Phải dạy môn tích hợp, giáo viên cốt cán xin về hưu sớm để giữ tự tôn nghề giáo

28/09/2022 06:38
Thuận Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần có chính sách khuyến khích giáo viên lớn tuổi về hưu và thực hiện chế độ thu hút giáo viên trẻ tốt nghiệp đại học chính quy vào giảng dạy.

Tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra ở nhiều địa phương trên toàn quốc. Nhiều địa phương đăng tuyển nhưng số lượng hồ sơ nộp vào ứng tuyển vẫn khá ít.

Không tuyển được giáo viên bên ngoài, tình trạng thiếu giáo viên sẽ càng trở nên trầm trọng khi nhiều thầy cô giáo có thâm niên trong nghề lại xin nghỉ việc hoặc có nguyện vọng về hưu trước tuổi.

Một trong những lý do để giáo viên không còn tha thiết với nghề và xin về hưu trước tuổi, phải kể đến nguyên nhân nhiều thầy cô giáo khó đảm nhận được môn dạy tích hợp.

Giáo viên dạy tích hợp liên môn đang gặp nhiều khó khăn và áp lực. Ảnh minh họa: qdnd.vn

Giáo viên dạy tích hợp liên môn đang gặp nhiều khó khăn và áp lực. Ảnh minh họa: qdnd.vn

Những chia sẻ bất ngờ sau quyết định xin về hưu trước tuổi

30 năm trong nghề, hiện đảm nhận vị trí tổ trưởng chuyên môn, là giáo viên cốt cán bộ môn Lịch sử cấp tỉnh, cô giáo H.T. là một giáo viên có kiến thức chuyên môn vững vàng, có kỹ năng đứng lớp linh hoạt, sáng tạo.

Vậy mà bất ngờ, nhà trường nhận được đề xuất xin về hưu trước tuổi của cô với lý do không đảm bảo năng lực chuyên môn và sức khoẻ để giảng dạy (nếu tính đúng tuổi về hưu, cô giáo H.T. còn 7 năm nữa).

Khi nhà trường động viên, cô giáo ở lại giảng dạy vì hiện bộ môn Lịch sử vẫn đang thiếu, hơn nữa nhà trường sẽ mất đi một giáo viên nòng cốt là một điều đáng tiếc.

Chia sẻ thật lòng, cô giáo H.T. thẳng thắn bày tỏ: “30 năm dạy môn Lịch sử, cũng hơn chừng ấy thời gian tôi không còn học môn Địa lý. Vậy nhưng bây giờ, giáo viên buộc phải dạy luôn môn học này.

Để dạy được (chưa nói là dạy tốt), tôi gần như phải học lại từ đầu. Vậy là, cùng một lúc vừa học môn chính của mình giảng dạy (vì thay chương trình và sách giáo khoa), vừa phải học lại kiến thức địa lý, tôi thấy không đủ sức.

Trường thiếu giáo viên nên tôi đã phải dạy tăng tiết khá nhiều. Tối về còn lo giáo án, biết bao hồ sơ sổ sách khác, lo soạn bài cho ngày hôm sau, lo tiết dạy thao giảng, hội giảng, lo các hội thi… cũng chẳng còn đủ thời gian nào mà nghiên cứu bài nữa.

Ai có thể dạy hời hợt, qua loa, còn mình thì không. Bởi, mình là tổ trưởng chuyên môn, càng cần phải vững kiến thức để chỉ đạo chuyên môn của tổ. Thế nên, cố thì mệt mỏi lắm!”.

Cùng hoàn cảnh như cô giáo H.T. thầy giáo S. giáo viên dạy Sinh, tổ trưởng chuyên môn tổ Hoá - Sinh, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, giáo viên cốt cán môn Sinh cấp tỉnh cũng bất ngờ xin về hưu non.

Nếu đúng thời gian về hưu, thầy S. phải dạy thêm 5 năm nữa. Khi quyết định xin nghỉ, thầy S. cho biết: “Mình tuổi này mà giờ bắt đi học lấy chứng chỉ để về dạy Vật lý và Hoá học. Học thì có thể theo nhưng học rồi về dạy cũng chẳng hề đơn giản.

Trong khi, môn Vật lý và Hoá học có phải môn lý thuyết để có thể thiên về đọc chép? Có thể soạn bài điện tử rồi lên bảng bấm, trình chiếu cho xong đâu? Môn học này cần có kiến thức nền tảng để dạy học trò cách tư duy logic.Thầy phải thực sự là thầy.

