GV băn khoăn, dữ liệu ngoài SGK làm đề kiểm tra môn Văn dựa vào tiêu chí nào?

26/07/2022 06:53
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đa số giáo viên đều đồng tình và ủng hộ với chủ trương đổi mới của Bộ, tuy nhiên rất nhiều lo lắng liên quan đến vấn đề kiểm tra, đánh giá sau này.

Ngày 21/7, Bộ đã có văn bản hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Văn bản đã đưa ra nhiều điểm mới nhằm mục tiêu phát huy năng lực, khả năng sáng tạo của người học, khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đa số các giáo viên Ngữ văn đều bày tỏ đồng tình với đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên bên cạnh đó, nhiều vấn đề lo lắng cũng được đặt ra trước sự đổi mới này, đặc biệt với yêu cầu tránh sử dụng lại ngữ liệu trong sách giáo khoa để xây dựng đề thi kiểm tra đánh giá cho học sinh.

Ngày 21/7, Bộ đã có văn bản hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Ngày 21/7, Bộ đã có văn bản hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Lối mòn đọc chép văn mẫu qua nhiều thế hệ

Cô Hồ Ái Linh - giáo viên môn dạy Ngữ văn, trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Đào Duy Anh (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng sự đổi mới này là điều cần thiết và hợp lý để tránh những lối mòn đọc chép văn mẫu từ xưa tới nay.

“Theo tôi sự đổi mới này là điều cần thiết nhằm phù hợp với mục tiêu phát triển năng lực và tư duy của học sinh trong thời đại mới.

Có một thực tế đáng buồn là rất nhiều giáo viên dùng văn mẫu để ép học sinh học thêm hoặc học thuộc lòng. Với sự thay đổi này bắt buộc người giáo viên phải thay đổi cách dạy áp đặt cũ, đồng thời nâng cao kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy của mình mới có thể đáp ứng được yêu cầu của chương trình đổi mới”, cô Hồ Ái Linh khẳng định.

Phải thừa nhận rằng “thói quen” xấu trong cách dạy Văn, học Văn này đã đi theo nhiều thế hệ, nhiều nơi. Chính việc dạy Văn, học Văn sai cách đã làm bản chất môn Ngữ văn thay đổi, từ đọc và cảm thụ tác phẩm, giúp phát huy được khả năng ngôn ngữ, hình thành những tình cảm tốt đẹp cho người học thành môn "học vẹt", học sinh máy móc trong việc đọc chép văn mẫu.

Thầy giáo Đỗ Đức Anh - Tổ phó Tổ chuyên môn Ngữ văn (trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, Thành phố Hồ Chí Minh) cũng thừa nhận:

“Từ trước đến giờ, môn Ngữ văn là môn học hay bị nói nhiều nhất là học sinh hay học vẹt, chép văn mẫu và mọi người cứ nghĩ công văn này nhằm mục đích tránh học sinh học thuộc lòng, học vẹt, văn mẫu,.. nhưng thực tế đây mới chính là bản chất của môn Ngữ văn, cái học sinh mình thiếu bây giờ nhất là kỹ năng thực hành.

Có hướng dẫn đổi mới này, trong khi mỗi một bộ sách giáo khoa sẽ có các văn bản khác nhau nhưng đều hình thành chung một cái kiến thức cho học sinh, đó là khả năng đọc hiểu, phân tích và cảm thụ các văn bản.

Ví dụ xưa nay học sinh học Tấm Cám thì chỉ biết phân tích Tấm Cám, như vậy các kĩ năng của học sinh sẽ bị giới hạn. Với sự đổi mới này, khi học một câu chuyện học sinh sẽ xem đó là văn bản mẫu từ đó biết cách để phân tích khi gặp những văn bản tương tự, giúp phát huy khả năng cảm thụ, sự sáng tạo của học sinh trong việc học Ngữ văn”.

Thầy giáo Đỗ Đức Anh (Ảnh: NVCC)

Thầy giáo Đỗ Đức Anh (Ảnh: NVCC)

Chính lối mòn cũ này khiến nhiều nhiều học sinh và cả giáo viên bày tỏ lo ngại về thực tế triển khai văn bản hướng dẫn đổi mới ở năm học mới này.

