Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành Quyết định số 1555/QĐ-ĐHQGHN ngày 5/5 về việc ban hành và giao nhiệm vụ đào tạo thí điểm trình độ đại học ngành Môi trường, Sức khỏe và An toàn cho Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
Chương trình Môi trường, Sức khỏe và An toàn có mã số đào tạo 7859003QTD, do khoa Môi trường trực tiếp phụ trách. Năm 2023, ngành tuyển sinh 50 chỉ tiêu, thời gian đào tạo là 4,5 năm và cấp bằng kỹ sư.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Khải - Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, việc mở ngành Môi trường, Sức khỏe và An toàn nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường lao động Việt Nam về nhân lực có trình độ chuyên môn sâu trong lĩnh vực môi trường, sức khỏe nghề nghiệp và an toàn lao động.
“Hiện nay đa phần các doanh nghiệp đều có nhu cầu nhân sự tại các vị trí về đảm bảo môi trường tại các nhà máy, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất; về bảo vệ sức khỏe người lao động và đảm bảo an toàn lao động.
Bởi nếu hạn chế được các thiệt hại do hoạt động sản xuất gây ra đối với người lao động, kiểm soát được ô nhiễm môi trường, và giảm thiểu được các rủi ro về an toàn lao động thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn về cho doanh nghiệp.
Trong quá trình khảo sát, điều tra và đánh giá nhu cầu của thị trường, chúng tôi nhận thấy các tập đoàn công nghiệp trong các lĩnh vực như: năng lượng, điện tử, dầu khí, hóa chất, xi măng, thép… đều dành sự quan tâm lớn đến nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về môi trường, sức khỏe nghề nghiệp và an toàn lao động”, thầy Khải chia sẻ.
Sinh viên khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên trong phòng thí nghiệm hiện đại. Ảnh: Website khoa Môi trường |
Khung chương trình của ngành Môi trường, Sức khỏe và An toàn được thiết kế nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức toàn diện và chuyên sâu để áp dụng trong các công việc liên quan đến: quản lý môi trường, sức khỏe nghề nghiệp, an toàn lao động; kiểm soát ô nhiễm môi trường, quan trắc, giám sát, kiểm soát và đánh giá các rủi ro (rủi ro về hóa chất, cháy nổ, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường,…), an toàn trong lao động; quản lý sức khỏe nghề nghiệp; các yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe con người trong các hoạt động sản xuất; an toàn vệ sinh công trường, nhà xưởng sản xuất; an toàn vệ sinh thực phẩm của người lao động;…
Phó Giáo sư Nguyễn Mạnh Khải cho biết thêm, ngành học này phù hợp với những bạn trẻ quan tâm đến các vấn đề môi trường, yêu thích các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường, sức khỏe con người và an toàn lao động.
Khung chương trình của ngành Môi trường, Sức khỏe và An toàn được thiết kế nhằm phù hợp với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa, cũng như sự phát triển không ngừng của các doanh nghiệp công nghiệp như: Dịch tễ học sức khỏe môi trường - nghề nghiệp; Hệ thống thông tin môi trường, an toàn và sức khỏe; Giáo dục, truyền thông về môi trường, an toàn và sức khỏe; An toàn phóng xạ; An toàn sinh học; An toàn điện, hóa chất; Sản xuất và quản lý doanh nghiệp bền vững…
Các kỹ sư ngành Môi trường, Sức khỏe và An toàn có thể tìm kiếm cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất… hoặc công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, an toàn lao động, sức khỏe nghề nghiệp, vệ sinh môi trường.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng có thể đảm nhận công việc giảng dạy và nghiên cứu các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, tập đoàn đa quốc gia, trung tâm, doanh nghiệp tư vấn về lĩnh vực môi trường, sức khỏe nghề nghiệp và an toàn lao động.
Đây là ngành học thứ 5 mà Đại học Quốc gia Hà Nội mở mới trong mùa tuyển sinh 2023. Trước đó, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thông báo mở các ngành đào tạo: Cử nhân Thiết kế sáng tạo của Khoa Các khoa học liên ngành; Cử nhân Văn hóa truyền thông đa quốc gia của Trường Đại học Ngoại ngữ; Kỹ sư Công nghệ thực phẩm, sức khỏe và kỹ sư Kỹ thuật công nghệ cơ điện tử của Trường Đại học Việt Nhật.