LTS: Sự tách rời giữa hệ thống các trường đại học và các viện nghiên cứu lớn, và việc vắng mặt các trường đại học đa lĩnh vực là hai tàn tích của mô hình Liên Xô cũ. Đây chính là hai cản trở lớn làm cho khối các nước kinh tế chuyển đổi có rất ít trường đại học đẳng cấp thế giới.
Nhận thấy rõ điều này, chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Lâm Quang Thiệp (Đại học Thăng Long) cho rằng, Việt Nam muốn sớm có các trường đại học đẳng cấp thì cần quyết tâm cao trong việc khắc phục các cản trở nói trên.
Sự tách rời giữa hệ thống các trường đại học và các viện nghiên cứu lớn
Giáo sư Lâm Quang Thiệp cho biết, ở Việt Nam, cho đến năm 1992 hệ thống nghiên cứu quan trọng vẫn tồn tại theo mô hình Liên Xô: cơ quan quản lý nhà nước về nghiên cứu là Ủy ban Khoa học Nhà nước, hai cơ quan nghiên cứu lớn bao trùm (theo kiểu Viện hàn lâm Khoa học ở Liên Xô) là Viện Khoa học Việt Nam và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Nhận thức được sự cần thiết phải hợp nhất lực lượng nghiên cứu và các trường đại học.
Năm 1992 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng Chính phủ) đã chỉ đạo trong Quyết định số 324-CT ngày 11/9/1992 về việc “tổ chức lại mạng lưới các cơ quan nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”, với ý đồ nêu ngay ở Điều 1 là:
“Gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo: coi các trường đại học và các cơ quan khoa học và công nghệ là một hệ thống thống nhất, cần có sự sắp xếp, phân công hợp lý và kết hợp chặt chẽ nhằm phát huy tối đa năng lực của lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ của cả nước, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học”.
Trên cơ sở đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo:
“1) Thành lập hai trung tâm khoa học quốc gia (về khoa học tự nhiên và công nghệ, về khoa học xã hội và nhân văn) và một số trường đại học trọng điểm quốc gia, trên cơ sở sắp xếp lại các viện nghiên cứu quốc gia và một số trường đại học hiện có.
2) Tổ chức lại các bộ môn, khoa, viện trong các trường đại học với sự phân công hợp lý giữa các trường đại học và các cơ quan khoa học và công nghệ khác”.
Tuy nhiên, do sức ỳ của hệ thống tổ chức cũ, ý đồ của Thủ tướng Chính phủ muốn hợp nhất hai hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu không thành.
Hai cơ sở nghiên cứu lớn nói trên được đổi tên nhiều lần, nhưng thực chất vẫn như cũ.
Đến năm 2012, chúng lại được đổi tên thành hai viện hàn lâm: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Theo giáo sư Lâm Quang Thiệp, việc hai đại học lớn nhất ở nước ta không được xây dựng theo mô hình “university” thật sự là một cản trở lớn để phấn đấu trở thành đại học đẳng cấp thế giới. (Ảnh: Thùy Linh) |
Như vậy là ý tưởng hợp nhất hai hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu trước đây của Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ năm 1992 không được kế thừa, mà sự tách biệt còn trở nên nặng nề hơn, đúng theo mô hình của Liên Xô trước đây.
Từ đó, Giáo sư Lâm Quang Thiệp cho rằng, rõ ràng sự tách rời giữa hệ thống giáo dục đại học nước ta với hệ thống các tổ chức nghiên cứu quan trọng nhất đất nước đã và đang làm yếu các trường đại học, đặc biệt là các đại học hàng đầu nước ta, gây cản trở lớn đối với quá trình phấn đấu thành đại học đẳng cấp thế giới.
Không có trường đại học theo mô hình đại học đa lĩnh vực thật sự
Giáo sư Lâm Quang Thiệp thông tin, ở Hoa Kỳ có khoảng 4500 trường đại học và cao đẳng, chia làm 2 nhóm lớn, khoảng 2800 trường đại học bốn năm (four-year colleges) và khoảng 1700 trường đại học hai năm (two-year colleges).
“Đại học 4 năm” là thuật ngữ để gọi chung các trường có đào tạo từ bằng cử nhân (bachelor) trở lên.
“Đại học 2 năm” là thuật ngữ để gọi chung các trường cao đẳng (junior college) hoặc cao đẳng cộng đồng (community college), đó là các trường cung cấp các chương trình học nghề sau trung học hoặc các chương trình chuyển tiếp (transfer) cấp các loại “associate degree” để có thể tiếp tục học ở các trường đại học bốn năm [Lâm Quang Thiệp, Bruce Johnstone, Philip Altbach, 2007].
