Đi thực địa vất vả, lương chỉ 5-9 triệu khiến ngành học về môi trường khó tuyển

27/06/2023 06:33
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc duy trì ổn định tỉ lệ tuyển sinh các ngành đào tạo về môi trường ở một số cơ sở đào tạo đại học còn khó khăn.

Với trọng tâm phát triển bền vững, quản lý tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm, không chỉ ở các cơ quan nhà nước, mà hầu hết công ty, nhà máy, xí nghiệp đều cần đến kỹ sư môi trường để thực hiện công việc quản lý sản xuất, kinh doanh sản phẩm đáp ứng điều kiện xanh, sạch, tiết kiệm và bảo vệ môi trường.

Sinh viên ngành Quản lý môi trường, Khoa Môi Trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ học tập tại doanh nghiệp. Nguồn ảnh: website nhà trường.

Sinh viên ngành Quản lý môi trường, Khoa Môi Trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ học tập tại doanh nghiệp. Nguồn ảnh: website nhà trường.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Bình – Trưởng khoa Khoa Môi trường, Trường Đại học Mỏ - Địa chất chia sẻ, trước năm 2019, 2020, các ngành của Khoa Môi trường chỉ đạt 30-40% chỉ tiêu tuyển sinh. Trong các năm 2021, 2022, tỉ lệ tuyển sinh Khoa Môi trường đạt khoảng 70-90% chỉ tiêu.

Tuy nhiên, theo thầy Bình, ngành học về môi trường đang khó thu hút sinh viên giỏi. Bởi, mức thu nhập của nhân viên lĩnh vực môi trường trong các cơ quan nhà nước ở mức thấp (mức lương khởi điểm chưa được 5 triệu đồng/tháng), đặc thù nghề nghiệp vất vả nên chưa đủ sức hút.

Khó thu hút sinh viên học các ngành về môi trường cũng là do ngành học này không trực tiếp tạo ra của cải, vật chất, hàng hoá như một số ngành kinh doanh khác trong khi người học chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt. Ngoài ra, sinh viên cũng thích chọn những ngành học liên quan đến quản lý hơn những ngành về kỹ thuật, công nghệ. Chưa kể, hiện còn có những công việc ưu tiên tuyển dụng người trẻ, có thể làm trái ngành, mức lương hấp dẫn.

Cũng có thời điểm tuyển sinh ngành về môi trường gặp khó là do sinh viên ngại học đại học vì thời gian học dài, muốn xuất khẩu lao động để sớm có thu nhập, hay đi du học ở nước ngoài.

"Thiếu lực lượng lao động trong lĩnh vực môi trường hiện đang là một lỗ hổng. Tôi đánh giá, hiện nay, doanh nghiệp nào cũng cần có cán bộ, nhân viên phụ trách công tác bảo vệ môi trường tại đơn vị. Khi tôi đi thực tế, phía doanh nghiệp mong muốn tuyển nhân lực về công tác môi trường nhưng không có người để giới thiệu, ứng tuyển".

_Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Bình chia sẻ_

Ngoài làm việc trong phòng thí nghiệm, kỹ sư môi trường phải đi thực địa khá vất vả, khắc nghiệt mà thu nhập chỉ 8-9 triệu đồng/tháng đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước, do đó, thầy Bình cho rằng, tính chất nghề nghiệp và ưu đãi đối với ngành môi trường chưa được quan tâm tương xứng nên khó thu hút người làm, người học.

Cùng chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Công - Trưởng khoa Khoa Môi Trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, trong khoảng 3 năm qua, chỉ tiêu tuyển sinh chung của Khoa Môi Trường và Tài nguyên thiên nhiên đạt 70-80%, nhưng xét theo từng ngành học thì có ngành chưa đạt 70%.

Khoa Môi Trường và Tài nguyên thiên nhiên của Trường Đại học Cần Thơ đào tạo trình độ kỹ sư các ngành: Khoa học môi trường, Quản lý tài nguyên và môi trường, Kỹ thuật môi trường, Quản lý đất đai, Kỹ thuật Cấp thoát nước, và Quy hoạch vùng và đô thị.

Theo thầy Công, sinh viên ở khu vực đô thị quan tâm nhiều hơn đến các ngành kinh tế, công nghệ thông tin, nên cũng là nguyên nhân số lượng sinh viên theo học lĩnh vực môi trường ít.

Hiện Khoa cũng đang phải cạnh tranh (về chính sách hỗ trợ, chương trình học…) với một số trường, nhất là cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập có cùng các ngành đào tạo về môi trường.

Hàng năm, Khoa tiến hành khảo sát nhu cầu việc làm xã hội; lấy ý kiến sinh viên; ý kiến của người sử dụng lao động để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung vào chương trình giảng dạy, rút ngắn giữa lý thuyết và thực hành, thực tế.

“Qua quá trình khảo sát, Khoa nhận thấy, các doanh nghiệp yêu cầu người lao động ngoài kiến thức thì cần có kỹ năng hành nghề. Do đó, để trang bị kỹ năng cho sinh viên, hàng tuần, Khoa mở hội thảo mời các chuyên gia, người có kinh nghiệm về trao đổi, giải đáp thắc mắc của sinh viên”, thầy Công chia sẻ.

Để tăng sự hứng thú, rút ngắn kiến thức lý thuyết với thực hành, Khoa xây dựng chiến lược mời các cựu sinh viên đang làm việc đúng chuyên ngành môi trường về chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn cho sinh viên.

“Chương trình đào tạo của Khoa dù đã cập nhật kiến thức mới nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, nhưng việc mời cựu sinh viên về chia sẻ vẫn có sức hút hơn đối với sinh viên trong quá trình học tập.

Cựu sinh viên của Khoa được học kiến thức và đi làm đúng chuyên ngành nên vừa có kỹ năng vừa có kinh nghiệm thực tiễn, dễ dàng chia sẻ cho sinh viên. Qua đó, giúp sinh viên hình dung về ngành nghề mình đang theo học cần phải trang bị những điều kiện gì để đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Đặc biệt, thông qua trao đổi, chia sẻ cũng làm tăng cơ hội cho sinh viên của Khoa sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành”, thầy Công chia sẻ.

Thầy Công cho hay, trung bình mỗi năm, tỉ lệ sinh viên của Khoa sau khi tốt nghiệp 12 tháng có việc làm đúng chuyên ngành đạt trên 90%. Mức lương của sinh viên các ngành về môi trường mới tốt nghiệp nếu làm việc trong các cơ quan nhà nước thì sẽ được tính theo hệ số quy định chung. Còn khi làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước thì khó xác định mức thu nhập (có thể cao hoặc thấp).

Chia sẻ thêm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Công cho biết, trước đây, có doanh nghiệp không tuyển nhân viên môi trường về làm việc là nhằm mục đích giảm chi phí chi trả cho người lao động. Tuy nhiên, từ năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường được siết chặt thì doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu tuyển cán bộ môi trường để làm công tác quản lý, bảo vệ môi trường do đó cơ hội việc làm cho sinh viên rộng mở hơn. Song, việc thu hút sinh viên giỏi chọn học các ngành về lĩnh vực môi trường còn đang là thử thách.

Ngọc Mai