Trước tình trạng thiếu giáo viên tại nhiều địa phương cũng như việc gặp khó khăn về nguồn tuyển dụng, trong cuộc làm việc ngày 17/10 với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết tháo gỡ, cho phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030.
Với chính sách này, Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ vọng sẽ giải quyết được bài toán thiếu giáo viên tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn.
Nếu có nghị quyết cho phép tuyển dụng giáo viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm thì sẽ gỡ khó cho giáo dục vùng cao. Ảnh: MT |
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Thái – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi cho biết, trước đây, khi Luật Giáo dục 2019 vừa có hiệu lực thì Quảng Ngãi đã có hướng tuyển giáo viên trình độ cao đẳng (với bậc tiểu học) để đáp ứng đội ngũ dạy học, sau đó sẽ có lộ trình để nâng chuẩn cho những người này.
Tuy nhiên, khi có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Bộ không đồng ý, mà phải thực hiện theo Luật Giáo dục 2019.
“Từ đó, chúng tôi phải từng bước thực hiện tuyển dụng giáo viên theo các quy định của Luật Giáo dục là trình độ cao đẳng đối mầm non và đại học đối với tiểu học. Ban đầu thực hiện cũng khó khăn nhưng cũng dần dần đi vào khuôn khổ”, ông Thái nói.
Trong giai đoạn mà nhiều địa phương đang phải “đau đầu”, vật lộn với bài toán đảm bảo đủ đội ngũ giáo viên dạy học thì nghị quyết về cho phép tuyển dụng trình độ cao đẳng sư phạm đối với bậc tiểu học (nếu được Quốc hội chấp thuận) có cần thiết hay không?
Ông Thái cho rằng, việc cần hay không cần còn tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương. Theo đó, đối với những địa phương đã rốt ráo thực hiện tuyển dụng giáo viên theo Luật Giáo dục những năm vừa qua thì cũng đã cơ bản đảm bảo được đội ngũ. Nhưng riêng đối với các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa thì việc tuyển dụng còn khó khăn.
“Có địa phương họ chưa giải quyết xong bài toán thiếu giáo viên thì rất cần nghị quyết này. Nhưng địa phương nào đã giải quyết xong rồi (đã nâng chuẩn giáo viên theo quy định của Luật Giáo dục – phóng viên) thì họ cứ tuyển theo Luật thôi, không cần phải áp dụng nghị quyết (nếu có) này nữa”.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi cũng chia sẻ thêm, năm học này, địa phương tuyển dụng 1.053 chỉ tiêu giáo viên cho các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện/thị xã, thành phố.
“Đến thời điểm hiện tại, số hồ sơ đăng ký dự tuyển giáo viên có trình độ cao đẳng đối với mầm non và đại học đối với bậc tiểu học và trung học cơ sở trên toàn tỉnh về cơ bản vẫn đáp ứng được. Nhưng cũng có cái bất cập là khu vực ở thành phố và các huyện đồng bằng thì số lượng hồ sơ đủ điều kiện dự tuyển nhiều hơn, còn ở các huyện miền núi thì lượng hồ sơ khá ít.
Nguyên nhân là nguồn tuyển đáp ứng được điều kiện đặt ra ở các huyện này rất ít, nên e ngại sẽ thiếu cục bộ tại những nơi này. Riêng một số môn học mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì chưa có người dự tuyển như: Âm nhạc, Mỹ thuật…”.
Cũng theo ông Thái, nếu Quốc hội cho phép thì Quốc hội nên điều chỉnh một số điều ở Luật Giáo dục 2019 nhằm tránh tình trạng các văn bản pháp luật ban hành ra lại chồng chéo lẫn nhau, không triển khai vào thực tiễn được.
“Nếu có nghị quyết cho phép điều chỉnh quy định chỉ là trung cấp đối với mầm non và cao đẳng với tiểu học thì sẽ tháo gỡ cho các địa phương đang có số lượng lớn giáo viên chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019. Khi đó vừa đảm bảo đội ngũ dạy học hiện tại, vừa cho giáo viên một lộ trình để đảm bảo chuẩn chung theo quy định”, ông Thái nói thêm.
Còn tại Quảng Nam, năm học 2022-2023, toàn tỉnh thiếu hơn 2.500 giáo viên nên tiến hành tổ chức thi tuyển. Tuy nhiên, hiện chỉ mới có 1.640 hồ sơ đăng ký dự thi.
Một trong những nguyên nhân được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này xác nhận là do quy định về trình độ cao đẳng đối với bậc mầm non và đại học đối với tiểu học đã khiến nguồn tuyển không đáp ứng được, nhất là tại các huyện miền núi như: Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Tây Giang…
Một Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam chia sẻ: “Quảng Nam cũng từng có đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ hạ thấp tiêu chuẩn, tiêu chí tuyển dụng để giải quyết khó khăn về nguồn tuyển.
Trong đó, đối với vùng đồng bào dân tộc miền núi thì giáo viên của bậc học mầm non có trình độ trung cấp là được rồi, tiểu học nên là giáo viên có trình độ cao đẳng trở lên.
Như vậy mới khắc phục được tình trạng số lượng đăng ký thi tuyển giáo viên thấp hơn chỉ tiêu tuyển dụng do khó khăn về nguồn tuyển. Tuy nhiên, những đề xuất này đến nay vẫn chưa được chấp thuận bởi Luật Giáo dục đã quy định”.
Cũng theo vị trưởng phòng này, nếu Quốc hội ban hành một nghị quyết cho phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng thì không chỉ giải quyết được bài toán về nguồn tuyển mà còn giảm áp lực cho giáo viên cũng như Ủy ban nhân dân các huyện miền núi về việc nâng chuẩn cho các thầy cô.