Phần lớn đại học 4 năm ở Hoa Kỳ được tổ chức theo mô hình “university”, tức là trường đại học đa lĩnh vực, một mô hình trường đại học có hiệu quả cao nhất.
Sở dĩ mô hình đại học đa lĩnh vực có hiệu quả cao nhất vì các lý do sau đây:
Một là, các đại học đa lĩnh vực sẽ đảm bảo đào tạo tốt các chương trình “giáo dục khai phóng” [Lâm Quang Thiệp, 2018], xu hướng giáo dục đại học chủ đạo ở Hoa Kỳ, vì chỉ trong các university mới có đủ đội ngũ giáo sư, giảng viên có trình độ cao để giảng dạy tốt các chương trình giáo dục này.
Thông báo số 2 về Hội thảo khoa học sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo |
Hai là, các đại học đa lĩnh vực có ưu thế về nghiên cứu và phục vụ xã hội, vì ngày nay các đề tài nghiên cứu lớn đều là các đề tài có tính liên ngành, các hoạt động phục vụ xã hội cũng vậy.
Ba là, đại học đa lĩnh vực bao gồm nhiều ngành đào tạo khác nhau dễ đối phó với sự biến động về nhu cầu của từng nghề nghiệp trong nền kinh tế thị trường.
Chính vì ưu thế của mô hình đại học đa lĩnh vực nên khi chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường, nhiều nước đã chuyển các trường đang học đơn ngành hoặc đơn lĩnh vực sang đại học đa lĩnh vực (Liên bang Nga, Trung Quốc, các nước Đông Âu).
Tại Việt Nam, vào đầu thập niên 1990, khi Chính phủ chủ trương xây dựng một số trường đại học mạnh cho nước ta, Thủ tướng Võ Văn Kiệt yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thiết kế các đại học này.
Theo yêu cầu đó Bộ đã đề nghị xây dựng hai Đại học quốc gia Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, ba Đại học vùng Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng theo mô hình đại học đa lĩnh vực [Hiệp hội.., 2017].
Tuy nhiên việc thực hiện đã diễn ra không đúng như thiết kế, lý do chủ yếu là các trường thành viên phản đối việc sáp nhập, vì mất nhiều “ghế” quản lý.
Các nhà tổ chức phải thỏa hiệp bằng cách hứa hẹn giữ nguyên vị trí các trường thành viên, không thay đổi các chức vụ quản lý trước đây, do đó các quy chế tổ chức được xây dựng theo mô hình đại học hai cấp.
Theo mô hình này, hoạt động trong các trường thành viên hầu như vẫn giữ như cũ, sự kết nối giữa các trường thành viên với nhau rất lỏng lẻo, và cấp quản lý trên cùng của “đại học” thực hiện một cơ chế quản lý trung gian gián tiếp, giống như các “bộ đại học” nhỏ.
Mô hình thực tế của các đại học quốc gia và đại học vùng đã vô hiệu hóa hoàn toàn các ưu thế của mô hình đại học đa lĩnh vực như đã nói trên đây.
Thế nhưng cơ chế “hai cấp” của các đại học đa lĩnh vực thậm chí đã được khẳng định và gắn với khái niệm “đại học” ở Luật Giáo dục đại học năm 2012, chỉ được xóa bỏ trong Luật Giáo dục đại học năm 2018.
Các đại học “hai cấp” ở nước ta không phát huy được các thế mạnh của mô hình “university” như đã nêu trên đây.
Trước hết, các trường thành viên đều là các trường đơn ngành, đơn lĩnh vực, lại liên kết với nhau rất lỏng lẻo, hầu như hoàn toàn độc lập về đào tạo, nên ưu thế về việc nâng cao chất lượng đào tạo theo chương trình giáo dục khai phóng không thể hiện được.
Cũng vậy, trong lĩnh vực nghiên cứu, phục vụ xã hội và đáp ứng thị trường lao động, quan hệ lỏng lẻo giữa các trường thành viên rất khó tạo nên sự phối hợp để tăng hiệu quả.
Chính vì sự kém hiệu quả của các mô hình đại học quốc gia và đại học vùng nên Ngân hàng Thế giới đã có một văn bản góp ý chính thức khi xây dựng Luật Giáo dục đại học 2018 đề nghị điều chỉnh các mô hình đó [The World Bank team…, 2018].
