Tính đến thời điểm này, đa phần các cấp học phổ thông trên cả nước đã nghỉ hè, chỉ còn một số cấp học ở một vài địa phương phía Nam vẫn đang còn duy trì việc dạy và học cho năm học 2021-2022.
Chính vì thế, những trường đã hoàn tất kế hoạch dạy học, đã tổng kết năm học, cũng đồng nghĩa đã xét chuẩn nghề nghiệp, đánh giá, xếp loại viên chức và xét thi đua cuối năm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường.
Một năm học trôi qua với rất nhiều khó khăn của dịch bệnh Covid-19 nhưng đội ngũ nhà giáo trên cả nước đã có nhiều cố gắng để hoàn thành các kế hoạch dạy học và tham gia nhiều phong trào thi đua khác, như: thi giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm các cấp; bồi dưỡng học sinh giỏi văn hóa; ôn thi tuyển sinh, tốt nghiệp….
Tuy nhiên, cho dù các chỉ tiêu giảng dạy đều vượt mức, các phong trào thi đua khác đều có thành tích nhưng không có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải, cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường chỉ được xét danh hiệu cao nhất là “Lao động tiên tiến” mà thôi.
Muốn được đề nghị xét danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” các cấp, hoặc Bằng khen của các cấp bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp huyện trở lên. Chính vì thế, sáng kiến kinh nghiệm đang đứng ở vị trí cao nhất trong các phong trào thi đua và nó là tiêu chí bắt buộc, quan trọng nhất để quyết định quyết định các danh hiệu thi đua.
Sáng kiến kinh nghiệm đang được chào bán tràn lan trên các trang mạng xã hội của các nhóm giáo viên (Ảnh minh họa: Lê Minh) |
Có hay không chuyện “nhìn mặt” để chấm giải sáng kiến kinh nghiệm?
Tại khoản 1, Điều 9- Nghị định 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã hướng dẫn: “Sáng kiến (là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp công tác, giải pháp tác nghiệp, giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật)” và khi được thực hiện ở ngành giáo dục thì được gọi là “Sáng kiến kinh nghiệm”.
Hiện nay, cấp chấm sáng kiến kinh nghiệm được thầy cô xem “có vấn đề” là cấp phòng giáo dục và đào tạo bởi một số nơi lâu nay vẫn đang tồn tại tình trạng nhìn mặt, nhìn tên người viết sáng kiến kinh nghiệm để cơ cấu giải.
Theo cơ cấu tổ chức hiện nay, mỗi phòng giáo dục và đào tạo thường dao động khoảng 12-15 lãnh đạo, chuyên viên và họ đang phụ trách cả 3 cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở). Và, những lãnh đạo, chuyên viên của phòng giáo dục là những người “chấm chính” sáng kiến kinh nghiệm cho mỗi huyện.
Đề cập đến việc chấm sáng kiến kinh nghiệm, một giáo viên lâu năm đang công tác tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ với chúng tôi rằng: "Huyện chúng tôi hiện có gần 60 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở nên số lượng giáo viên tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm hằng năm thường rất lớn.
Chỉ tính riêng năm học 2021-2022 này, các trường trong huyện đã gửi về phòng giáo dục là 676 sáng kiến kinh nghiệm nhưng số lượng lãnh đạo, chuyên viên của phòng giáo dục hiện nay là 13 người. Mỗi sáng kiến kinh nghiệm bắt buộc phải có 2 giám khảo chấm.
Như vậy, nếu mình lãnh đạo, chuyên viên của phòng chấm thì mỗi người sẽ chấm 104 sáng kiến kinh nghiệm (mỗi sáng kiến kinh nghiệm thường dao động từ 15-20 trang A4), nếu phòng điều thêm một giáo viên dưới cơ sở chấm cùng, mỗi người chấm 52 sáng kiến kinh nghiệm.
Thế nhưng, trong số 13 lãnh đạo, chuyên viên phòng giáo dục đang phải phụ trách 3 cấp học nên chuyên môn đào tạo của họ khác nhau. Có người có chuyên môn mầm non, người thì chuyên môn tiểu học, người thì chuyên môn là trung học cơ sở.
Chính vì thế, có rất nhiều sáng kiến kinh nghiệm không có lãnh đạo và chuyên viên cùng chuyên môn- vì chỉ riêng cấp trung học cơ sở đã có mười mấy môn học. Thế nhưng, lâu nay lãnh đạo, chuyên viên phòng giáo dục vẫn chấm sáng kiến kinh nghiệm “trái chuyên môn” là chuyện bình thường.
Bản thân tôi là giáo viên Địa lý, vài năm gần đây được phòng điều động chấm sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện. Năm nào cũng “chấm chung” với trưởng phòng giáo dục (chuyên môn Vật lý) nhưng gần như ai đạt, ai không đạt giải thường do trưởng phòng quyết định".
Có lẽ vì cách chấm của một số phòng giáo dục đang diễn ra như vậy nên mỗi năm sau khi thông báo kết quả chấm sáng kiến kinh nghiệm thì giáo viên dưới cơ sở không khó để nhìn ra những người đạt giải là ai.
