Năm 2013, Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định: “Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan”.
Theo đó, Nghị quyết cũng nêu rõ: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”; “Đổi mới phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo”; “Giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học”.
Có thể nói những định hướng từ Nghị quyết 29 đến nay vẫn còn nguyên giá trị và vẫn còn phải kiên trì thì mới hiện thực hóa mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện.
Nhìn lại kỳ thi tốt nghiệp từ khi triển khai Nghị quyết 29
Triển khai Nghị quyết 29, hơn 10 năm qua ngành giáo dục và đào tạo không ngừng cải tiến; nhiều khâu, nhiều bước trong thi cử đã tiến bộ hơn; nhiều vấn đề bất cập, tiêu cực trước đây đã được xử lí.
Năm 2015, lần đầu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng; các cơ sở đào tạo xét tuyển sinh đã sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Kì thi này đã được duy trì qua các năm, có cải tiến về cách làm, kể cả trải qua các năm bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.
Năm 2018, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được ban hành và sau đó áp dụng, theo lộ trình năm 2025 khóa đầu tiên sẽ tốt nghiệp.
Ngày 24/11/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT việc phê duyệt "phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025".
Đây được xem là cách thức định hướng để các bên liên quan chủ động trước; tránh bị động, bất cập như những năm trước đây.
“Tự chủ tuyển sinh” và những vấn đề phát sinh
Nếu như mọi thứ vẫn kiên trì mục tiêu “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học” thì không có vấn đề gì đáng lo lắng, cho dù qua mỗi kì thi vẫn còn chỗ này chỗ khác chưa như mong đợi nhưng từng bước được cải tiến.
Thế nhưng, do vận dụng “tự chủ tuyển sinh”, nên các kì thi riêng xuất hiện; tổ chức ôn, lò luyện “online” và “offline” cũng kèm theo, gây băn khoăn, lo lắng cho nhiều người.
Kì thi riêng để lấy kết quả xét tuyển sinh có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng mục đích chính là chủ động tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học. Và cứ tiếp tục mở rộng dần ra, thì dễ quay lại kiểu thi đại học như trước đây, trái lại với quan điểm Nghị quyết 29.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác tổ chức thi để xét tuyển, phương thức xét tuyển đại học từ năm 2015 đến nay có một số thay đổi (bảng sau):
2015 |
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia nhằm mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng; các cơ sở đào tạo xét tuyển sinh căn cứ vào điểm thi này. Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực để lấy kết quả xét tuyển |
2017 |
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thi đánh giá năng lực để lấy kết quả xét tuyển |
2018 |
Các trường được tổ chức nhiều đợt tuyển sinh trong năm |
2019 |
Cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức để xét tuyển |
2020 |
Bổ sung điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thi đánh giá tư duy |
2022 |
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh… tổ chức kỳ thi riêng. Các trường thuộc Bộ Công an tổ chức thi riêng để lấy kết hợp với điểm thi trung học phổ thông, điểm học tập bậc trung học phổ thông để xét tuyển. |
2024 |
Hình thành nhóm 6 trường (Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Thái Nguyên, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Tài chính - Marketing) tổ chức thi và công nhận kết quả lẫn nhau. |
Mặt khác, trong mấy năm qua, do được tự chủ xác định các tổ hợp xét tuyển nên có rất nhiều tổ hợp “lạ” xuất hiện.
Bên cạnh đó, năm 2025 kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ còn có 4 môn (2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn).
Cộng thêm việc đâu đó vẫn chưa hoàn toàn tin cậy vào chất lượng ở học bạ và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Chính vì thế, các cơ sở giáo dục đại học có xu hướng “tự chủ” và “tự lo” chất lượng đầu vào. Do đó, nhiều trường lo kì thi riêng hoặc hợp tác khai thác kết quả kì thi riêng.
“Trăm hoa đua nở” kì thi riêng với các tên gọi “đánh giá năng lực”, “đánh giá tư duy” nghĩ thì rất hay nhưng cũng không phải dễ để làm cho đúng với bản chất.
Đo lường và đánh giá trong giáo dục là một lĩnh vực khoa học, có nguyên lí, có phương pháp chứ không phải cứ dạy được các môn cơ bản là có thể ra đề và chấm thi một cách đơn giản.
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có cách tiếp cận mới; kiểm tra, đánh giá cũng theo đó mà đi cùng.
Hiện nay, nhiều trường không đào tạo giáo viên cho dù có khoa cơ bản nhưng chưa hẳn đã có giảng viên tiếp cận đúng khoa học giáo dục cũng như cách tiếp cận mới ấy. Do vậy, kì thi riêng đôi khi khó tin là “đủ năng lực để đánh giá năng lực”.
Nếu cứ để “nở rộ” kì thi riêng, có khi mọi thứ cũng chỉ xoay quanh câu chuyện “tranh thủ” tuyển sinh chứ chưa hẳn vì chất lượng.
Kì thi tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển đại học từ năm 2025: nên như thế nào?
Trước hết, có thể khẳng định phần lớn các trường đại học chỉ mong muốn chọn được người học có đủ năng lực và có nguyện vọng theo học các ngành do nhà trường đào tạo.
