Nếu được tuyển GV tốt nghiệp cao đẳng sẽ giúp tăng nguồn tuyển cho vùng khó

21/10/2022 06:49
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu được phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp từ cao đẳng, sau đó bồi dưỡng nâng chuẩn, sẽ giúp tăng nguồn tuyển GV cho vùng khó.

Trong cuộc làm việc ngày 17/10 với Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết tháo gỡ, cho phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030.

Đề xuất này, nếu được thực hiện, sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn cho việc tuyển giáo viên ở những tỉnh vùng núi còn khó khăn do rất thiếu nguồn tuyển.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đoạt Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho rằng: “Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, đã quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo như: có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Đối với Điện Biên, công tác tuyển dụng giáo viên kể từ khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực đến nay gặp rất nhiều khó khăn bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là nguồn tuyển của tỉnh có rất ít ứng viên tốt nghiệp sư phạm trình độ đại học để tuyển dụng, đặc biệt là giáo viên một số môn đặc thù như: Tiếng Anh, Mỹ thuật, Tin học, Âm nhạc.

Trong khi đó, số lượng sinh viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm lại rất dồi dào.

Bởi nhiều người học tốt nghiệp trung học phổ thông trước ngày 14/6/2019 (ngày ban hành Luật Giáo dục năm 2019) không tham gia xét tuyển vào các trường đại học sư phạm mà tham gia xét tuyển vào các trường cao đẳng sư phạm hoặc hệ trung cấp sư phạm đối với những môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật...

Trong số những người học đó khi tốt nghiệp còn rất nhiều em chưa có điều kiện tham gia học tập nâng cao để có bằng đại học".

Ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên. Ảnh: LC

Ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên. Ảnh: LC

Thực hiện Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; các địa phương đã thực hiện xây dựng kế hoạch nâng chuẩn cho giáo viên, nhưng đây là những giáo viên đã được tuyển dụng vào làm việc.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cũng cho rằng: “Hiện nay, số lượng học sinh các địa phương đều tăng ở tất cả các cấp học, bậc học.

Trong khi đó, từ ngày 1/7/2020 đến nay, đã có rất nhiều nhà giáo ở cả ba cấp học: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm hoặc chuyển công tác sang lĩnh vực khác nên dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên so với định mức thực tế ở các địa phương.

Từ một số nguyên nhân trên, nếu Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030 sẽ là một giải pháp quan trọng trong việc khắc phục hoặc khắc phục phần nào tình trạng thiếu giáo viên, đáp ứng từng bước nhu cầu học tập của học sinh”.

Nói về khó khăn nguồn tuyển dụng giáo viên ở Điện Biên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, do các địa phương đều có tình trạng thiếu giáo viên nên việc tuyển dụng, bổ sung giáo viên ở các địa phương vùng khó khăn trong đó có tỉnh Điện Biên đang gặp rất nhiều hạn chế.

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu là các địa phương vùng thuận lợi sẽ có sức hút lớn trong công tác tuyển dụng hơn các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, giao thông đi lại chưa hoàn toàn thuận tiện...

Số lượng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tại Điện Biên tham gia xét tuyển vào các trường đại học sư phạm còn ít.

Đặc biệt, tỷ lệ học sinh đăng ký học sư phạm các ngành đặc thù (Tiếng Anh, Mỹ thuật, Tin học, Âm nhạc) thấp, dẫn đến nguồn tuyển dụng giáo viên các môn học này rất khó khăn".

Tình trạng tuyển dụng giáo viên ở Điện Biên khó khăn vì thiếu nguồn tuyển. Ảnh minh họa: LC

Tình trạng tuyển dụng giáo viên ở Điện Biên khó khăn vì thiếu nguồn tuyển. Ảnh minh họa: LC

"Trước đây, một số sinh viên miền xuôi khi ra trường có nguyện vọng tuyển dụng viên chức ở Điện Biên nhằm mục đích được vào biên chế, sau một thời gian công tác sẽ chuyển về những nơi có điều kiện thuận lợi hơn. Kể từ khi Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ ban hành quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, số lượng sinh viên miền xuôi khi ra trường có nguyện vọng tuyển dụng viên chức ở Điện Biên giảm rất nhiều. Vì sau khi trúng tuyển và công tác tại Điện Biên, nếu chuyển đến vùng thuận lợi những viên chức này sẽ không còn là viên chức suốt đời mà là viên chức hợp đồng”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết thêm.

Nói về việc giải quyết khó khăn trong nguồn tuyển giáo viên nếu được tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện tự bồi dưỡng, ông Nguyễn Văn Đoạt cho biết:

“Hiện tại toàn tỉnh Điện Biên còn thiếu 413 giáo viên tiểu học; 240 giáo viên trung học cơ sở.

Nếu được phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp từ cao đẳng với điều kiện tự bồi dưỡng sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng giúp tăng nguồn tuyển, trước mắt giải quyết được phần nào tình trạng thiếu giáo viên ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, đặc biệt ở những môn học đặc thù như Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Tuy nhiên, những giáo viên được tuyển mới này sẽ phải có điều kiện ràng buộc hoàn thành lộ trình nâng chuẩn theo cam kết để đáp ứng quy định của Luật Giáo dục”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết.

Lại Cường