Họ là những lãnh đạo các nhà trường, các thầy cô nằm trong hội đồng bộ môn của huyện, các thầy cô là tổ trưởng chuyên môn ở các nhà trường nhưng thường được điều động tham gia một số phong trào do phòng giáo dục tổ chức. Hoặc, những giáo viên bình thường thì cũng là người thân quen, bạn bè của lãnh đạo, chuyên môn phòng giáo dục.
Tất nhiên, khi cán bộ, giáo viên, nhân viên đạt được sáng kiến kinh nghiệm thì mới có cơ hội xét danh hiệu thi đua từ “Chiến sĩ thi đua cơ sở” trở lên.
Có nên duy trì việc viết sáng kiến kinh nghiệm nữa không?
Thực ra, trong bất kỳ một ngành nghề nào cũng cần những sáng kiến, những cải tiến để mang lại hiệu quả công việc mà bản thân mình đang gắn bó đạt được hiệu quả cao hơn.
Ngành Giáo dục cũng vậy, bởi đây là một nghề nghiệp đặc thù, mang thiên chức dạy người mà trong ngành đang có trên một triệu cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác thì việc những viên chức trong ngành có những sáng kiến để chia sẻ với đồng nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thì càng đáng quý hơn.
Tuy nhiên, thực tế những “Sáng kiến” mà ngành Giáo dục gọi là “Sáng kiến kinh nghiệm” đang để xảy ra nhiều bất cập và thậm chí là có cả tiêu cực trong quá trình viết, chấm và công nhận giải.
Người viết sáng kiến kinh nghiệm có người đầu tư công sức và viết từ chính công việc của mình đã thực hiện hiệu quả và đúc kết được nhưng cũng có cán bộ, giáo viên, nhân viên xin xỏ ở một địa phương khác, mua trên các trang mạng xã hội hoặc tải từ mạng internet xuống rồi thay tên, đổi họ, nơi công tác là ra sáng kiến của mình.
Người chấm thì có nơi phân công không đúng thành phần làm giám khảo nên mới có chuyện chỉ khoảng trên chục lãnh đạo, chuyên viên ở phòng giáo dục chấm cả 3 cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) trong một huyện?
Vì thế, nhiều môn học không có người đúng chuyên môn làm giám khảo nên đâu đó vẫn có tình trạng nhìn mặt để cơ cấu giải. Mỗi năm, sau khi các cấp công bố sáng kiến kinh nghiệm bao giờ cũng có nhiều chuyện thị phi ở các nhà trường…
Chính vì cách viết, cách chấm như vậy nên nhiều thầy cô có lòng tự trọng cao họ không thiết tha viết sáng kiến kinh nghiệm nữa. Dần dần, phong trào sáng kiến kinh nghiệm trở thành “sân chơi” hỗn tạp.
Đây chính là điều bất cập mà nó đã tồn tại suốt hàng chục năm qua ở nhiều địa phương và báo chí cũng đã nhiều lần lên tiếng nhưng mọi chuyện vẫn chưa có hồi kết. Những thật - giả vẫn tồn tại song hành cùng nhau qua từng năm học!
Tiêu chí sáng kiến trong xét thi đua có thực sự phù hợp nữa không?
Sau một năm học, có lẽ điều mà cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường đều chờ đợi là tổ chuyên môn, hội đồng thi đua - khen thưởng của nhà trường sẽ đề nghị mình ở danh hiệu thi đua nào bởi đây cũng là một cách ghi nhận của đồng nghiệp, đơn vị đối với mình sau 1 năm công tác.
Chính vì vậy, nhiều thầy cô giáo thường cố gắng để có một số thành tích trong giảng dạy, công tác và các phong trào thi đua nhằm đáp ứng các tiêu chí để xét các danh hiệu thi đua.
Trong các danh hiệu thi đua cao hơn danh hiệu “Lao động tiên tiến” là danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương; danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”.
Song, việc xét thi đua cuối năm hiện nay có rất nhiều tiêu chí khác nhau - nhất là khi xét đề nghị danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên vì nó phải gắn liền với “sáng kiến” theo hướng dẫn hiện hành.
Nhưng, điểm nghẽn hiện nay là cách chấm và công nhận giải của cấp phòng, cấp sở nên dẫn đến nhiều bất cập mà chúng tôi đã đề cập ở phần trên.
Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đã bỏ tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm khi đánh giá, xếp loại viên chức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” nhưng Nghị định số 91/2017/NĐ-CP vẫn duy trì tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm trong xét thi đua từ danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” trở lên.
Trong khi, cán bộ, giáo viên ở các nhà trường, nhiệm vụ chính của họ là quản lý, giảng dạy hoặc một phong trào khác vất vả hơn nhiều viết sáng kiến kinh nghiệm là bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp hằng năm.
Vậy nhưng, cho dù có đạt được bao nhiêu thành tích trong giảng dạy và các phong trào khác mà không có sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện (đối với cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) thì họ chỉ được xét danh hiệu “Lao động tiến tiến” mà thôi.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có những nghiên cứu và hướng dẫn phù hợp trong việc xét thi đua ở ngành Giáo dục. Đừng để tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm chi phối, quyết định các danh hiệu thi đua cuối năm của giáo viên!
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.