Trường đại học dự báo điểm chuẩn khối ngành sức khỏe và sư phạm

21/07/2024 06:19
Trần Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Đại diện Trường ĐH Y dược, ĐH Thái Nguyên nhận định, năm nay điểm chuẩn một số ngành Y dược có thể nhỉnh hơn năm ngoái nhưng nhìn chung sẽ không có biến động lớn.

Sau khi nhận kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các thí sinh sẽ đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển từ 18/07 đến 17h ngày 30/07. Đây là khoảng thời gian quan trọng để các thí sinh lựa chọn về ngành nghề cũng như ngôi trường yêu thích.

Ngày 19/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe năm 2024.

Để giúp thí sinh có chiến lược tốt hơn trong đặt nguyện vọng vào trường đào tạo giáo viên và sức khỏe, Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam ghi nhận ý kiến của lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục đại học đào tạo 2 khối ngành này để thí sinh tham khảo.

Khối ngành sức khỏe - Điểm chuẩn có thể nhỉnh hơn năm ngoái nhưng không chênh lệch nhiều

Trao đổi cùng Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang Đông, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ Sinh viên, Trường Đại học Y dược, Đại học Thái Nguyên cho biết, năm nay điểm chuẩn một số ngành Y dược có thể nhỉnh hơn năm ngoái, nhưng nhìn chung sẽ không có biến động lớn. Thí sinh có thể dựa vào điểm chuẩn hai năm gần nhất để ước lượng điểm chuẩn năm nay.

Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với các ngành khối sức khỏe có chứng chỉ hành nghề. Thí sinh cũng cần lưu ý vấn đề này.

Theo công bố mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay, ngành lấy điểm sàn cao nhất là Y khoa và Răng - Hàm - Mặt với 22,5; hai ngành Y học cổ truyền và Dược học ở mức 21 điểm; các ngành khác gồm Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học và Kỹ thuật phục hồi chức năng là 19 điểm.

Các trường đại học có tuyển sinh các ngành trên không được phép đưa ra điểm sàn thấp hơn các mức quy định của Bộ.

z5647845918228_3cc62cbaa70509449d3d6be5ac3066ff.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Quang Đông, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ Sinh viên của Trường Đại học Y dược, Đại học Thái Nguyên (Ảnh: NVCC)

Trong năm 2023, điểm trúng tuyển xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên dao động trong khoảng từ 19 đến 26,25, với ngành cao điểm nhất là Răng - Hàm - Mặt.

Theo đề án tuyển sinh 2024, Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên năm 2024 có 09 ngành được phép đào tạo, tổng chỉ tiêu là 1380 sinh viên. Trong đó, khoảng 50% thí sinh được tuyển chọn bằng phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với 03 tổ hợp xét tuyển là B00 (Toán, Hóa học, Sinh học), D07 (Toán, Hóa học, tiếng Anh) và D08 (Toán, Sinh học, tiếng Anh).

Tuyển sinh TUMP.png
Thông tin tuyển sinh đại học năm 2024 của Trường Đại học Y dược, Đại học Thái Nguyên (Ảnh: Website trường)

Về vấn đề đăng ký nguyện vọng, các nguyện vọng đăng ký xét tuyển được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký khi bảo đảm đủ điều kiện trúng tuyển, do đó nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được xét nguyện vọng 2,3 (kể cả khi điểm xét tuyển của thí sinh có cao hơn điểm chuẩn các nguyện vọng này).

Do vậy, thí sinh cần có chiến lược khi xếp nguyện vọng. “Thí sinh phải xếp ngành mà mình yêu thích nhất lên trước. Về phân bố nguyện vọng, thí sinh sẽ xếp những ngành có điểm chuẩn năm trước nhỉnh hơn điểm thi của mình một chút lên đầu, sau đó là những ngành có điểm chuẩn ngang bằng kết quả thi và cuối cùng là những ngành thấp hơn kết quả thi” - thầy Đông chia sẻ.

Với cách này, thí sinh có thể đạt được ước mơ vào ngành học mong muốn và vẫn có những phương án dự phòng an toàn.

Bên cạnh đó, thí sinh có thể chọn cả hình thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông lẫn xét tuyển học bạ để gia tăng cơ hội trúng tuyển.

Nhóm ngành đào tạo giáo viên: Căn cứ điểm chuẩn các năm trước để đăng ký nguyện vọng xét tuyển

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Trần Bá Trình, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, chưa thể dự đoán điểm chuẩn của khối ngành Sư phạm, nhưng thí sinh có thể dựa vào điểm chuẩn các năm trước để ước lượng.

