Nhiều trường ĐH địa phương gặp khó khi đào tạo giáo viên theo Nghị định 116

23/07/2024 06:23
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo lãnh đạo một số trường đại học địa phương, quá trình đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 gặp khó khăn vì phải phụ thuộc vào ngân sách của tỉnh. 

Cùng với các cơ sở giáo dục đại học quốc gia/vùng, các cơ sở giáo dục đại học địa phương giữ vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường đại học địa phương gặp không ít khó khăn trong công tác tuyển sinh. Mặc dù Nghị định 116/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 11 năm 2020 và áp dụng bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021 - 2022 nhưng đến nay nhiều trường đại học địa phương vẫn gặp khó khăn khi thực hiện.

Tình hình tuyển sinh năm 2024 của một số trường đại học địa phương

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn, Ủy viên Ban chấp hành Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức thông tin: Trong những năm qua, Trường Đại học Hồng Đức không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, cải tiến chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo; tạo uy tín, thương hiệu cho trường.

Tính đến tháng 5/2024, nhà trường có 189 giảng viên có trình độ tiến sĩ (trong đó có 28 giảng viên có chức danh phó giáo sư) trong tổng 415 giảng viên cơ hữu của trường (giảng viên tiến sĩ chiếm 45,5% tổng số giảng viên toàn trường). Năm 2024, nhà trường tổ chức tuyển sinh và đào tạo 31 ngành trình độ đại học với 2.060 chỉ tiêu theo 6 phương thức xét tuyển.

Trong đợt xét tuyển sớm, đã có hơn 5.000 nguyện vọng được đăng ký theo các phương thức xét tuyển vào trường. Trong đó, một số ngành có số lượng nguyện vọng đăng ký nhiều như: Giáo dục Tiểu học, Sư phạm Tiếng Anh, Sư phạm Toán, Ngôn ngữ Anh, Công nghệ thông tin…

GDVN-ht-gd địa phương (11).jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn, Ủy viên Ban chấp hành Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức. (Ảnh: Nhật Lệ)

Thầy Thìn cũng cho biết thêm, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, với điều kiện và năng lực hiện có, trong năm 2024, Trường Đại học Hồng Đức mở 4 ngành mới bao gồm: Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; Kinh tế nông nghiệp; Huấn luyện thể thao và Quản lý xây dựng.

Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Lăng - Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên cho hay: Đến nay việc xét tuyển, tuyển sinh năm 2024 chưa kết thúc song có thể nhận định rằng, kết quả tuyển sinh năm nay của trường tốt nhất so với những năm gần đây.

Năm 2024, Trường Đại học Phú Yên xét tuyển và tổ chức đào tạo 11 ngành trình độ đại học. Ngành mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tuyển sinh là ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên. Tuy tuyển sinh năm đầu, song số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển rất tốt nên điểm chuẩn xét tuyển sớm của ngành này khá cao (27.66 điểm).

Các ngành đào tạo giáo viên là thế mạnh của trường do nhà trường có xuất phát điểm là trường cao đẳng sư phạm. Mặc dù điểm chuẩn xét tuyển sớm tương đối cao, song số thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều nên dự báo các ngành đào tạo giáo viên sẽ đạt xét tuyển hơn 100% chỉ tiêu.

Những ngành tuyển sinh tương đối khó khăn là các ngành đào tạo ngoài sư phạm như ngành Nông nghiệp. Mặc dù Phú Yên là một tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp song số thí sinh đăng ký xét tuyển và học ngành Nông nghiệp của trường không nhiều do cơ hội về việc làm ít và tâm lý e ngại vì những điều kiện khó khăn, gian khổ của lĩnh vực nông nghiệp…

Chia sẻ về công tác tuyển sinh năm 2024, Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết: Hiện tại, công tác tuyển sinh năm 2024 của nhà trường tương đối thuận lợi. Tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội rất quan tâm đầu tư, chỉ tiêu tuyển sinh của trường được giao bám sát theo nhu cầu mà ủy ban nhân dân thành phố đã xác định trong giai đoạn 2022-2025.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng nắm được đầy đủ thông tin về năng lực đội ngũ của trường. Đồng thời, để đáp ứng theo đề án phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã được ủy ban phê duyệt tháng 12/2023 nên Ủy ban nhân dân thành phố giao chỉ tiêu cho trường bám sát vào thực tế. Với các ngành sư phạm, Sở Tài chính Thành phố Hà Nội cũng kịp thời bố trí vốn để sinh viên sư phạm ngay khi vào trường đều có thể thụ hưởng chính sách của Nghị định 116/2020/NĐ-CP.

IMG_4496.jpg
Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

Thí sinh trong tỉnh vẫn có tâm lý thích học ở các thành phố lớn

Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình tuyển sinh với trường đại học địa phương, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn cho hay: Là trường đại học địa phương, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó, trường đóng trên địa bàn có dân số đông, mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; có truyền thống hiếu học và khoa bảng hàng nghìn năm; hằng năm có khoảng hơn 38.000 học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông.

