Dạy học tích hợp, thầy trò đau đầu vì thời khóa biểu thay đổi xoành xoạch

08/10/2022 06:34
Thuận Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh liên tục phải thay thời khóa biểu nên hôm nhớ hôm quên, mang sách cứ thiếu trước thiếu sau. Việc học dồn môn cũng làm các em mệt mỏi.

Năm học 2022-2023 là năm học thứ hai các trường trung học cơ sở thực hiện việc dạy học tích hợp ở 2 môn Khoa học tự nhiên và Lịch sử và Địa lý. Tuy vậy, việc phân công chuyên môn giáo viên đảm nhận các tiết dạy ở 2 môn học này vẫn đang làm khó nhiều trường học.

Hiện mỗi trường đều có cách phân công chuyên môn theo cách riêng của mình. Bởi thế chỉ trong một địa phương có gần 10 trường trung học cơ sở nhưng chẳng trường nào giống trường nào.

Việc bố trí giáo viên dạy môn học tích hợp đang gặp nhiều rắc rồi. (Ảnh minh hoạ)

Việc bố trí giáo viên dạy môn học tích hợp đang gặp nhiều rắc rồi. (Ảnh minh hoạ)

Có trường phân công giáo viên chuyên môn nào vẫn dạy phân môn đấy

Mặc dù 3 môn Vật lý (Lý), Hoá học (Hóa), Sinh học (Sinh) đã ghép làm một môn Khoa học tự nhiên (2 môn Lịch sử, Địa lý ghép thành Lịch sử và Địa lý) thế nhưng nhiều trường học hiện nay vẫn không thể bố trí giáo viên dạy tích hợp, vẫn ai có chuyên môn nào cứ dạy môn ấy.

Tuy có rắc rối một chút về việc 3 thầy 1 sách dẫn đến việc ra đề kiểm tra, vào điểm, cộng điểm, lên lịch báo giảng phải ngồi lại thống nhất nhưng nhà trường ít phải thay thời khoá biểu, học sinh không quên soạn vở ghi chép, thầy cô không quên tiết dạy cũng không áp lực khi phải dạy những môn có khi là sở đoản.

Chuyên môn nhà trường vẫn cứ vận hành bình thường như khi chưa ghép môn (tích hợp).

Có trường chỉ phân công giáo viên dạy tích hợp ở lớp 6

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, kiến thức các môn tích hợp ở lớp 6 chưa nặng, chủ yếu là lý thuyết nên giáo viên chịu khó đầu tư bài dạy cũng đủ tự tin lên lớp. Vì thế, nhiều trường học cũng đã phân công giáo viên dạy liên môn để tập làm quen.

Đối với lớp 7, trường chỉ chọn một số giáo viên trẻ đảm nhận. Những giáo viên lớn tuổi hoặc sắp về hưu phân công dạy đơn môn cho khối 8 và khối 9.

Có trường buộc giáo viên phải dạy liên môn

Cô giáo T. (đề nghị không nêu tên), phó hiệu trưởng một trường trung học cơ sở cho biết:

“Trường mình dù sao cũng là trường có tiếng, vì thế sẽ phân công giáo viên dạy môn tích hợp (một thầy dạy 2 đến 3 môn) để sau này thầy cô giáo ấy có chuyển đi trường khác vẫn có thể dạy tốt”.

Thế là, những thầy cô giáo giảng dạy môn tích hợp đều được phân công dạy liên môn. Giáo viên Lịch sử dạy luôn Địa lý, giáo viên Vật lý dạy cả Hoá học và Sinh học…

Những thầy cô giáo này cũng cho biết, lớp 6, lớp 7 vẫn có thể cố gắng, còn lớp 8, lớp 9 nếu vẫn phân công thế này chắc chắc không thể dạy nổi.

Rất khó tìm giáo viên dạy tích hợp

Thầy giáo P. (giáo viên môn Vật lý một trường trung học cơ sở) chia sẻ: "Giáo viên đảm nhận tốt môn dạy tích hợp chắc chắn phải là người có kiến thức chuyên sâu, sự hiểu biết toàn diện, có lòng nhiệt huyết, có trách nhiệm với công việc.

Cái khó hiện nay là tìm đúng người để phân công chứ không phải ai cũng có thể dạy tốt. Giáo viên có thâm niên lâu năm thì có điểm mạnh là kỹ năng sư phạm tốt nhưng kiến thức toàn diện có thể không bằng lớp trẻ. Bên cạnh đó, sự nhiệt tình, xông xáo ít nhiều cũng phai nhạt.