Theo Luật sửa đổi, mô hình đại học quốc gia và đại học vùng có thay đổi? |
Trước hết họ nói đó là mô hình duy nhất độc đáo tại Việt Nam (“is unique to Vietnam”) và không thấy ở bất kỳ nước nào trên thế giới (“We have not come across this set up in any country in the world”).
Nói theo ngôn ngữ thông thường, đó là một mô hình “không giống ai” trên thế giới, và có nhiều nhược điểm.
Theo họ, các nhược điểm đó là: “Không tận dụng được hết ưu thế về tài năng, kiến thức, và tiềm lực hiện có bị phân tán trong một số lớn các cơ sở tách biệt.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng các cơ sở đại học phi tập trung hoạt động kiểu như các trường thành viên độc lập gắn kết yếu gặp thách thức lớn nhằm chuyển đổi và tăng cường hoạt động bởi vì mỗi trường thành viên đều có kế hoạch và ưu tiên của riêng mình, không nhất thiết gắn chặt với mục tiêu chung của đại học lớn.
Sự thiếu tích hợp làm cho chúng không thể tạo nên một sự đồng nhất cốt lõi và một tình cảm chung về mục đích. Khi không có một tầm nhìn chung, nhiệm vụ thiết kế và thực hiện một dự án phát triển đổi mới cho toàn bộ trường đại học trở thành bất lực.
Các cơ sở đại học phi tập trung có xu hướng trở thành không hiệu quả vì sự trùng lặp của việc cung cấp các khóa học và các cấu trúc hành chính.
Các hoạt động trong giảng dạy và nghiên cứu vẫn được giữ trong nội bộ các trường và khoa riêng biệt. Những nỗ lực đa ngành bị cản trở. Các nguồn lực tài chính và khoa học không được chia sẻ rộng rãi.”
"Các nhận xét đó thể hiện khá đầy đủ nhược điểm của mô hình đại học hai cấp mà chúng tôi đã nhiều lần phát biểu" [Lâm Quang Thiệp, 2017, 2018].
Từ những phân tích trên, Giáo sư Lâm Quang Thiệp khẳng định:
“Rõ ràng việc hai đại học lớn nhất ở nước ta không được xây dựng theo mô hình “university” thật sự là một cản trở lớn để chúng phấn đấu trở thành đại học đẳng cấp thế giới”.
Chính vì vậy, Giáo sư Lâm Quang Thiệp cho rằng, muốn giảm bớt những cản trở trên con đường phấn đấu để có các trường đại học đẳng cấp thế giới, chúng ta cần thay đổi hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu và điều chỉnh các mô hình đại học để có các đại học đa lĩnh vực thật sự.
Các điều chỉnh này liên quan đến toàn hệ thống, và trước hết liên quan đến các trường đại học hàng đầu.
Với tính bảo thủ nặng nề của hệ thống, quá trình thay đổi này không đơn giản, việc thay đổi chỉ có thể thành công nếu có quyết tâm mạnh mẽ ở cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước.
Hy vọng với nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục đại học đối với quốc gia trong thời đại kinh tế tri thức, thời đại mà các trường đại học là các thực thể trung tâm của xã hội, những người có trách nhiệm lãnh đạo ở nước ta cảm nhận được vấn đề và có quyết tâm cao để thực hiện sự thay đổi.
Tài liệu tham khảo:
1. Lâm Quang Thiệp, D. Bruce Johnstone, Philip G. Albach hiệu đính, Giáo dục đại học Hoa Kỳ, tái bản lần thứ 1, NXB Giáo dục, 2007.
2. Lâm Quang Thiệp. Sự trở lại của giáo dục khai phóng, Hội thảo "Đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động đào tạo trong các trường đại học và cao đẳng", Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh 2/11/2018.
3. The World Bank team, 2018. Comments on Vietnam HE Law amendment draft, 29/4/2018.
4. Lâm Quang Thiệp, 2017. Đại học đa lĩnh vực thành công trên thế giới, nhưng sao gặp "sự cố" ở ta? Giaoduc.net, 15/09/17.
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Dai-hoc-da-linh-vuc-thanh-cong-tren-the-gioi-nhung-sao-gap-su-co-o-ta-post179666.gd
5. Lâm Quang Thiệp, 2018. Mô hình đại học đa lĩnh vực và việc triển khai xây dựng ở nước ta. Tap chí Khoa học và Công nghệ - Tháng 2 năm 2018.
http://khoahocvacongnghevietnam.com.vn/epaper/view-pdf.php?year=2018&no=3