Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 22/3/2024.
Một số ý kiến cho rằng, việc quy định tiêu chí 5.2 về “Tỷ lệ thôi học, được xác định bằng tỷ lệ người học chưa tốt nghiệp mà không tiếp tục theo học hằng năm, không cao hơn 10% và riêng đối với người học năm đầu không cao hơn 15%” có thể dẫn đến tình trạng trường đại học chạy theo thành tích, giữ lại những sinh viên không đủ điều kiện vẫn tiếp tục theo học (như nợ nhiều tín chỉ, điểm trung bình chung mỗi học kỳ dưới 1,...) để đạt tiêu chí 5.2 nhưng thực chất không đảm bảo chất lượng giáo dục.
Không thể “khoán trắng” cho các trường thực hiện quy định tỷ lệ thôi học
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, phải xem xét lại quy định tiêu chí 5.2 tỷ lệ thôi học.
Về nguyên tắc, quy định "chuẩn" là điều kiện tối thiểu các cơ sở giáo dục cần phải đạt được để đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, việc một trường đại học có nhiều hay ít sinh viên thôi học không đánh giá được chất lượng cơ sở giáo dục vì rất nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khiến sinh viên thôi học (như năng lực của sinh viên, lựa chọn ngành học chưa đúng sở thích, điều kiện dạy và học của trường không như cam kết,...).
“Mặc dù Thông tư số 01 mới có hiệu lực thi hành từ tháng 3 năm 2024, nhưng khi áp dụng vào thực tế, tiêu chí, tiêu chuẩn nào có nguy cơ dẫn đến tiêu cực, bệnh thành tích thì phải sửa tiêu chí, tiêu chuẩn ngay, không nên chờ vài năm thực hiện quy định rồi mới sửa đổi”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhận định.
Cùng bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ cho biết, việc khống chế tỷ lệ thôi học hàng năm không quá 10% cũng là khó khăn đối với nhiều cơ sở giáo dục. Do vậy, tiêu chí 5.2 có khả năng phát sinh tình trạng trường đại học chạy theo thành tích.
Theo thầy Vận, lý do sinh viên thôi học được hầu hết được đưa ra chủ yếu là vì nhu cầu đổi ngành nghề nên các em muốn chuyển trường chứ không phải là do nhà trường dạy kém, không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, sự phù hợp về năng lực, nguyện vọng và biến động thị trường nhân lực cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến sự chuyển đổi ngành học của sinh viên sau khi học năm nhất, năm hai đại học. Phải chăng khi đưa ra quy định về tiêu chí 5.2, ban soạn thảo chưa tính đến việc xem xét các yếu tố kể trên?
Thầy Vận cũng chia sẻ, tỷ lệ thôi học tác động nhiều đến nhà trường nhưng không thể hiện được hết chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo. Chưa kể, nếu điều chỉnh tiêu chí 5.2 theo hướng tăng tỷ lệ thôi học hàng năm từ 10% lên bao nhiêu chăng nữa thì vẫn tạo sức ép cho trường, nhất là trước tình hình biến động của thị trường nhân lực và việc lựa chọn ngành nghề của người học - "việc này hoàn toàn nằm ngoài “tầm tay” của trường đại học”, thầy Vận nói.
Do đó, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ cho rằng, nên bỏ tiêu chí tỷ lệ thôi học; có hướng dẫn thực hiện đối với Thông tư số 01, trong đó quy định rõ mức độ cần đạt của tiêu chí 5.2.
Ngoài ra, không thể “khoán trắng” cho các trường thực hiện quy định tỷ lệ thôi học. Vậy nên, về quản lý vĩ mô, cần cung cấp thông tin dự báo nhân lực quốc gia biến động qua từng thời kỳ để các trường có thêm kênh thông tin khi mở ngành tuyển sinh, tránh mở ngành ào ạt, thu hút nhiều sinh viên nhưng tỷ lệ thôi học cũng cao. Hơn nữa, khi sinh viên biết được dự báo nguồn nhân lực cũng sẽ cân nhắc kỹ trước khi chọn ngành học, giảm tình trạng thôi học do cảm thấy không phù hợp.
Chăm sóc người học thay vì tìm cách gian dối, che giấu tỷ lệ thôi học cao
Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm, trước khi đưa ra quy định tiêu chí 5.2 về tỷ lệ thôi học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã căn cứ trên tình hình thực tế hoạt động của hầu hết các trường đại học trong nhiều năm. Thông tư số 01 mới được triển khai năm 2024 nên cần thiết phải để các trường thực hiện quy định rồi đánh giá, điều chỉnh sao cho phù hợp.
Thầy Nghĩa cũng chia sẻ, thực tế tỷ lệ sinh viên thôi học hàng năm ở nhiều cơ sở giáo dục đại học (nhất là trường đại học địa phương) vượt quá 10% và cao hơn 15% đối với người học năm đầu.
Trước nguy cơ việc thực hiện tiêu chí 5.2 có thể dẫn đến tình trạng trường đại học chạy theo thành tích, giữ lại những sinh viên không đủ điều kiện vẫn tiếp tục theo học, thầy Nghĩa cho rằng, về mặt quản lý đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học hiện nay có hệ thống phần mềm quản lý sinh viên. Do đó, việc theo dõi tình trạng sinh viên có dấu hiệu thôi học, bỏ học, chưa đóng học phí,... không khó khăn như trước.
"Khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, thanh tra, cơ sở giáo dục đại học không thể che giấu được việc nhà trường giữ lại sinh viên không đủ điều kiện theo học để bảo toàn số lượng, tỷ lệ thôi học dưới 10% hàng năm. Bởi, chỉ cần đối chiếu giữa số lượng sinh viên theo học trên phần mềm quản lý và số tiền học phí tương ứng là có thể biết được cơ sở giáo dục đó có giữ lại sinh viên không đủ điều kiện theo học hay không", thầy Nghĩa chia sẻ.
Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, về quản lý nhà nước, trong quá trình thanh tra, thậm chí là kiểm tra ngẫu nhiên danh sách sinh viên nhà trường đang theo học để biết sinh viên có đăng ký tín chỉ, đóng học phí ra sao, từ đó, nếu sinh viên có tên trong danh sách lớp, có đăng ký môn học nhưng không đóng học phí đúng thời gian quy định nghĩa là sinh viên ảo, nhà trường không trung thực trong thực hiện quy định về tỷ lệ sinh viên thôi học.
Còn với các cơ sở giáo dục, chiếu theo quy định, hiện những trường đại học có nguy cơ không đạt tỷ lệ thôi học, thậm chí vượt quá tỷ lệ mà chuẩn quy định thì phải có nhiều biện pháp chăm sóc người học thay vì tìm cách gian dối, che giấu số lượng, tỷ lệ thôi học cao. Để làm được điều này, các trường cần phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng sinh viên từ sớm để có hướng giải quyết. Trong trường hợp sinh viên thôi học vì khó khăn về tài chính, nhà trường cũng nên có biện pháp hỗ trợ để động viên các em tiếp tục theo học; còn với sinh viên thôi học do lựa chọn ngành không phù hợp, nhà trường có thể tư vấn để các em chuyển đổi ngành học.
Ngày 22/3/2024, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học có hiệu lực. Thông tư bao gồm 6 tiêu chuẩn, 20 tiêu chí. Trong đó, tiêu chuẩn 5 gồm 5 tiêu chí, quy định về tuyển sinh và đào tạo, yêu cầu cơ sở giáo dục đại học duy trì được chất lượng và hiệu quả về tuyển sinh, đào tạo và hỗ trợ người học.