Giáo viên trẻ mới ra trường có kiến thức nhưng lại thiếu kỹ năng sư phạm. Độ chín nhất là những thầy cô giáo đã giảng dạy từ 10 đến 15 năm. Tuy thế, những thầy cô giáo này lại đang khá áp lực về gánh nặng gia đình.

Người thì lo con cái còn nhỏ, người lại dành quá nhiều thời gian để lo kinh tế. Việc đầu tư cho chuyên môn sau mỗi ngày lên lớp cũng có phần hạn chế".

Đảm nhận dạy liên môn, buộc giáo viên phải dành hết thời gian, công sức cho việc nghiên cứu bài, soạn bài trước khi đến lớp. Vì thế, giáo viên vô cùng vất vả.

Đã vậy, không phải giáo viên nào dành thời gian đầu tư chuyên môn cũng có thể dạy tốt, do kiến thức không chuyên sâu nên nhiều giờ dạy cũng chỉ đạt ở mức dạy được.

Nhà trường gặp khó khi phải thay thời khoá biểu xoành xoạch

Thực hiện giảng dạy tích hợp (1 thầy dạy 2 - 3 phân môn) làm xáo trộn khá nhiều nền nếp trong nhà trường.

Trước hết, phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn là người vất vả nhất khi liên tục phải thay thời khoá biểu cho 3 giáo viên luân phiên dạy môn Khoa học tự nhiên.

Vì sao phải thay thời khoá biểu?

Do các phân môn Lý, Hóa, Sinh có số tiết học khác nhau như lớp 6 sẽ là Hóa 20%, Sinh 38%, Lý 32%; Lớp 7 sẽ là Hóa 24%, Lý 28%, Sinh 38%...nên giáo viên Vật lý sẽ phải dạy liên tục nhiều tuần, rồi mới đến Hóa học, Sinh học.

Cô giáo T. L. tại Hải Dương cho biết: “Giáo viên phải dạy cuốn chiếu, dẫn đến tình trạng có tuần, giáo viên phải dạy số tiết lên 50 tiết. Giáo viên mệt mỏi, áp lực và không đủ sức.

Còn nhà trường bất lực vì không xếp nổi thời khóa biểu. Học sinh liên tục phải thay thời khóa biểu nên hôm nhớ, hôm quên mang sách cứ thiếu trước, thiếu sau. Việc học dồn môn cũng làm các em mệt mỏi.

Mỗi lần thay thời khoá biểu môn tích hợp lại ảnh hưởng đến thời khoá biểu toàn trường. Các tiết dạy khác cũng bị đảo lộn nên phải sắp xếp lại, dẫn đến giáo viên cũng quên tiết dạy. Có khi 2 giáo viên vào cùng một lớp, có khi lớp lại không có thầy cô giáo nào vào dạy".

Một giáo viên, đồng nghiệp của người viết thốt lên: “Tôi thật sự không thể hiểu được tại sao lại tích hợp kiểu này, nó chỉ làm cho mọi việc trở nên rối ren, phức tạp. Việc phân công, thời khóa biểu, ra đề thi, chấm điểm, tổng hợp cứ rối ren bung bét lên cả... áp lực ngày càng đè nặng cho nhà trường, cho giáo viên và cả học sinh".

Tích hợp kiểu cơ học thà cứ để vậy cho xong

Anh K.Đ (một cựu biên tập viên sách giáo khoa) nhận xét: “Tích hợp là để kiến thức không bị học trùng lặp, học sinh đỡ mất thời gian học những điều đã được học. Thế nhưng kiểu tích hợp hiện nay của chúng ta thì lại ngược lại.

Ở đây, cuốn sách vẫn có ba mảng kiến thức. Nó chính là ba cuốn sách trước đây được đóng chung vào một cuốn.

Đã thế, lại khiến cho việc dạy học ở trường phổ thông bị rối loạn. Chẳng hạn, cùng một nội dung kiến thức cần truyền đạt, lẽ ra chỉ nên trình bày ở một chỗ, rồi sử dụng kiến thức của nó để học các kiến thức khác ở các phần khác nhau (thuộc Vật lý, Hóa học, Sinh học) thì ở sách mới nó lại được trình bày ở cả ba nội dung Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Dẫn đến, học sinh vừa mất thời gian phải học lại mà học không sâu được vì chỗ nào cũng trình bày sơ sài”.

Việc dạy và học tích hợp đã bước sang năm thứ hai. Những phản ánh của giáo viên hiện nay là từ trải nghiệm thực tế. Bởi vậy, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xem xét để có những chấn chỉnh kịp thời và phù hợp nhất.

* Bài viết thể hiện quan điểm, nhận thức và câu chuyện thực tế của tác giả.

Thuận Phương