Chuyện đạt các danh hiệu chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến ở trong từng các đơn vị, các cơ sở giáo dục đều theo một quy chế.
Ông Nguyễn Quốc Cường - Phó Ban đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, cơ quan sẽ đưa ra tiêu chí thi đua để cán bộ, nhân viên cảm thấy khả năng ở mức độ nào thì đăng ký theo mức độ đó.
Ông Nguyễn Quốc Cường. (Ảnh: Q.C) |
Đơn cử, lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cấp quận huyện, cấp tỉnh, cấp Bộ thì do từng cá nhân đăng ký.
Ông Cường nói, bản thân các vị sếp cũng sẽ đăng ký tham gia các loại danh hiệu này. Đương nhiên, chỉ tiêu tỉ lệ % có giới hạn nên hầu hết những đơn vị bị thanh tra, vi phạm hay có “vấn đề đặc biệt” thì lãnh đạo không được danh hiệu.
Một thực tế, nhân viên dù có thích lãnh đạo của mình hay không đều phải ủng hộ để các vị nhận danh hiệu thi đua. Đương nhiên, góc độ của vấn đề ở đây là lãnh đạo của đơn vị phải đạt danh hiệu để cả đơn vị không bị ảnh hưởng.
Ông Cường khẳng định, không có chuyện, lãnh đạo bắt các nhân viên phải bầu cho bản thân mình để đạt danh hiện chiến sĩ thi đua. Nhưng, nếu đơn vị chỉ để nhân viên đạt danh hiệu mà lãnh đạo không đạt thì toàn đơn vị cũng không đạt danh hiệu thi đua.
Từng là chuyên viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Cường khẳng định, trong tất cả các đơn vị, nhân viên phải ủng hộ cho lãnh đạo đạt danh hiệu thi đua trước, sau đó mới xét đến từng cá nhân.
Có những đơn vị, bảo vệ và lái xe vẫn được danh hiệu chiến sĩ thi đua nhưng toàn đơn vị vẫn bị khống chế 30% trên tổng số cán bộ công nhân viên chức toàn cơ quan.
Trong đơn vị, có thể “sếp trưởng” hoặc “sếp phó” đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua rồi đến nhân viên chứ không phải toàn bộ là lãnh đạo.
Ngoài ra, nếu trong đơn vị, người đứng đầu không đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua thì sẽ cắt toàn bộ khen thưởng của đơn vị đó. Đồng nghĩa, cắt các khoản tiền thưởng về đơn vị.
Ông Cường lập luận, chế độ khen thưởng mang cơ chế giấy khen luôn luôn đi kèm với “hiện kim”. Không phải tiền thưởng chỉ dành cho lãnh đạo mà còn “chia đều” cho nhân viên của tất cả các phòng, ban.
Tuy nhiên, khi đăng ký thi đua cuối năm thì bắt buộc lãnh đạo phải đăng ký một danh hiệu nào đó để mang lại lợi ích cho đơn vị.
Các loại danh hiệu cũng được “phân phát đều” từ trên xuống dưới. Chiến sĩ thi đua mỗi đơn vị chỉ được 30% tổng số nhân sự và lao động tiên tiến là 70%.
Có nghĩa, lãnh đạo của các phòng ban sẽ mặc định được nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua và nhân viên sẽ nhận danh hiệu lao động tiên tiến.
Ông Cường đánh giá, lãnh đạo mà không đăng ký nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua thì cả đơn vị sẽ bị cắt thưởng giống như “bánh mì không kẹp thịt”.
Nhiều lãnh đạo không muốn vì bản thân để nhận “bánh mì có kẹp thịt” nhưng phải vì đơn vị để nhận và mang về chia đều ra cho các nhân viên.
Mấu chốt của vấn đề là, lãnh đạo buộc phải nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua vì nhân viên. Ông Cường đề xuất, nên chăng, bỏ luôn các danh hiệu “chiến sĩ thi đua”, “lao động tiên tiến” thì họa chăng mới có thể giải quyết được vấn đề.
Hoặc, đề xuất các danh hiệu trên không ràng buộc cho lãnh đạo cùng tham mà “thi đua” chỉ dành cho nhân viên thì mới có thể thay đổi được nạn chạy đua với thành tích.
Ông Nguyễn Quốc Cường kết thúc vấn đề: “Chung quy, cũng vì “bánh mì có kẹp thịt” mang về để nhân viên cùng hưởng nên mới xảy ra nhiều câu chuyện bi hài quanh việc bầu xét danh hiệu”.