LTS: Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy trường chuyên, giúp học sinh phát triển năng lực vốn có, một số địa phương đưa ra đề xuất chính sách thu hút nhân lực trình độ cao bằng cách hỗ trợ 1 tỷ đồng cho giáo sư, phó giáo sư về trường trung học phổ thông chuyên, cam kết dạy từ 10 năm trở lên.
Từ kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu ở các nền giáo dục lớn trên thế giới, nhiều chuyên gia khá bất ngờ với đề xuất này.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuấn hiện đang là giáo sư Đại học New South Wales và Đại học Notre Dame Australia.
Thưa Giáo sư, tại Australia có mô hình trường chuyên lớp chọn không? Nếu không thì những học sinh có khả năng vượt trội về học tập muốn phát huy tiềm năng của mình sẽ học ở những ngôi trường như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Ở Úc, mà cụ thể là tiểu bang New South Wales nơi tôi đang sống, có hệ thống trường tuyển (selective schools). Trường tuyển không giống như trường chuyên ở Việt Nam. Trường tuyển, như tên gọi, tuyển học sinh từ lớp 7 qua một kì thi tuyển. Do đó, các học sinh ở trường tuyển thường có năng lực giống nhau (trên trung bình) so với các trường bình thường.
Cơ cấu chương trình học ở các trường tuyển không khác mấy so với các trường bình thường. Tuy nhiên, tôi thấy chương trình học thì có vẻ "nặng" hơn so với trường không tuyển, và đó chỉ là cảm nhận của một người có con học trong các trường tuyển.
Ngoài ra, tôi thấy các giáo viên ở các trường tuyển có kinh nghiệm tốt hơn so với các trường bình thường. Do đó, kết quả học tập của học sinh trường tuyển, tính trung bình, cao hơn so với trường bình thường.
Ông Nguyễn Văn Tuấn hiện đang là giáo sư Đại học New South Wales và Đại học Notre Dame Australia |
Nói như thế không có nghĩa là trường không tuyển không có học sinh xuất sắc. Ngược lại, số học sinh xuất sắc từ các trường không tuyển có năm cao hơn số học sinh từ trường tuyển. Mới đây, tôi tham dự một buổi phát phần thưởng cho các em học sinh gốc Việt đạt điểm 99% trở lên, tôi thấy đa số các em ấy xuất phát từ các trường bình thường, thậm chí trường "nghèo".
Cần nói thêm rằng hệ thống trường tuyển của Úc không phải được "thiết kế" để có thành tích kiểu "học sinh giỏi" hay đi thi Olympia như Việt Nam. Trường tuyển ở Úc được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của các học sinh xuất sắc hay những học sinh có tài năng đặc biệt.
Nói cách khác, trường tuyển là môi trường mà trong đó các học sinh có trình độ và năng lực gần nhau, chứ không phải quá khác biệt ở các trường bình thường. Nhà nước Úc không thiết kế trường tuyển để đếm số "học sinh giỏi" hay đào tạo đi thi Olympia. Thật ra, Úc không có khái niệm 'học sinh giỏi".
Ở Australia không có trường chuyên mà chỉ có trường tuyển, vậy cách thức hoạt động của trường tuyển có khác mô hình trường chuyên hiện nay ở Việt Nam? Nó có được mặc định là trường công lập hay không? Các tiêu chí tuyển sinh đầu vào của họ như thế nào và trường tuyển có phải là lựa chọn đầu tiên của phụ huynh Australia?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Tôi không rõ cách thức hoạt động của các trường chuyên bên Việt Nam ra sao, nên không thể so sánh. Các trường tuyển của Úc thì có 3 nhóm chính: nhóm 1 là các trường chỉ có những học sinh được tuyển từ lớp 7; nhóm 2 là các trường bình thường nhưng có những lớp dành cho học sinh xuất sắc; và nhóm 3 là các trường gọi là "nông nghiệp" nơi có học sinh nội trú và ngoại trú.
