Vướng về nguồn kinh phí, Đắk Lắk gặp khó khi triển khai học bạ điện tử

06/03/2023 06:43
Kim Ngọc
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Muốn triển khai học bạ điện tử, cần phải có sự nỗ lực toàn ngành, nâng cao nhận thức đội ngũ quản lý, giáo viên, và có sự ủng hộ của chính quyền địa phương.

Triển khai học bạ điện tử đồng bộ và bỏ học bạ giấy là điều mong chờ của thầy cô và lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương hiện nay. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện học bạ điện tử ở mỗi tỉnh thành lại khác nhau, cách thức triển khai ở mỗi trường học cũng không hoàn toàn giống nhau.

Chính vì vậy, đến nay, nhiều thầy cô vẫn phải sử dụng đồng thời học bạ điện tử và học bạ giấy, thậm chí có địa phương việc chuyển đổi số trong trường học còn chậm trễ.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, học bạ điện tử đang triển khai trên địa bàn tỉnh nhưng chưa hoàn thành, vẫn có những trường chưa thực hiện được.

Dự kiến, trong năm tới, địa phương này sẽ hoàn thành và đồng bộ dữ liệu trên hệ thống học bạ điện tử.

Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Báo Đắk Lắk

Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Báo Đắk Lắk

Việc thực hiện học bạ điện tử gặp khó khăn, vướng mắc vì gặp vấn đề về kinh phí thực hiện, ngành phải xin được chủ trương kinh phí để đồng bộ hóa việc thực hiện. Với những đơn vị không có kinh phí phải cố gắng xã hội hóa để nhanh chóng đảm bảo yêu cầu này.

“Không riêng ngành giáo dục, bất cứ một lĩnh vực nào khi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng cần kinh phí để triển khai”, ông Hiệp chia sẻ trăn trở.

Ngoài vấn đề về kinh phí, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, khó khăn triển khai học bạ điện tử còn đến từ nhận thức chưa đầy đủ của đội ngũ quản lý, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.

Từ trước đến nay, chúng ta sử dụng và quen với học bạ giấy, khi có sự thay đổi, đổi mới bao giờ cũng sẽ có những nhận thức trái chiều nhau.

"Như vậy, cần một thời gian để có sự chuyển biến trong nhận thức của thầy cô giáo, các em học sinh và phụ huynh, cần có sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ của các tổ chức, ban ngành.

Tuy nhiên, với lộ trình đổi mới hiện nay, tôi tin việc này sẽ được thực hiện nhanh chóng, đồng bộ và tạo nên hiệu quả trong quản lý và đào tạo", ông Hiệp chia sẻ.

Về hệ thống phần mềm công nghệ được sử dụng để thực hiện chuyển đổi số, ông Đỗ Tường Hiệp cho biết, tỉnh Đắk Lắk đang cố gắng đồng bộ hóa các phần mềm để đưa vào cùng một hệ sinh thái, để tạo sự thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có chỉ đạo các trường phải số hóa hồ sơ, hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy. Tuy nhiên, đến nay các địa phương chưa thực hiện đồng bộ được vì còn những vướng mắc về cơ chế, về kinh phí hay nhận thức của đội ngũ giáo viên, học sinh và những vấn đề liên quan khác.

Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không riêng học bạ điện tử mà tất cả hồ sơ trong nhà trường đều cần được số hóa. Muốn làm được điều này, cần phải có sự nỗ lực của ngành giáo dục và đào tạo, nâng cao nhận thức của đội ngũ quản lý, giáo viên, cùng với sự ủng hộ của các cấp chính quyền, các ngành. Bên cạnh đó, có thể thực hiện giải pháp xã hội hóa trong việc thực hiện nhiệm vụ này.

Nhiều địa phương vẫn sử dụng đồng thời học bạ điện tử và học bạ giấy. Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Nhiều địa phương vẫn sử dụng đồng thời học bạ điện tử và học bạ giấy. Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Chia sẻ với phóng viên, ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Phòng Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cho biết, việc triển khai học bạ điện tử đối với địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vì cần sự đồng bộ giữa các trường học.

Với địa bàn tỉnh Đắk Nông, có nhiều trường vùng sâu vùng xa, điều kiện cơ sở vật chất khó khăn nên chưa thể đảm bảo tính đồng bộ giữa các trường.

Bên cạnh đó, việc thực hiện học bạ điện tử cũng đòi hỏi nâng cao năng lực quản lý cho các trường, cần quy chế quản lý chặt chẽ hơn ở các đơn vị.

Trong thời gian tới, ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông sẽ tiến hành triển khai để sớm thực hiện đồng bộ được học bạ điện tử.

Chia sẻ về vấn đề này, cô Hà Thị Thơm - giáo viên trường Tiểu học Lộc Sơn 2 (huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng) cho biết, nhà trường đang triển khai học bạ điện tử theo lộ trình của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Hiện có học sinh lớp 1, lớp 2, và lớp 3 đã triển khai học bạ điện tử. Hai năm học tới sẽ triển khai cho lớp 4 và lớp 5.

Cô Hà Thị Thơm cho biết, sử dụng học bạ điện tử sẽ giúp thầy cô giảm bớt thủ tục và đơn giản hóa công việc hơn, đặc biệt việc vào điểm cũng dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian và đỡ xảy ra sai sót.

Việc lưu trữ thông tin, điểm số trên học bạ điện tử cũng đảm bảo an toàn, minh bạch nên rất kỳ vọng học bạ điện tử được triển khai đồng bộ trên diện rộng, tạo hiệu quả cao trong quản lý học sinh và dạy học.

Kim Ngọc