“Với sự đổi mới này, độ mở trong môn Ngữ văn cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng từ trước tới nay vấn đề dạy Văn, học Văn đã quen theo nếp vẽ đường sẵn cho hươu chạy, bây giờ không còn đường nữa thì sẽ như thế nào?

Rất nhiều đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh đều lo lắng về vấn đề này. Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn vậy nhưng không biết đến lúc thực thi, triển khai trong thực tế dạy và học thì sẽ như thế nào? Liệu học sinh có kịp thay đổi để thích nghi hay không? Đặc biệt với bản thân người dạy là giáo viên có chịu đổi mới cùng quá trình đổi mới này hay không?”, thầy Đỗ Đức Anh bày tỏ băn khoăn.

Tiêu chuẩn nào đối với các dữ liệu ngoài sách giáo khoa dùng làm đề kiểm tra?

Về sự đổi mới cách dạy, kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn này, theo cô Hồ Ái Linh đã được triển khai cho các giáo viên từ lâu bằng việc tập huấn qua các module, tuy nhiên cô giáo này cũng bày tỏ trăn trở:

“Cái cốt lõi ở đây trong chương trình đổi mới, vai trò của học sinh sẽ nắm chủ đạo, tuy nhiên năng lực của học sinh của từng vùng miền, từng trường có lại có sự khác nhau. Vì vậy làm thế nào để sử dụng hiệu quả sách giáo khoa Ngữ văn mới cũng là một vấn đề cấp thiết được đặt ra”.

Cô Hồ Ái Linh chia sẻ việc làm thế nào để sử dụng hiệu quả sách giáo khoa Ngữ văn mới cũng là một vấn đề cấp thiết được đặt ra trước yêu cầu đổi mới. Ảnh: NVCC

Cô Hồ Ái Linh chia sẻ việc làm thế nào để sử dụng hiệu quả sách giáo khoa Ngữ văn mới cũng là một vấn đề cấp thiết được đặt ra trước yêu cầu đổi mới. Ảnh: NVCC

Liên quan tới việc kiểm tra, đánh giá học sinh từ nay sẽ tránh sử dụng ngữ liệu từ sách giáo khoa, theo cô Linh thực tế hiện nay giáo viên cũng đã có rất nhiều người sử dụng văn bản ngoài sách giáo khoa để xây dựng đề kiểm tra.

Sự đổi mới này cũng đã được manh nha từ lâu, cụ thể ngay trong đề thi tốt nghiệp trung học phổ cũng đã có 5 điểm sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa (Phần Đọc - hiểu văn bản chiếm 3 điểm và Nghị luận xã hội chiếm 2 điểm).

“Để giúp học sinh học tốt theo chương trình mới này, yêu cầu giáo viên phải nhanh nhạy, nắm bắt được cấu trúc đề bài để định hướng học sinh về kỹ năng. Theo tôi với một giáo viên giỏi thì hoàn toàn có khả năng và năng lực để giúp định hướng cho học sinh có đầy đủ kỹ năng giải quyết những vấn đề trong yêu cầu của đề bài ”, cô Hồ Ái Linh bày tỏ quan điểm.

Cũng chia sẻ thêm về việc sử dụng ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa, cô Hồ Ái Linh cho biết giáo viên dạy Văn sẽ chọn những văn bản, ngữ liệu có trong các tập sách được in ấn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; Hạn chế liên quan tới các tranh cãi liên quan tới chính trị, đặc biệt ngữ liệu đó phải mang định hướng tạo nên giá trị Chân - Thiện - Mỹ, có khả năng định hướng giáo dục cho học sinh.

Về hình thức sẽ tùy vào mức độ, cấu trúc đề thi thì các câu hỏi sẽ có những đặc điểm khác nhau.

Đề xuất Bộ sớm có hướng dẫn chi tiết về cách kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn

Văn bản hướng dẫn mới của Bộ về cách dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh môn Ngữ văn sẽ được áp dụng ngay từ năm học 2022-2023. Do vậy, thầy Đỗ Đức Anh cho rằng năm đầu tiên thực hiện chắc chắn sẽ không tránh khỏi nhiều bỡ ngỡ, cả với học sinh và giáo viên dạy học.

