Trước thực tiễn đổi mới giáo dục, việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong hoạt động dạy học, giáo dục học sinh như một trong những yêu cầu cấp thiết.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún.
Để đáp ứng đòi hỏi sắp tới, cần đẩy mạnh đầu tư vào hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo nhằm tăng cường, hợp lý hoá và điều chỉnh hệ thống các đề tài nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo theo hướng tập trung hơn vào cấp học mầm non và phổ thông.
Cần đẩy mạnh đầu tư vào hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. (Ảnh minh hoạ: ND) |
Giáo sư Huỳnh Văn Sơn nêu 4 giải pháp để phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo ở bậc mầm non và phổ thông.
Thứ nhất, tăng cường cơ chế quản lý và hành lang pháp lý cho hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông
Thầy Sơn cho biết, hiện nay công tác quản lý và hành lang pháp lý cho hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn một số bất cập do thiếu các cam kết, sự phối hợp và thực hiện chính sách của chính phủ một cách hiệu quả. Đặc biệt trong chính sách khen thưởng cho các cá nhân, tổ chức, cơ sở giáo dục có công bố quốc tế ở các tạp chí uy tín (thuộc danh mục Scopus/ISI) với các mức thưởng theo độ uy tín và chỉ số ảnh hưởng của tạp chí đó.
Nếu cán bộ quản lý có tầm nhìn và quyết tâm thực hiện thì sẽ giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo ở các cơ sở mầm non, phổ thông. Một chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo hiệu quả phải nhắm tới những mục tiêu mang tính thách thức, nhưng thực tế và khả thi cho nên từ việc đề xuất đề tài, thẩm định hay xét duyệt đến công tác quản lý các đề tài theo từng năm và chuỗi năm phải có tính bao quát và đảm bảo có xem xét sự trùng lặp, khoảng trống hay xu hướng nghiên cứu để đảm bảo tính bao phủ và đáp ứng trong thực tiễn nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Giáo sư Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC) |
Đồng thời cần tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành và lôi kéo sự tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình hoạch định chiến lược và chính sách. Cần có một cơ chế ở cấp cao, đi kèm với một mạng lưới phi chính thức và sự phối hợp giữa các cơ quan thực hiện chính sách.
"Ở Việt Nam, tiến trình xây dựng khung thể chế hiện đại cần phải tiếp tục được đẩy mạnh để đảm bảo tiến độ. Nếu có các cơ quan chính phủ có tính chuyên nghiệp, có quyền tự chủ và phạm vi hoạt động lớn hơn, thì chính sách sẽ được thực hiện hiệu quả hơn.
Cần gấp rút tăng cường nền tảng thông tin về chính sách, tiêu chí và thông lệ đánh giá khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo", Giáo sư Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.
Mô thức quản lý tin thông qua trung tâm chuyên biệt với cơ chế đồng quản lý cần được quan tâm nhất là hướng dẫn, giới thiệu nhà nghiên cứu tra cứu, đối sánh để có thể phát kiến ý tưởng, đổi mới sáng tạo một cách hiệu quả.
Việc đánh giá ý tưởng, thẩm định đề xuất, thuyết minh cần được thực hiện một cách hiệu quả, kịp thời, minh bạch và khả thi. Việc xét duyệt các đề tài từ nhiều năm nay vẫn gặp nhiều khó khăn dù chúng ta đã không ngừng cải tiến nhưng các mô thức xét chọn đề tài cần tiếp tục rút kinh nghiệm để hoàn thiện.
Hơn nữa, chúng ta cũng cần đổi mới bằng cách có nhiều đề tài đặt hàng dựa trên nhu cầu thực tiễn, dựa trên đề xuất của các Hội đồng các cấp hay cam kết sử dụng kết quả nghiên cứu của các cơ sở và tổ chức có liên quan là nền tảng quan trọng để thẩm định các thuyết minh.
Ngoài ra, việc tổ chức đánh giá đề tài dù có nhiều cải tiến theo hướng khách quan, minh bạch nhưng cũng cần chú ý đến tiêu chí liên quan về: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng… hay thậm chí là nghiên cứu phát hiện, nghiên cứu đề xuất, nghiên cứu triển khai để có thể đánh giá bao quát, tạo giá trị và ý nghĩa đích thực khi đánh giá.
