Cô giáo Sinh luôn đổi mới từng ngày cách dạy tiếng Anh

19/12/2021 06:26
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc các con học ngoại ngữ không chỉ để vượt qua các bài kiểm tra trên lớp, mà hơn thế còn giúp các em mở mang kiến thức, coi ngoại ngữ là một công cụ vào đời.

Là một giáo viên trẻ, cô Nguyễn Thị Sinh đã có nhiều đổi mới sáng tạo trong việc dạy và học môn tiếng Anh, như học tập qua dự án, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, kết nối các cơ hội du học cho học sinh, hay cố vấn và hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi về sáng tạo và sáng chế trên thế giới.

Cô cũng dành nhiều tâm huyết để chia sẻ kiến thức với đồng nghiệp trong và ngoài trường với mục tiêu xây dựng một cộng đồng giáo viên sáng tạo, thể hiện một tinh thần trách nhiệm trong các hoạt động có dạy ngoại ngữ mà cô phụ trách.

Cô Nguyễn Thị Sinh - Giáo viên dạy tiếng Anh, Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông M.V. Lômônôxốp (Nam Từ Liêm, Hà Nội) sinh năm 1990, là một trong số các nhà giáo vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tặng danh hiệu "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ V năm học 2020 - 2021.

Cô Nguyễn Thị Sinh - Giáo viên dạy tiếng Anh, Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông M.V. Lômônôxốp (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cô Nguyễn Thị Sinh - Giáo viên dạy tiếng Anh, Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông M.V. Lômônôxốp (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Sinh chia sẻ: “Là một giáo viên tiếng Anh đạt chứng nhận Microsoft Certified Educator (MCE) của Microsoft, tôi đã luôn luôn đổi mới, mang đến nhiều hứng thú cho học sinh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy học. Thông qua các dự án mang tính thực tiễn giúp quá trình học tập của học sinh nên gần gũi và tính ứng dụng cao.”

Việc đổi mới trong dạy tiếng Anh cho học sinh, trong năm học này tôi có ứng dụng khai thác thêm tính năng "Reading progress" (Tiến trình đọc) trên Microsoft Teams. Công cụ này phù hợp với tất cả các học sinh, đặc biệt với những học sinh chưa tự tin nói và giao tiếp bằng tiếng Anh thì "Reading progress" chính là một “trợ lí ngôn ngữ cá nhân” với công nghệ AI giúp học sinh nâng cao khả năng phát âm và nói Tiếng Anh của mình.

Đây là một phần mềm rất mới, và học sinh có thể luyện đọc ngay trên đó, khi học sinh đọc xong thì phần mềm này sẽ tự chấm điểm tự động mà không cần giáo viên can thiệp vào. Sau khi giáo viên bấm nút trả bài, học sinh sẽ nhận được một bản nhận xét chi tiết những từ nào học sinh phát âm, nói chưa đúng, nhờ đó các em rút kinh nghiệm và tiến bộ qua mỗi bài đọc. Công cụ này cũng cho phép giới hạn số lần ghi âm bài nói nên giáo viên có thể chủ động nâng độ khó dần lên của nhiệm vụ cho học sinh của mình.

Trong năm học 2020-2021 vừa qua, tôi đã xây dựng dự án “Speak Up - 2 phút tiếng Anh mỗi ngày” trên ứng dụng Flipgrid với mục đích tạo phản xạ có điều kiện cho học sinh, theo đó mỗi ngày các em có 2 phút để nói tiếng Anh. Với hoạt động này, học sinh được thoải mái chia sẻ suy nghĩ bằng tiếng Anh, mỗi ngày đều đặn, dần dần tạo thành một thói quen và luyện khả năng nói tiếng Anh cũng như phản xạ ngôn ngữ cho học sinh.

Sau một năm triển khai với 72 học sinh lớp 6, dự án này đã có gần 3.000 video. Chính các em học sinh cũng nhận ra sự tiến bộ của chính mình. Ngoài ra Các em có thể tương tác, nhận xét hoặc "thả tim" vào bài nói của bạn bè. Hiện tại, một số học sinh vẫn tiếp tục dự án này đều đặn hàng ngày như một hình thức viết nhật ký bằng lời.

