Ngày 16/5, phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cho biết:
"Hôm qua tôi có nói: Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng, tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân.
Không kỳ thị, nhưng đồng thời anh nào có sai thì yêu cầu họ sửa. Nhà nước cũng thế, không phải nhà nước tất cả cái gì đều tốt. Kinh tế nhà nước có mặt tốt, nhưng vừa qua có rất nhiều thất thoát.
Nhưng từ chỗ thất thoát như thế mà dẫn đến coi nhẹ kinh tế nhà nước, chuyển tất cả sang tư nhân thì có đúng không?... Tôi nói ví dụ những vấn đề như vậy có cần bàn không? Lần này tôi nói mang tầm chiến lược là như thế." [1]
Phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước không chỉ một lần nữa nhắc lại chủ trương đúng đắn của Đảng về bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, cũng như quan điểm xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế;
Vì sao hệ thống trường tư ít có những sự cố giáo dục? |
Qua phát biểu gợi mở nói trên, có thể thấy trong thực tiễn đâu đó vẫn còn sự kỳ thị hoặc nhận thức chưa đúng về kinh tế tư nhân.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, có hay không sự kỳ thị hoặc nhận thức chưa đúng, chưa đủ về vai trò của giáo dục tư thục? Làm thế nào để giáo dục tư thục phát triển lành mạnh và đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà?
Khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn
Chính sách thường đi sau thực tiễn, tổng kết thực tiễn để tạo đà cho những bước phát triển mới. Trong lĩnh vực xã hội hóa giáo dục, điều này được thể hiện một cách rõ nét.
Ở bậc phổ thông, Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 8/4/2005 của Chính phủ chỉ đạo:
Phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập với hai loại hình: dân lập và tư nhân. Quyền sở hữu của các cơ sở ngoài công lập được xác định theo Bộ luật Dân sự. Tiến tới không duy trì loại hình bán công.
Ngày 24/6/2005 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định số 20/2005/QĐ-BGD&ĐT, khuyến khích mở các loại hình trường tiểu học ngoài công lập ở khu vực thành phố, thị xã và các vùng kinh tế phát triển nhằm huy động nguồn lực của xã hội, của những gia đình có thu nhập cao đầu tư phát triển giáo dục tiểu học.
Quá tải sĩ số trường công lập nội đô Hà Nội đã trở thành vấn nạn từ nhiều năm nay, ảnh minh họa: VTV.vn. |
Gần đây nhất, ngày 25/10/2017 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành nghị quyết của Hội nghị lần thứ Sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 19-NQ/TƯ) đã chỉ rõ hơn nữa giải pháp cho giáo dục:
"Tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao."
Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả nước, điều kiện xã hội hóa giáo dục theo chủ trương của Đảng, nghị quyết của Chính phủ gần như đứng đầu toàn quốc.
Tuy nhiên, đến năm 2019, giáo dục công lập nội đô Hà Nội vẫn quá tải sĩ số và tình trạng ngày càng trở nên trầm trọng hơn do thiếu vốn và quỹ đất. [2]
Trong khi đó, giáo dục tư thục vẫn chiếm tỉ lệ rất thấp (256.000 học sinh tư thục so với 1,7 triệu học sinh công lập [3]), dù rất có tiềm năng và điều kiện phát triển (nhu cầu của cha mẹ học sinh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục tư thục), rào cản còn lại nằm ở cơ chế quản lý với khá nhiều "giấy phép con" hạn chế giáo dục tư thục.
Giữa Thủ đô hiện nay vẫn còn cảnh chen chúc 68, 69 học sinh / lớp 1 công lập, tập thể dục giữa giờ cũng phải luân phiên mỗi ngày một nửa sĩ số cả trường, chất lượng giáo dục ở đâu, nếu không phải đến từ các lò học thêm?
Với sĩ số quá đông, làm sao có thể đảm bảo chất lượng giáo dục mà học sinh không phải học thêm tối ngày? Ảnh có tính chất minh họa, nguồn: Báo Lao động Thủ đô. |
Luật Giáo dục hiện hành, Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ đã bỏ mô hình "bán công" từ năm 2005.
Nhưng hiện nay, 14 năm sau, Hà Nội vẫn đang đầu tư ngân sách phát triển mô hình này dưới tên gọi mới, trường phổ thông công lập chất lượng cao, trường phổ thông công lập tự chủ tài chính, chưa kể mô hình đào tạo "song bằng" trong trường phổ thông công lập.
Thực tiễn này khiến chúng tôi băn khoăn, phải chăng giáo dục tư thục vẫn còn bị kỳ thị ngay giữa Thủ đô?
Ở bậc đại học, ngày 27/7/2007, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020, trong đó đặt mục tiêu:
Đến năm 2020 có từ 30 đến 40% sinh viên học tại các cơ sở giáo dục đại học tư thục. [4]
Tuy nhiên cho đến hiện nay có khoảng 84% số sinh viên đang theo học tại các trường đại học công lập, còn chỉ có 16% sinh viên đang theo học tư thục. [5]
Rõ ràng từ chủ trương, chính sách xã hội hóa giáo dục đúng đắn của Đảng đến thực tiễn phát triển của giáo dục tư thục từ bậc phổ thông đến đại học, còn một khoảng cách khá xa.
Rào cản từ nhận thức
Lấy quy hoạch để áp chỉ tiêu tuyển sinh, rất nhiều trẻ em Thủ đô sẽ thất học |
Từ phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rằng đừng kỳ thị với kinh tế tư nhân, soi chiếu vào lĩnh vực giáo dục có thể thấy rõ, đâu đó vẫn còn rơi rớt những rào cản về mặt nhận thức đối với giáo dục tư thục.
