Hết lo thiếu GV nghệ thuật, trường lại băn khoăn GV Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc

05/04/2022 06:44
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đối với môn Ngoại ngữ 2 và Tiếng dân tộc thì giáo viên giảng dạy vẫn còn nhiều hạn chế.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai sẽ bắt đầu thực hiện ở bậc Trung học phổ thông từ năm học 2022 – 2023 đối với học sinh lớp 10 và áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo đối với học sinh lớp 11, 12.

Việc áp dụng chương trình mới này hiện nay đang có nhiều ý kiến trái chiều. Một mặt, chương trình nhận được sự kỳ vọng vì nó là chương trình cải cách có nhiều điểm tiến bộ, thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo, giúp phát triển tối đa tiềm năng của mỗi học sinh và giúp cho nền giáo dục nước ta được tiếp cận, dần hòa nhập với nền giáo dục của các nước trong khu vực và trên thế giới. Mặt khác, chương trình này cũng nhận về khá nhiều băn khoăn vì lo ngại nguy cơ “vỡ trận” do thiếu giáo viên giảng dạy.

Trước những băn khoăn đó, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ghi nhận ý kiến của một số hiệu trưởng trường trung học phổ thông để nắm bắt tình hình chuẩn bị trước khi áp dụng chương trình mới từ năm 2022 – 2023 này.

Thầy Nguyễn Văn Thương – Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Phú Cường (tỉnh Hòa Bình) chia sẻ: “Ngay khi nắm được thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình nói chung và trường Trung học phổ thông Phú Cường nói riêng đã phối hợp để triển khai thông tin này rộng rãi và nhận được sự đồng thuận của các trường, cán bộ giáo viên và phụ huynh học sinh”.

Chung với đó, trường trung học phổ thông Thảo Nguyên (Mộc Châu, Sơn La) cũng đã có những sự chuẩn bị ban đầu. Theo nhận định của cô Nguyễn Thị Thư – Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, chương trình này đòi hỏi rất cao về yếu tố con người (bao gồm cả học sinh và thầy cô). Với những trường có nhiều học sinh, nhiều lớp thì yếu tố này càng cần phải chú trọng.

Ảnh minh họa: T.L

Ảnh minh họa: T.L

Nhìn chung, các trường cũng đều nắm bắt được thông tin và có sự triển khai bước đầu cho chương trình mới này. Qua tìm hiểu, một số cách thức mà các trường đang triển khai là tích cực tạo điều kiện cho giáo viên tập huấn, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, triển khai giáo dục STEM (là cách tổ chức chương trình giảng dạy thực tế, trong đó có tích hợp SCIENCE – khoa học, TECHNOLOGY – công nghệ, ENGINEERING – kỹ thuật và MATCH – toán học) và tổ chức các hoạt động ngoại khóa giáo dục STEM các môn học nhằm tích hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực, rèn luyện tư duy đa chiều, giúp học sinh đi đến gốc rễ của và đề và ứng dụng được vào trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, các trường cũng nhấn mạnh về việc kết hợp giữa giáo dục lý thuyết với tiến hành tổ chức các chương trình trải nghiệm.

Kế hoạch triển khai là vậy, nhưng để bắt đầu thực hiện Chương trình giáo dục mới bước đầu chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, những trường trung học phổ thông mà phóng viên liên hệ cũng không ngoại lệ.

Theo chia sẻ của các thầy cô, trước hết là việc thiếu giáo viên giảng dạy, nhất là ở các trường miền núi, vùng khó khăn thì vấn đề này lại càng đáng lo ngại. Ở thời điểm hiện tại, trong chương trình học của bậc trung học phổ thông không có môn Âm nhạc, Mỹ thuật kéo theo việc chưa có giáo viên giảng dạy các môn này. Còn đối với môn Ngoại ngữ 2 và Tiếng dân tộc thì giáo viên giảng dạy vẫn còn nhiều hạn chế.

Thêm vào đó, trong trường hợp nếu học sinh nghiêng về học nhiều một số môn nhất định, sẽ dẫn tới tình trạng có môn thì thiếu, nhưng cũng có môn thì thừa giáo viên. Vậy cách giải quyết đối với giáo viên thừa đó sẽ như thế nào?

Theo thầy Nguyễn Văn Thương: “Hiện nay, trường tôi vẫn đang tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình xây dựng phương án để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ví dụ với một số môn như Mỹ thuật, Âm nhạc chưa có giáo viên thì nhà trường cũng đã tính đến phương án hướng cho học sinh lựa chọn một số môn khác như Tin học, Công nghệ. Tuy nhiên đó chỉ là phương án tạm thời”.

Còn phương án của trường trung học phổ thông Thảo Nguyên (tỉnh Sơn La) là: “Nhà trường đưa ra kế hoạch về việc thuê giáo viên hợp đồng giảng dạy đối với một số môn học mới. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang sắp xếp để đưa ra phương án dự phòng khác. Trong trường hợp một số bộ môn dư thừa giáo viên, có thể điều động để chuyển những giáo viên đó sang phụ trách công tác Đoàn – Đội, chủ nhiệm hoặc hướng dẫn thực nghiệm cho học sinh…”.

Thừa giáo viên thì có thể được điều động sang các lĩnh vực khác, nhưng thiếu giáo viên thì hiện tại vẫn là một bài toán khó. Theo quan điểm của Giáo sư Phạm Tất Dong – nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội khuyến học Việt Nam:

“Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, trong đó nhấn mạnh việc “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài” - đây được coi là nhiệm vụ chiến lược để tạo động lực đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tiếp theo.

Trong đó, phương tiện không thể thiếu để thực hiện nhiệm vụ này là đội ngũ cán bộ giáo viên. Nếu khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới mà thiếu đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn học thì sẽ không đáp ứng được hết nhu cầu học tập đầy đủ của học sinh. Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải căn cứ vào tình hình thực tế để đưa những phương án cụ thể, bàn bạc với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính, rồi trình lên Chính phủ để tuyển thêm đủ số lượng giáo viên, chuẩn bị nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới này”.

Khó khăn không chỉ nằm ở đội ngũ giáo viên mà Chương trình mới này triển khai đầu tiên ở các em học sinh lớp 10 – khối lớp đầu cấp trong khi nhiều em có thể chưa xác định được cụ thể tương lai, nghề nghiệp của mình. Vì thế, các trường chắc chắn cũng phải có những tư vấn cụ thể đối với học sinh.

Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Thảo Nguyên chia sẻ: “Hiện nay, Nhà trường đang làm khá tốt trong việc định hướng, tư vấn cho học sinh. Thông thường, quy trình các em học sinh sẽ được giới thiệu chung về các khối ngành, kết hợp với đó là học sinh sẽ có các bài kiểm tra, đánh giá năng lực để thầy cô đưa ra những tư vấn cụ thể phù hợp với từng học sinh. Cần phải đưa ra nhận thức cho các em dù là ở Chương trình giáo dục cũ hay mới, thì môn học nào cũng quan trọng”.

Nói như vậy để thấy dù đã có những chuẩn bị bước đầu, nhưng hiện nay vẫn còn đó nhiều của các trường Trung học phổ thông ở thời điểm hiện tại. Có thể thấy, các trường trung học phổ thông vẫn như đang “ngồi trên đống lửa” chờ đợi những sự hướng dẫn cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Kim Minh Châu