Tuy nhiên, nhà trường vẫn còn gặp một số khó khăn như: Sự cạnh tranh trong tuyển sinh và chất lượng đào tạo ngày càng gay gắt; Nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao ngày càng tăng; Số lượng và quy mô các trường đại học ngày càng mở rộng. Một số ngành đào tạo của trường chưa thực sự gắn với nhu cầu hiện tại của xã hội, trong khi một số ngành mặc dù xã hội có nhu cầu cao nhưng lại gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh (khối ngành nông, lâm, thủy sản, kỹ thuật công nghệ).

Ngoài ra, nhà trường chưa xây dựng được một số ngành đào tạo phục vụ phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh nhà như: bán dẫn, vi mạch, chip, công nghiệp năng lượng, tiếng Trung, tiếng Hàn….

Trên cơ sở hồ sơ, nguyện vọng đăng ký xét tuyển sớm của thí sinh cho thấy ngoài nhóm ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế (Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kinh tế); Luật (Luật, Luật kinh tế); Công nghệ thông tin; Kỹ thuật điện; Chăn nuôi - Thú y; Ngôn ngữ Anh; Du lịch; Tâm lý học; Truyền thông đa phương tiện; Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; Huấn luyện thể thao là những ngành có số lượng thí sinh đăng ký nhiều. Một số ngành có số lượng thí sinh đăng ký ít là: Khoa học cây trồng, Lâm học, Kinh tế nông nghiệp,…

ef753a086ff3cdad94e2.jpg
Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức giải đáp thắc mắc của các bạn học sinh về một số ngành học của trường. (Ảnh: NTCC)

Thầy Thìn cũng cho biết thêm, qua nhiều năm triển khai công tác tuyển sinh cho thấy, tâm lý của người học thường mong muốn được học ở các trường đại học đóng trên địa bàn của những thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… Đồng thời, các em không thích học những ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp mặc dù nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội rất lớn.

Còn với Trường Đại học Phú Yên, Tiến sĩ Trần Lăng cho biết, cũng như nhiều trường đại học địa phương khác, Trường Đại học Phú Yên có mối quan hệ xã hội với địa phương một cách tự nhiên, khăng khít, bền chặt do trường được xem là một cơ quan/đơn vị của địa phương và thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương nên nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Phụ huynh và thí sinh biết rất rõ thế mạnh và điểm yếu của trường. Nhờ vậy mà việc quảng bá và tư vấn cho thí sinh thuận lợi, tạo cơ hội học tập cho thí sinh có điều kiện khó khăn về kinh tế. Phần lớn sinh viên là người địa phương, nên việc học tập và tham gia vào các hoạt động của địa phương thường thuận lợi, chi phí học tập thấp.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng gặp phải một số khó khăn như: ngành nghề đào tạo ít và chưa đáp ứng tốt nhu cầu xã hội, điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp không nhiều. Điều đó ảnh hưởng lớn đến quy mô tuyển sinh của các trường đại học địa phương như Trường Đại học Phú Yên.

GDVN_HOITHAO (1).JPG
Tiến sĩ Trần Lăng - Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên. (Ảnh: Nhật Lệ)

Nhiều khó khăn khi đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên, khi mới được ban hành, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (Nghị định 116); các trường đại học địa phương như Trường Đại học Phú Yên đặt rất nhiều kỳ vọng vào việc tuyển sinh và tổ chức đào tạo các ngành sư phạm trên cơ sở thực hiện Nghị định này. Song trên thực tế không phải như vậy.

“Thực hiện Nghị định 116, từ năm 2021 nhà trường đã có công văn gửi 18 tỉnh có sinh viên học tại Trường Đại học Phú Yên thực hiện cơ chế đặt hàng/đấu thầu; song đến nay việc đặt hàng vẫn chưa diễn ra. Nhiều địa phương (tỉnh, huyện) khi nhà trường làm việc về việc đặt hàng hoặc đấu thầu trong đào tạo sinh viên sư phạm đều trả lời rằng địa phương không có nhu cầu đào tạo giáo viên. Song khi bàn về việc tuyển dụng/sử dụng, các địa phương đều có nhu cầu tuyển dụng giáo viên. Phải chăng đó là một nghịch lý trong ban hành và thực hiện chính sách? Theo tôi, để thuận lợi trong việc tuyển sinh và tổ chức đào tạo sinh viên các ngành đào tạo giáo viên, Nghị định 116 cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế”, Tiến sĩ Trần Lăng nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn: Sứ mạng của các trường đại học địa phương là “Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đa ngành, đa lĩnh vực, có chất lượng, trình độ cao, có khả năng thích ứng với sự thay đổi và yêu cầu của thị trường lao động; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”. Như vậy, nếu được địa phương và các tỉnh lân cận có chính sách đặt hàng đào tạo sẽ giúp cho nhà trường đảm bảo được việc thực hiện sứ mạng của mình, đồng thời đảm bảo được đầu ra cho sinh viên, đáp ứng được nhu cầu cụ thể về nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương (ngành nghề, số lượng, chất lượng), gắn chặt giữa đào tạo và sử dụng tránh việc lãng phí nguồn nhân lực sau đào tạo.

