Chậm tiến độ mua sắm thiết bị dạy học, GĐ Sở Giáo dục Vũng Tàu nêu vướng mắc

20/12/2022 06:53
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Trang thiết bị các trường hiện có cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học nên việc chậm trong mua sắm các thiết bị bổ sung không ảnh hưởng quá nhiều.

Tại Hội nghị đánh giá triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022-2023 diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, trong phiên thảo luận của các địa phương tại miền Nam, các đại biểu đã đề cập nhiều vấn đề xoay quanh những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đáng chú ý, phát biểu tại hội nghị này, cô Trần Thị Ngọc Châu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, việc mua sắm trang thiết bị dạy học tại tỉnh này đang vướng các yêu cầu về thẩm định giá.

Ngoài ra, trong công tác xã hội hóa cũng đang vướng quy định về đấu thầu, hợp tác công tư đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Để có góc nhìn đa chiều hơn, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với cô Trần Thị Ngọc Châu về vấn đề này.

Cô Trần Thị Ngọc Châu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: baobariavungtau.com.vn

Cô Trần Thị Ngọc Châu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ảnh: baobariavungtau.com.vn

Cô Châu cho biết: "Theo phân cấp của Nghị định 151, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đóng vai trò nắm bắt tình hình chung và đề xuất giải pháp tháo gỡ với Sở Tài chính, còn các đơn vị có đề xuất mua sắm sẽ tự chủ động trong việc thực hiện.

Qua rà soát, đến thời điểm này có nhiều đơn vị trên địa bàn đã hoàn thành công tác mua sắm thiết bị dạy học phục vụ cho việc phục vụ dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, cũng còn một số đơn vị còn vướng mắc nên việc triển khai vẫn còn chậm.

Theo báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo nhận được, một số địa phương vẫn còn chậm trễ là do lúc cơ sở mời các đơn vị thẩm định giá để lên dự toán, phê duyệt và triển khai theo quy trình đã xảy ra vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Bởi lẽ, số lượng các đơn vị thẩm định giá có tên được niêm yết trong danh sách trên cổng thông tin của Bộ Tài chính có giới hạn. Trong khi đó, khi thực hiện thẩm định giá, một số đơn vị không đầy đủ các danh mục thiết bị theo yêu cầu, các cơ sở có nhu cầu lại phải chuyển sang mời đơn vị khác. Việc này đã ít nhiều ảnh hưởng đến thời gian thực hiện theo kế hoạch đề ra".

Tuy nhiên, về vấn đề này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, các thiết bị dạy học đang bị chậm trễ trong mua sắm đa phần là trang thiết bị mua bổ sung để đáp ứng đầy đủ theo quy định.

Ngoài ra, qua kiểm tra ngành giáo dục tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nhận thấy, các trang thiết bị đang sẵn có tại các trường cơ bản vẫn đảm bảo yêu cầu, học sinh vẫn thực hành, thí nghiệm được trên các trang thiết bị đó một cách bình thường. Vì vậy, việc học tập của các học sinh cũng không chịu tác động quá nhiều.

Trao đổi thêm về vấn đề này, thầy Lê Thanh Kính - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, các đơn vị có nhu cầu mua sắm thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới tại địa phương cũng đang đối mặt với tình trạng chậm trễ nói trên.

"Thực tế, với việc này, các đơn vị trên địa bàn thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo Châu Đức quản lý cũng đang thực hiện chậm hơn so với dự kiến. Lý do chủ yếu là trước đó, thiết bị dạy học của lớp 1, lớp 2, lớp 6 được triển khai theo Thông tư 43, 44, nhưng sau đó lại đổi lại và thực hiện theo Thông tư 37, 38.

Khi thực theo Thông tư 37, 38 thì một số danh mục thiết bị cũng có sự thay đổi, lúc đó các công tác liên quan, đặc biệt là việc thẩm định giá cũng phải thực hiện lại từ đầu. Điều này làm cho tiến độ bị kéo chậm lại.

Tuy nhiên, các trang thiết bị đang chậm trễ chủ yếu là thiết bị mua sắm bổ sung, học sinh tại các trường vẫn học tập bằng trang thiết bị sẵn có, đảm bảo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đối với trang thiết bị các trường sẵn có, để áp dụng tốt vào dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên cũng đã được phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn đầy đủ", thầy Kính thông tin thêm.

Cũng theo chia sẻ của lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức, các đơn vị chỉ gặp vướng mắc trong việc thẩm định giá để đảm bảo tiến độ thực hiện và có chậm trễ hơn so với kế hoạch đề ra. Còn đối với việc thực hiện khâu tổ chức mua sắm thì rất thuận tiện vì mọi thứ đã được tổ chức đấu thầu công khai, rộng rãi.

Bên cạnh đó, thầy Kính cho rằng, việc đấu thầu được thực hiện qua mạng, đơn vị nào đủ năng lực thì hoàn toàn có thể tham gia đấu thầu, nguồn cung ứng thiết bị luôn dồi dào.

Dù tiến độ mua sắm trang thiết bị dạy học bị ảnh hưởng nhưng việc dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới của học sinh ở Bà Rịa - Vũng Tàu không bị ảnh hưởng quá nhiều. Ảnh: baobariavungtau.com.vn

Dù tiến độ mua sắm trang thiết bị dạy học bị ảnh hưởng nhưng việc dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới của học sinh ở Bà Rịa - Vũng Tàu không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Ảnh: baobariavungtau.com.vn

Thầy Kính thông tin thêm: "Cũng có việc một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang gặp khó trong vấn đề này. Tuy nhiên, với huyện Châu Đức thì nguồn lực đầu tư cho việc mua sắm đã được phê duyệt sẵn, các đơn vị cũng theo các quy trình để thực hiện.

Chủ yếu danh mục cần đầu tư mua sắm đợt này là các thiết bị bổ sung nên căn cứ trên các thiết bị sẵn có, các trường chỉ mua thêm và đảm bảo yêu cầu dạy học. Quá trình thực hiện việc mua sắm sẽ thông qua việc các nhà trường chọn lựa, tùy vào nhu cầu của các trường đăng ký, sau đó sẽ báo cáo lên để Phòng Giáo dục và Đào tạo tổng hợp.

Nhìn chung, dù có sự chậm trễ như trên nhưng đến thời điểm hiện tại, đối với các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn chúng tôi nhận thấy việc dạy, học vẫn diễn ra bình thường, không có nhiều biến động".

Trung Dũng