32375919_1929477960419027_3664585514217897984_n.jpg
Tiến sĩ Trần Bá Trình, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Ảnh: website trường)

Thầy Trình chia sẻ, tỷ lệ thí sinh được Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tuyển chọn bằng phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông là khoảng 50%.

Năm 2023, một số ngành có điểm chuẩn cao từ 26 – 28 điểm, nhưng cũng có ngành lấy hơn 18 điểm. Ngành Sư phạm Lịch sử có điểm chuẩn cao nhất là 28,42 điểm. Một số ngành như Sư phạm Toán, Sư phạm Ngữ văn ổn định ở mức 26-27 điểm.

Năm 2024, đối với các ngành đào tạo giáo viên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tuyển sinh 2.620 chỉ tiêu với 29 ngành. Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở 2 ngành đào tạo mới là Sư phạm Khoa học tự nhiên và ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lý để đáp ứng nhu cầu giáo viên dạy môn tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điều này giúp các thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành mình mong muốn.

Về cách đặt nguyện vọng sao cho hợp lý, Tiến sĩ Trần Bá Trình bày tỏ: “Nên xếp nguyện vọng theo thứ tự điểm chuẩn từ cao đến thấp, tham khảo từ điểm chuẩn năm trước. Tuy nhiên, điểm chuẩn chỉ là một trong những yếu tố để đặt nguyện vọng. Quan trọng nhất là các em yêu thích ngành học nào và sau này muốn theo đuổi công việc gì. Vậy nên, ngành học yêu thích nhất phải được ưu tiên hàng đầu”.

432773747_434217939133553_2283132768671081201_n.jpg
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tham gia ngày hội Tư vấn tuyển sinh 2024 (Ảnh: Website trường)

Tiến sĩ Nguyễn Bá Ngọc, Trưởng phòng Đào tạo của Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2024 đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 20 điểm. Đây là tổng điểm ba môn theo tổ hợp xét tuyển, chưa nhân hệ số, đã bao gồm điểm ưu tiên.

Do đó, thí sinh phải có điểm chuẩn từ 20 điểm trở lên mới đủ điều kiện đăng ký học nhóm ngành Sư phạm của Trường Đại học Giáo dục.

Ngoài ra, với nhóm ngành đào tạo giáo viên, ngưỡng sàn phải đáp ứng quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm nay, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học là 19,0 điểm; riêng đối với các ngành Giáo dục Thể chất, ngành Sư phạm Âm nhạc và ngành Sư phạm Mỹ thuật là 18,0 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa, các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Ngọc cũng cho biết, tỷ lệ tuyển sinh bằng phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Trường Đại học Giáo dục lên đến 65-70%. Đây là cơ hội rất lớn cho các thí sinh đăng ký vào khối ngành Sư phạm của Trường Đại học Giáo dục. Năm 2024, trường dự kiến tuyển 1150 chỉ tiêu, trong đó, chỉ tiêu dự kiến đào tạo sư phạm là 500 chỉ tiêu.

Tu van tuyen sinh - DHGD - HES 16.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Bá Ngọc, Trưởng phòng Đào tạo của Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: website trường)

Theo đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Giáo dục, trong hai năm gần nhất, điểm chuẩn nhóm ngành Toán và Khoa học tự nhiên (GD1) là 25,55 - 25,58; nhóm ngành Sư phạm Ngữ văn, Lịch sử, Lịch sử và Địa lý (GD2) là 27,17 - 28,00; nhóm ngành Khoa học giáo dục và khác (GD3) là 20,50 - 20,75. Thí sinh dựa vào dữ liệu này để xếp nguyện vọng xét tuyển cho phù hợp.

Một điểm đặc biệt của Trường Đại học Giáo dục là sau khi học xong hai học kỳ chính của năm thứ nhất, căn cứ theo chỉ tiêu được giao, sinh viên trúng tuyển và nhập học các nhóm ngành GD1, GD2, GD3 sẽ được phân ngành vào các ngành tương ứng dựa trên nguyện vọng của sinh viên, điểm trúng tuyển đại học và kết quả học tập năm thứ nhất của sinh viên.

Hiện tại, nếu có mong muốn đăng ký vào khối ngành Sư phạm của Trường Đại học Giáo dục, thí sinh nên tập trung tìm hiểu về nhóm ngành yêu thích.

Trần Trang