Thầy Thìn cũng cho biết thêm, hiện nay Trường Đại học Hồng Đức đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo 14 ngành sư phạm. Trong những năm qua, nhà trường đã đào tạo và cung cấp cho tỉnh Thanh Hóa và các địa phương khác hàng ngàn giáo viên đã và đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục các cấp học, bậc học; nhiều người là giáo viên giỏi các cấp, nhà quản lý giỏi,....

Từ năm 2021, khi Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ được triển khai, Trường Đại học Hồng Đức đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên các cấp học với hơn 2.600 chỉ tiêu.

Tuy nhiên, khi thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, nhà trường cũng gặp một số khó khăn đó là nguồn kinh phí hỗ trợ cho sinh viên do các địa phương phải tự đảm bảo. Với kinh phí để đảm bảo đào tạo sinh viên sư phạm là rất lớn, Trung ương chưa bổ sung kinh phí cho địa phương, ngân sách địa phương chưa cân đối được kinh phí giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên. Chính vì thế, trong năm 2023, nhà trường được Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa giao 135 chỉ tiêu/6 ngành và năm 2024 được giao 210 chỉ tiêu/8 ngành đã gây ra không ít khó khăn trong công tác tuyển sinh về nhóm ngành này.

Cùng bàn về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho rằng: Việc đề xuất Nhà nước hay Ủy ban nhân dân tỉnh có thêm các chính sách đặt hàng để hỗ trợ các trường đại học địa phương tuyển sinh cần căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương.

“Ví dụ nếu Hà Nội có nhu cầu về nguồn nhân lực ở một số lĩnh vực thì Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ đặt hàng. Tuy nhiên, quy trình đặt hàng sẽ phải trải qua nhiều bước như: xây dựng danh mục, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá,... được hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt. Muốn làm được việc này thì các trường cũng cần tích cực phối hợp để hoàn thiện các bước ấy. Trên cơ sở đó ủy ban, hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt thì bước tiếp theo mới là đặt hàng theo nhu cầu nguồn nhân lực mà thành phố cần.

Thay vì cấp kinh phí dự toán hàng năm thì Nhà nước/ Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ là cấp kinh phí dựa trên đặt hàng, giao nhiệm vụ. Theo tôi đây là xu hướng tất yếu mà Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cũng như các trường đại học địa phương khác phải tích cực hướng tới”.

Cũng theo Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường, đào tạo giáo dục đại học là một loại hình dịch vụ đặc biệt - đào tạo ra con người. Chính vì thế, không nên phụ thuộc hoàn toàn vào các chính sách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo hay Ủy ban nhân dân thành phố ban hành hỗ trợ mà các trường cũng cần chủ động để đón đầu xu hướng đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, thầy Cường cũng mong muốn các cơ quan, ban ngành cần có những văn bản để hướng dẫn cụ thể cho việc xây dựng đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật để làm sao đáp ứng được yêu cầu của việc đặt hàng đào tạo.

Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến đề xuất để hỗ trợ các trường đại học địa phương tuyển sinh thuận lợi hơn, tỉnh cần quan tâm hỗ trợ thêm các chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên, cung cấp thêm nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất cho trường. Về vấn đề, thầy Cường cho rằng "Đầu tư cơ sở chất luôn là một trong những mong muốn của các trường đại học chứ không riêng gì trường đại học địa phương. Nếu có sự hỗ trợ ban đầu về cơ sở vật chất sẽ giúp các trường rất nhiều trong công tác đào tạo, tiến tới tự chủ đại học”.

gdvn_sinh-vien-giang-vien-truong-cao-dang-su-pham-hoa-binh (10).jpg
Nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn trong công tác đào tạo giáo viên khi thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP. (Ảnh minh họa: Mạnh Đoàn)

Cũng đồng tình với quan điểm này, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho rằng, đây là ý kiến cần được Ủy ban nhân dân các tỉnh xem xét, vì hiện nay trong xu thế tự chủ đại học đã gây ra không ít những khó khăn cho các trường đại học nhất là các trường đại học địa phương. Một số trường tuyển sinh không đạt chỉ tiêu hoặc thiếu cơ sở vật chất, thiếu đội ngũ nên không thể mở mới các ngành mà xã hội có nhu cầu.

Nhật Lệ