Quảng Trị tháng 5, những cơn gió Lào quẹt qua mơ ước

31/05/2019 06:26
TRẦN PHƯƠNG
(GDVN) - Đất Quảng Trị những ngày nắng gió tháng 5 không làm thầy trò chúng tôi chùn bước “lên rừng, xuống biển” gieo mầm ước mơ cho các cô, cậu học trò thơ ngây.

Những ngày tháng 5, đất Quảng Trị đầy nắng gió, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã kết hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0” dành cho 15 trường học trên địa bàn 9 huyện thị trên địa bàn tỉnh.

Với 15.000 lượt học sinh được nghe và giao lưu với diễn giả, Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, buổi hội thảo đã trở thành dịp đặc biệt đối với các em trong những ngày áo trắng trên ghế nhà trường.

Tại Quảng Trị dường như tất cả những địa danh đều gắn liền câu chuyện huyền thoại về tuổi trẻ và lịch sử, chủ nghĩa anh hùng cách mạng thế kỷ 20.

Ở mảnh đất này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng đã dành những năm tháng tuổi trẻ của mình gắn liền với những sự kiện lịch sử của dân tộc.

Và đó cũng là động lực lớn để Giáo sư Nguyễn Lân Dũng dành rất nhiều tình cảm, tâm huyết cho học trò Quảng Trị, nơi đã đất đã nở hoa sau những ngày đau thương.

Tháng 5 ở Quảng Trị, khi những cơn gió Lào quệt qua là những ngày mặt đường khô khốc lại, lá cây khô héo xào xạc theo những đợt nóng khủng khiếp.

Nhưng buổi hội thảo được tổ chức ngay dưới tán lá sân trường. (Ảnh: LC)
Nhưng buổi hội thảo được tổ chức ngay dưới tán lá sân trường. (Ảnh: LC)

Các em học sinh, các thầy cô và thầy trò chúng tôi cùng cố gắng “ngược nắng, ngược gió” để thầy Nguyễn Lân Dũng có thể gieo mầm ước mơ.

Người ta nói vạn sự khởi đầu nan, quả thật thầy trò chúng tôi gặp vấn đề nan giải thật sự khi buổi hội thảo đầu tiên được tổ chức tại trường Chế Lan Viên.

Ngày tổ chức, dù vào gần cuối giờ chiều  nhưng sân trường vẫn nắng, nóng như thiêu như đốt.

Sức nóng của gió Lào cùng mặt bê tông sân trường khiến ai cũng ngao ngán.

Thế nhưng, rất may, sân sau trường của Chế Lan Viên vừa gần sông, vừa có bóng mát, vậy là buổi hội thảo được chuyển về rìa sông…

Lần đầu tiên, những cô cậu học trò trong trường Chế Lan Viên gặp một trong những “huyền thoại về giáo dục Việt Nam”, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng bằng xương bẳng thịt.

Gian phòng nhỏ giao lưu ấm cúng giữa "cụ giáo" và các học trò nhí. (Ảnh: LC)
Gian phòng nhỏ giao lưu ấm cúng giữa "cụ giáo" và các học trò nhí. (Ảnh: LC)

Điều bất ngờ với các bạn trẻ là sự gần gũi của nhà giáo đối với các em học trò, sự ân cần của thầy với các em như người ông nói với các cháu. Nhiều em gọi vui tuổi thầy bây giờ phải gọi bằng… “cụ giáo, ông giáo”…

Buổi đầu tiên dù kết thúc muộn nhưng các em học sinh, thầy cô giáo đều cảm thấy hân hoan, vui vẻ.

Không chỉ vượt cái nắng của Quảng Trị, thầy trò chúng tôi cũng phải đối mặt với những cơn mưa tháng 5.

Mới lúc sáng, cả thầy và trò còn cùng “ngược nắng” ướt đẫm mồ hôi thì ngay giờ chiều, những cơn mưa xối xả đổ xuống, rất nhanh rồi tạnh, nhưng cơn mưa bất chợt ấy lại khiến sân trường đặc một mùi ẩm của đất lẫn bê tông bốc lên.

Ngồi dưới sân trường như thế nhưng các em vẫn giữ im lặng để lĩnh hội những kiến thức thực tế và thắp sáng ước mơ từ nhà giáo già đặc biệt.

Không chỉ Chế Lan Viên, những ngôi trường khác khác như Cửa Tùng, Hải Lăng, Hướng Hóa, Đakrông… nơi nào cũng lưu giữ những kỷ niệm trong suốt hành trình chúng tôi đi thắp lửa ước mơ.

Hướng Hóa, Thành Cổ, Làng Vây… những địa danh mà những người lính tuổi 20 đã ngã xuống, nơi họ nhập hồn vào những cánh rừng bạt ngàn xanh bất tận, vào gió trời mạch nước cao nguyên đang rì rầm kể mãi về những tháng năm khói lửa “binh đao”, chiến trận.

