Thời gian qua, một số giáo viên bậc phổ thông đã chia sẻ với người viết rằng, thầy cô tham gia dạy đội tuyển học sinh giỏi nhưng vẫn không được hưởng bất cứ chế độ nào, xem như nghĩa vụ.
Giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi được tính tiết dạy thế nào?
Ngày 21/10/2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông.
Theo đó, Điều 6 quy định định mức tiết dạy của giáo viên như sau: giáo viên tiểu học: 23 tiết/tuần; giáo viên trung học cơ sở: 19 tiết/tuần; giáo viên trung học phổ thông: 17 tiết/tuần;
Giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú: 17 tiết/tuần nếu ở cấp trung học cơ sở, 15 tiết/tuần nếu ở cấp trung học phổ thông; giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học là 21 tiết/tuần, cấp trung học cơ sở là 17 tiết/tuần.
Giáo viên trường dành cho người tàn tật, khuyết tật: cấp tiểu học là 21 tiết/tuần, cấp trung học cơ sở là 17 tiết/tuần; giáo viên dự bị đại học: 12 tiết/tuần.
Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh của trường hạng I dạy 02 tiết/tuần; trường hạng II dạy 1/3 định mức tiết dạy; của trường hạng III thì dạy 1/2 định mức tiết dạy của giáo viên cùng cấp học.
Trong đó, định mức tiết dạy là số tiết dạy gồm lý thuyết và thực hành của mỗi giáo viên các cấp thực hiện giảng dạy trong một tuần.
Nhiều thầy cô dạy đội tuyển học sinh giỏi nhưng không được giảm định mức tiết dạy. (Ảnh minh họa: Lã Tiến/giaoduc.net.vn) |
Như vậy, tuỳ vào từng cấp học và từng loại trường dành cho các đối tượng cụ thể mà giáo viên phải thực hiện định mức tiết dạy khác nhau.
Cùng với đó, ngày 9/6/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong đó, khoản 11 Điều 1 nêu rõ, nếu giáo viên phải thực hiện hoạt động chuyên môn và hoạt động khác theo sự phân công của hiệu trưởng ngoài việc dạy chính trên lớp, việc quy đổi sang tiết dạy được thực hiện như sau:
Đối với giáo viên được huy động tham gia công tác hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thì 1 tiết hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn thực tế được tính bằng 1,5 tiết định mức;
Chiếu theo quy định này, nếu giáo viên dạy bồi dưỡng học sinh giỏi thì 01 tiết dạy học sinh giỏi sẽ được tính bằng 1,5 tiết dạy bình thường. Do đó, dạy bồi dưỡng học sinh giỏi vẫn được tính tiết định mức với mức quy đổi là 01 tiết dạy bồi dưỡng bằng 1,5 tiết định mức.
Giáo viên dạy học sinh giỏi được giảm tương ứng giờ dạy định mức
Theo quy định hiện hành, khi giáo viên ôn thi học sinh giỏi sẽ được tính 01 tiết dạy ôn thi bằng 1,5 tiết dạy bình thường khác - như đã phân tích ở trên.
Do đó, khi lãnh đạo tính lương cho giáo viên dạy luyện thi học sinh giỏi thì phải căn cứ vào số tiết dạy để giảm tương ứng giờ dạy định mức.
Bên cạnh đó, nếu giáo viên dạy bồi dưỡng vượt quá định mức giờ dạy quy định của cấp mình thì được tính tiền lương dạy thêm giờ theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8/3/20213 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, theo công thức như sau:
Tiền lương dạy thêm giờ/năm học = số giờ dạy thêm/năm học x tiền lương 01 giờ dạy thêm (trong đó: tiền lương 01 giờ dạy thêm = tiền lương 01 giờ dạy x 150%).
Số giờ dạy thêm/năm học được tính theo công thức: [số giờ dạy thực tế/năm học + số giờ dạy quy đổi/năm học (nếu có) + số giờ dạy tính thêm/năm học (nếu có) + số giờ dạy được giảm theo chế độ/năm học (nếu có)] - (định mức giờ dạy/năm).
Định mức giờ dạy/năm của giáo viên mầm non = (số giờ dạy trẻ học 02 buổi/ngày) x (số ngày làm việc/tuần) x (số tuần dạy trẻ/năm học);
Định mức giờ dạy/năm của giáo viên phổ thông = định mức tiết dạy x số tuần dành cho giảng dạy, hoạt động giáo dục/năm học.
Căn cứ vào trường hợp cụ thể của mình, thầy cô áp dụng theo công thức nêu trên để tính tiền lương làm thêm giờ nếu thời gian bồi dưỡng học sinh giỏi vượt quá định mức tiết học theo quy định.
Nhiều giáo viên không mặn mà dạy học sinh giỏi
Một số giáo viên đã và đang dạy học sinh giỏi bậc trung học phổ thông ở một tỉnh phía Nam chia sẻ với người viết rằng, có những thầy cô yêu nghề, giỏi chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm giảng dạy nhưng không còn mặn mà luyện thi cho đội tuyển.
Một số thầy cô cho biết, đã nhiều năm từ chối luyện thi học sinh giỏi nhưng vẫn không được lãnh đạo chấp nhận vì bản thân là tổ trưởng, tổ phó chuyên môn hoặc giáo viên dạy giỏi đã có nhiều thành tích nên cũng khó thoái thác nhiệm vụ.
Một số lí do khiến thầy cô từ chối luyện thi học sinh giỏi đó là tuyển không ra nguồn do trường ở ngoại thành, chất lượng đầu vào học sinh thấp hoặc các em không mấy hứng thú vào đội tuyển, nhất là một số môn xã hội như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí.
Vậy nên có chuyện đáng buồn là, có trường hợp một học sinh giỏi 2, 3 môn nên có hiện tượng giáo viên môn này môn kia lôi kéo học sinh. Còn học sinh thì không biết từ chối thầy cô nào cho phải vì các em sợ mất lòng, còn giáo viên cũng vì thế gây xích mích nhau.
Trong khi đó có lãnh đạo luôn "khoán" chỉ tiêu cho từng bộ môn khiến việc dạy và học càng thêm áp lực. Ví dụ, học sinh lớp 10, lớp 11 thì thành lập đội tuyển học sinh giỏi Olympic, học sinh lớp 12 có đội tuyển học sinh giỏi Thành phố.
Thực tế cho thấy, có trường cạn nguồn tuyển, một số học sinh thực sự giỏi thì không tham gia nên giáo viên không còn cách nào khác phải lấy các em khá, kéo theo việc đào tạo gặp rất nhiều trở ngại, có khi thầy trò ôn luyện cả năm nhưng không có giải nào.
Thầy cô cũng trải lòng là cảm thấy căng thẳng sau khi học sinh thi xong đợi kết quả. Có em làm không được bài thì buồn thiu mấy tuần liền, em làm bài tốt thì ngóng từng giờ, từng ngày xem kết quả, và cảm xúc giáo viên cũng nào khác học sinh.
Nhưng có lẽ áp lực nhất là các thầy cô tổ trưởng chuyên môn, bởi có năm cùng một lúc nhiều tổ có học sinh đạt giải, giải lại cao nhưng tổ mình thì trống trơn, không có thành tích gì, không biết phải ăn nói thế nào với lãnh đạo.
Như thế để thấy rằng, giáo viên dạy học sinh giỏi rất mệt mỏi, áp lực, không phải lúc nào cũng vinh quang. Thế nhưng thực tế cho thấy, vẫn có trường lãnh đạo bỏ quên chế độ giáo viên khiến thầy cô rất chạnh lòng.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.