Nhà trường chỉ mong muốn tập trung làm tốt công tác đào tạo để chất lượng đầu ra đáp ứng yêu cầu xã hội cũng như dẫn dắt sự phát triển.
Việc tổ chức luyện thi, tổ chức thi là công việc tốn kém, khó khăn, mất thời gian và cũng không ít rủi ro…
Quảng bá tuyển sinh cũng là công việc các trường mong muốn được rõ ràng, công bằng để xã hội, người học biết rõ chứ không mong đợi cuộc đua quảng bá như quảng cáo thực phẩm chức năng trên thị trường hiện nay.
Do vậy, về khía cạnh quản lí nhà nước rất cần Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương quan tâm nhiều hơn.
Thứ hai, Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt "phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025" cơ bản đã rõ.
Tuy nhiên, năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018, chắc chắn vẫn còn nhiều thứ chưa như thể suôn sẻ, nên vẫn cần có “bước chuyển tiếp”; rất cần cố gắng phối hợp nhịp nhàng để đảm bảo quyền lợi cho người học, tránh “gây sốc” cho các bên liên quan.
Tinh thần chung xã hội mong muốn là phải hướng kì thi đúng thực chất, không vì áp lực tỉ lệ tốt nghiệp mà giảm chất lượng đề thi.
Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với địa phương cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, chính sách đối với nhà giáo; tập trung quản lí chất lượng giảng dạy và đánh giá để kết quả học lực được thể hiện trong học bạ là thật chất.
Đây là cơ sở để định hướng, hướng nghiệp cho người học, để các trường đại học chọn đúng người vào học đúng ngành.
Thứ tư, kì thi chung dùng để xét tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học nên gọi chung là kì thi trung học phổ thông quốc gia.
Kì thi này cần phải được thiết kế bài bản để làm cơ sở đo lường chuẩn mực nhất. Thang điểm nên lấy 100 và đề thi phải đảm bảo mức độ phân hóa rất cao. Chỉ cần 50 điểm là mức trung bình để xét tốt nghiệp; 50 điểm còn lại phân hóa đến hàng đơn vị để làm cơ sở phân loại và tuyển chọn chất lượng.
Thứ năm, tổ hợp xét tuyển nên được quy định thống nhất. Về năng lực chuyên biệt như năng khiếu hay đặc thù nghề nghiệp, các trường có thể kết hợp thi tuyển, hay dựa vào học lực, bài luận hoặc thư giới thiệu…
Hạn chế những kì có cùng tính chất như kì thi trung học phổ thông quốc gia, để giảm chi phí xã hội cũng như gây thêm lo lắng, áp lực cho người học; thậm chí tránh các trường hợp lợi dụng ôn thi, luyện thi tràn lan, dễ phát sinh tiêu cực.
Thứ sáu, xét tuyển đại học cần thống nhất và cần sự quản lí nhà nước; không nên để cạnh tranh “tự do” trong giáo dục và đào tạo.
Hiện nay, dữ liệu của ngành giáo dục và đào tạo cơ bản đảm bảo; công nghệ số đã hỗ trợ rất tốt, nên công tác tuyển sinh cần minh bạch hóa, chẳng hạn tình trạng “đặt cọc” nhập học cần phải được chấn chỉnh.
Xét cho cùng khó có thể “sạch sẽ”, “đẹp đẽ”… ngay một lúc, nhưng cần phải có sự chung cùng hợp trí và hợp lực vì mục tiêu chung thì mọi thứ rồi cũng sẽ quy củ, bài bản.
Thứ bảy, chọn ngành, chọn trường để học cũng là chọn tương lai, là một hình thức đầu tư, do vậy vấn đề này cần phải được xem là nhiệm vụ quan trọng ở khía cạnh quản lí nhà nước.
Thông tin chính xác về chất lượng, minh bạch về học phí… cần phải được truyền tải rộng rãi và chính thống từ kênh của cơ quan quản lí nhà nước.
Nhà nước “giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học” là rất hợp lí, nhưng không có nghĩa để “tự do” cho một số cơ sở tuyển sinh như cách doanh nghiệp “huy động vốn”.
Cuối cùng, đổi mới giáo dục và đào tạo vẫn phải diễn ra thường xuyên như một quá trình “tiến hóa”, không có điểm dừng, nhưng cũng không nên biến công cuộc này như một cuộc “cách mạng” “đập cũ xây mới”.
Do đó, kế thừa cái tốt, ghi nhận cái được trong những cái còn chưa được như mong đợi, để từng bước tinh chỉnh, để mỗi ngày một tốt hơn; nhưng cốt là phải kiên trì một con đường “đổi mới căn bản và toàn diện”.
Trên tất cả, “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” cần chung tay của cả hệ thống, chứ không chỉ có ngành giáo dục hay các cơ sở giáo dục đại học đảm trách việc này.
Nếu chính quyền địa phương chưa chủ động triển khai công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện” mà chỉ trông chờ vào ngành giáo dục và đào tạo, vào đầu tư của Trung ương, thậm chí chỉ quan tâm đến các giải thưởng quốc gia, quốc tế; thành tích đỗ tốt nghiệp, đỗ đại học… thì chẳng thể nào xã hội dám tin vào kết quả học lực ở học bạ và chất lượng ở kì thi chung diễn ra trên địa bàn của các địa phương đó.