Nhiều giáo viên mong muốn Bộ sẽ có thêm văn bản hướng dẫn chi tiết về cách đánh giá, kiểm tra môn Ngữ văn theo định hướng mới. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Nhiều giáo viên mong muốn Bộ sẽ có thêm văn bản hướng dẫn chi tiết về cách đánh giá, kiểm tra môn Ngữ văn theo định hướng mới. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Theo đó, thầy Đỗ Đức Anh khẳng định với sự đổi mới này, cái đầu tiên phải đến từ chính người dạy - người thầy phải đổi mới trước, sau đó đến học sinh. Quá trình tập huấn cho giáo viên cần có thời gian để cho giáo viên có thêm nhiều kinh nghiệm hơn.

"Năm nay là năm đầu tiên, bản thân người dạy chắc chắn sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Theo tôi được biết, đến thời điểm này, nhiều giáo viên còn chưa tiếp cận được với sách giáo khoa, và cả nhiều em học sinh cũng chưa kịp mua sách giáo khoa để nghiên cứu kỹ.

Quá trình tập huấn chưa được triển khai đồng bộ mà năm học mới sắp bắt đầu rồi. Ngoài ra về hình thức kiểm tra đánh giá, Bộ cũng chỉ mới đưa ra như vậy chứ chưa có hướng dẫn cụ thể chi tiết như thế nào.

Bản thân là người đi dạy, trong những năm vừa qua tôi cũng luôn đổi mới để truyền dạy cho học sinh, tuy nhiên khi có sự đổi mới được triển khai đồng loạt như thế này tôi cũng khá lo lắng.

Mong rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn cụ thể, chi tiết rõ ràng hơn về cách kiểm tra đánh giá trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Càng sớm càng tốt, như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong quá trình giảng dạy, đồng thời bớt gây ra tâm lý hoang mang lo lắng cho cả phụ huynh và học sinh”, thầy Đỗ Đức Anh nhấn mạnh.

Đồng cảm với những băn khoăn, lo lắng của học sinh và các đồng nghiệp, cô Hồ Ái Linh cho rằng sự với sự đổi mới này, yêu cầu cả giáo viên và học sinh không ngừng chủ động, học tập và tiếp thu kiến thức mới mỗi ngày:

“Theo tôi thầy cô muốn dạy tốt được chương trình mới thì trước tiên phải học module, nắm được những điểm cơ bản, mục tiêu cần đạt, phương pháp dạy học để có thể đưa nội dung môn học đến học sinh dễ dàng nhất.

Ngoài ra điều quan trọng là phải cập nhật hàng ngày hàng giờ tin tức mới, trao đổi với bạn bè đồng nghiệp những phương án mới để học hỏi thêm. Chương trình mới theo hướng mở vì vậy tất cả mọi thứ đều phù thuộc với người giáo viên sẽ xây dựng nội dung, phương pháp dạy như thế nào để phù hợp với đặc điểm từng lớp học, từng học sinh khác nhau”.

Cô Hồ Ái Linh nhấn mạnh, để giáo viên có thể dạy tốt với chủ trương đổi mới này, yêu cầu đề cao sự chủ động tích cực trong mọi hoạt động, đặc biệt sáng tạo nên phương pháp học hiệu quả.

Các điểm mới đáng chú ý trong văn bản hướng dẫn của Bộ:

  • Yêu cầu chú trọng dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động thực hành, trình bày;
  • Tránh yêu cầu đọc chép, ghi nhớ kiến thức máy móc, thay vào đó đề cao việc định hướng giúp học sinh hình thành khả năng đọc hiểu văn bản;
  • Đổi mới cách đánh giá học sinh, trong đó phải đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic.
  • Tránh sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa để xây dựng đề thi kiểm tra đánh giá học sinh. Yêu cầu mới này sẽ được áp dụng ngay từ năm học 2022-2023.
Doãn Nhàn