học tại Thành phố Hồ Chí Minh, trước khi vào lớp 1 hai bé đã có thể nhắn tin nói chuyện với mọi người. Điều đáng ngạc nhiên là các bé viết không hề sai chính tả kể cả biết viết hoa tên riêng mà nhiều học sinh lớp 2 chưa có được kỹ năng này.

Không phải bé nào cũng được may mắn có mẹ kèm học thế này (Ảnh tác giả)

Không phải bé nào cũng được may mắn có mẹ kèm học thế này (Ảnh tác giả)

Ngạc nhiên vì lực học của các bé, bởi tôi nghĩ mới học online khoảng 2 tháng mà các bé đã tiến bộ vượt bậc như vậy thì chẳng có gì đáng lo. Tuy nhiên, mẹ bé đã bật mí rằng, kể từ khi con học lớp Lá đã cho đi học thêm mỗi ngày. Không phải kiểu học thêm một lớp vài chục em mà mướn người dạy kèm riêng với mức học phí không hề thấp.

Em gái tôi nói rằng, cũng may gia đình cho con đi học chữ trước chứ lớp của bé hiện có khá nhiều bạn không học trước, giờ lại học online mà học gần hai tháng nhưng chữ cái vẫn còn chưa nhớ, nói chi đến âm vần.

Mẹ và con cùng khóc khi học

Em gái cho tôi vào hội nhóm “Phụ huynh lớp 1” của một trường tiểu học tại quận 6 Thành phố Hồ Chí Minh, đọc những dòng chia sẻ của một số phụ huynh về việc con học trực tuyến thấy buồn và rất thương mẹ và các bé.

Chị Hà Nguyên chia sẻ: “Sáng nay, em đem bé theo đi làm, em dạy hoài mà bé không đọc được, bé khóc em cũng khóc theo con. Em có ý định năm sau cho con học lại lớp 1”.

Chị Ngọc Hân nói: “Em thì bận làm cả ngày, ba bé cũng đi chạy xe khuya mới về nên không có thời gian kèm thêm. Học gần 2 tháng rồi mà bảng chữ cái còn không thuộc thì học sao đây?”

Chị Lan Chi cho rằng: “Tiếng Việt dạy quá nhanh, mỗi ngày học tới 4 âm vần chưa kịp thuộc thì ngày mai lại thêm âm vần mới. Kiến thức sách giáo khoa quá nặng, học trực tiếp còn khó theo nói gì đến học online”. Nói rồi chị bảo tiếc vì đã không cho con đi học trước.

Lớp học gần 30 học sinh, những bé đã được học chữ trước thì thấy nhẹ nhàng kiểu vừa học vừa chơi. Gần một nửa số học sinh còn lại học vô cùng áp lực.

Có em ngồi hoài không thể đọc được, em lại học trong lời la hét của ba mẹ vì học gần nửa học kỳ vẫn chưa nắm được 29 chữ cái, có em khá hơn thì đọc bập bõm, vừa khóc vừa đọc. Nóng ruột vì con không học được, có mẹ bực tức la con, thấy con khóc, mẹ cũng khóc luôn.

Lớp 1 học trực tuyến không có phụ huynh kèm cặp bên cạnh, trẻ không thể học được

Không ít phụ huynh có học sinh vào lớp 1 phải đi làm cả ngày, rồi làm thêm, tăng ca đến khuya mới về chắc chắn không thể kèm con học được. Trẻ lớp 1 học trực tuyến, nhất định phải có người lớn bên cạnh để hỗ trợ mới hiệu quả.

Đã thế, các con còn học sách giáo khoa của chương trình mới. Theo đánh giá của giáo viên lớp 1, kiến thức trong bộ sách nhẹ nhất thì vẫn nặng hơn kiến thức trong sách giáo khoa cũ (chương trình 2006).

Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 học sách giáo khoa mới, được đến trường học trực tiếp nhưng nhiều em vẫn phải vật vã mới tiếp thu được.

Các em phần lớn đã học trên trường ngày 2 buổi, mỗi ngày học từ 3 đến 4 tiết tiếng Việt (kể cả tiết tăng cường) nhưng có những em tối vẫn đi học thêm, đêm về ba mẹ vẫn phải ngồi bên để kèm cặp lại kiến thức đã học mới nắm được.

Năm nay, do dịch diễn biến bất thường các em phải học trực tuyến mỗi ngày khoảng 2 tiếng thì khó theo kịp kiến thức yêu cầu cũng là điều dễ hiểu.

Giải pháp nào giúp các em lớp 1 nắm kiến thức?

Giáo viên dù có nỗ lực đến đâu mà phụ huynh không có điều kiện hợp tác cũng không làm gì được. Nếu cứ phải dạy trực tuyến lâu dài, giáo viên chỉ còn cách bỏ công sức dạy thêm cho một số em yếu vào buổi tối khi có phụ huynh ở nhà.

Khi học sinh đi học trực tiếp, nhà trường cần học theo cách làm của ngành giáo dục Bà Rịa Vũng Tàu, đó là tập trung những học sinh chưa nắm được kiến thức để giáo viên cùng Ban giám hiệu trực tiếp phụ đạo thêm hằng tuần.

Có như thế, mới mong những học sinh có lực học yếu, những em thiệt thòi vì phụ huynh không có điều kiện kèm cặp nắm lại kiến thức trước đó để theo kịp chương trình cùng các bạn.

Phan Tuyết