Thứ hai, là tăng cường nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng giáo dục và kỹ năng nhưng còn cần phải làm nhiều hơn nữa để gia tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư làm việc ở các cơ sở giáo dục đại học có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn cao trong nghiên cứu khoa học các vấn đề ở trường mầm non, trường phổ thông để cùng hợp tác, phối hợp nghiên cứu, phát triển.
Khảo sát tổng quan cho thấy các đề tài khoa học trong những năm gần đây đều yêu cầu sản phẩm khoa học rất rõ ràng và cụ thể, tuy nhiên sản phẩm ứng dụng hay sản phẩm triển khai vẫn là một thách thức với nhiều nhà nghiên cứu. Đến nay, cũng chưa có một thống kê nào khẳng định số sản phẩm ứng dụng theo đăng ký của các đề tài đạt bao nhiêu phần trăm hay được tiếp tục phát triển, tiếp tục chuyển giao thế nào. Hoặc các sản phẩm này được sản xuất hay hoàn thiện để sản xuất ra sao ở thị trường…
Không thể phủ nhận các nhà nghiên cứu của chúng ta có tiềm lực nhưng những diễn tiến cũng cho thấy sản phẩm công bố quốc tế do được đặt để ở một vị trí quá cao nên các sản phẩm khác chưa được nhận thức về tầm quan trọng một cách rõ nét.
Để làm được yêu cầu tạo ra các sản phẩm ứng dụng, cần đầu tư về nguồn lực, cụ thể là định hướng nhận thức, quán triệt về tư duy và “khuyến khích” hướng đến các sản phẩm khác, nhất là sản phẩm ứng dụng chứ không phải xem công bố quốc tế như một lựa chọn đặc quyền.
Song song đó, cần tạo thêm cơ hội nâng cao tay nghề cho những nhà khoa học và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề ngắn hạn thông qua các định hướng nghiên cứu liên ngành. Mở rộng cơ hội vừa học vừa làm và học tập suốt đời sẽ giúp xoá bỏ lỗ hổng về kỹ năng mềm và kỹ năng nghiên cứu, đặc biệt là kỹ năng viết bài báo khoa học và công bố quốc tế ở các tạp chí uy tín song song với kỹ năng hoàn thành các sản phẩm ứng dụng.
Thứ ba, nâng cao đóng góp của các trường đại học và cơ sở nghiên cứu nhà nước và rà soát về hiệu quả nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo với các hoạt động có liên quan như: tuyển sinh, xếp hạng…
Theo quan điểm của Giáo sư Huỳnh Văn Sơn vẫn còn nhiều phòng thí nghiệm và đơn vị nghiên cứu khoa học chồng chéo mà phần lớn số đó không đạt qui mô tối ưu, thiếu nguồn lực (vốn, nhân sự, hạ tầng) và vẫn chưa gần với người sử dụng cuối cùng. Muốn giải quyết hiệu quả những vấn đề này, cần có tầm nhìn chiến lược rõ ràng về phân công lao động giữa các trường đại học và cơ quan nghiên cứu nhà nước, đảm bảo cân đối chức năng giữa các cơ quan nghiên cứu nhà nước.
Các trường đại học và cơ sở nghiên cứu nhà nước đã và đang có những đóng góp rất đáng kể cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của cả nước. Minh chứng là tỉ lệ các bài báo quốc tế uy tín của cả nước xuất phát từ các trường đại học rất cao, chiếm từ 70 đến 90% tùy từng lĩnh vực.
Tuy nhiên, như đã đề cập, điều này có thể dẫn đến những hệ lụy như: chạy bài công bố quốc tế, có kết quả công bố nhưng thiếu minh chứng đề tài khoa học như một công trình khoa học có thể trở thành một công trình đảm bảo tính hệ thống để nghiên cứu hay tự học cho các thế hệ sau… Ngoài ra, việc rà soát về hiệu quả nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo với các hoạt động có liên quan như: tuyển sinh, xếp hạng cũng cần được đảm bảo bởi điều này cho thấy sự định hướng phát triển đồng bộ và tránh lệch pha chạy theo thành tích dẫn đến các hệ lụy khó có thể kiểm soát…
Các kết quả rà soát phải đảm bảo được công khai, được rút kinh nghiệm bởi suy cho cùng, việc xếp hạng hay việc tạo ra các thành tích phải hướng đến sự phát triển bền vững.