Khi dạy Hoá mà học trò bất ngờ hỏi thầy về các ký hiệu hoá học thầy không kịp nhớ hay hỏi về cách cần bằng mấy phương trình phức tạp có khi toát hết mồ hôi thì học trò cười cho ấy chứ. Mình già rồi, không học nổi đâu. Về hưu non để nhường cơ hội cho cho lớp trẻ”.

Giáo viên không đủ khả năng dạy tích hợp, học sinh chịu nhiều thiệt thòi nhất

Thầy giáo S. và cô giáo H.T. chỉ là 2 ví dụ trong khá nhiều giáo viên thành thật chia sẻ xin về hưu non vì không đủ khả năng dạy môn tích hợp.

Trong thực tế, vẫn còn những thầy cô thấy mình không đủ năng lực để giảng dạy tích hợp liên môn cho tốt nhưng chưa đủ điều kiện để xin về hưu vì mới có thâm niên giảng dạy 20 năm.

Một số giáo viên khác lại không đủ dũng cảm thừa nhận với nhà trường mình không thể dạy tốt liên môn vì tính sĩ diện. Thế là, chất lượng những giờ dạy chỉ chính thầy cô giáo ấy và học sinh mới hiểu.

Thế nên, không bất ngờ lắm khi có nhiều học sinh nói rằng, học với cô (thầy) ấy chán lắm. Bài giảng chỉ đọc chép trong sách giáo khoa mà ít khi thấy mở rộng kiến thức bên ngoài.

Đã có những học sinh kể rằng, có bạn làm bài đúng thầy (cô) còn chấm sai, hay đặt câu hỏi mà thầy cô không thể trả lời…

Yếu kiến thức là vật cản lớn nhất

Bất kể giáo viên nào có trên 10 năm đứng lớp thì phương pháp sư phạm đã vượt đến ngưỡng trở thành kỹ năng. Bởi thế, việc thầy cô giáo đang dạy đơn môn chuyển sang dạy đa môn thì chỉ cần ít buổi tập huấn về phương pháp giảng dạy, giáo viên nào cũng lĩnh hội phương pháp dạy rất nhanh.

Tuy nhiên, cái yếu nhất hiện nay của nhiều thầy cô giáo khi phải dạy đa môn không phải yếu về kỹ năng, phương pháp, mà chính là yếu về kiến thức. Ai cũng hiểu rõ, một khi đã yếu kiến thức thì khó có thể cải thiện được.

Người viết đã từng đặt câu hỏi cho một số đồng nghiệp về chuyện này, ngoại trừ một số giáo viên trẻ tốt nghiệp đại học chính quy nói rằng mình sẽ dạy được đa môn thì phần lớn nhận được câu trả lời, dù có được đi đào tạo thêm cả năm, đang dạy Sinh cũng chẳng thể dạy tốt Hoá và Lý…

Đề xuất giải pháp

Trước thực trạng nhiều giáo viên khó đảm nhận tốt việc dạy đa môn, người viết xin được đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, vì luôn đặt lợi ích của học sinh lên trên nên mong muốn lớn nhất của nhiều thầy cô giáo, cần nghiên cứu giải pháp làm sao để các môn học được tổ chức, sắp xếp thuận lợi cho cả thầy và trò. Có thể trả các môn học về với tư cách môn độc lập như trước kia được không nếu hiện tại tích hợp chỉ là ghép cơ học các môn?

Thứ hai, nếu giải pháp thứ nhất không thể thực hiện được thì cần nghiên cứu giải pháp nhân sự đảm bảo. Các trường sư phạm cần đào tạo gấp nhân lực đủ kiến thức để đảm nhận việc dạy tích hợp.

Thứ ba, nếu vẫn không thể được thì cần có quy định thống nhất, để các trường học không phân công giáo viên dạy liên môn, dù là môn học đã tích hợp thì giáo viên có chuyên môn nào vẫn chỉ dạy môn học ấy như trước đây.

Thứ tư, có chính sách mở để khuyến khích giáo viên lớn tuổi về hưu và thực hiện chế độ thu hút để tuyển dụng những giáo viên trẻ tốt nghiệp đại học chính quy vào giảng dạy.

Những thầy cô giáo trẻ tốt nghiệp đại học chính quy có thể thiếu về kỹ năng sư phạm (điều này sẽ học được qua những buổi tập huấn và sinh hoạt chuyên môn) nhưng họ có đủ kiến thức để đảm nhận việc dạy học đa môn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thuận Phương