Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thăm và làm việc với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

10/03/2023 06:35
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh vai trò, vị trí hết sức quan trọng của các trường sư phạm trong đổi mới GD, đặc biệt là đổi mới GD phổ thông

Định hướng phát triển đào tạo đa ngành, lấy đào tạo giáo viên làm nòng cốt

Chiều 09/3/2023, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cùng lãnh đạo một số Cục, Vụ trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đến thăm và làm việc với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Bộ trưởng và đoàn công tác thăm cơ sở vật chất của nhà trường. Ảnh: NTCC

Bộ trưởng và đoàn công tác thăm cơ sở vật chất của nhà trường. Ảnh: NTCC

Đón tiếp và làm việc với Đoàn có: PGS, TS Nguyễn Quang Huy - Hiệu trưởng; PGS, TS Phùng Gia Thế - Chủ tịch Hội đồng trường; Các thầy cô trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Chủ tịch Công đoàn trường, Bí thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch Hội Sinh viên, Bí thư Chi bộ, trưởng các đơn vị.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: NTCC

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: NTCC

Báo cáo về tình hình hoạt động của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, PGS, TS Nguyễn Quang Huy - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nay, Trường có 13 khoa/viện đào tạo, 01 bộ môn trực thuộc, 02 viện nghiên cứu, 03 trung tâm, 10 phòng ban chức năng, đơn vị phục vụ đào tạo.

PGS, TS Nguyễn Quang Huy - Hiệu trưởng Nhà trường báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: NTCC

PGS, TS Nguyễn Quang Huy - Hiệu trưởng Nhà trường báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: NTCC

Trường đang đào tạo 19 ngành trình độ (3 chương trình đào tạo dạy học chuyên ngành bằng tiếng Anh); 18 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ; 5 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ (trong đó chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Toán giải tích được tham gia đào tạo theo Đề án 89 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Quy mô hiện tại đào tạo hơn 8.000 sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh. Trong suốt 55 năm qua, nhà trường đã đào tạo trên 40 nghìn cử nhân hệ chính quy; gần 5.000 thạc sĩ; gần 50 tiến sĩ.

Đội ngũ giảng viên của nhà trường có 53,16% là tiến sĩ, cao hơn khá nhiều so với tỷ lệ trung bình trong hệ thống các trường đại học nói chung và các trường đại học có đào tạo sư phạm nói riêng.

Đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thực hiện Nghị quyết 29 và triển khai Chương trình GDPT 2018, nhà trường đã bồi dưỡng cho khoảng 3.000 giáo viên phổ thông cốt cán và gần 1.000 tổ trưởng chuyên môn của 6 tỉnh Tây Bắc và 9 tỉnh Tây Nam Bộ; bồi dưỡng, hỗ trợ bồi dưỡng thường xuyên cho gần 80.000 giáo viên trên các tỉnh thành của cả nước.

Hằng năm, hàng trăm lượt lượt giảng viên của nhà trường đã đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong xây dựng tài liệu, thẩm định tài liệu, viết sách giáo khoa và tham gia làm báo cáo viên cho các chương trình bồi dưỡng liên quan đến Chương trình GDPT 2018.

Trường đã hoàn thành quy trình kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục chu kỳ 2. Hiện nay, 13 chương trình đào tạo cử nhân sư phạm được công nhận đạt chuẩn chất lượng; 2 chương trình đã được chứng nhận đối sánh UPM.

Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp (bình quân trong 3 năm gần đây) là: 96,34%. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng vào các hệ thống giáo dục chất lượng cao như Vinschool, Edison, Era School, Newton,… Nhiều sinh viên của các ngành đào tạo ngoài sư phạm như Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc,… được nhà sử dụng lao động đánh giá cao về năng lực, tinh thần học hỏi và khát vọng cống hiến.

Nhà trường luôn tích cực và trách nhiệm trong nhiều hoạt động phục vụ cộng đồng, được các cơ quan, tổ chức ghi nhận, nhất là trong giai đoạn cả nước phải đối mặt với đại dịch COVID-19.

Trong giai đoạn tới, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 xác định tập trung đổi mới mạnh mẽ mô hình quản trị nhà trường theo hướng hiện đại, đồng bộ và thích ứng, đặc biệt là thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý, điều hành, hướng tới quản trị thông minh; chú trọng phát triển đội ngũ viên chức chất lượng cao theo hướng quốc tế hóa, theo đó có đội ngũ giảng viên giỏi về chuyên môn và nghiệp vụ, đội ngũ viên chức phục vụ chuyên nghiệp; chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và giảng dạy cho đội ngũ giảng viên.

Nhà trường đã tổng kết việc thực hiện Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2017-2022, tầm nhìn đến năm 2030. Trường đang hoàn thiện Kế hoạch chiến lược về phát triển giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn 2045. Theo đó, định hướng phát triển nhà trường theo hướng đào tạo đa ngành, lấy các ngành đào tạo giáo viên làm nòng cốt.

