Lấy học liệu ngoài SGK chưa đủ, GV phải thay đổi tư duy khi kiểm tra, đánh giá

28/10/2022 06:49
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đề kiểm tra Ngữ văn được ra theo hướng cho học sinh bộc lộ hết năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, khuyến khích sáng tạo, đồng thời loại bỏ kiểu văn mẫu.

Chỉ còn vài tuần nữa là học sinh lớp 10 bậc trung học phổ thông ở Đà Nẵng bước vào kỳ kiểm tra giữa học kỳ 1 năm học 2022-2023. Hiện các trường trung học phổ thông trên địa bàn đang khẩn trương chuẩn bị cho công tác kiểm tra, ra đề thi…

Trong đó, vấn đề đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được các thầy, cô bàn bạc, thảo luận kỹ lưỡng.

Trên cơ sở Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu “trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, giáo viên cần tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”, các trường đã xây dựng ma trận đề kiểm tra theo hướng phát huy những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh.

Giáo viên phải thay đổi tư duy đánh giá

Trao đổi với Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Đình Hòa – giáo viên Ngữ văn Trường trung học phổ thông Trần Phú (Đà Nẵng) chia sẻ, hiện nhà trường lên kế hoạch để kiểm tra giữa kỳ chung cho các môn, trong đó có môn Ngữ văn.

Đề kiểm tra môn Ngữ văn giữa kỳ sẽ chủ yếu lấy dữ liệu từ bên ngoài để tránh tình trạng văn mẫu. Ảnh: AN

Đề kiểm tra môn Ngữ văn giữa kỳ sẽ chủ yếu lấy dữ liệu từ bên ngoài để tránh tình trạng văn mẫu. Ảnh: AN

Theo đó, các tổ bộ môn sẽ phân công cho một giáo viên ra đề thi rồi sau đó các tổ sẽ rút kinh nghiệm chung cho mọi người.

“Hiện nay, nhà trường chưa tiến hành kiểm tra giữa kỳ nên chưa thể đưa ra những nhận xét gì. Tuy nhiên, tinh thần ra đề là vẫn theo cấu trúc và ma trận đề đã được tập huấn trong mô-đun 1 của Bộ Giáo và Đào tạo.

Do đó, các ngữ liệu sẽ không lấy từ sách giáo khoa mà dựa vào bên ngoài. Dự tính đến ngày 10/11 sẽ tiến hành kiểm tra. Đáng lẽ sẽ làm sớm hơn nhưng do trùng với một số sự kiện của trường nên hoãn lại”.

Trả lời câu hỏi về việc đổi mới trong cách ra đề kiểm tra môn Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 như vậy thì có gây áp lực gì cho giáo viên không thì thầy Hòa cho biết: “Cũng có một số áp lực nhất định cho giáo viên. Bởi lâu nay, nhiều giáo viên đã quen với việc dạy tác phẩm nào thì ra đề kiểm tra liên quan đến tác phẩm đó.

Tuy nhiên, với việc đổi mới giáo dục thì yêu cầu là chúng ta phải vận dụng kiến thức môn Ngữ văn trong phần tri thức Ngữ văn mà tài liệu đã cung cấp và một số bài văn mẫu đã phân tích trong sách giáo khoa để các em dựa vào đó làm bài.

Điều quan trọng nhất mà tổ bộ môn đã thống nhất là việc ra đề không khó nhưng quan trọng nhất là giáo viên phải thay đổi về tư duy đánh giá học sinh chứ không thể đánh giá và yêu cầu học sinh làm bài như trước đây.

Hiện nay, tổ Ngữ văn đã thống nhất phương án ra đề và không có băn khoăn gì nhiều. Điều mà tôi luôn nhắc tới nhắc lui là giáo viên cần thay đổi tư duy khi kiểm tra, đánh giá”, thầy Hòa chia sẻ.

Cũng theo thầy Hòa, trong quá trình giảng dạy trên lớp, giáo viên căn cứ theo ma trận đề thi để công bố với các em gồm: Phần đọc hiểu sẽ bao nhiêu điểm, phần làm văn sẽ bao nhiêu điểm, các câu hỏi đọc hiểu sẽ theo mức độ nào.