Cần tiếp tục tăng cường vai trò điều phối mang tính chiến lược của Bộ Khoa học công nghệ, đồng thời, một số ít cơ quan như NAFOSTED sẽ đóng vai trò tích cực ở cấp thực hiện trong việc hợp lý hoá số lượng các cơ quan nghiên cứu nhà nước. Đương nhiên, điều này cần được nhìn nhận và xem xét từ góc nhìn rút tỉa kinh nghiệm, cân nhắc các kinh nghiệm thành công, hoàn thiện các điều chỉnh hay cải tiến cần thiết để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo hiệu quả hơn.
Thứ tư, định hướng chiến lược một số đề tài nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo ở cấp mầm non và phổ thông ở Việt Nam đến năm 2030.
Thầy Sơn nêu 5 định hướng chiến lược về ý tưởng thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo ở cấp mầm non và phổ thông ở Việt Nam đến năm 2030 để khắc phục những “lỗ hổng” trong nghiên cứu trước đây và mở rộng sự hiểu biết của các nhà khoa học, của đại chúng.
Một là, tập trung nghiên cứu về chương trình giáo dục mầm non sau 2020, từ các luận cứ đến vấn đề phát triển chương trình, đảm bảo các điều kiện triển khai chương trình, công tác truyền thông và đảm bảo chất lượng cũng như các vấn đề có liên quan
Hai là, tiếp tục nghiên cứu các vấn đề về chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhất là công tác thực thi chương trình, điều chỉnh chương trình đã ban hành sau thời gian, theo từng giai đoạn 5 năm… Các nghiên cứu có liên quan về chương trình giáo dục tiểu học, chương trình giáo dục trung học cơ sở hay chương trình giáo dục trung học phổ thông cần được xem xét như nền tảng để phát hiện các vấn đề, chọn lọc các đề tài mà chương trình là bối cảnh hay xem xét các vấn đề được phát hiện, đổi mới sáng tạo dựa trên thực tiễn…
Ba là, cần tập trung đầu tư các nghiên cứu khoa học, các nhiệm vụ đổi mới sáng tạo có liên quan đến các vấn đề hiện nay của giáo dục phổ thông như: đội ngũ giáo viên, đội ngũ giáo viên tích hợp, đội ngũ giáo viên các môn mới ở tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Ngoài ra, các nghiên cứu có liên quan đến dạy học và giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất nhất là việc đạt chuẩn hay đáp ứng các yêu cầu cần đạt, kết quả phát triển các phẩm chất và năng lực qua từng môn học hay hoạt động giáo dục cần được ưu tiên. Những nghiên cứu củng cố về cơ sở pháp lý và các nghiên cứu truyền thông cần được thực hiện song song để đảm bảo sự đồng thuận và ủng hộ của các bên có liên quan.
Bốn là, cân nhắc để chọn lựa giải pháp quản lý hệ thống và đảm bảo chất lượng của nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Thứ nhất, cần xem xét các nhiệm vụ hay đề tài nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo để có thể số hóa, phân tích các khoảng trống hay các xu hướng nghiên cứu để từ đó tạo ra hệ thống dữ liệu, cơ sở để tham khảo và đề xuất các ý tưởng mới.
Thứ hai, cần cân nhắc danh mục đề tài nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo hàng năm để có thể đảm bảo nghiên cứu đúng hướng, đảm bảo tầm nhìn và đáp ứng tính thực tiễn cũng như tính khả thi trong thực tiễn. Các đề tài nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo liên quan đến tính ứng dụng hay đáp ứng nhu cầu thực tiễn nên được ưu tiên bằng các cơ chế đặc thù.
Năm là, tiếp tục xem xét việc hình thành các chương trình nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trọng điểm ứng với các thách thức và các chuỗi vấn đề có tính chiến lược, ít nhất là quan tâm đến các chương trình nghiên cứu sau:
Chương trình nghiên cứu Khoa học giáo dục 5 năm, 10 năm
Chương trình nghiên cứu về Sức khỏe tâm thần học đường
Chương trình nghiên cứu về Chuyển đổi số trong giáo dục và Giáo dục thông minh
Chương trình nghiên cứu về AI và ứng dụng trong giáo dục…