Ngày 21/1/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện "Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020".
Theo đó, về phương hướng phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn tiếp theo, Bộ Giáo dục đề nghị (trích):
"Xây dựng cơ chế, chính sách, chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các trường chuyên còn thiếu, xây dựng trường chuyên tư thục theo hướng phát triển toàn diện cho học sinh."
Cá nhân người viết nhận thấy, lẽ ra khối tư thục phải tham gia đầu tư xây dựng trường chuyên từ lâu vì hành lang pháp lí đã rõ.
Cho phép khối tư thục đầu tư xây dựng trường chuyên tạo cơ hội cạnh tranh sòng phẳng về chất lượng đào tạo giữa môi trường công - tư. (Ảnh minh họa: AN NGUYÊN - THÀNH TRUNG) |
Khối tư thục có được tổ chức trường chuyên?
Bài viết Học sinh trường chuyên đạt giải, đi du học, bao nhiêu % quay về nước cống hiến? ngày 19/3/2022 được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam dẫn lời Tiến sĩ Võ Thế Quân - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ:
“Hiện nay các văn bản về trường chuyên thì chỉ cho phép trường công lập, những trường ngoài công lập không được tổ chức trường chuyên".
Tuy vậy, theo tìm hiểu của tôi thì khối tư thục vẫn được phép thành lập trường chuyên theo Nghị định 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. [1]
Cụ thể, khoản 1 Điều 56 quy định thủ tục thành lập trường trung học phổ thông chuyên công lập hoặc cho phép thành lập trường trung học phổ thông chuyên tư thục như sau (trích):
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập trường chuyên công lập thuộc tỉnh hoặc cho phép thành lập trường chuyên tư thục thuộc tỉnh theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Cùng với đó, Điều 57 quy định điều kiện để trường trung học phổ thông chuyên hoạt động giáo dục là phải đáp ứng các điều kiện hoạt động như đối với trường trung học phổ thông quy định tại Điều 27 của Nghị định này và các điều kiện sau đây:
- Có chương trình giáo dục và tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định đối với trường chuyên.
- Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đủ số lượng, phẩm chất, năng lực và trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của trường chuyên.
Thành phố Hồ Chí Minh đã có trường tư thục chuyên từ năm 1991
Trang Thông tin điện tử Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Ngôi Sao (Thành phố Hồ Chí Minh) thông tin, ngày 23/9/1991, trường được thành lập theo quyết định số 368/QĐ-UB của Ủy ban Nhân dân Thành phố mang tên Trường Phổ thông dân lập đào tạo học sinh giỏi (không khác gì hình thức trường chuyên). [2]
Tháng 12/1999 Ủy ban Nhân dân Thành phố quyết định giải thể Trường Phổ thông dân lập đào tạo học sinh giỏi để thành lập 2 trường: Trường Trung học phổ thông dân lập Ngôi Sao (năm 2012 trường đổi tên thành Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Ngôi Sao) và Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng.
Thời điểm năm 2012, chia sẻ với người viết, ông Lữ Hồng Châu - thành viên ban quản trị Trường Huỳnh Thúc Kháng (Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết Trường Phổ thông dân lập đào tạo học sinh giỏi bị giải thể "có lẽ vướng luật và tên trường không phù hợp, thiếu tính cạnh tranh sòng phẳng với các trường dân lập khác".
Và từ năm 1999 đến nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh không có trường tư thục chuyên nhưng vẫn có trường tốp đầu tuyển sinh và đào tạo không khác gì cách thức của một trường chuyên công lập.
Đơn cử, hơn 20 năm nay, Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông tư thục N.K (Thành phố Hồ Chí Minh) tuyển sinh đầu vào lớp 10 rất khắt khe theo hình thức xét tuyển điểm học bạ của bậc trung học cơ sở (từ lớp 6 đến lớp 9).
Học sinh chỉ cần đạt hạnh kiểm khá nhưng học lực ở các lớp cấp 2 phải đạt loại giỏi, trong đó điểm các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học yêu cầu trên 8.0 - xét tuyển theo thứ tự điểm học bạ từ trên xuống dưới cho đến khi đủ chỉ tiêu mà trường đề ra.
Theo tìm hiểu của tôi, học sinh vào học ngôi trường này đều trải qua quá trình sàng lọc và bị loại nếu các em kiểm tra học kì I của năm học lớp 10 không đạt (phụ huynh thỏa thuận ngầm với nhà trường phải rút hồ sơ nếu con em có điểm tra không đạt theo quy định).
Về cách thức đào tạo, trường chủ yếu luyện học sinh giỏi các môn khoa học tự nhiên để thi đại học (thi tốt nghiệp trung học phổ thông) theo khối A (Toán, Vật lí, Hóa học). Học sinh ít thi khối B (Toán,Hóa học, Sinh học), khối D (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) hơn, hầu như các em không thi khối C (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí) và các khối về năng khiếu.
Ngoài ra, nhiều trường phổ thông tư thục khác trên địa bàn Thành phố đều có lớp chọn, nghĩa là mỗi khối đều có lớp mũi nhọn dựa theo năng lực, sở trường học sinh. Dĩ nhiên, giáo viên dạy những lớp này đều giỏi chuyên môn, phương pháp được học sinh, phụ huynh và tổ chuyên môn tín nhiệm cao.
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc cho tư nhân thành lập trường chuyên, bởi: thứ nhất, hành lang pháp lí đã rõ; thứ hai, cơ sở vật chất hiện đại; thứ ba, đội ngũ giáo viên giỏi; thứ tư, góp phần xã hội hóa giáo dục; thứ năm, tạo cơ hội cạnh tranh sòng phẳng về chất lượng đào tạo giữa môi trường công - tư.
Ngoài ra, theo Thông tư 40/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trường phổ thông tư thục được giao đất hoặc cho thuê đất, cơ sở vật chất; hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao; được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật - cũng là điểm thuận lợi khi thành lập trường chuyên. [3]
Tài liệu tham khảo:
[1] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Dau-tu/Nghi-dinh-46-2017-ND-CP-quy-dinh-dieu-kien-dau-tu-hoat-dong-trong-linh-vuc-giao-duc-336219.aspx
[2] //www.ngoisao.edu.vn/gioithieuchung.php?fbclid=IwAR29KzqNWzlqdPuGjLMQ3UiXUWIY7j5ygGj6giiehK_rqouFAYZZa-IxLHg
[3] //baochinhphu.vn/truong-pho-thong-tu-thuc-duoc-huong-chinh-sach-uu-dai-ve-thue-tin-dung-102220125155925511.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.