Bao giờ Bộ ban hành Thông tư Sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư số 01-04?

09/09/2022 06:50
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có lẽ hết năm 2022, các địa phương vẫn chưa thể hoàn thiện việc chuyển hạng, xếp lương mới cho giáo viên bởi còn phải qua rất nhiều quy trình, thủ tục khác nhau.

Ngày 20/5/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo lần 2 Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập để lấy ý kiến cho dự thảo đến hết ngày 20/7/2022.

Sáng 8/8/2022, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức Phiên giải trình “Việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp” và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có những giải trình.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, “nếu không có gì thay đổi, ít ngày nữa sẽ ký ban hành các nội dung sửa đổi cho chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT”.[1]

Thế nhưng, đến nay giáo viên mong ngóng nhưng vẫn chưa thấy Bộ ban hành.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Lương thấp khiến cho nhiều giáo viên ở nhiều địa phương nghỉ việc

Trước thềm năm học 2022-2023, nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng hàng loạt giáo viên nghỉ việc dẫn đến việc thiếu giáo viên ở nhiều trường học - điều này đã được một số giám đốc sở giáo dục và đào tạo chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 ngày 12/8 vừa qua.

Có nhiều nguyên nhân nhưng lý do nhiều giáo viên công lập xin nghỉ việc đưa ra là do áp lực công việc cao nhưng thu nhập hàng tháng lại quá thấp.

Cũng tại Hội nghị này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tính đến năm học vừa qua, cả nước có 1,6 triệu giáo viên các cấp. Nhưng, cũng trong năm học 2021-2022 vừa qua, cả nước có tới 1% giáo viên xin nghỉ việc. Như vậy, 1% giáo viên nghỉ việc, chuyển việc tương đương với khoảng 16 nghìn giáo viên các cấp học hiện nay.

Một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022 trong số 5.501 viên chức nghỉ việc thì lĩnh vực giáo dục chiếm tỉ lệ cao nhất với 2.436 người; Từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022 ở Bình Dương có 527 giáo viên nghỉ việc; Theo Sở Nội vụ Đồng Nai, từ năm 2020 đến nay, ngành giáo dục có 1.218 giáo viên xin nghỉ việc...[2]

Nhiều giáo viên nghỉ việc sẽ dẫn đến sự xáo trộn về nhân sự đối với ngành Giáo dục, nhất là khi toàn ngành đang triển khai, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhưng, biết làm sao được, khi mà cuộc sống của một bộ phận thầy cô giáo trẻ hiện nay có thu nhập hàng tháng quá thấp nên họ đành phải “dứt áo” ra đi cũng là điều không có hiểu.

Rõ ràng, chính sách về tiền lương của giáo viên hiện nay đang có những điều bất cập, cần được tháo gỡ để cuộc sống giáo viên có thể được cải thiện.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế của ngành thì gần 2 năm nay vẫn chưa hoàn thiện được Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập khiến cho các địa phương, nhà trường, giáo viên chờ đợi, thực hiện nhiều lần với rất nhiều công sức, tiền bạc mà mọi thứ vẫn chưa có gì thay đổi.

Bao giờ Bộ chính thức ban hành Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021?

Gần 2 năm về trước, ngày 2/2/2021 Bộ ban hành chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập và chùm Thông tư này có hiệu lực vào ngày 20/3/2021.

Ngay sau khi ban hành chùm thông tư này, Bộ đã có hàng loạt hướng dẫn khác nhau khiến cho gần như tất cả giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông đều phải đi học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp với giá từ 2-2,7 triệu đồng/ người.

Các trường công lập được hướng dẫn thực hiện việc chuyển hạng, xếp lương mới cho giáo viên và ít nhất đã thực hiện đến lần thứ 2, kèm theo phải photo văn bằng, chứng chỉ, các danh hiệu thi đua để làm minh chứng cho việc xếp hạng cùng với những cuộc họp dài lê thê để xếp hạng, xếp lương mới, rồi hoàn thiện các thủ tục nhận xét từng giáo viên theo yêu cầu của cấp trên.

Nhưng, làm xong xuôi hồ sơ thì ngày 20/5/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo lần 2 Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT để lấy ý kiến cho dự thảo đến hết ngày 20/7/2022.

Như vậy, kể từ ngày ngày 2/2/2021, Bộ ban hành chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT cho đến đến tận bây giờ, chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT vẫn chưa thể thực hiện dù văn bản này có hiệu lực từ ngày 20/3/2021.

Bộ tiếp tục sửa đổi và công bố dự thảo vào ngày 20/5/2022 để lấy ý kiến đến ngày 20/7/2022…Tuy nhiên, đến nay văn bản sửa đổi chùm thông tư 01-04 chưa rõ bao giờ sẽ được ban hành và được các địa phương thực hiện.

Giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông công lập vẫn tiếp tục phải chờ đợi và với tình hình này, có lẽ hết năm 2022, các địa phương vẫn chưa thể hoàn thiện việc chuyển hạng, xếp lương mới cho giáo viên dưới cơ sở bởi nó còn phải qua rất nhiều quy trình, thủ tục mới có thể hoàn tất được.

Lúc này, điều mà giáo viên mong mỏi là Bộ ban hành chính thức Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT.

Việc chuyển hạng, chuyển lương mới theo mã số, hệ số của chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT có thể phải còn lâu mới thực hiện được.

Và nếu như Chính phủ triển khai đề án trả lương theo vị trí việc làm sớm thì việc sửa đổi chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT có lẽ không phát huy được tác dụng!

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/sap-ban-hanh-thong-tu-sua-doi-ve-bo-nhiem-xep-luong-giao-vien-2047617.html

[2] https://vietnamnet.vn/hon-1-giao-vien-nghi-viec-trong-mot-nam-bo-gd-dt-de-nghi-tra-luong-tuong-xung-2055474.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN