Trong cuộc làm việc ngày 17/10 với Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết tháo gỡ, cho phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030.
Đề nghị này của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết vấn đề thiếu giáo viên tại các vùng có điều kiện kinh tế còn khó khăn và đang thiếu nguồn tuyển.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho rằng, nếu đề xuất này được thực hiện, nhiều địa phương vùng khó sẽ có cơ hội tăng thêm nguồn tuyển giáo viên.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai được 3 năm nhưng nhiều thách thức đặt ra vẫn chưa được giải quyết triệt để. Tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều địa phương đã tồn tại một thời gian dài chưa thể khắc phục được hết.
Giáo dục các vùng khó khăn đối mặt với bài toán thiếu giáo viên nghiêm trọng. Ảnh minh họa: LC |
“Ở Quảng Trị, nguồn tuyển không quá khó khăn, kể cả với các địa phương vùng núi thuộc tỉnh. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra ở các địa bàn tỉnh khác, đang có nhu cầu lớn về giáo viên, thì đề xuất này sẽ mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực. Nếu được triển khai, việc này vừa giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, vừa tăng cơ hội việc làm cho nguồn nhân lực đã qua đào tạo sư phạm hệ cao đẳng”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị nêu.
Cũng theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị từ khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, giáo viên từ cấp tiểu học trở lên phải có trình độ đại học mới đạt chuẩn trình độ đào tạo. Với yêu cầu hiện nay, người học sư phạm, giáo viên trong ngành đều có ý thức tự nâng chuẩn.
Khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tình trạng thiếu giáo viên xảy ra chủ yếu ở các môn Tiếng Anh, Tin học và đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật.
Nếu như ở các thành phố lớn, những cử nhân đáp ứng được yêu cầu bằng cấp nhiều, thì ở vùng sâu, vùng xa, nguồn tuyển cho những vị trí này gặp nhiều khó khăn. Có người học mới tốt nghiệp trình độ cao đẳng, họ không được tuyển dụng vào làm giáo viên các cấp, trong khi giáo viên thì thiếu, đây là tình trạng lãng phí nhân lực.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, thực hiện Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ về nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, các địa phương đã xây dựng kế hoạch nâng chuẩn cho giáo viên - đây là những người đã được tuyển dụng vào làm việc.
Vậy nếu đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo được thực hiện, khi tuyển dụng các giáo viên có trình độ cao đẳng vào làm việc, thực hiện nâng chuẩn thì họ có thuộc diện của Nghị định 71/2020/NĐ-CP hay không? Các cơ quan chức năng cũng nên có những quy định cụ thể, tránh chồng chéo về chính sách.
Ở khía cạnh khác, một vị Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện miền núi của tỉnh Điện Biên cho rằng: nếu đề xuất được thông qua, sẽ góp phần giải quyết vấn đề thiếu giáo viên trước mắt. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất vẫn là chính sách đãi ngộ đối với các giáo viên này.
Bởi vị Trưởng phòng Giáo dục này phân tích: "Thường thì các giáo viên không có nhiều cơ hội ở vùng thuận lợi họ mới lên vùng khó khăn để ứng tuyển. Tuy nhiên, chế độ không được cao thì rất khó để họ gắn bó lâu dài.
Hiện nay, tại địa bàn huyện, giáo viên trực tiếp giảng dạy tại các xã khu vực biên giới, được hưởng 50% phụ cấp biên giới. Còn những xã khác cũng rất khó khăn nhưng không thuộc địa bàn sát biên, thì giáo viên không được hưởng chế độ phụ cấp này".
Thực tế tuyển dụng ở địa phương này thời gian qua cho thấy, hầu hết các ứng viên nộp hồ sơ tuyển dụng đều đã tự nâng chuẩn lên trình độ đại học theo con đường học liên thông. Do vậy, theo vị Trưởng phòng, việc tuyển giáo viên có trình độ cao đẳng chưa hẳn giải quyết được hết tận gốc vấn đề thiếu giáo viên, đặc biệt là đối với vùng khó khăn.
Nếu chế độ cho giáo viên tốt, cùng với đó là các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhà công vụ đối với giáo viên ở các vùng khó khăn được đầu tư xây dựng... thì các giáo viên sẽ yên tâm công tác và gắn bó với việc dạy và học ở đây hơn.
"Bởi đối với vùng khó khăn, tuyển dụng được giáo viên đạt chuẩn đã khó, giữ chân giáo viên ở lại càng khó khăn hơn", vị Trưởng phòng này cho biết thêm.
Tại Quyết định số 72-QĐ/TW, ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị, năm học 2021-2022, tổng số giáo viên tại các địa phương là 1.212.684 người. Số giáo viên thừa là 2.161 người và số giáo viên thiếu là 101.745 người.