LTS: Sau khi kết quả đánh giá thử nghiệm chương trình mới, thầy giáo Thanh An đưa ra một số ý kiến, quan điểm của mình về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sau một tháng thực nghiệm chương trình các môn học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết quả thực nghiệm và đánh giá những thành công cũng như hạn chế của chương trình mới.
Điều mà thầy Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới thừa nhận có nhiều nội dung khó và nặng đã phản ánh đúng thực trạng mà dư luận đã phản ánh trong thời gian qua.
Là giáo viên đang trực tiếp đứng lớp và cũng đã đọc nhiều nội dung chương trình môn học trong phần dự thảo nên chúng tôi nhận thấy có nhiều đơn vị kiến thức không chỉ “khó”, “nặng” mà còn “rất khó”, không phù hợp với kiến thức phổ thông.
Chúng ta đều biết, chương trình giáo dục phổ thông có rất nhiều môn học, ngay từ lớp 1, học sinh đã học đến gần chục môn học và các hoạt động giáo dục.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết thừa nhận chương trình mới có nội dung khó và nặng. Ảnh: TTXVN |
Càng lên cao, môn học càng nhiều, nội dung kiến thức càng lớn và mức độ khó lại càng cao, yêu cầu cần đạt của những người làm chương trình càng nhiều hơn.
Trong khi, trình độ, khả năng tiếp cận của học trò mà ngay cả giáo viên cũng khó có thể cáng đáng được.
Chẳng hạn như môn Ngữ văn ở cấp trung học phổ thông, dự thảo chương trình môn học yêu cầu học sinh có thể làm được tất cả các thể thơ Việt Nam, viết được nhiều thể loại báo chí…
Chương trình môn Lịch sử và Đại lý ở lớp 4-5, yêu cầu học sinh phải nắm được chiều dài hàng ngàn năm lịch sử phong kiến với rất nhiều mặt như kinh tế, chính trị, xã hội…
Lên đến cấp trung học thì có những chủ đề như chủ đề về biển đảo yêu cầu học sinh phải nắm được luật biển quốc tế mới có thể tiếp cận được chủ đề này.
Môn Mỹ thuật cấp trung học phổ thông lại yêu cầu học sinh phải nắm được kiến thức còn nặng hơn kiến thức đào tạo ở các trường đại học Mỹ thuật với các học phần như:
Hội họa; Đồ họa; Tranh in; Nhiếp ảnh; Điêu khắc; Thủ công mỹ nghệ; Mỹ thuật công nghiệp; Thiết kế truyền thông đa phương tiện; Kiến trúc; Lịch sử và phê bình nghệ thuật...
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết thừa nhận chương trình mới có chỗ khó và nặng |
Trong khi, sinh viên chỉ đi vào một chuyên ngành hẹp còn học sinh cấp 3 lại trang bị kiến thức chiều rộng với rất nhiều những học phần nặng nề.
Như vậy, liệu giáo viên và học sinh có đạt được yêu cầu của ban soạn thảo chương trình môn học hay không?
Và, còn rất nhiều môn học khác cũng trong trường hợp tương tự về mức độ khó.
Bây giờ, sau một thời gian lấy ý kiến dư luận về dự thảo chương trình môn học, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành thực nghiệm ở một số địa phương nhưng thầy Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên đã thừa nhận là:
“Việc thực nghiệm cũng cho thấy một số môn học vẫn còn thiên về trang bị kiến thức, quá tải về chất, yêu cầu cần đạt còn cao so với trình độ của học sinh, nội dung một số bài thực nghiệm tương đối khó; một số bài vẫn còn nặng về trang bị kiến thức.
Dung lượng của một số bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học.
Việc bố trí nhiều đơn vị kiến thức trong một bài học không tạo điều kiện cho học sinh thực hiện các hoạt động khám phá, luyện tập và vận dụng kiến thức vào đời sống.
Đây là những hạn chế, bất cập cần được mỗi nhóm tác giả chương trình môn học nghiêm túc xem xét và kiên quyết khắc phục trong thời gian tới”.
Thực tế, không phải đến bây giờ khi thực nghiệm xong lần thứ nhất thì dư luận mới biết kiến thức của chương trình mới nặng và cao hơn thực tế của học sinh.
Bởi, hơn ai hết, những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy đã thấy vấn đề này từ khi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua dự thảo môn học từ cuối tháng 1/2018.
Thế nhưng, việc mà thầy Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới thừa nhận cũng chỉ là một lát cắt rất nhỏ trong toàn bộ chương trình.
Thực thế, việc thực nghiệm cũng chỉ mới dạy được một vài đơn vị kiến thức cho một môn học mà thôi, chứ đi vào sâu của từng nội dung môn học sẽ còn gặp muôn vàn những hạn chế, bất cập.
Theo số liệu được thầy Tổng chủ biên cho biết thì đợt thực nghiệm vừa qua có số lượng địa phương, trường và giáo viên thực nghiệm như sau:
“Thời lượng bài dạy thực nghiệm các chương trình môn học ở cấp tiểu học là 147 tiết, cấp trung học cơ sở có 129 tiết, cấp trung học phổ thông có 96 tiết. Tổng cộng có 372 tiết.
Số giáo viên thực hiện các bài học thực nghiệm là 528 giáo viên tiểu học, 602 giáo viên trung học cơ sở và 352 giáo viên trung học phổ thông. Tổng số giáo viên tham gia là 1.482 người”.
Với số lượng tiết thực nghiệm như vậy rõ ràng chưa đánh giá được nhiều trong tổng thể của từng môn học.
Chẳng hạn như môn Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở mà dư luận đã có nhiều bài viết, phản hồi trong thời gian qua khi mà Bộ chủ trương gộp 3 môn học độc lập hiện nay là Vật lý; Hóa học; Sinh học lại thành một môn.
Thế nhưng, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Sỹ Tuấn - Chủ biên chương trình môn học này thì đợt thực nghiệm vừa qua dạy là 38 tiết 1 trường với tổng số 18 trường.
Mời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trực tiếp hỗ trợ giáo viên về chương trình mới |
Như vậy, với toàn bộ nội dung của cả 4 khối lớp (lớp 6 - 9) mà thực nghiệm được 38 tiết thì e rằng những người thực hiện chương trình chưa thể đánh giá một cách chính xác nhất về môn học này trong tương lai.
Cho dù các thầy thực hiện chương trình môn học có thể nói như thế nào đi chăng nữa thì môn Khoa học tự nhiên cũng là môn học khó khăn nhất trong chương trình mới.
Cái khó không chỉ là bài toán giáo viên mà cái khó cơ bản nhất là ngay cả những thầy đang thực hiện chương trình môn học này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiến tạo môn học sao cho nó trở thành môn “tích hợp” bởi dự thảo chương trình môn học vẫn là những nội dung đơn lẻ của từng phân môn.
Có lẽ, việc thực nghiệm chương trình môn học lần này, ban soạn thảo chương trình môn học sẽ có cái nhìn khái quát hơn trong việc xây dựng chương trình môn học chính thức.
Và, cũng từ chương trình thực nghiệm, ban soạn thảo chương trình môn học cần rút ra bài học kinh nghiệm và điều chỉnh cho phù hợp để chương trình giáo dục phổ thông mới phải ưu việt hơn chương trình, sách giáo khoa hiện hành mới có thể tương xứng với những đầu tư của nhà nước và toàn xã hội cho chương trình, sách giáo khoa mới trong những năm tới đây.
Tài liệu tham khảo: