Dạy hoạt động trải nghiệm mà đưa HS đến tỉnh/TP khác thì chủ yếu là đi du lịch

02/04/2023 06:28
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Hoạt động trải nghiệm nếu được tổ chức đúng hướng sẽ giúp HS có cơ hội để rèn luyện được rất nhiều kỹ năng sống, giảm tải áp lực học hành.

Mới đây, một số địa phương như Tuyên Quang, Nghệ An, Nam Định đã đưa ra các văn bản chấn chỉnh và nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức dạy học, hoạt động trải nghiệm,hoạt động giáo dục ngoài nhà trường để đưa học sinh đi tham quan, du lịch.

Trước vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Đức, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) bày tỏ quan điểm:

“Việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết để góp phần nâng cao hoạt động thực hành gắn với môn học cho các em. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là không được lợi dụng việc tổ chức dạy học, hoạt động trải nghiệm này mà gây lãng phí thời gian, tiền bạc,...”.

Học sinh trung học phổ thông ở Lâm Đồng tham gia hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, tìm hiểu cách rang, xay cà phê. Ảnh: Báo Lâm Đồng.

Học sinh trung học phổ thông ở Lâm Đồng tham gia hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, tìm hiểu cách rang, xay cà phê. Ảnh: Báo Lâm Đồng.

Cũng theo thầy Đức, đa phần hoạt động trải nghiệm cho học sinh ở cấp tiểu học, ở cấp trung học cơ sở có tên đầy đủ là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp chủ yếu được thực hiện và tổ chức trong trường với sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm. Cách làm như vậy vừa an toàn lại tiết kiệm được nguồn kinh phí cho phụ huynh.

Cùng với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên bộ môn cũng sẽ tham gia hoạt động trải nghiệm này. Thầy cô bộ môn căn cứ vào nội dung môn học, đưa ra những kế hoạch về hoạt động trải nghiệm trình lãnh nhà trường duyệt. Qua đó, các hoạt động này mới được tổ chức chặt chẽ và không xa rời với môn học.

Theo quan điểm của thầy Đức, việc các trường tổ chức hoạt động trải nghiệm bằng cách đưa học sinh đến tham quan tại các tỉnh, thành phố khác chủ yếu là đi du lịch chứ khó thực hiện được đầy đủ nội dung của dạy và học trải nghiệm cho em.

Cùng trao đổi về vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Ngô Thúy Nga - giáo viên Trường Trung học phổ thông Nghi Lộc 3 (Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12.

Vì thế, hoạt động này nếu được tổ chức đúng hướng sẽ giúp học sinh có được những hiểu biết, trải nghiệm thú vị bên ngoài sách vở, là cơ hội rất tốt để rèn luyện được nhiều kỹ năng sống, giảm tải áp lực học hành. Đồng thời, bản chất của hoạt động trải nghiệm là giảm bớt cách giáo dục xa rời thực tiễn, nặng về kiến thức, lý thuyết, hàn lâm.

Thế nhưng, nhìn nhận từ thực tế, trong thời gian gần đây, việc tổ chức hoạt động này ở một số trường đang gặp phải những bất cập như: tổ chức ồ ạt, thiếu chuyên nghiệp, mang tính chất "cưỡi ngựa xem hoa"... Do vậy, các hoạt động trải nghiệm chưa thực sự nhận được đồng lòng cao của phụ huynh.

Trước tình hình đó, cô Nga cho rằng, việc các cấp ban ngành liên quan có công văn mang tính chất nhắc nhở, chấn chỉnh các trường học về hoạt động trải nghiệm trong chương trình giáo dục cho học sinh là điều hoàn toàn cần thiết và đúng đắn.

Cô giáo Ngô Thúy Nga - giáo viên Trường Trung học phổ thông Nghi Lộc 3 (Nghi Lộc, Nghệ An). (Ảnh: NVCC).

Cô giáo Ngô Thúy Nga - giáo viên Trường Trung học phổ thông Nghi Lộc 3 (Nghi Lộc, Nghệ An). (Ảnh: NVCC).

Theo cô Nga, để hoạt động trải nghiệm cho học sinh được diễn ra thực sự hiệu quả và đạt được mục tiêu mà hoạt động hướng tới, cần đảm bảo một số yếu tố cơ bản sau:

Thứ nhất là, khi tổ chức các hoạt động này, ban tổ chức của các trường học phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết tất cả các khâu, để đảm bảo an toàn nhất có thể cho học sinh, như: an toàn sức khỏe, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, an toàn tính mạng… Việc đảm bảo an toàn cho học sinh cũng là yếu tố quan trọng nhất trong công tác tổ chức hoạt động trải nghiệm.

Thứ hai là, cần tổ chức hoạt động trải nghiệm một cách khoa học, chuyên nghiệp. Muốn đạt được điều này, các cơ quan quản lý giáo dục cần phải có hướng dẫn cụ thể, quan sát, kiểm tra, chỉ đạo đối với từng trường học về: thời gian, địa điểm, hình thức tổ chức một cách hợp lý, tránh việc tổ chức ồ ạt, hoặc trùng lặp các điểm đến, gây nhàm chán cho học sinh.

Đồng thời, địa điểm, hình thức tổ chức cũng phải phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với các cấp học. Hơn nữa, ban tổ chức hoạt động này tại các trường học một mặt cần thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của cấp trên, mặt khác cần có sự linh hoạt sáng tạo, học tập các mô hình có hiệu quả trong nước và cả trên thế giới.

Thứ ba là, chúng ta cần phải để hoạt động trải nghiệm thực sự là một nhiệm vụ học tập đối với học sinh.

Giáo viên phụ trách ở mỗi lớp học cần xác định nội dung kiến thức, năng lực, kỹ năng cần đạt và giao nhiệm vụ cho học sinh một cách cụ thể trước, trong và sau khi đi tham gia hoạt động trải nghiệm.

Sau buổi tham gia, học sinh cần phải hoàn chỉnh bài thu hoạch để báo cáo tại lớp. Việc báo cáo có thể sử dụng qua các hình thức như bằng video, trình chiếu powerpoint hay các hình thức khác do học sinh lựa chọn, sáng tạo. Công việc này theo quy định là không chấm điểm nhưng giáo viên cần đánh giá, có khen thưởng để động viên các em.

Thứ tư là, vấn đề tài chính phải được minh bạch, rõ ràng, tránh các tiêu cực xảy ra làm ảnh hưởng đến ý nghĩa của hoạt động trải nghiệm.

Thứ năm là, cần xem việc tổ chức hoạt động trải nghiệm là hoạt động để rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh đúng nghĩa.

Còn với các bước cụ thể, theo cô Nga, để tiến hành tổ chức hoạt động trải nghiệm có hiệu quả, các trường học nên thực hiện các khâu cơ bản sau:

Thành lập ban tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể phù hợp cho từng bộ phận, từng thành viên;

Thảo luận về thời gian, địa điểm, hình thức tổ chức…, lập kế hoạch một cách khoa học, cụ thể;

Tổ chức họp phụ huynh và học sinh để thảo luận đi đến thống nhất: quan điểm, cách thức, địa điểm, kinh phí…; Xin ý kiến của lãnh đạo nhà trường để có văn bản hướng dẫn và kế hoạch cụ thể;

Sau mỗi hoạt động trải nghiệm, học sinh cần đạt được những yếu tố cơ bản như: vui vẻ, hăng hái, nhiệt tình, có ý thức trách nhiệm, xem hoạt động trải nghiệm là một cơ hội để học tập và rèn luyện kỹ năng sống...

Cũng theo cô Nga, từ năm đầu tiên tham gia giảng dạy đến nay cô đã hướng dẫn, tổ chức cho nhiều lứa học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm bổ ích.

Việc tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh ngày nay đã không còn nhiều áp lực như trước bởi đã là một hoạt động giáo dục bắt buộc, được quy định rõ ràng trong chương trình môn học từng cấp.

Để đảm bảo học sinh được tham gia 100%, trường cũng thường miễn chi phí cho những em thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Số tiền để miễn này được lấy từ sự quyên góp, ủng hộ của giáo viên chủ nhiệm, của những phụ huynh có điều kiện kinh tế tốt hơn,...

“Sau mỗi buổi tham gia hoạt động trải nghiệm, các em học sinh của trường đều bổ sung được rất nhiều kiến thức về địa lý, lịch sử, về văn hóa… và nhiều kĩ năng sống trong thực tế.

Không những vậy, các em cũng đoàn kết và yêu thương nhau hơn, có thêm nhiều năng lượng để cố gắng hơn trong học tập cũng như trong việc rèn luyện kỹ năng sống”, cô Nga nói.

Khánh An