Ở khía cạnh chính sách, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đã chỉ rất rõ:
2.1- Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo
- Đối với giáo dục đại học: Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục - đào tạo hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học.
Sắp xếp, tổ chức lại, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục.
Nhà nước tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các trường đại học công lập ở một số lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Các trường trong Quân đội, Công an chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng vũ trang.
- Đối với giáo dục mầm non, phổ thông: Sắp xếp, tổ chức lại gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể.
Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học một cách hợp lý; thu gọn lại các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương.
Tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao.
Hà Nội chủ trương phát triển hệ thống trường phổ thông công lập tự chủ tài chính, chất lượng cao, song bằng phải chăng là tên gọi khác của mô hình trường bán công mà Luật Giáo dục hiện hành đã bỏ? Ảnh có tính chất minh họa, nguồn: Báo Hà Nội Mới. |
2.2- Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
- Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hoá, hiện đại hoá, có phân tầng chất lượng.
Nhà nước tập trung đầu tư một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho các nhóm đối tượng đặc thù phù hợp với khả năng đầu tư của Nhà nước và khả năng huy động nguồn lực của xã hội.
- Sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng; giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả.
Về cơ bản, trên địa bàn cấp tỉnh chỉ còn một đầu mối đào tạo nghề công lập. Sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn cấp huyện.
Có thể nói đây là những định hướng hết sức quan trọng và đúng đắn của Trung ương, tuy nhiên khi trao đổi với các nhà đầu tư và lãnh đạo một số cơ sở giáo dục tư thục chúng tôi nhận thấy vẫn còn những băn khoăn.
Tuyển sinh đầu cấp vào mùa chạy chỉ tiêu |
Nghị quyết được ban hành từ năm 2017, nhưng việc đưa các giải pháp Nghị quyết nêu ra trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo vẫn chưa đáp ứng được mong muốn và kỳ vọng mà Nghị quyết nêu ra.
Sở dĩ có sự chậm trễ này, theo góp ý của các nhà đầu tư, chủ cơ sở giáo dục tư thục mà chúng tôi có điều kiện tiếp xúc, trao đổi, là do còn những băn khoăn về việc nhận thức, giải thích phần Quan điểm chỉ đạo xã hội hóa khi vận dụng vào lĩnh vực giáo dục, mà Nghị quyết số 19-NQ/TW đã viết: "Thực hiện công khai, minh bạch, không thương mại hoá".
Thế nào là "thương mại hóa" trong lĩnh vực giáo dục thì chưa được giải thích.
Trong khi những kỳ thị đối với giáo dục tư thục trên thực tiễn hầu như đều xuất phát từ nhận thức và cách hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ về giáo dục tư thục, xem giáo dục tư thục là "thương mại hóa giáo dục", "kinh doanh giáo dục"...
Điều này dẫn đến việc thể chế hóa các giải pháp đúng đắn trong lĩnh vực giáo dục mà Nghị quyết trên nêu ra thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật gặp trở ngại. [6]
Cụ thể, trong việc sửa đổi Luật Giáo dục lần này đang được Quốc hội xem xét, thông qua, "việc xã hội hóa giáo dục cần có cơ chế rõ ràng để khuyến khích, nhưng cần bảo đảm nguyên tắc không thương mại hóa giáo dục" vẫn đang là quan điểm chủ đạo, trong khi chưa định nghĩa được, thế nào là "thương mại hóa giáo dục". [7]
Trong các bài viết tới, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục phân tích các khía cạnh của vấn đề này, ngõ hầu góp thêm tiếng nói thực hiện thành công sự nghiệp xã hội hóa giáo dục cũng như chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng. Chúng tôi cho rằng phát triển giáo dục tư thục một cách lành mạnh là một giải pháp chính sách rất quan trọng, thiết thực, giải quyết được rất nhiều vấn đề tồn tại của giáo dục đang gây bức xúc trong dư luận. Để có những chuyển biến trong nhận thức và hành động, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng kính mời các nhà đầu tư, chủ các cơ sở giáo dục và đào tạo tư thục cũng như các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và hoạch định chính sách quan tâm đến giáo dục tư thục viết bài cộng tác, trao đổi, phân tích và phản biện, góp ý xây dựng chính sách phát triển giáo dục tư thục. Bài viết xin vui lòng gửi về Tòa soạn theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn kèm theo thông tin cá nhân (chứng minh thư / căn cước công dân, số tài khoản ATM để Báo tiện trao đổi nội dung và thanh toán nhuận bút). |
Tài liệu tham khảo:
[1]https://vov.vn/chinh-tri/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-tai-hoi-nghi-tu-10-909998.vov
[2]http://kinhtedothi.vn/dau-tu-cho-truong-hoc-cong-lap-thieu-von-va-quy-dat-343648.html
[3]https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/932404/-doi-moi-cong-tac-quan-ly-nang-cao-chat-luong-giao-duc-dao-tao
[4]http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=33899
[5]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-duc-tu-thuc-can-duoc-doi-xu-binh-dang-voi-cong-lap-post198092.gd
[6]https://www.thesaigontimes.vn/165708/Xa-hoi-hoa-nhung-khong-thuong-mai-hoa-Can-phai-toi-uu-hoa-cac-tham-so.html
[7]http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/TT_TINLAPPHAP/View_Detail.aspx?ItemID=3324