Một điều mà tôi rất tâm đắc, đó là việc các con không chỉ học ngoại ngữ để vượt qua các bài kiểm tra trên lớp, mà hơn thế, các em học ngoại ngữ để mở mang kiến thức, coi ngoại ngữ là một công cụ để tham gia vào các cuộc thi quốc tế liên quan đến sáng chế, sáng tạo và đây là những sản phẩm thật do chính các em học sinh sáng chế, những phát minh này đều được chúng tôi đăng kí sở hữu trí tuệ.

Các cuộc thi này đều nằm trong hệ thống các cuộc thi thuộc hiệp hội sáng chế và sở hữu trí tuệ thế giới, được tổ chức thường niên tại các nước trên thế giới. Có thể nói, những sáng chế của học sinh Trường Lômônôxốp đã làm như: Sáng chế máy hút bụi mịn PM 2.5 trong phòng; Phòng khử khói thuốc lá dành cho những người hút thuốc; Máy bắt côn trùng xâm hại cây trồng Nông Lâm Nghiệp; Nước rửa bát hữu cơ được chiết xuất từ quả bồ hòn; Nước rửa kính hữu cơ từ vỏ bưởi,…

Thông qua các hoạt động đó, học sinh không những được rèn luyện khả năng thuyết trình, thuyết phục mà còn có cơ hội giao lưu với bạn bè quốc tế, ứng dụng kiến thức liên môn và làm quen với các hoạt động nghiên cứu khoa học một cách bài bản".

Theo cô Sinh: "Trong công tác chuyên môn, với vai trò là giáo viên chủ nhiệm lớp đầu ra IELTS, tôi đặc biệt chú ý rèn nếp học và nếp sống cho học trò". Ảnh: NVCC.
Theo cô Sinh: "Trong công tác chuyên môn, với vai trò là giáo viên chủ nhiệm lớp đầu ra IELTS, tôi đặc biệt chú ý rèn nếp học và nếp sống cho học trò". Ảnh: NVCC.
Theo cô Sinh: "Trong công tác chuyên môn, với vai trò là giáo viên chủ nhiệm lớp đầu ra IELTS, tôi đặc biệt chú ý rèn nếp học và nếp sống cho học trò". Ảnh: NVCC.
Theo cô Sinh: "Trong công tác chuyên môn, với vai trò là giáo viên chủ nhiệm lớp đầu ra IELTS, tôi đặc biệt chú ý rèn nếp học và nếp sống cho học trò". Ảnh: NVCC.

Chuẩn bị “hành trang” cho học sinh đi du học

Cô Sinh cho biết: “Hiện tôi đang phụ trách Câu lạc bộ Du học tại trường Lômônôxốp, vì đã đi du học ở Anh về nên tôi nhận thấy ngoại ngữ là một điều kiện cần, bởi không có ngoại ngữ thì không thể đi du học được, chính vì vậy tôi đã ấp ủ thành lập Câu lạc bộ Du học để hỗ trợ các em học sinh nhiều hơn.

Từ năm 2019, tôi tổ chức sinh hoạt hàng tuần với nội dung cung cấp tất cả thông tin du học với các nước. Tại các buổi sinh hoạt đó, tôi có liên hệ và mời những khách chuyên về du học tại một quốc gia đó, hoặc đã từng du học, có học bổng tại nước đó đến nói chuyện, chia sẻ với học sinh. Hơn nữa, tôi tự liên hệ, kết nối với một số trường tại nước ngoài như Anh, New Zealand,… tự viết thư giới thiệu mình ở trường Lômônôxốp Việt Nam, và bao giờ cũng vậy, những người phụ trách tuyển sinh ở khu vực Đông Nam Á thường có những chuyến thăm hàng năm tại khu vực đó và tôi sẽ xin lịch công tác của họ, khi sang Việt Nam họ sẽ đến trường tôi.

Trong mấy năm qua tôi cũng đã tổ chức được một số cuộc như vậy, trong những cuộc gặp mặt đó, học sinh có cơ hội tìm hiểu trực tiếp với người phụ trách tuyển sinh, được biết khi phỏng vấn học bổng sẽ thế nào, cần chuẩn bị những gì,…Học sinh sẽ được trải nghiệm trực tiếp tại buổi gặp mặt này. Nhà trường sẽ là nơi thi/kiểm tra tiếng Anh, sau đó họ sẽ cung cấp nơi để học sinh đến dự phỏng vấn và toàn bộ quá trình này diễn ra trong vòng một ngày.