Như nói trên, học sinh được tuyển qua một kì thi từ lớp 6 lên lớp 7. Đa số trường tuyển ở Úc là trường công nhưng cũng có trường tuyển tư thục. Thật ra, ở Sydney có nhiều trường tư thục rất nổi tiếng và học phí rất đắt (hơn 20.000 đôla một năm).
Nhiều phụ huynh, nhất là phụ huynh gốc di dân (như người Việt chẳng hạn), thích cho con em theo học các trường tuyển. Lí do là họ nghĩ rằng trường tuyển sẽ dạy tốt hơn và học sinh sẽ đạt thành tựu cao hơn các học sinh từ các trường không tuyển. Tuy nhiên, đó chỉ là cảm nhận mà thôi, vì trong thực tế điểm thi tốt nghiệp trung học của các trường tuyển chỉ cao hơn 2% điểm so với các trường không tuyển.
Được biết, ở Australia, chính phủ tiểu bang chịu trách nhiệm về trường phổ thông, vậy mức tài trợ giữa trường tuyển hay trường thường có sự khác biệt nào không, thưa thầy?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Theo tôi biết, ngân sách mà Nhà nước dành cho các trường tuyển hay không tuyển dựa vào nhiều yếu tố như số học sinh, số giáo viên, và cơ sở vật chất. Nhà nước phải cung cấp ngân sách một cách công minh, vì nếu không thì bị phản đối. Tuy nhiên, các trường tuyển thường có phụ huynh xuất thân từ thành phần trung lưu, nên số tiền mà phụ huynh đóng góp (hoàn toàn tự nguyện) cao hơn nhiều so với các trường bình thường. Điều này có nghĩa là các trường tuyển thường "giàu" hơn các trường bình thường, nhưng sự giàu có đó là do phụ huynh đóng góp.
Tại Australia, có trường tuyển nào lại “chiêu mộ” giáo sư, phó giáo sư về giảng dạy không, thưa thầy?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Không có giáo sư nào mà dạy trung học cả.
Cuối cùng, thầy nghĩ sao về chính sách hiện nay một vài tỉnh thành ở Việt Nam chiêu mộ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về dạy ở trường trung học phổ thông chuyên?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Mục tiêu của chương trình học tiến sĩ là đào tạo ra một nhà khoa học chuyên nghiệp (professional scientist). Văn bằng tiến sĩ là một “passport” để người đó có quyền làm nghiên cứu khoa học. Thường, tiến sĩ có kiến thức và kĩ năng chuyên sâu về một lĩnh vực hẹp (ví dụ như sinh học ung thư), nhưng đa số tiến sĩ không có kĩ năng dạy học. Nhiều người mang chức danh giáo sư (ở Úc và phương Tây), nhưng thật ra họ không có kĩ năng giảng dạy.
Dĩ nhiên, tiến sĩ vẫn có thể dạy học, nhưng họ phải trải qua một chương trình huấn luyện về sư phạm. Dạy học, đặc biệt là dạy học sinh trung học, theo tôi thấy khó hơn là dạy cho sinh viên đại học. Cấp đại học thì sinh viên chủ yếu là tự học, còn giáo sư thì có trợ giảng, nên họ chủ yếu là “diễn thuyết” chứ không dạy như cấp trung học. Còn cấp trung học, học sinh cần "cầm tay chỉ việc", nên dạy học ở cấp này rất vất vả. Không có kĩ năng dạy học thì dù là giáo sư đại học vẫn không thể là một người thầy giỏi.
Theo tôi thấy, một giáo viên giỏi không nhất thiết phải là người có bằng cấp cao, cái cần thiết là có phương pháp dạy tốt. Phương pháp dạy học rất quan trọng để “kéo” học sinh đi theo mình. Phương pháp dạy đó phải gắn liền với thực tế.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn.