Kỳ thị tư thục vì quan niệm sai lầm về thương mại hóa, kinh doanh giáo dục

29/05/2019 14:20
Hồng Thủy
(GDVN) - Mỗi năm người Việt chi khoảng 3,4 tỉ USD cho con đi du học vì muốn tìm kiếm một dịch vụ giáo dục có trách nhiệm và đẳng cấp.

Trong bài viết trước, "Giáo dục tư thục có bị kỳ thị?", chúng tôi đã nêu vấn đề về các rào cản cơ chế chính sách thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục đúng đắn của Đảng đến từ nhận thức, giải thích quan niệm "không thương mại hóa giáo dục".

Ở bài viết này, xin được trao đổi tiếp xung quanh các quan niệm về "thương mại hóa giáo dục", "kinh doanh giáo dục", ngõ hầu góp tiếng nói cùng làm rõ các khúc mắc trong nhận thức và hành động, để chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng đi vào thực tiễn và trở thành động lực thúc đẩy đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà.

Quan niệm thứ nhất, giáo dục tư thục là "chạy theo lợi nhuận" vì học phí cao

Trong bản góp ý tại Kì họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đoàn Đà Nẵng dẫn lời nhà nghiên cứu Phạm Duy Nghĩa nhận định rằng:

Mỗi năm người Việt bỏ ra khoảng 3,4 tỉ USD cho con du học để tìm kiếm một dịch vụ giáo dục giá trị và đẳng cấp, ảnh có tính chất minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại.
Mỗi năm người Việt bỏ ra khoảng 3,4 tỉ USD cho con du học để tìm kiếm một dịch vụ giáo dục giá trị và đẳng cấp, ảnh có tính chất minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại.

"Trên thực tế có thể nói 100% đại học tư thục ở Việt Nam là vì lợi nhuận. Và cũng theo nhà nghiên cứu này thì các trường tư thục vì lợi nhuận thường xuất hiện ở những lĩnh vực đào tạo có lợi nhuận, tránh đầu tư lớn và dài hạn. 

Do phải thỏa mãn yêu cầu về lợi nhuận của các cổ đông làm cho các tư thục vì lợi nhuận không thể đáp ứng được chức năng giáo dục thường có của một trường đại học công lập. 

Bởi những hạn chế thường là thương mại hóa giáo dục, chạy theo lợi nhuận, chạy theo ngành đào tạo chi phí thấp nhu cầu lớn, không có đầu tư lớn vào nghiên cứu cơ bản, thậm chí có những hành vi vi phạm về quy chế tuyển sinh cũng như quy chế đào tạo." [1]

Nếu hiểu "thương mại hóa giáo dục" là các cơ sở giáo dục tư thục "chạy theo lợi nhuận", "vì lợi nhuận", thu học phí cao thì có lẽ "đầu sỏ" phải là các trường đại học danh tiếng Hoa Kỳ, Anh quốc như MIT, Stanford, Harvard, Caltech, Oxford, Cambridge... [2]

Nhưng đây cũng chính là các cơ sở đào tạo nổi tiếng hàng đầu thế giới thu hút rất đông sinh viên từ các quốc gia theo học. Các cơ sở này thương mại hóa giáo dục, kinh doanh giáo dục rất thành công và rất đáng để chúng ta học tập.

Trong khi giáo dục tư thục còn bị kỳ thị thì việc Hà Nội cho một số trường phổ thông công lập liên kết đào tạo với nước ngoài trái Nghị định 86/2018/NĐ-CP và thu học phí như trường tư, chưa thấy các cơ quan chức năng tuýt còi. Ảnh minh họa, nguồn: c3chuvanan.edu.vn.
Trong khi giáo dục tư thục còn bị kỳ thị thì việc Hà Nội cho một số trường phổ thông công lập liên kết đào tạo với nước ngoài trái Nghị định 86/2018/NĐ-CP và thu học phí như trường tư, chưa thấy các cơ quan chức năng tuýt còi. Ảnh minh họa, nguồn: c3chuvanan.edu.vn.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong phiên giải trình trước Quốc hội ngày 6/6/2018, thống kê không chính thức cho thấy hàng năm học sinh, sinh viên của chúng ta ra nước ngoài học tập, nghiên cứu dạng học bổng và không học bổng tiêu tốn khoảng 3,4 tỉ USD dưới các dạng kinh phí khác nhau. [3]

Nếu các cơ sở giáo dục tư thục trong nước được chăm lo phát triển và sự kỳ thị với giáo dục tư thục trong nước không còn, thì chắc chắn con số 3,4 tỉ USD kia sẽ giảm xuống, chưa kể có thể thu hút học sinh sinh viên khu vực và quốc tế đến Việt Nam học tập, khi sản phẩm, dịch vụ giáo dục - đào tạo của chúng ta có đủ sức hấp dẫn.

Quan niệm thứ hai, "thương mại hóa giáo dục là bán bằng" 

Theo tác giả Lê Bình Nguyên, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Sóc Trăng: "người ta lo lắng các nhà "kinh doanh giáo dục" tăng tiền học phí nhưng không tăng chất lượng, hay người học không đủ khả năng đánh giá chất lượng giáo nên nhà cung cấp sẽ dễ dàng lường gạt." [4]

Tương tự, trong bài viết "Giáo dục đại học: Không thể phó mặc cho thị trường" [5] đăng trên Báo Tuổi Trẻ cuối tuần ngày 10/6/2018, Tiến sĩ Phạm Thị Ly nhận định:

Hà Nội đang lấy chỗ học của con em nhân dân lao động để làm dịch vụ?

Kỳ thị tư thục vì quan niệm sai lầm về thương mại hóa, kinh doanh giáo dục ảnh 3

"Người học không phải là một “khách hàng” có thể bỏ tiền ra mua dịch vụ giáo dục theo lối mua đứt bán đoạn, kiểu như ta trả tiền và mang chiếc xe về nhà. 

Giáo dục là một dịch vụ đặc biệt vì khách hàng của nó có vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình tạo ra giá trị. Nhà trường có thể bán bằng, nhưng không bán được kỹ năng, kiến thức, thái độ, giá trị, phẩm chất. 

Tấm bằng chỉ là đại diện quy ước, chứ không phải là bản thân những thứ đó. Vì thế, coi sinh viên như “khách hàng” sẽ tạo ra hệ lụy là đồng nhất tấm bằng với những giá trị mà nó đại diện, kết quả là những giá trị đó sẽ có thể phá sản."

Những hiện tượng nêu trên, nếu có, chỉ là cá biệt trong bối cảnh tranh tối tranh sáng, người học không có đủ thông tin.

Tuy nhiên hiện nay, với sự bao phủ của internet và mạng xã hội, với các cơ sở giáo dục tư thục thì bất cứ một sơ sẩy nào thôi, cũng có thể trở thành khủng hoảng truyền thông và bị người sử dụng dịch vụ tẩy chay lập tức, chứ chưa nói tới việc cố tình lừa gạt và làm bậy.

Hơn nữa, các vấn đề nổi cộm trong giáo dục phổ thông thời gian qua gây bức xúc xã hội như bạo lực học đường, lạm thu, lạm dụng tình dục trẻ em...hầu hết đều xảy ra ở các trường công lập mà rất hiếm thấy ở trường tư thục.

Nhưng khi xảy ra các vụ việc này, học sinh và cha mẹ học sinh có rất ít lựa chọn chỗ học khác cho con, vì giáo dục công lập vẫn còn được xem như một dạng phúc lợi xã hội. Với trường tư thục thì hoàn toàn khác.

Cho nên, nếu xem một vài hiện tượng đơn lẻ thành bản chất "thương mại hóa giáo dục", "kinh doanh giáo dục" là bán bằng, hoặc chất lượng dịch vụ giáo dục không tương xứng với chi phí người học bỏ ra, thiết nghĩ là một sự coi thường trí tuệ và sức mạnh của người dân.

Không phải không có những cơ sở làm ăn chộp giật, trong bất kỳ lĩnh vực nào chứ không riêng giáo dục, nhưng luật pháp cũng như người sử dụng dịch vụ hiện nay đã có đầy đủ công cụ điều chỉnh.

Quan niệm thứ ba, giáo dục là dịch vụ đặc biệt, độc quyền của nhà nước

Trong bài viết trên, chúng tôi nhận thấy dường như Tiến sĩ Phạm Thị Ly xem giáo dục là dịch vụ đặc biệt, là đặc quyền và độc quyền của Nhà nước:

"Song bằng" - dạy thêm có tổ chức và bóng dáng những sân sau

Kỳ thị tư thục vì quan niệm sai lầm về thương mại hóa, kinh doanh giáo dục ảnh 4

"Vì thị trường hoạt động dựa trên động lực tìm kiếm lợi nhuận, không có gì ngăn cản các trường tăng học phí tới mức sẽ chỉ còn một số ít người có thể theo đuổi bậc đại học, tạo ra hố sâu ngăn cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo. 

Trên bình diện quốc gia, nếu đa số người dân không tiếp cận được giáo dục đại học, thì số lượng và chất lượng của lực lượng lao động chắc chắn sẽ giảm sút, kéo theo sự lạc hậu về khoa học kỹ thuật và thua thiệt trong cạnh tranh kinh tế toàn cầu.

Bởi lẽ đó, giới nghiên cứu quốc tế, dù còn tranh cãi nhiều điểm, đều thống nhất rằng thị trường giáo dục đại học, khác với mọi thị trường khác, cần có vai trò quan trọng của nhà nước."

Chúng tôi nhận thấy, quan điểm này dường như chỉ xoáy vào "lợi nhuận" mà quên mất rằng, để có được "lợi nhuận" ấy các cơ sở giáo dục tư thục phải phấn đấu rất nhiều, không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Và cũng không ai có thể ép người dân phải bỏ ra chi phí lớn hơn nhiều lần, thậm chí rất nhiều lần học phí trường công để cho con em mình học trường tư, ngoài nhu cầu tự thân của họ.

Trong trường hợp các cơ sở giáo dục trong nước không đáp ứng được nhu cầu, thì người dân mang ngoại tệ đến các cơ sở giáo dục nước ngoài hoặc cho con du học.

Trường tư thục thích là tăng học phí một cách vô tội vạ đến mức chỉ một số ít người theo học là điều không tưởng.

Học phí trường tư thục, điểm sáng của Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi

Kỳ thị tư thục vì quan niệm sai lầm về thương mại hóa, kinh doanh giáo dục ảnh 5

Mặt khác, giáo dục tư thục phát triển để đỡ gánh nặng ngân sách cho nhà nước vốn không thể bao cấp toàn bộ, để nhà nước có điều kiện chăm lo cho các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội ở các cơ sở giáo dục công lập.

Nói cách khác, giáo dục tư thục phát triển sẽ hỗ trợ giáo dục công lập phát triển, chứ không triệt tiêu giáo dục công lập, bởi chức năng của hai loại hình này khác nhau.

Bậc phổ thông, Tiến sĩ Phạm Thị Ly cho rằng:

"Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 của Liên Hiệp Quốc, mà Việt Nam có phê chuẩn, coi giáo dục là một quyền con người cơ bản của trẻ em. Quyền này có thể không thực hiện được khi giáo dục thuần túy là một thị trường.

Vì thế, hầu hết các nước đều miễn học phí với giáo dục phổ thông, nhiều nước còn xem việc cho trẻ đi học là nghĩa vụ bắt buộc của gia đình, xã hội và nhà nước."

Chúng tôi nhận thấy ở đây dường như đang có sự nhầm lẫn về "phổ cập" và "bắt buộc".

Thứ nhất, "phổ cập" hay "bắt buộc" là chương trình giáo dục, học trường công hay trường tư đâu phải vấn đề?

Thứ hai, không phải người dân nào cũng có nhu cầu miễn phí tiền học cho con, mà là chất lượng và đẳng cấp của dịch vụ giáo dục thế nào. 3,4 tỉ USD mỗi năm chảy ra nước ngoài để phục vụ nhu cầu du học là minh chứng hùng hồn cho thấy, nhu cầu giáo dục của một bộ phận người dân ngày càng cao.

Bộ Chính trị đã có chỉ thị vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, vậy tại sao lại không để các cơ sở giáo dục tư thục phát triển đáp ứng các nhu cầu cao và đa dạng của dân mà để người dân phải cho con em sử dụng dịch vụ giáo dục của nước ngoài, mỗi năm tốn hàng tỉ USD?

Trong bài viết tới, chúng tôi sẽ phân tích bản chất của thương mại hóa giáo dục, kinh doanh giáo dục để tìm câu trả lời mà có lẽ không ít người đang quan tâm, giáo dục tư thục không vì lợi nhuận thì vì cái gì.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=254&TabIndex=4&YKienID=296

[2]https://vnexpress.net/giao-duc/hoc-phi-10-dai-hoc-hang-dau-the-gioi-3798298.html

[3]https://tuoitre.vn/bo-truong-giao-duc-noi-gi-khi-nguoi-viet-chi-3-4-ti-usd-di-du-hoc-20180606142021251.htm

[4]http://lienhiephoi.soctrang.gov.vn/index.php/di-n-dan/197-giao-d-c-cung-la-m-t-lo-i-hang-hoa

[5]https://cuoituan.tuoitre.vn/tin/20180610/giao-duc-dai-hoc-khong-the-pho-mac-cho-thi-truong/1447995.html

Hồng Thủy