Xét tuyển bằng học bạ: Học sinh Hà Nội đạt 27 điểm vẫn trượt đại học

26/07/2022 06:36
Trần Lý - Hoài Ân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Em Hà Thị Oanh: Mặc dù, Học viện Tài chính chưa công bố điểm chuẩn phương thức xét học bạ nhưng em nghĩ rằng em khó có thể đỗ vào trường.

Hiện nay nhiều cơ sở giáo dục đại học đã công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm, trong đó có phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập bậc trung học phổ thông (học bạ). Một số trường như Học viện Ngoại giao, Trường Đại học Ngoại thương hay Trường Đại học Văn hóa Hà Nội lấy điểm chuẩn học bạ hơn 30 điểm trên thang điểm 30. Theo lý giải, có mức điểm kịch trần, thậm chí vượt trần như vậy là do các trường xét tuyển học bạ kết hợp với điểm ưu tiên.

Tuy nhiên, điểm ưu tiên ở đây không chỉ là tối đa 2,75 điểm (ưu tiên đối tượng và khu vực) theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà còn bao gồm một số điểm rất lớn theo quy định riêng của trường (chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, học trường chuyên, đạt giải quốc gia, giải tỉnh,..).

Trước điều này, em Hà Thị Oanh (trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội) bày tỏ sự lo lắng: “Điểm học bạ của em đạt 28 điểm, đây là sự nỗ lực cố gắng của em trong một thời gian rất dài. Em đã đăng ký xét học bạ vào một ngành hot của Học viện Tài chính. Mặc dù, đến thời điểm hiện tại, Học viện Tài chính chưa công bố điểm chuẩn phương thức xét học bạ nhưng em nghĩ rằng sẽ khó có thể đỗ vào vì nhiều trường đều công bố điểm chuẩn trên 30 điểm.

Trong khi nhiều thí sinh xét tuyển vào Học viện Tài chính có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và là học sinh hệ chuyên được ưu tiên còn em là học sinh trường thường nên cơ hội vào ngành lại càng xa hơn".

Em Hà Thị Oanh (trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội). (Ảnh:Ngọc Ánh)

Em Hà Thị Oanh (trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội). (Ảnh:Ngọc Ánh)

Bên cạnh lo lắng về xét tuyển học bạ, Oanh cũng hoang mang khi tìm hiểu về cách đăng ký, cách đặt nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học.

Cũng là một thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập bậc trung học phổ thông vào trường đại học, em Nguyễn Thị Phương Dung (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết em vừa trượt phương thức này để vào ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

"Tổng điểm học bạ của em là 27 điểm, ban đầu em rất tự tin với số điểm của mình tuy nhiên khi Trường Đại học Văn hóa Hà Nội công bố điểm chuẩn của ngành em đăng ký là 30.5 điểm, em rất ngỡ ngàng. Em là học sinh trường thường, không có chứng chỉ quốc tế và cũng không có giải thi học sinh giỏi nên không được cộng điểm ưu tiên, đó cũng là lý do khiến em trượt ngành của trường bằng phương thức này.

Hiện tại, đã có điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, em hi vọng với phương thức này, em sẽ đỗ được ngành em yêu thích", Phương Dung nói.

Ngoài những băn khoăn của thí sinh thì phụ huynh cũng bày tỏ sự lo lắng khi năm nay có quá nhiều phương thức xét tuyển và cách sắp xếp nguyện vọng như thế nào để con trúng tuyển vào ngành phù hợp nhất.

Nhiều phụ huynh lo lắng về việc sắp xếp nguyện vọng vào đại học của con. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Nhiều phụ huynh lo lắng về việc sắp xếp nguyện vọng vào đại học của con. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Chị Lê Thanh, phụ huynh có con xét tuyển đại học năm nay cho hay: “Tôi thấy năm nay thông tin tuyển sinh của các trường khá rõ và đầy đủ. Con gái tôi xét học bạ vào Học viện Ngoại giao, cháu có IELTS 8.0 và là học sinh trường chuyên, đó cũng là một lợi thế. Điểm học bạ của con khá ổn, tuy nhiên, để chắc chắn trúng tuyển thì điểm tốt nghiệp trung học phổ thông phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Học viện Ngoại giao.

Năm ngoái, ngưỡng này ở mức 22 điểm nhưng phải sau khoảng một tháng Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp thì nhà trường mới thông báo ngưỡng điểm của tiêu chí phụ. Theo tôi, các trường nên thông báo sớm để phụ huynh và học sinh bớt lo lắng và hồi hộp. Ngoài ra, tôi cũng băn khoăn vì phổ điểm năm nay được nhiều chuyên gia nhận định là thấp hơn năm 2021 thì liệu trường có điều chỉnh ngưỡng điểm của tiêu chí phụ hay không”.

Trong khi đó, dù năm nay chưa xét tuyển vào đại học nhưng em Tạ Quang Dũng (sinh năm 2005, Hà Nội) đã có mặt tại Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022 diễn ra ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Em cho biết: “Mặc dù năm sau mới thi đại học nhưng em vẫn đến tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh để nắm được các thông tin về ngành học, phương thức tuyển sinh của các trường cũng như học phí. Sau buổi hôm nay, em sẽ điều chỉnh mục tiêu học tập của mình để chuẩn bị tốt hơn cho năm sau, khi em chính thức bước vào “cuộc chiến tuyển sinh”.

Em Tạ Quang Dũng (sinh năm 2005, Hà Nội). Ảnh: Ngọc Ánh

Em Tạ Quang Dũng (sinh năm 2005, Hà Nội). Ảnh: Ngọc Ánh

Em dự định sẽ tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và xét tuyển vào Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Dược Hà Nội. Em cũng đang cân nhắc thêm việc xét tuyển thẳng hoặc xét học bạ bởi kết quả học tập của em khá ổn.

Các trường đại học ngày càng đa dạng các phương thức xét tuyển, theo em đây là một lợi thế, giúp thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn và chọn được các phương thức xét tuyển phù hợp với thế mạnh của mình".

Trần Lý - Hoài Ân