Một hình thức nữa là tôi liên hệ thông qua Hội đồng Anh, họ cung cấp một số trường trung học phổ thông ở Anh, những trường này sẽ đến Trường Lômônôxốp Việt Nam để tổ chức thi học bổng, sau đó có một buổi phỏng vấn chung và trong thời gian vừa qua đã có một số học sinh của trường chúng tôi đã đi du học theo hình thức này tại các nước. Các chủ để của Câu lạc bộ rất thiết thực, gắn liền với nhu cầu thực sự của các em, chuẩn bị hành trang cho các em trước khi đi du học, kết nối các cơ hội học bổng. Một số học sinh của Câu lạc bộ hiện tại đang du học tại Anh, Úc, Canada và New Zealand.

Các em học sinh lớp 11a1 Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông M.V. Lômônôxốp (Nam Từ Liêm, Hà Nội) Ảnh: NVCC.
Các em học sinh lớp 11a1 Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông M.V. Lômônôxốp (Nam Từ Liêm, Hà Nội) Ảnh: NVCC.

Chủ nhiệm lớp đầu ra IELTS

Theo cô Sinh: “Trong công tác giáo viên chủ nhiệm, tôi áp dụng phương pháp trao quyền cho học sinh và hoàn toàn tin tưởng các em, sau nhiều năm tôi thấy đây là hướng đi rất hiệu quả, giúp học sinh có cơ hội thể hiện chính mình. Có thể hiểu ban cán bộ lớp như là một giáo viên chủ nhiệm nhỏ tuổi phụ trách tất cả các hoạt động trong lớp như nề nếp kỉ luật, học tập,… mọi chuyện đều do các em “xử lí” trước, khi nào “quá tam ba bận” thì giáo viên chủ nhiệm mới vào cuộc. Ngoài ra, cán bộ lớp cũng chính là người chuẩn bị và báo cáo về tình hình học tập, nề nếp kỷ luật, vv.. trong buổi họp cha mẹ học sinh cuối mỗi kỳ học. Việc trao quyền này giúp học sinh cảm thấy được tôn trọng, tự tin thể hiện năng lực của mình đồng thời phát triển kĩ năng giao tiếp, làm việc nhóm cũng như kỹ năng lãnh đạo ở học sinh.

Với công tác chuyên môn là giáo viên chủ nhiệm lớp đầu ra IELTS, tôi đặc biệt chú ý rèn nếp học và nếp sống cho học trò. Các tiết sinh hoạt lớp được tổ chức sáng tạo, trọng tâm và thiết thực. Đặc biệt, trong năm học 2021-2022 này, lớp 12A1 triển khai dự án “Human Library" nhằm tận dụng nguồn lực từ phụ huynh trong lớp.

Đó là nơi học sinh được kết nối và tư vấn nghề nghiệp 1-1 với những cô, bác trong nghề, mỗi lần kéo dài khoảng 30 phút. Dự án đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh và phản hồi tích cực từ chính học sinh.

Việc được tham gia vào dự án, cơ hội như vậy giúp các bạn đều tự rút ra được kinh nghiệm cho mình. Quá trình mà mình giúp đỡ học sinh, cũng đi từ kinh nghiệm bản thân ra, thay vì trước kia nói khó lắm, không làm được, thì bây giờ mình đã có thể thay đổi, rằng mình hoàn toàn có thế làm được. Đó chính suy nghĩ mà mình muốn học sinh tư duy. Có thể bạn sinh ra không phải giỏi nhất nhưng chúng ta đều có cơ hội trải nghiệm và học tập”.

Cô Sinh là một trong số các nhà giáo vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tặng danh hiệu "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ V năm học 2020 - 2021.

Là giáo viên tiếng Anh, danh hiệu nhà giáo tiêu biểu Trường Lômônôxốp năm 2020.

Thạc sĩ chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh, Đại học Nottingham Trent, Anh Quốc.

Chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft MIEE 2020-2021; 2021-2022.

Chứng chỉ Microsoft Certified Educator (MCE).

Giảng viên nguồn của Microsoft (MIE Master Trainer)

TNV dự án Teach For Asia.

Tùng Dương