Đại diện giảng viên nhà trường phát biểu. Ảnh: NTCC

Đại diện giảng viên nhà trường phát biểu. Ảnh: NTCC

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã chia sẻ, làm rõ hơn những nỗ lực, kết quả, điểm khác biệt của nhà trường; cùng với đó là nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất.

Trao đổi lại, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, đại diện các cục, vụ của Bộ Giáo dục và Đạo tạo đều có những nhận định tích cực về kết quả Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã đạt được; đồng thời trao đổi, nhấn mạnh một số vấn đề mong muốn nhà trường cần lưu ý, quan tâm hơn trong thời gian tới.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: NTCC

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: NTCC

Tốc độ đổi mới GDPT đang diễn ra nhanh hơn sự chuẩn bị và sẵn sàng của các trường sư phạm

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận những đóng góp lớn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 trong sự phát triển chung của ngành, đặc biệt trong triển khai đổi mới giáo dục phổ thông.

Bộ trưởng đánh giá, nhà trường đã khẳng định được vị trí quan trọng trong hệ thống các trường đại học sư phạm trên cả nước, thuộc nhóm các trường sư phạm hàng đầu. Kết quả nghiên cứu khoa học được áp dụng, số bài báo quốc tế tăng nhanh cũng là điều đáng ghi nhận.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận. Ảnh: NTCC

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận. Ảnh: NTCC

“Tuy nhiên, từ phía mong muốn của Bộ và đòi hỏi của nền giáo dục nước nhà, yêu cầu nhà trường cần phải làm nhiều hơn thế” - chia sẻ điều này, Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò, vị trí hết sức quan trọng của các trường sư phạm trong đổi mới giáo dục, đặc biệt là đổi mới giáo dục phổ thông.

Giáo dục phổ thông đang đổi mới từng ngày và quyết định đến sự đổi mới này, một phần rất quan trọng nằm ở các trường sư phạm. Tuy nhiên, sự tham gia của các trường sư phạm vào việc này vẫn còn rất “vừa phải” và trên thực tế, tốc độ đổi mới giáo dục phổ thông đang diễn ra nhanh hơn sự chuẩn bị và sẵn sàng của các trường sư phạm.

“Toàn ngành đang triển khai đổi mới căn bản, toàn diện. Trong đó, giải pháp của mọi giải pháp, trọng tâm của mọi trọng tâm, nền tảng của mọi nền tảng là xây dựng, phát triển lực lượng nhà giáo đủ về số lượng, bảo đảm cơ cấu và chất lượng ngày càng được nâng cao. Lấy việc đổi mới đội ngũ làm điểm xuất phát, làm căn cứ, điều kiện cho các đổi mới khác trong giáo dục. Các trường sư phạm tham gia vào xây dựng lực lượng này, do đó có vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển ngành, trong triển khai đổi mới giáo dục” - nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng cho rằng, trong tư duy phát triển, các trường đại học nói chung phải nhìn rộng nhất ra tầm thế giới, nhân loại, lấy nhu cầu phát triển đất nước, xã hội, con người làm định vị và nhận đường trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy. Trường sư phạm ngoài tầm nhìn ấy còn phải lấy tư duy phát triển của ngành làm tư duy phát triển cho mình; lấy nhịp đổi mới giáo dục làm nhịp đổi mới cho mình; lấy cơ hội, thách thức đổi mới của giáo dục làm cơ hội, thách thức cho mình.

Đưa ra gợi ý về mô hình đào tạo giáo viên, Bộ trưởng yêu cầu nhà trường tiếp tục nghiên cứu, suy nghĩ để lựa chọn mô hình phù hợp - việc này sẽ quyết định mô hình của nhà trường trong tương lai.

“Làm sao đào tạo sinh viên sư phạm ra trường phải tiếp cận ngay được với Chương trình GDPT 2018; phải trang bị cho sinh viên năng lực sư phạm để truyền tải được chương trình mới, không được để sinh viên sư phạm ra trường nhưng vẫn theo cách tiếp cận cũ, vẫn phải tập huấn lại”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Ngoài điều chỉnh chiến lược, Trường cũng cần quy hoạch lại cơ sở vật chất, trường lớp; rà soát lại các quy chế, quy định nội bộ, trong đó có cơ cấu tổ chức, bộ máy, nguồn nhân lực…

Thay mặt cho tập thể lãnh đạo Nhà trường, PGS, TS Nguyễn Quang Huy - Hiệu trưởng phát biểu cảm ơn những ý kiến chỉ đạo và kỳ vọng mà Bộ trưởng đặt ra với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Đồng thời mong muốn nhận được sự ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 thực hiện các trọng trách đối với ngành Giáo dục nước nhà, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn mới.

Ngân Chi