Thầy và trò cùng ngược nắng sân trường. (ảnh: LC)
Thầy và trò cùng ngược nắng sân trường. (ảnh: LC)

Sau những năm tháng khói lửa ấy, giờ đây thế hệ con em họ được gặp, được nghe một trong những nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam nói về khởi nghiệp, lựa chọn ước mơ.

Những ước mơ của các em sẽ góp phần vào màu xanh quê hương, vào sự trù phú của mảnh đất nơi những người trẻ đã ngã xuống để đổi lấy sự hòa bình.

Trong những ngôi trường đang thắp lên những ước mơ áo trắng của tuổi học trò, chúng tôi đã gặp không ít những ánh mắt sáng ngời, tự tin hơn gấp nhiều lần khi được nghe Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói chuyện.

Không chỉ được nghe thầy nói chuyện, các em còn có dịp được đặt trực tiếp câu hỏi cho Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Cách trả lời của thầy Dũng cũng rất đặc biệt, mang tính gợi mở và đằng sau những câu trả lời đó còn có cả những lời gửi gắm về thực hiện ước mơ, dám ước mơ lớn để thay đổi cuộc đời hay học để làm người tự do, tự do lựa chọn cuộc sống của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng dành cho các em khiến các em quyết tâm hơn trên chặng đường phía trước.

Những ánh mắt e ngại tại Trường Nguyễn Hữu Thận nơi mới xảy ra sự cố đau lòng khiến thầy và trò cùng áy náy hay những ánh mắt chưa tự tin của các bạn học sinh người Pako – Vân Kiều…đều thay đổi và rạng ngời và khi được hỏi không ít em cho chúng tôi biết các em sẽ quyết tâm thực hiện ước mơ dù khó khăn thế nào.

Ngược mưa cửa biển...(Ảnh: LC)
Ngược mưa cửa biển...(Ảnh: LC)

Những kiến thức thế nào là Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data), Robot thế hệ mới, Công nghệ Nano và sự phát triển theo hàm số mũ của các ngành Tin học, Công nghệ sinh học, vật liệu mới, Công nghệ in 3D, nông nghiệp theo chiều thẳng đứng…thách thức và cơ hội của các em trong sự phát triển của thời đại bằng cách truyền tải gần gũi, Giáo sư Lân Dũng đã giúp các em tự hình thành cho mình mục đích học và xác định mục tiêu của đời mình.

Không chỉ vậy, ngoài kiến thức để tiếp cận với thời kỳ cách mạng 4.0, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng còn trò chuyện với các em học sinh về kỹ năng sống, về cách ứng xử với mọi người….

Trong suối nhiều giờ đồng hồ, thầy giáo già đóng vai trò là người kể chuyện, người gieo hạt ước mơ xuống những mảnh đất tâm hồn đầy trong trẻo của các cô cậu học trò.

Những câu danh ngôn sâu sắc về lòng hiếu thảo, lòng hiếu học, tình bạn, tình nghĩa thầy trò, tình yêu đôi lứa, nghị lực sống, ý chí vượt khó…những tấm gương, nhưng câu chuyện bình dị mà thấm thía đối với các em. Những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng ý nghĩa vô cùng.

Sân trường ngày nay không còn là những hố bom đau thương nữa, sân trường ở Quảng Trị đã nhường lại màu xanh của bình yên và khát vọng tuổi trẻ. (ảnh: LC)
Sân trường ngày nay không còn là những hố bom đau thương nữa, sân trường ở Quảng Trị đã nhường lại màu xanh của bình yên và khát vọng tuổi trẻ. (ảnh: LC)

Dưới những sân trường mà trước kia những hố bom được lấp bằng tiếng hát lao động của thầy và trò, những thế hệ mới ra trường cứ lần lượt đem theo ước mơ khát vọng của tuổi trẻ đi đến những miền xa của Tổ quốc.

Có lẽ, những người trẻ ấy sẽ mang theo câu chuyện của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trước sân trường trong suốt hành trình của tuổi trẻ và khát vọng.

Các buổi hội thảo đều kết thúc bằng màn vỗ tay nồng nhiệt của các em học sinh, những khái niêm mới về việc học lần đầu tiên các em được nghe thấy.

Nhưng có lẽ người bất ngờ nhất vẫn là các thầy cô giáo “bỗng nhiên” được tặng sách.

Sự bất ngờ ấy khiến các em học sinh đầu tiên thấy cô, thầy mình run và hạnh phúc như thế…

Ở cái tuổi 82, những người khác sẽ dành thời gian vui vầy bên con cháu, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã chọn cho mình thời gian dành bên các em học sinh trước ngưỡng cửa cuộc đời, nơi Nhà giáo nhân dân gửi lại ước mơ cho cách em mai sau.

TRẦN PHƯƠNG