Các hình thức như: trắc nghiệm khách quan, trắc nghiệm điền khuyết hay ví dụ như câu trả lời ngắn thì tôi đã cùng với giáo viên, phổ biến cho học sinh hiểu để khi làm bài không bỡ ngỡ".

Đánh giá về cách ra đề kiểm tra lần này, thầy Hòa nói: “Với cách ra đề này sẽ chống được tình trạng văn mẫu, giúp cho học sinh phát huy được những cá tính, khả năng riêng của từng em. Để các em tự bày tỏ chính kiến, cách hiểu, cách biểu đạt của riêng của các em.

Từ đó, các em buộc phải nắm rõ những tri thức ngữ văn liên quan đến bài học để các em có thể vận dụng kiến thức vào việc tìm hiểu bất kỳ tác phẩm nào chứ không phải là học thuộc để làm theo dạng văn mẫu như trước đây”.

Ra đề kiểm tra không cứng nhắc

Trong khi đó, thầy Trần Đạt – Hiệu trưởng trung học phổ thông Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cho biết, việc ra đề kiểm tra theo chương trình giáo dục phổ thông mới (không riêng gì môn Ngữ văn) thì dữ liệu mang tính chất thực tế nhiều hơn.

“Mặc dù nội dung trong sách giáo khoa vẫn là chủ đạo nhưng đó là cái sườn, còn lại các trải nghiệm thực tế được đưa vào trong các câu hỏi kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ. Tất nhiên, mỗi bộ môn sẽ có một cách ra đề, ma trận đề thi khác nhau.

Hiện nay, việc ra đề kiểm tra như thế nào ở mỗi bộ môn đều có sự hướng dẫn, giải thích rất cụ thể từ phía Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng. Trong các hội nghị sinh hoạt chuyên môn thì đều có sự trao đổi, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong cách ra đề”.

Cũng theo thầy Đạt, về phương pháp ra đề kiểm tra giữa kỳ đối với môn Ngữ văn thì dữ liệu trong sách giáo khoa vẫn đóng một vai trò quan trọng. Tuy nhiên, với mỗi câu hỏi đưa vào các kỳ kiểm tra cuối kỳ, giữa kỳ thì đều mang tính thực tế, gần gũi với học sinh nhiều hơn.

Mục đích là phát huy được khả năng, kiến thức, rồi cách lập luận, suy luận của học trò. Còn cụ thể như thế nào thì nó còn phải phù hợp với từng chủ đề mà nhà trường đang giảng dạy. Và chủ đề của từng chương cũng không cứng ngắc.

“Việc kiểm tra, đánh giá học sinh không còn như trước đây là chỉ dựa trên bài viết, mà còn kiểm tra thông qua hoạt động trải nghiệm, thực tế, kiểm tra trắc nghiệm… Đến giờ vẫn chưa kiểm tra giữa kỳ, vì đang mới tuần thứ 8 nên chưa thống nhất được việc có nên đưa các câu hỏi trắc nghiệm hay thực tế vào đề kiểm tra hay không”, thầy Đạt nói.

Theo một số giáo viên Ngữ văn, công văn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định bắt buộc sử dụng hình thức trắc nghiệm khách quan kết hợp tự luận trong kiểm tra đánh giá định kỳ đối với môn Ngữ văn.

Do đó, việc ra đề kiểm tra như thế nào, theo hình thức nào là tùy thuộc vào quá trình thảo luận, đánh giá và thống nhất của các tổ bộ môn.

“Dù kiểm tra, đánh giá theo hình thức nào cũng đều phải bảo đảm nguyên tắc học sinh được thể hiện những phẩm chất về: năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, những suy nghĩ và tình cảm của mình…

Những cái đó là của các em chứ không phải vay mượn, sao chép từ văn mẫu. Đề kiểm tra cũng phải khuyến khích các bài viết có cá tính và sáng tạo”, một giáo viên Ngữ văn chia sẻ thêm.

AN NGUYÊN